Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

Chương VI

Đăng lúc: 17/09/2021 (GMT+7)
100%

Chương VI

ĐẢNG BỘ LÃNH ĐẠO TOÀN DÂN XÂY DỰNG,

BẢO VỆ TỈNH KIỂU MẪU - CĂN CỨ,

HẬU PHƯƠNG KHÁNG CHIẾN CẢ NƯỚC (1947 - 1950)

Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Đảng ta đã thấy trước: thực dân Pháp sẽ tiến hành xâm lược 3 nước Đông Dương một lần nữa. Dưới sự chỉ đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã tranh thủ mọi khả năng hòa bình chuẩn bị lực lượng và điều kiện tiến hành trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Sau khi đánh chiếm thành phố Hải Phòng, Lạng Sơn, tiến hành gây chiến ở thủ đô Hà Nội, Chính phủ Pháp gạt bỏ mọi khả năng đàm phán hòa bình, lao sâu vào con đường xâm lược 3 nước Đông Dương bằng vũ lực. Dân tộc ta muốn hòa bình, nhưng thực dân Pháp dồn dân tộc ta vào con đường phải cầm vũ khí chiến đấu bảo vệ chủ quyền dân tộc.

Để bảo vệ Tổ quốc, ngày 18 và 19-12-1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Hội nghị mở rộng tại làng Vạn Phúc (Hà Đông), quyết định phát động cuộc kháng chiến chống Pháp trên quy mô toàn quốc.

Đêm 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Người nói:

“Hỡi đồng bào toàn quốc!

Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới: vì chúng quyết tâm cướp nước một lần nữa!

Không! Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Đáp lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân Thanh Hóa: không phân biệt nam, nữ, già, trẻ, dân tộc, tôn giáo đã nhất tề đứng dậy đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược.

I- XÂY DỰNG, BẢO VỆ THANH HÓA KIỂU MẪU TRONG NHỮNG NĂM ĐẦU KHÁNG CHIẾN (1947 -1948)

Trong những năm đầu kháng chiến, không khí chuẩn bị chiến đấu sôi nổi, khẩn trương bao trùm toàn bộ xã hội. Tỉnh ủy nghiên cứu hướng dẫn cơ quan quân sự, các ngành, các cấp xây dựng sắp xếp lực lượng bố phòng, bảo mật trừ gian,... Mỗi người dân Thanh Hóa trở thành mỗi người lính đứng trong thế trận chiến tranh nhân dân.

Ngày 20-2-1947, một sự kiện lịch sử trọng đại diễn ra trên địa bàn Thanh Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh đạo tối cao của cuộc kháng chiến chống Pháp đã vào Thanh Hóa, trực tiếp giao nhiệm vụ cho nhân dân tỉnh nhà xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu - căn cứ, hậu phương chiến lược của kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trong tầm nhìn Chủ tịch Hồ Chí Minh: Thanh Hóa là một tỉnh tự do có một vị thế chiến lược cực kỳ xung yếu. Lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm, Thanh Hóa luôn luôn giữ vai trò căn cứ chiến đấu, hậu phương chiến lược của các cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại. Nhân dân Thanh Hóa có truyền thống yêu nước chống ngoại xâm kiên cường bất khuất, có khả năng và kinh nghiệm xây dựng, bảo vệ căn cứ, hậu phương kháng chiến. Đảng bộ Thanh Hóa ra đời sớm, có trình độ và kinh nghiệm tổ chức, lãnh đạo cách mạng và đã từng xây dựng chiến khu du kích Ngọc Trạo - một trong hai chiến khu cách mạng đầu tiên của cả nước.

Người chỉ thị: “Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiêu mẫu... Phải làm sao cho mọi mặt: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa phải là kiểu mẫu, một nhà kiểu mẫu. Làm một người kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu. Quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu”[1].

Người chỉ rõ: về chính trị toàn dân đoàn kết, yêu nước, chống Pháp. Chính quyền phải là đầy tớ của nhân dân, phải thanh khiết từ to đến nhỏ.

Về quân sự: Phá hoại triệt để cản bước tiến quân thù, tổ chức chiến tranh du kích đánh địch, giúp đỡ gia đình thương binh, liệt sỹ, bộ đội,...

Về kinh tế: Phải sản xuất tự cấp tự túc, dù thực dân Pháp phong tỏa 10 năm, 15 năm cũng không sợ. Phải làm cho người nghèo đủ ăn, người giàu thì giàu thêm. Phải lấy sức dân, của dân, tài dân làm lợi cho dân, chống ỷ lại Chính phủ, phát huy ý thức tự lực tự cường...

Về văn hóa: Phải tiêu diệt giặc dốt, làm cho mọi người biết đọc, biết viết, phải phát triển phong trào bình dân học vụ, xây dựng phát triển hệ thống giáo dục phổ thông, nâng cao dân trí, chăm lo sức khỏe cho nhân dân lao động.

Để xây dựng thành công Thanh Hóa kiểu mẫu, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra những điều kiện cơ bản:

Một là, phải xây dựng được đội ngũ cán bộ có đức, có tài: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là người đem chính sách của Chính phủ, của đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thực hiện được”(1).

Hai là, phải động viên được mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh tham gia. Người viết: “Tôi mong rằng, trong công việc đó, tất cả những người có tài, có đức, có sức, có của, có công đều hăng hái ra giúp, toàn thể đồng bào trong tỉnh đều hăng hái tham gia. Như thế thì nhất định sẽ thành công”(2).

Xây dựng Thanh Hóa thành kiểu mẫu tức là xây dựng chế độ dân chủ nhân dân phát triển toàn diện ở hậu phương, tạo ra tiềm lực hùng hậu đảm bảo đời sống của nhân dân trong tỉnh và chi viện cho kháng chiến. Đó chính là tầm cao mới - tầm cao Hồ Chí Minh trong việc định ra các vấn để chiến lược, sách lược cho đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng.

Được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu là niềm vinh dự lự hào, đồng thời là trách nhiệm to lớn vẻ vang của Đảng bộ, nhân dân toàn tỉnh.

Vượt lên những khó khăn thử thách, vận dụng sáng tạo chủ trương của Đảng, chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hoàn cảnh cụ thể, Đảng bộ Thanh Hóa đã tìm ra những giải pháp sắc bén tổ chức chỉ đạo các phong trào thi đua yêu nước rộng khắp trên tất cả các vùng, miền trong tỉnh thực hiện hai nhiệm vụ cơ bản xây dựng, bảo vệ căn cứ hậu phương Thanh Hóa.

Để tổ chức toàn dân tích cực tham gia kháng chiến, Tỉnhủy chỉ đạo các cấp lập UBKC (ủy ban kháng chiến) theo chỉ thị của Chính phủ. Cuối tháng 3 - 1947, UBKC tỉnh Thanh Hóa được thành lập. Chủ tịch UBKC tỉnh Thanh Hóa là đồng chí Đặng Việt Châu - phái viên của Chính phủ bổ nhiệm. Trong các tháng 4 và 5, các UBKC huyện, xã trong tỉnh được thành lập. Hệ thống UBKC từ tỉnh đến xã song song cùng với hệ thống UBHC (ủy ban hành chính) các cấp chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy và các cấp ủy địa phương. Nhiệm vụ của UBKC các cấp là giúp cấp ủy thực hiện và đôn đốc các nhiệm vụ, công tác kháng chiến, như xây dựng làng kháng chiến, căn cứ kháng chiến, lực lượng vũ trang, đội du kích, dân quân tự vệ, công tác phá hoại chống giặc, giúp đỡ đồng bào tản cư, động viên nhân dân góp sức người, sức của cho công cuộc kháng chiến. Tháng 6-1947, UBKC và UBHC các cấp được hợp nhất thành ủy ban hành chính kháng chiến (UBHCKC) để thống nhất chỉ đạo nhiệm vụ kháng chiến - kiến quốc. Sau khi hợp nhất, đồng chí Đặng Việt Châu được Chính phủ chỉ định làm Chủ tịch. Đồng chí Đặng Thai Mai, Chủ tịch UBHC tỉnh được Trung ương điều ra Việt Bắc nhận nhiệm vụ mới.

Xây dựng, củng cố, phát triển lực lượng vũ trang là yêu cầu tất yếu của kháng chiến. Đến đầu năm 1947, Tỉnh ủy chỉ đạo chuyển Chi đội Đinh Công Tráng thành trung đoàn vệ quốc quân của tỉnh, thành lập tiểu đoàn cảnh vệ trực thuộc UBHCKC, các đơn vị bộ đội huyện và các đơn vị du kích tập trung của xã...

Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy huyện thành lập các huyện bộ đội dân quân, xã bộ đội để chăm lo việc xây dựng phát triển lực lượng dân quân, du kích. Đến tháng 9-1947, các huyện đồng bằng ven biển và các huyện miền núi Thạch Thành, Cẩm Thủy đã thành lập huyện bộ đội dân quân, các xã thành lập được xã đội. Các huyện thượng du: Bá Thước, Quan Hóa, Lang Chánh, Ngọc Lặc, Như Xuân, Thường Xuân(1) chưa thành lập được huyện đội, xã đội. Một số đơn vị của Trung đoàn chủ lực tỉnh (Trung đoàn 77) hỗ trợ giúp đỡ xây dựng lực lượng dân quân địa phương, đẩy mạnh các hoạt động quân sự cần thiết. Đến ngày 9-10-1947, UBHCKC tỉnh Thanh Hóa quyết định thành lập tỉnh bộ đội dân quân Thanh Hóa, cơ quan chỉ huy các lực lượng vũ trang địa phương trong tỉnh, bao gồm dân quân tự vệ, du kích tập trung trực thuộc sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Tỉnh ủy và UBHCKC tỉnh Thanh Hóa. Ở 6 huyện thượng du, thành lập có ban lãnh đạo dân quân Thượng du chăm lo việc phát triển, xây dựng lực lượng dân quân ở miền núi, trực thuộc sự chỉ huy của tỉnh bộ đội Thanh Hóa; về mặt hành chính thuộc UBHCKC Thượng du.

Lực lượng vũ trang tỉnh gồm trung đoàn 77, Tiểu đoàn cảnh vệ và các lực lượng Công an nhân dân. Lực lượng vũtrang nhân dân toàn tỉnh lên tới 200.000 chiến sỹ. Đây là lực lượng sẵn sàng chiến đấu tại chỗ, đủ sức đập tan mọi cuộc tiến công của địch. Đồng thời còn là lực lượng hậu bị to lớn, thường xuyên bổ sung cho quân chủ lực Vệ quốc đoàn. Vấn đề vũ khí, quân trang và lương thực cung cấp cho bộ đội và các lực lượng vũ trang nhân dân trong tỉnh lúc này vô cùng khó khăn. Tỉnh ủy chỉ đạo cho các cấp vận động nhân dân góp tiền của công sức mua vũ khí, quân trang, lương thực cho các đơn vị vũ trang. Nhiều địa phương có sáng kiến cấp hoặc nhường ruộng đất công cho các đơn vị du kích sản xuất làm quỹ mua vũ khí, quân trang và tự túc lương thực. Ngoài sự đóng góp của nhân dân, Tỉnh ủy đã chủ trương thành lập binh công xưởng Đức Huấn, Cao Thắng, Phạm Hồng Thái sản xuất lựu đạn, súng, mìn và các loại vũ khí thô sơ cung cấp cho lực lượng vũ trang nhân dân trong tỉnh. Quân trang rất thiếu. Cán bộ chỉ được cấp hai bộ áo vải sợi to nhuộm nâu, chàm hoặc lá bàng. Quần áo không đủ để cấp, nhiều chiến sỹ phải xin gia đình mua sắm. Thuốc chữa bệnh rất thiếu. Y tá các đơn vị dựa vào dân, dùng thuốc nam để chữa bệnh cho binh sỹ lúc ốm đau.

Thực hiện tiêu thổ kháng chiến, Tỉnh ủy chỉ đạo UBHCKC tỉnh và các cấp đẩy mạnh công tác phá hoại đường giao thông, cầu cống, nhà cửa cao tầng ở thị xã và các thị trấn quan trọng theo kế hoạch. Ghi nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Phá hoại để kháng chiến”, “Tản cư cũng là kháng chiến”, nhân dân thị xã Thanh Hóa hăng hái, tự nguyện phá nhà cửa, phố phường tản cư về vùng nông thôn xây dựng cuộc sống mới và tham gia công cuộc kháng chiến. Từ tháng 3-1947 đến tháng 9-1947, thị xã Thanh Hóa được san bằng, đánh sập các công sở xây dựng thời Pháp thuộc như Tòa sứ, Kho bạc, Sở đoan, Nhà dây thép, Khách sạn Rây-Nô và các dinh thự của quan lại triều đình nhà Nguyễn như dinh Tổng đốc, Bố chánh, án sát và khu Hành cung của nhà vua. Cầu sắt Hàm Rồng bắc qua Sông Mã từ đầu thế kỷ XX bị đánh chìm xuống lòng sông. Tòa thành (gọi là Thành Hạc) có từ đầu thế kỷ XIX khi tỉnh lỵ Thanh Hóa được thành lập, cũng phải phá. Chỉ trong mấy tháng, một tỉnh lỵ - thành phố được xây dựng hội tụ gần 2 thế kỷ trở thành một vùng hoang tàn. Thiết bị, máy móc của các cơ sở công nghiệp (quy mô nhỏ) như nhà máy điện, nước, nhà máy diêm, nhà in tư nhân được chuyển về các huyện để sử dụng vào các công việc kháng chiến. Riêng các đền chùa trong thị xã, nhà thờ Thiên chúa giáo và các công trình tôn giáo như Trường Tiểu chủng viện, Trường Dòng... vẫn được giữ nguyên. Thị trấn Sầm Sơn, các thị trấn huyện lỵ như phố Phong Ý (Cẩm Thủy), phố Bái Thượng (Thọ Xuân), phố Giáng (Vĩnh Lộc). Đò Lèn (HàTrung),... được nhân dân tự nguyện phá dỡ nhà cửa kiên cố. Năm 1947, nhân dân trong tỉnh cùng lực lượng dân quân tự vệ đã đào phá trên 100km đường giao thông, bóc dỡ hơn 80km đường sắt, đánh sập 9 cầu lớn, 5.000 nhà kiên cố.Ở huyện Nông Cống, chỉ trong một ngày với những dụng cụ thô sơ, nhândân và dân quân đã bóc xong đường sắt chạy từ ga Yên Thái đến ga Thị Long dài 20 km, đánh sập 3 cầu sắt.

Toàn dân thực hiện khẩn trương, hiệu quả Chỉ thị “Tiêu thổ kháng chiến” của UBKC là thể hiện sự tin tưởng của nhân dân đối với Đảng, Chính phủ và thể hiện quyết tâm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Phá hoại để kháng chiến”,... “Đánh thì phải phá hoại”... “Phá để chặn chúng lại, không cho chúng tiến lên”... “Kháng chiến thắng lợi sẽ làm những đường sá, cầu cống khéo hơn. nhà cửa tốt hơn và xứng đáng với một dân tộc tự do, độc lập.. .”(1).

Song song với “Tiêu thổ kháng chiến”, Tỉnh ủy chỉ đạo các ngành, các cấp và nhân dân trong tỉnh (đặc biệt là các cơ quan quân sự, công an) tích cực xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, sẵn sàng chiến đấu đập tan các cuộc tiến công của địch bảo vệ hậu phương trong mọi tình huống. Vùng ven biển và các khu vực trọng yếu, nhân dân đã kết hợp với lực lượng vũ trang rào làng chiến đấu, xây dựng hệ thống giao thông hào liên thôn, liên xã tiện lợi cho việc chiến đấu phòng thủ và tiến công địch, xây dựng hầm hào bí mật cất dấu lương thực, thực phẩm, của cải và ẩn nấp. Tỉnh ủy chủ trương khi địch tấn công, triệt để làm nhà không, vườn trống, tổ chức sơ tán, phân tán bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân.Các cơ quan quân sự, công an xây dựng và từng bước hoàn chỉnh các phương án chiến đấu, các phương án phòng thủ trị an. Các huyện vùng trung châu, ven biển được chia thành 5 khu vực bố phòng và được bố trí lực lượng sẵn sàng chiến đấu tiêu diệt quân thù.

Khu vực I: Nga Sơn, Hà Trung, Hậu Lộc.

Khu vực II: Hoằng Hóa, Đông Sơn, Quảng Xương, Tĩnh Gia.

Khu vực III: Thạch Thành, Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc.

Khu vực IV: Thọ Xuân.

Khu vực V: Thiệu Hóa, Yên Định.

Việc chủ động xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân đã tạo ra điều kiện thuận lợi huy động sức mạnh của toàn dân tham gia công cuộc kháng chiến, nâng cao thế chiến lược sẵn sàng đè bẹp các cuộc tiến công của địch, bảo vệ vững chắc hậu phương kháng chiến.

Công việc giúp đỡ đồng bào tản cư từ thành phố, thị trấn về nông thôn và đồng bào từ khu III, Hà Nội, Bình - Trị - Thiên đã được Tỉnh ủy, UBHCKC tỉnh và các cấp chăm sóc chu đáo. Nhân dân các địa phương đã đón tiếp đồng bào tản cư, giúp đỡ nơi ở, giúp ruộng đất, nông cụ, vốn, nguyên liệu. Nhiều tụ điểm dân cư mới hình thành như Rừng Thông, Hậu Hiền, phố Cầu Thiều, Quán Giắt, phố Cầu Quan, phố Cầu Vàng (Yên Định), phố Kim Tân (Thạch Thành),... Tình đoàn kết thân ái giữa đồng bào địa phương và đồng bào tản cư ngày càng gắn bó.

Vừa tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo vào công việc xây dựng lực lượng vũ trang, chuẩn bị thế trận chiến tranh nhân dân, Đảng bộ Thanh Hóa vừa lãnh đạo nhân dân trong tỉnh đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, văn hóa, nâng cao dân trí phục vụ kháng chiến kiến quốc.

Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp vận động nhân dân thực hiện khẩu lệnh “Tấc đất tấc vàng”, khuyến khích khai hoang, phục hóa mở rộng diện tích cày cấy, trồng cây lương thực. Vận động nhân dân góp công sức đào mương, đắp đập lấy nước chống hạn cho đồng ruộng, ở những làng xã có ruộng công (công điền, công thổ), UBHCKC chỉ đạo các cấp thực hiện việc chia ruộng cho phụ nữ từ 18 tuổi trở lên. Trước Cách mạng tháng Tám, phụ nữ không được chia công điền, chỉ nam giới có tên trong “Sổ đinh” của làng mới dược chia. Những làng có nhiều ruộng tư, ủy ban xã, đoàn thể cứu quốc đứng ra vận động các chủ ruộng nhường bớt ruộng cho người nghèo cày cấy hoặc cho mượn ruộng theo thời vụ, không phải nộp tô hoặc nộp tô thấp. Những nơi có nhiều đồi núi, UBHCKC huyện cho lập những trại sản xuất dân quân. Hoa lợi thu hoạch được (lúa, ngô, sắn) làm quỹ tự túc nuôi dưỡng du kích tập trung. Một số địa phương có ruộng đất vắng chủ (phần nhiều của những địa chủ, quan lại vắng mặt) được chính quyền tạm chia cho nông dân nghèo cày cấy. Trong năm 1947 đã có trên 400 hộ nông dân được nhận ruộng tạm chia.

Bằng các biện pháp khuyến khích phát triển nông nghiệp, diện tích canh tác được mở rộng, năng suất sản lượng lương thực tăng, nạn đói bị đẩy lùi, nhân dân có lương thực đóng góp cho kháng chiến. Năm 1947, cả tỉnh đạt sản lượng thóc trên 260.000 tấn, ngô trên 7.800 tấn, khoai lang trên 48.000 tấn, bông sợi (để dệt vải) đạt 547 tấn(1). Các nghề thủ công như dệt vải, làm gốm sành, làm giấy, đan lát được phục hồi và phát triển.

Trong khi quân dân Thanh Hóa cùng quân dân cả nước đang đẩy mạnh công cuộc kháng chiến kiến quốc, tháng 2-1947, quân đội viễn chinh Pháp ồ ạt đánh chiếm Trung trung bộ, Tây Bắc, Đông Bắc, đường số 5 và đồng bằng Bắc Bộ nhằm giải vây các thành phố, thị xã, kiểm soát các đường giao thông, tạo thế bao vây lực lượng của ta từ Tây sang Đông, từ núi xuống biển để nhanh chóng hoàn thành chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh của chúng.

Tại Thanh Hóa, từ tháng 4-1947 đến tháng 8-1947, giặc Pháp đẩy mạnh các hoạt động quân sự phá rối vùng ven biển và chiếm đóng một số điểm xung yếu khu vực miền Tây Thanh Hóa. Tàu chiến của địch đậu ngoài khơi thả các toán biệt kích vào Diêm Phố (Hậu Lộc), Lạch Trường (Hoằng Hóa), Du Xuyên, Ba Làng (Tĩnh Gia) đốt phá, cướp bóc tài sản của dân. Máy bay địch ném bom phố Vạn Hà (Thiệu Hóa), đập Bái Thượng (Thọ Xuân), khu vực thị xã,ở miền núi, giặc Pháp từ miền Thượng Lào cho nhiều toán quân theo sông Mã, sông Luồng, sông Lò tiến sâu vào huyện Quan Hóa. Ngày 01-5-1947, địch chiếm đóng thị trấn Hồi Xuân của huyện Quan Hóa. Ngày 7-5-1947, địch tiến quân đánh chiếm xã Cổ Lũng (Bá Thước), ở phía Tây Nam, địch kéo quân từ Sầm Nưa (Hủa Phăn, Lào) tràn vào chiếm đóng xã Yên Khương (Lang Chánh) và xã Bát Mọt (Thường Xuân)(2)lập lên hành lang Đông - Tây với âm mưu chia cắt miền Tây với nội địa Thanh Hóa, tổ chức các đảng phái phản động, mưu đồ lập xứ Mường tự trị.

Ở miền Tây, các đại đội độc lập của Trung đoàn 77 và hai đại đội Cầm Bá Thước, Hà Văn Mao phối hợp với dân quân du kích các xã bao vây chặn đánh tiêu hao, tiêu diệt địch. Nhân dân các dân tộc đã tựtay phá nhà cửa, thực hiện “Vườn không nhà trống” đem lương thực, thực phẩm ủng hộ bộ đội du kích, cung cấp tin tức hoạt động của địch. Trước sức mạnh đoàn kết chiến đấu của các lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc miền núi, giặc Pháp bị cô lập và bị bao vây.

Quân dân các huyện miền núi đã tổ chức chiến đấu hàng trăm trận lớn nhỏ, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, đậptan hành lang Đông - Tây, xóa sổ các tổ chức phản động tay sai giặc Pháp. Tiêu biểu là các trận đánh sau đây:

Tháng 6-1947, bộ đội và du kích Quan Hóa chặn đánh 100 tên lính tiếp viện cho đồn Hồi Xuân (bằng bẫy đá, lựu đạn, súng kíp, súng trường) tiêu diệt 31 tên lính và 2 tên chỉ huy Pháp.

Tháng 7-1947, Đại đội 72 cùng du kích các xã: Hồi Xuân, Nam Xuân, Phú Nghiêm, Nam Động (Quan Hóa) buộc địch bỏ đồn rút chạy.

Tháng 8-1947, quân dân miền Tây bao vây tấn công các đồn Cổ Lũng, La Hán, Bát Mọt, Yên Khương,... buộc địch bỏ đồn rút chạy về biên giới Việt - Lào, quân ta giải phóng miền Tây lần thứ nhất.

Cùng với thắng lợi của quân dân miền Tây, quân dân các huyện duyên hải đã đập tan các cuộc càn quét của địch buộc chúng phải lên tàu rút chạy. Công an, bộ đội, dân quân các huyện Nga Sơn, Tĩnh Gia, Nông Cống, Quảng Xương, Hà Trung đã đập tan các tổ chức phản động “Mặt trận quốc gia thống nhất”, “Mặt trận giải phóng dân tộc”, ngăn chặn kịp thời vụ bạo loạn của chúng ở Mậu Thôn (Nông Cống cũ); bắt sống 105 tên phản động. Tòa án quân sự Liên khu IV tuyên án tử hình 4 tên, 3 tên bị tù giam 20 năm, các tên khác từ 3 - 5 năm tù.

Cuối năm 1947, giặc Pháp bị thất bại nặng nề ở Việt Bắc(1), tạo đà cho quân và dân cả nước ta tiến lên tiếp lục giành thắng lợi mới và buộc địch phải co cụm về vùng đồng bằng, tăng cường càn quét, mở rộng vùng chiếm đóng, lập hội tề, lập chính quyền bù nhìn thực hiện chiến lược “Dùng người Việt đánh người Việt”, “Lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”.

Tháng 01-1948, Hội nghị Trung ương Đảng họp tại Việt Bắc chỉ rõ những âm mưu thâm độc của địch, vạch ra những nhiệm vụ lớn về chính trị, quân sự, kinh tế nhằm lãnh đạo quân dân cả nước đưa cuộc kháng chiến tiến lên. Nghị quyết Trung ương nhấn mạnh: “... Sau chiến thắng Việt Bắc, lực lượng so sánh giữa ta và địch có nhiều chuyển biến. Giặc Pháp càng gặp khó khăn và tự thấy suy yếu - đã đến lúc không thể tung lực lượng ra chiếm đất ta một cách dễ dàng như trong thời kỳ kháng chiến toàn quốc bùng nổ... Nhưng chúng có thể cố gắng vơ vét, lực lượng trong nước và thuộc địa, cầu cứu bọn phản động thế giới để đánh ta những trận đánh ác liệt hơn nhiều... Chiến tranh thực sự sẽ diễn ra khắp nước.. ,”(1).

Được Nghị quyết của Trung ương soi sáng, tháng 2-1948, Đảng bộ tỉnh tổ chức Đại hội Đại biểu lần thứ I tại làng Thuần Hậu (xã Xuân Minh, Thọ Xuân), kiểm điểm việc thực hiện chỉ thị kháng chiến kiến quốc của Trung ương Đảng, thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Xây dựng Thanh Hóa kiểu mẫu”. Đại hội đã đề ra những nghị quyết quan trọng lãnh đạo toàn dân tập trung mọi nỗ lực “Xây dựng Thanh Hóa thành hậu phương vững mạnh của cuộc kháng chiến, cung cấp sức người, sức của cho chiến trường; tổ chức chiến đấu tại chỗ, bảo vệ hậu phương trong mọi tình huống…"(2)Đại hội đề ra khẩu hiệu “Thượng du thắng là Thanh Hóa thắng” nhằm tập trung sự chỉ đạo xây dựng bảo vệ miền Tây - địa bàn chiến lược quan trọng của cách mạng Thanh Hóa và cách mạng Lào.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và cử đồng chí Hồ Viết Thắng(3), cán bộ Khu ủy IV tăng cường làm Bí thư Đảng bộ tỉnh.

Sau Đại hội, Tỉnh ủy đã điều động 200 cán bộ, đảng viên các huyện miền xuôi bổ sung cho các huyện miền núi nhằm củng cố chính quyền, xây dựng lực lượng vũ trang, xâydựng Đảng và tổ chức quần chúng. Cán bộ tỉnh được tăng cường đã cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào các dân tộc, tổ chức sản xuất, phát triển văn hóa, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng lực lượng vũ trang. Công tác phát triển đảng viên, xây dựng cơ sở Đảng ở Thượng du là một quá trình bền bỉ lâu dài, liên lục và phải vượt qua nhiều khó khăn cản trở.

Tỉnh ủy quyết định thành lập Đảng bộ Ban miền Tây, bước đầu là tổ chức Hội Kháng chiến (viết tắt là HKC) tập hợp những quần chúng tiến bộ tuyên truyền giác ngộ đường lối, chủ trương của Đảng, tạo ra hạt nhân nòng cốt cho phong trào cách mạng. Sau đó lựa chọn những quần chúng ưu tú bồi dưỡng kết nạp Đảng. Cuối năm 1948, hầu hết các huyện miền núi Thanh Hóa đã có tổ chức HKC.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy Ban cán sự miền Tây, nhân dân các dân tộc ra sức chiến đấu bảo vệ bản mường quê hương, ở những nơi địch tạm chiếm, đồng bào phá đường, phá cầu ngăn chặn các cuộc hành quân của địch, tự tay đốt gần 400 nóc nhà rồi tản cư vào vùng rừng sâu, núi cao làm “Vườn không nhà trống” để đánh địch. Đồng bào giúp bộ đội, cán bộ lương thực, dẫn đường cho bộ đội tiến công tiêu diệt địch.

Cùng với xây dựng lực lượng dân quân du kích, Đảng bộ ban miền Tây đã lãnh đạo đồng bào các dân tộc tích cực đấu tranh củng cố chính quyền và xây dựng các đoàn thể quần chúng.

Tại Lang Chánh: Cha con Kỳ, Tín, những tên lang đạo có thế lực nắm giữ chức vụ chủ chốt trong chính quyền huyện và Ban Dân quân Thượng du. Lợi dụng vào điều kiện hiểm yếu của núi rừng, cha con Kỳ, Tín bí mật xây dựng chiến khu và lập lực lượng vũ trang, lũng đoạn chính quyền, bắt cóc, giết hại cán bộ, bộ đội, ức hiếp quần chúng, tổ chức các vụ cướp của giết người, liên hệ với quân đội Pháp xin vũ khí chống đối lực lượng vũ trang cách mạng, gây ra không ít khó khăn trở ngại cho sự nghiệp cách mạng khu vực miền núi.

Sau nhiều lần tuyên truyền giáo dục, cha con Kỳ, Tín vẫn “ngựa theo đường cũ”, chính quyền cách mạng tỉnh đã tổ chức bắt sống cha con Kỳ, Tín và nhiều tên phản động ở Lang Chánh, Ngọc Lặc, Bá Thước, Quan Hóa. Cha con Kỳ, Tín đã bị tuyên án tử hình vì tội phản quốc, hại dân.

Sau một thời gian vừa xây dựng vừa đấu tranh với những hành động phá hoại của bọn phản động, chính quyền các huyện miền núi đã được củng cố vững chắc, bọn lang đạo phản động đã bị loại bỏ; cán bộ, đảng viên tốt nắm giữ các chức vụ quan trọng. Từ đó phong trào cách mạng miền núi phát triển liên tục và mạnh mẽ.

Cùng với xây dựng cơ sở cách mạng ở khu vực miền núi, Tỉnh ủy đã tích cực chỉ đạo các huyện vùng Trung châu xây dựng củng cố phát triển hệ thống chính trị và phong trào cách mạng.

Tháng 10-1945, Hội nghị Đại biểu các cơ sở Đảng huyện Thọ Xuân thành lập Đảng bộ huyện và bầu Huyện ủy lâm thời. Tháng 11-1945, Đảng bộ thị xã Thanh Hóa ra đời, thống nhất sự lãnh đạo trong toàn thị. Tính đến năm 1948, hầu hết các huyện vùng Trung châu đã xây dựng được Đảng bộ huyện, xây dựng được nhiều chi bộ ghép (liên xã) và một số chi bộ xã. Từ 57 đảng viên năm 1945 đã phát triển lên hàng ngàn đảng viên, sức chiến đấu của Đảng được tăng cường trên mọi phương diện.

Tiếp tục phát triển thành quả cách mạng đạt được trong những năm 1945 - 1946, thực hiện Chỉ thị của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Thanh Hóa đã tích cực tổ chức lãnh đạo đồng bào các dân tộc trong tỉnh phấn đấu xây dựng, bảo vệ Thanh Hóa - căn cứ hậu phương kháng chiến của dân tộc. Trong hai năm (1947 - 1948) vừa xây dựng, củng cố, phát triển chế độ dân chủ nhân dân trên tất cả các phương diện: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa,... vừa chiến đấu chống thù trong giặc ngoài, bảo vệ hậu phương, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã tạo ra những thành tựu bước đầu, đặt nền tảng cho sự hình thành phát triển của một tỉnh kiểu mẫu.

 

 

II- TIẾP TỤC XÂY DỰNG, BẢO VỆ THANH HÓA KIỂU MẪU TRONG ĐIỀU KIỆN QUÂN THÙ TẤN CÔNG TỪ MỌI HƯỚNG, BẰNG MỌI LỰC LƯỢNG (1949 - 1950)

Cuối năm 1948, thực dân Pháp lại cho quân từ Lào sang miền Tây Thanh Hóa càn quét và chiếm đóng các khu vực trọng yếu dọc biên giới. Riêng huyện Quan Hóa, địch tràn sang chiếm đóng 6/13 xã. Chúng tràn sang Bá Thước chiếm đóng vùng Cổ Lũng, một vị trí chiến lược trọng yếu ở miền Tây Thanh Hóa.

Tháng 01-1948, địch chiếm đóng đảo Mê xây dựng thành căn cứ, huấn luyện gián điệp và tung vào nội địa móc nối với bọn phản động nhằm phá hoại hậu phương.

Sau khi triển khai kế hoạch Rơ ve(1), số lượng quân được tăng cường lại và có sự viện trợ của Mỹ, quân đội Pháp mở rộng phạm vi chiếm đóng. Quân Âu Phi làm lực lượng cơ động và được sử dụng vào các cuộc tiến công lớn, củng cố đề cao ngụy quyền, thực hiện chiến lược “Lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt”... Tại Thanh Hóa, thực dân Pháp tăng cường thêm lực lượng chiếm đóng miền Tây, lập nên phòng tuyến sông Mã tiếp tục bao vây tấn công nội địa và xây dựng các tổ chức phản động như: “Liên bang Bắc Thái Trung Việt”, “Quân đội Thái tự do”... Chúng cho quân chiếm đóng vùng Tam Tổng, Nga Sơn, thường xuyên đổ bộ càn quét các vùng ven biển, cho tàu chiến, máy bay bắn phá các khu dân cư, kinh tế, quân sự, phong tỏa vùng biên, phá hoại kinh tế... Hoạt động phá hoại toàn diện của quân thù tạo ra không ít khó khăn thách thức đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ căn cứ hậu phương Thanh Hóa. Nhưng với quyết tâm tất cả cho sự nghiệp kháng chiến kiến quốc thắng lợi, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, toàn dân Thanh Hóa vừa sản xuất vừa chiến đấu xây dựng bảo vệ Thanh Hóa kiểu mẫu, tăng cường lực lượng hậu phương kháng chiến.

Thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng, Tỉnh ủy chỉ đạo Hội Nông dân cứu quốc các cấp cùng các đoàn thể trong Mặt trận Việt Minh - Liên Việt hướng dẫn nông dân xây dựng tổ đổi công, tạo ra điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất nông nghiệp. Nhờ có tổ đổi công, vần công, nông dân đã phát huy tình đoàn kết thân ái tương trợ trong sản xuất và đời sống, do vậy năng suất, sản lượng lương thực thực phẩm ngày càng tăng. Cuối năm 1948, cả tỉnh mới có 771 tổ đổi công, đến tháng 5-1949 đã có 4.000 tổ đổi công, vần công. Dựa vào tổ đổi công, nông dân giúp nhau khắc phục khó khăn, thiếu thốn, chống hạn, chống lụt bão; giúp nhau lao động để con em có điều kiện tham gia kháng chiến. Trên cơ sở tổ đổi công, đến năm 1950, toàn tỉnh ta đã xây dựng được 504 HTX nông nghiệp bậc thấp ở các huyện đồng bằng. Quan hệ sản xuất mới ở nông thôn đã tạo thế cho sản xuất nông nghiệp trong tỉnh phát triển. Năm 1949, diện tích trồng lúa tăng thêm 10.000 mẫu, ngô tăng 3.949 mẫu, cây bông sợi tăng 6.149 mẫu, khoai lang tăng 9.426 mẫu. Sản xuất Nông nghiệp đạt hiệu quả cao, cổ vũ quân, dân trong tỉnh hăng hái đẩy mạnh kháng chiến - kiến quốc. Nhân dân có điều kiện đóng góp cho kháng chiến. Riêng đợt mua lúa khao quân vào năm 1949, nhân dân trong tỉnh đã bán 7.936 tấn thóc và đóng góp hàng ngàn tấn để cấp dưỡng bộ đội địa phương. Tháng 6-1950, Hồ Chủ Tịch gửi thư khen ngợi nhân dân Thanh Hóa, đặc biệt là khen ngợi xã Tân Tiến (Hà Trung), Hoằng Lộc (Hoằng Hóa), Đông Anh (Đông Sơn) có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua giúp đỡ bộ dội, dân quân. Cùng với nâng cao năng suất, sản lượng lương thực, Đảng bộđã lãnh đạo nhân dân trong tỉnh đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm, gia súc tăng nguồn thực phẩm cải thiện đời sống, cung cấp cho cán bộ, bộ đội. Tính đến cuối năm 1948, trong tỉnh đã có đàn trâu, bò trên 15 vạn con, là nguồn sức kéo quan trọng trong nông nghiệp. Các năm sau có đà phát triển mạnh thêm.

Các nghề thủ công truyền thống trong tỉnh như dệt vải, dệt lụa, làm diêm, làm giấy, nghề rèn, đúc đồng, đan lưới phát triển mở rộng, làm ra những khối lượng hàng hóa lớn, cung cấp cho nhân dân, phục vụ kháng chiến. Trong khi địch tăng cường đánh phá, bao vây kinh tế, với sự phát triển của nông nghiệp và các nghề thủ công, tỉnh ta đã đảm bảo tự cung tự cấp trong điều kiện kháng chiến ác liệt. Nghề dệt vải và nghề làm giấy là những nghề phát triển mạnh. Năm 1950, trong tỉnh có trên 13.000 khung dệt vải khổ hẹp và 180 khung dệt khổ rộng, về làm giấy có 13 xưởng thuộc Nhà nước quản lý và hàng chục xưởng tư nhân. Xưởng giấy Đồng Minh, Xưởng giấy Lam Sơn, sản lượng đạt 18 tấn. Năm 1949, cả tỉnh đã phát triển trên 30 cơ sở sản xuất giấy đạt sản lượng 172 tấn/năm(1), cung cấp cho học sinh, cho các cơ quan, đoàn thể trong tỉnh, cung cấp cho tỉnh bạn và các cơ quan Trung ương.

Thiết bị máy móc tháo dỡ từ Nhà máy Diêm Hàm Rồng, Nhà máy điện thị xã, trên 450 tấn sắt thép và 18 tấn dây điện đã được chuyển về nông thôn góp phần xây dựng các công binh xưởng (còn gọi là xưởng quân giới): Đức Huấn, Phạm Hồng Thái, Cao Thắng,... Một số thiết bị khác dùng cho việc xây dựng Xưởng giấy Đồng Minh, Xưởng giấy Lam Sơn.

Công binh xưởng đã sản xuất được lựu đạn, mìn, vũ khí cầm tay, súng cối, súng phóng lựu, sửa chữa vũ khí thu được của địch như: Sơn pháo(1). Để phục vụ cho việc sản xuất vũ khí, Tỉnh ủy đã chỉ đạơ xây dựng cơ sở sản xuất diêm tiêu, khai thác ăngtymon, phốt phát, than bùn.

Tháng 3-1948, UBHCKC tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội chợ triển lãm kinh tế tại làng Đan Nê (Yên Thọ, Yên Định) giới thiệu một số sản phẩm công - nông nghiệp như: Thóc, gạo, bông, sợi, tơ, lụa, vải dệt, giấy viết, mật mía, đường thủ công, lâm thổ sản, một số vũ khí tự tạo như: Lựu đạn, mìn, súng kíp, những sản phẩm chế tạo từ quặng mỏ như: Diêm tiêu, phốt phát, than bùn, các loại vải hoa trắng, đen. Quy mô cuộc triển lãm không lớn, mặt hàng triển lãm chưa nhiều nhưng đã thể hiện được những bước phát triển của nền kinh tế Thanh Hóa trong khi cả nước đang gặp rất nhiều khó khăn. Nhân dân tham dự triển lãm tin tưởng thêm vào đường lối kháng chiến - kiến quốc của Đảng. Đáng tiếc, trong Hội chợ Đan Nê thiếu những sản phẩm vùng biển. Trong thực tế, nghề cá, nghề muối các năm 1947, 1948, 1949 đạt nhiều thành tích.

Quân dân vùng biển trong những năm 1949 - 1950 vừa tổ chức chiến đấu đập tan các cuộc càn quét ồ ạt của giặc từ biển vào, vừa bám biển, bám ô nại đánh cá và làm muối. Không chỉ đáp ứng yêu cầu thực phẩm cho nhân dân trong tỉnh mà còn cung cấp cho cán bộ, bộ đội, cho khu căn cứ cách mạng Lào tại tỉnh Hủa Phăn hàng trăm tấn cá khô, nước mắm, hàng ngàn tấn muối, đóng góp tích cực cho công cuộc kháng chiến.

Kinh tếtrong tỉnh phát triển, nhân dân các dân tộc càng hăng hái thi đua đóng góp công sức nhiều hơn vào công cuộc xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu - căn cứ, hậu phương kháng chiến mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng mong muốn.

Hưởng ứng chủ trương của Chính phủ, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tích cực tham gia mua “Công trái kháng chiến”, bán lúa khao quân, lúa cấp dưỡng bộ đội địa phương, đóng góp tiền của ủng hộ bộ đội mua sắm vũ khí giết giặc.

Năm 1948, cả tỉnh bán cho Nhà nước 789 tấn thóc khao quân thì năm 1949 đã bán 7.936 tấn thóc. Toàn tỉnh đã mua 18 triệu đồng và 4.061 tấn thóc “công phiếu kháng chiến". Huyện Nông Cống mua 2,2 triệu đồng, huyện Hà Trung mua 2,1 triệu đồng (giá thóc thời điểm đó từ 60 đến 90 đồng 1 tạ). Phong trào cấp dưỡng bộ đội địa phương diễn ra sôi động, rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh. Nhân dân các địa phương nhận nuôi bộ đội, du kích. Hội mẹ chiến sỹ chăm sóc, nuôi dưỡng thương bệnh binh, may sắm quần, áo, chăn màn ủng hộ mùa đông chiến sỹ. Chỉ tính trong năm 1949, toàn tỉnh đã đóng góp 10.960 tấn thóc, 100 triệu đồng và 400 mẫu ruộng cho quỹ cấp dưỡng bộ đội địa phương. Huyện Hoằng Hóa đã ủng hộ 11 triệu đồng, 600 tấn thóc, 40 mẫu ruộng, 12 con trâu, bò. Huyện Bá Thước nhận nuôi đơn vị bộ đội địa phương đang chiến đấu trên địa bàn huyện.

Cùng với đóng góp tiền của, nhân dân trong tỉnh tích cực động viên con em hăng hái tòng quân đánh giặc cứu nước. Các cụ già hăng hái gia nhập các đội lão quân, phụ nữ hăng hái gia nhập các đội nữ quân. Thiếu niên tham gia các đội thiếu niên quân. Tất cả già trẻ tham gia luyện tập quân sự, xây dựng làng kháng chiến.

Cuộc kháng chiến toàn quốc bước sang năm thứ ba, tương quan lực lượng thay đổi có lợi cho ta. Hội nghị Trung ương lần thứ 6 tại Việt Bắc đã nhận định: “... trong 3 năm kháng chiến ta càng đánh càng mạnh. Trong khi đó thực dân Pháp càng đánh càng suy nhược, càng lâm vào tình cảnh lúng túng.Tương quan lực lượng giữa ta và địch đã thay đổi, có lợi cho ta”(1). Hội nghị chủ trương: ‘‘Động viên mọi lực lượng tinh thần và vật chất của toàn dân vào công cuộc kháng chiến, kiến quốc, giành kỳ được độc lập và dân chủ thực sự” và đề ra khẩu hiệu: “Tất cả đế chiến thắng”(2).

Tháng 4-6-1949, Đảng bộ tỉnh đã tổ chức Đại hội lần thứ II tại làng Thọ Vực (Vĩnh Minh, Vĩnh Lộc). Đại hội đã học tập, thảo luận Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 6 và đề ra những nhiệm vụ cách mạng trong tỉnh, đẩy mạnh công cuộc xây dựng Thanh Hóa thành căn cứ, hậu phương vững chắc của cuộc kháng chiến toàn quốc, Nghị quyết Đại hội đã tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

Về Chính trị: Thống nhất Mặt trận Việt Minh và Hội Liên việt thành Mặt trận dân tộc thống nhất vững mạnh, lấy tên chung là Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh vận động cách mạng trong đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào theo đạo Thiên chúa. Ra sức củng cố chính quyền, nâng cao uy tín HĐND các cấp(1).

Về Kinh tế: Tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, xây dựng tổ đổi công HTX (bậc thấp), triệt để thực hiện giảm tô 25%, phát triển tiểu thủ công để có nhiều hàng tiêu dùng cung ứng cho yêu cầu của địa phương, tăng cường tiếp tếcho vùng Thượng du, bao vây kinh tế của địch(2).

Về Quân sự: Xây dựng bộ đội mạnh, phát triển dân quân, du kích. Những nơi giặc Pháp chiếm đóng, quân dân tổ chức chiến đấu tiêu diệt sinh lực địch và làm tốt công tác địch vận(3).

Về công tác Đảng: Tích cực phát triển Đảng, tăng cường công tác giáo dục đảng viên, xây dựng nhiều chi bộ tự động, chú trọng xây dựng Đảng ở miền núi(4).

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ II đã bầu BCH Đảng bộ tỉnh và bầu đồng chí Nguyễn Văn Thân, cán bộ Khu ủy tăng cường làm Bí thư.

Cuối năm 1949, đồng chí Thân được điều động công tác khác, đồng chí Đặng Thí được Liên khu ủy IV điều về làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa.

Tháng 7-1949, Hội nghị Đảng bộ tỉnh tại làng Quan Chiêm, Hà Giang (Hà Trung) để truyền đạt Nghị quyết của Trung ương và Chỉ thị của Liên khu ủy IV về nhiệm vụ “Gấp rút sửa soạn tổng phản công”(5).

Thực hiện Chỉ thị của Trung ương Đảng và sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Xây dựng bộ đội địa phương và phát triển dân quân, du kích. Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp bộ Đảng, chính quyền, các cơ quan quân sự tăng cường quân số, vũ khí cho các đơn vị vũ trang nhân dân và phát động các phong trào “Luyện quân lập công” “Rèn cán, chỉnh quân” nâng cao chất lượng chiến đấu, chuẩn bị điều kiện chuyển sang giai đoạn mới.

Trung đoàn chủ lực của tỉnh và các đại đội bộ đội địa phương huyện, đặc biệt là các đại đội Hà Văn Mao, Cầm Bá Thước đã ra sức luyện quân lập công. Các đơn vị dân quân du kích ở các vùng xung yếu vừa sản xuất, vừa chiến đấu, cướp súng giặc tự trang bị và đẩy mạnh luyện tập quân sự nâng cao trình độ chiến thuật... Nhìn chung, trình độ tổ chức chỉ huy chiến đấu và trình độ chiến kỹ thuật của lực lượng vũ trang nhân dân được nâng cao, hiệu quả các trận chiến đấu ngày càng to lớn, vẻ vang.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ II: “Đánh bật địch ra khỏi vùng bị tạm chiếm”(1) Tỉnh ủy Thanh Hóa lãnh đạo lực lượng vũ trang phối hợp với bộ đội chủ lực Liên khu IV. Đoàn vũ trang công tác miền Tây mở chiến dịch Lê Lợi khai thông biên giới Việt - Lào, khai thông các con đường chiến lược nối hậu phương Thanh Hóa với căn cứ địa Việt Bắc.

Được sự giúp đỡ của quân dân các huyện miền núi, quân ta tiến hành bao vây đồn cổ Lũng - một căn cứ quân sự quan trọng ở miền Tây Thanh Hóa. Bằng áp lực quân sự kếp hợp với công tác binh vận, địch vận, ngày 8-12-1949, binh lính đồn Cổ Lũng theo sự chỉ huy của ta đã nổi dậy giết chết 3 tên chỉ huy Pháp, đem theo 90 súng trường, 3 súng cối và quân trang đạn dược trở về với nhân dân. Thắng lợi Cổ Lũng đã mở màn cho các chiến công kế tiếp.

Quân dân Quan Hóa đã tổ chức lực lượng bao vây tiến công đồn Poong Nưa, đồn Mường Lát, đồn Mường Xia và hệ thống đồn bốt của địch dọc biên giới Thanh Hóa - Hủa Phăn. Bị bao vây tấn công dồn dập liên tục, quân địch thiệt hại nặng phải bỏ đồn bốt tháo chạy về Vạn Mai (Hòa Bình) và chạy sang Lào... Kết hợp với tiến công quân sự, quân dân các huyện miền Tây đã đập tan cái gọi là “Liên bang Bắc Thái Trung Việt”, “Quân đội Thái tự do”, xóa sổ các tổ chức phản động, củng cố vững chắc chính quyền cách mạng.

Phát huy thắng lợi, quân ta đã phối hợp chặt chẽ với bộ đội Pa thét Lào tiến công tiêu diệt sào huyệt của địch, giải phóng 3 huyện: Mường Xôi, Sầm Tớ, Xiềng Khọ và tạo ra những điều kiện quan trọng xây dựng khu căn cứ cách mạng bắc Lào.

Nhân dân Thanh Hóa nói chung, nhân dân các huyện: Quan Hóa, Lang Chánh, Thường Xuân đã vận chuyển lương thực, thực phẩm, công cụ sản xuất và hàng trăm tấn hàng hóa cung cấp cho bộ đội Pa thét Lào và nhân dân khu căn cứ cách mạng Lào. Có những lần địch càn quét các cơ quan lãnh đạo của Bạn trong khu căn cứ,Bạn phải chuyển sang huyện Quan Hóa, quân dân ta lại phối hợp với Bạn chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng và tận tình giúp đỡ, bảo vệ các cơ quan và lực lượng vũ trang của Bạn. Một số cán bộ là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương đã sinh hoạt tại Chi bộ Tam Lư (Quan Hóa).

Chiến dịch Lê Lợi kết thúc thắng lợi, quân dân Thanh Hóa đã đập tan phòng tuyến sông Mã của địch, giải phóng miền Tây lần thứ hai, mở ra những triển vọng tốt đẹp thúc đẩy công cuộc kháng chiến của nhân dân hai nước Việt Lào cùng phát triển.

Ngày 16-9-1949, giặc Pháp nhảy dù chiếm đóng Phát Diệm - Kim Sơn tỉnh Ninh Bình, vùng có đông đồng bào theo đạo Thiên chúa. Ngày 20-10-1949, địch từ Phát Diệm đem quân ào ạt đánh chiếm ba xã Điền Hộ, Nhân Phú, Liên Sơn (Nga Sơn) với ý đồ mở rộng vùng “Công giáo tự trị Bùi Chu - Phát Diệm”, làm bàn đạp tiến công lấn chiếm, mở rộng vùng tạm chiếm, uy hiếp Nga Sơn, Hà Trung, Hậu Lộc.

Kiên quyết bảo vệ quê hương, làm thất bại âm mưu của địch, bộ đội địa phương của tỉnh kết hợp với lực lượng vũ trang huyện chặn đánh và bẻ gãy mọi cuộc tiến công của giặc Pháp. Tiêu biểu là chiến thắng Kiên Giáp (Nga Giáp), quân dân ta đập tan cuộc tiến công của địch tại Quán Ao thôn Giáp Lục. 60 tên lính Âu phi và lính ngụy bị quân dân ta bao vây phải rút về đồn Điền Hộ. Tháng 5-1950, các lực lượng vũ trang của ta được sự ủng hộ của đồng bào theo đạo Thiên chúa đã tiến công đồn Liên Sơn, Nhân Phú buộc địch rút chạy về Điền Hộ, co cụm giữ đồn Mai An Tiêm. Xã Liên Sơn được giải phóng khỏi ách chiếm đóng của thực dân Pháp. Đồng bào Công giáo vùng Tam Tổng Nga Sơn hăng hái thực hiện chính sách lương giáo đoàn kết chung sức chiến đấu tiêu diệt giặc giải phóng quê hương.

Quân dân các huyện ven biển đã dũng cảm mưu trí bẻ gãy các cuộc càn quét của địch, bảo vệ vững chắc vùng biển quê hương. Các lực lượng công an, bộ đội đã kết hợp với quân dân Sầm Sơn đánh đắm chiến hạm A Mi Ô Đanh Vin tiêu diệt 200 sỹ quan và binh lính Pháp, kết hợp với quân dân Bá Thước đập tan cuộc bạo loạn ở khu vực Ban Công - Quốc Thành - Long Vân bắt sống hàng chục tên phản động, xóa sổ tổ chức và mọi đường dây hoạt động của chúng.

Sự kiện đánh đắm chiến hạm A Mi Ô Đanh Vin là một chiến công lớn có ý nghĩa chính trị - quân sự, gây hoang mang dao động trong giới chỉ huy Pháp ở Đông Dương, thể hiện sự phát triển vững mạnh của lực lượng công an nhân dân...

Thực hiện Kế hơạch Rơ Ve, thực dân Pháp ra sức xây dựng các tổ chức phản động, tiếp tay và làm cơ sở xã hội cho Chính phủ bù nhìn Bảo Đại vừa mới được dựng lênnhằm phá hoại hậu phương và công cuộc kháng chiến của dân tộc ta.

Nắm được âm mưu của địch, Ty Công an Thanh Hóa đã kết hợp với Ty điệp báo Trung ương xây dựng một tổ chức phản động giả hiệu có tên là “Phụ Việt quốc gia cách mạng Đảng”, được gọi tắt là Đảng Phục Việt để đánh lừa địch. Các đồng chí điệp báo viên A13, A14, A15, A16 là những cán bộ chủ chốt của cái gọi là “Đảng Phục Việt” đã gây được uy tín với địch. Chính phủ Bảo Đại đã cho người vào kiểm tra và phong cho A13 là Quốc vụ khanh, A14 là đại ủy “Võ phòng vệ lâm quân”. Các chiến sỹ của ta đã mời 3 tên cầm đầu tổ chức phản động của Bảo Đại vào Thanh Hóa thị sát để bắt sống, khai thác tài liệu và sau đó liên hệ với Bảo Đại và cơ quan quân sự Pháp xin vũ khí và cử người mang tài liệu của Phục Việt Thanh Hóa ra Hà Nội. Ngày 27-9-1950, tàu A Mi Ô Đanh Vin cập biển Sầm Sơn. Điệp báo A15 Nguyễn Thị Lợi trong vai là phu nhân Quốc vụ khanh mang theo va ly thuốc nổ lên tàu. Một tiếng nổ vang trời, tàu A Mi Ô Đanh Vin từ từ chìm xuống đáy biển. Anh hùng Nguyễn Thị Lợi đã hi sinh cho trận đánh thắng lợi.

Trong chiến đấu gian khổ với kẻ thù xâm lược, sức mạnh đoàn kết toàn dân kháng chiến được nâng cao. Thanh niên hăng hái tòng quân. Trong những năm 1948 - 1949, toàn tỉnh có 8.000 người tham gia bộ đội, trên 227.000 người tham gia dân quân du kích. Riêng trong năm 1949 đã vận chuyển cung cấp cho Liên khu 3, Liên khu 10 (Việt Bắc), vùng chiến sự Bình - Trị - Thiên (Liên khu 4) trên 500 tấn gạo, 200 tấn muối tiếp tế cho lực lượng cách mạng tỉnh Hủa Phăn (Lào).

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Thanh Hóa trong các năm 1947 - 1950 đã xem công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ hàng đầu, then chốt đẩy mạnh phong trào cách mạng. Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ I, lần thứ II đã đề ra những nghị quyết quan trọng về công tác xây dựng Đảng. Năm 1947, trong tỉnh mới có 2.800 đảng viên và các Đảng bộ huyện đồng bằng. Đến cuối năm 1948, đã có 10.312 đảng viên. Đầu năm 1950, toàn tỉnh có 37.442 đảng viên. Các huyện Thượng du đã thành lập được Đảng bộ. Hầu hết các xã xây dựng chi bộ Đảng. Số đảng viên là nữ có trên 4.000 người. Đảng viên người dân tộc có trên 500 người(1). Ở vùng đồng bào theo đạo Thiên chúa (công giáo toàn tòng) đã xây dựng được một số chi bộ Đảng.

Do công tác phát triển Đảng gấp rút nên chất lượng một số đảng viên yếu. Một bộ phận cán bộ đảng viên xuất thân từ trình độ lao động văn hóa thấp và chưa kinh qua hoạt động thực tiễn nên nhận thức về Đảng, kinh nghiệm cách mạng rất hạn chế. Một bộ phận xuất thân từ thành phần bóc lột giác ngộ chính trị thấp ít được quần chúng tin tưởng...

Để nâng cao chất lượng cho cán bộ, đảng viên, Tỉnh ủy đã đề ra nhiều giải pháp: mở các lớp bình dân học vụ bồi dưỡng văn hóa cho bộ phận cán bộ đảng viên có trình độ văn hóa thấp; tổ chức các lớp bồi dưỡng lý luận và kinh nghiệm công tác cho cán bộ đảng viên mới, tiến hành công tác kiểm tra, loại bỏ những phần tử phẩm chất chính trị kém, chỉ đạo phấn đấu và xếp loại cơ sở Đảng theo các mục tiêu: chi bộ gương mẫu, chi bộ tự động, chi bộ tiến bộ; xây dựng nề nếp sinh hoạt Đảng dựa trên nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy phê bình và tự phê bình trong Đảng bộ...

Tỉnh ủy mở các lớp bồi dưỡng chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối chủ trương của Đảng cho Huyện ủy viên, chi ủy viên thời gian từ 1 tháng đến 3 tháng và giao cho các huyện ủy mở lớp bồi dưỡng lý luận cho đảng viên từ 10 đến 15 ngày. Tỉnh mở trường Trần Phú nâng cao trình độ văn hóa cho cán bộ cấp tỉnh và các huyện. Các huyện như: Vĩnh Lộc, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Yên Định... Huyện ủy chỉ đạo mở các lớp bình dân học vụ cho cán bộ đảng viên học hết chương trình cấp I.

Bằng các biện pháp tích cực, trình độ cán bộ đảng viên, chất lượng lãnh đạo của Đảng bộ dần dần được nâng cao từng bước đáp ứng yêu cầu kháng chiến kiến quốc.

Năm 1949, Đảng bộ huyện Tĩnh Gia, Quảng Xương, Hoằng Hóa, Vĩnh Lộc, Nông Cống, Nga Sơn đã xây dựng được nhiều “Chi bộ tự động”, “Chi bộ tiến bộ”, và “Chi bộ gương mẫu”. Năm 1950, Đảng bộ tỉnh đã có 53% tổng số chi bộ đạt danh hiệu “chi bộ tự động”. Chi bộ xã Tượng Lĩnh (chi bộ Hoàng Văn Thụ, Đảng bộ huyện Tĩnh Gia) được công nhận là “Chi bộ gương mẫu” đầu tiên của Đảng bộ Thanh Hóa(1).

Cũng trong năm 1949, Tỉnh ủy củng cố Mặt trận Việt Minh, phát triển Hội Liên Việt, củng cố, phát triển các tổ chức cứu quốc, xây dựng khối công nông liên minh vững chắc. Tiến tới thống nhất Việt Minh - Liên Việt thành mặt trận đoàn kết dân tộc thống nhất rộng lớn, giáo dục, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia kháng chiến kiến quốc.

Đi đôi với tuyên truyền giáo dục, Tỉnh ủy đã chỉ đạo chính quyền, đoàn thể các cấp thực hiện triệt để các chính sách xã hội đem lại quyền lợi thiết thực cho nhân dân lao động. Đặc biệt là chính sách giảm tô 25% mà Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ban hành. Năm 1948, mới có chủ ruộng đất thực hiện giảm tô 25% với 13.700 mẫu (tương đương 6.850 ha). Năm 1949, toàn tỉnh đã giảm tô 23.770 mẫu (tương đương 11.885ha(2). Huyện Tĩnh Gia ruộng đất không nhiều nhưng đã có 400 chủ ruộng thực hiện giảm tô cho 1.012 tá điền trên diện tích 932 mẫu ruộng(3).Năm 1950, hầu hết các chủ đất trong tỉnh thực hiện giảm tô 25%. Nhiều chủ đất trong tỉnh hưởng ứng lời kêu gọi của chính quyền và mặt trận đã hiến 895 ha ruộng đất cho Nhà nước để cấp cho dân nghèo.

Về văn hóa: Mặc dù chiến tranh ác liệt phải tập trung công sức trí tuệ giải quyết nhiệm vụ nóng bỏng nhưng Đảng bộ và chính quyền các cấp vẫn quan tâm đầu tư chỉ đạo phát triển văn hóa xã hội.

Phong trào bình dân học vụ thi đua xóa nạn mù chữ và học bổ túc văn hóa phát triển sâu rộng. Trong các làng xã, đâu đâu cũng có lớp học. Học ban ngày, học ban đêm, học tập trung, học phân tán. Không có giấy bút thì dùng lá chuối, que nhọn, không có dầu đèn thì thắp đuốc để có ánh sáng học tập.

Ở miền thượng du, nhiều giáo viên bình dân học vụ là cán bộ, bộ đội ban ngày làm nhiệm vụ chính trị, quân sự, ban đêm làm thầy giáo dạy học cho đồng bào các dân tộc. Đến cuối năm 1949, số người biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ tăng lên. Số người mù chữ còn lại 29% dân số. Ở huyện Hoằng Hóa, 70% dân số đã đọc, viết thông thạo chữ quốc ngữ và có trình độ hết cấp tiểu học. Trong lực lượng vũ trang (bộ đội địa phương, du kích, dân quân, công an nhân dân) 95% biết đọc, viết thông thạo. Hệ thống trường phổ thông cấp I và cấp II năm học 1949 - 1950, toàn tỉnh có 11.000 lớp học với 267.000 học sinh và 12.0000 giáo viên. Phần lớn các xã ở vùng đồng bằng có trường tiểu học. Tỉnh đã xây dựng được 3 trường phổ thông cấp III như Đào Duy Từ, Phan Tây Hồ, Đào Đức Thông (Trường dân lập) và một số trường của Liên khu 1II tản cư như Nguyễn Thượng Hiền, Lê Quý Đồn và một phân hiệu dự bị Đại học ở Thiệu Hóa, trường y sỹ Việt Nam ở Nông Cống.

Cuộc vận động thực hiện “Đời sống văn hóa - nếp sống kháng chiến” (về sau gọi là nếp sống mới) mang lại hiệu quả thiết thực. Nạn mê tín dị đoan, tục lệ lạc hậu được xóa bỏ. Việc cưới, tang, giỗ tết thực hiện tiết kiệm, giản dị phù hợp với hoàn cảnh kháng chiến. Tỉnh đoàn kết tương trợ giữa đồng bào địa phương và đồng bào tản cư là một nét đẹp trong đời sống xã hội.

Các hoạt động văn nghệ quần chúng mà nòng cốt là lực lượng thanh niên, học sinh, dân quân, bộ đội phát triển sâu rộng, góp phần động viên cổ vũ toàn dân, toàn quân thi đua sản xuất, chiến đấu xây dựng, bảo vệ hậu phương. Đội ngũ văn nghệ sỹ từ Hà Nội, Liên khu III, Liên khu IV, Bình - Trị - Thiên đến Thanh Hóa đã hội tụ ở Quần Tín, Cầu Thiều, Hậu Hiền, Neo, cầu Bố, Rừng Thông... góp phần phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ kháng chiến ở hậu phương. Các cơ quan văn hóa kháng chiến của Liên khu IV đã giúp Thanh Hóa mở lớp bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa, văn nghệ. Nhiều tác phẩm thơ ca, nhạc họa... được xuất bản đã góp phần động viên lòng yêu nước kháng chiến, nâng cao niềm tin vào Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hoạt động y tế từng bước đáp ứng những yêu cầu phòng, chữa bệnh cho nhân dân trong tỉnh. Bên cạnh bệnh viện tỉnh, các huyện xây dựng trạm y tế, bệnh xá khu vực. Huyện thành lập Phòng y tế, xã thành lập Ban y tế. Các đơn vị bộ đội địa phương có tổ chức y tế chăm lo sức khỏe cho cán bộ, chiến sỹ.

Bốn năm (1947 - 1950) thực hiện những điều chỉ dạy của Chủtịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ đã tổ chức lãnh đạo nhân dân trong tỉnh xây dựng, bảo vệ Thanh Hóa kiểu mẫu - căn cứ hậu phương kháng chiến - phát triển trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, tạo ra tiềm lực về vật chất và tinh thần đáp ứng yêu cầu chuyển sang giai doạn tổng phản công chiến lược.

Nguồn Cổng TTĐT Tỉnh ủy

 



[1] Bác Hồ với Thanh Hóa. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa. Xuất bản 1990, trang 15 và trang 4.

 

(1) Bác Hồ với Thanh Hóa. Ban Tuyên giáo Tnh ủy Thanh Hóa. Xuất bản 1990, trang 4.

(2) Bác Hồ với Thanh Hóa. Ban Tuyên giáo Tnh ủy Thanh Hóa. Xuất bản 1990, trang 4.

(1)Trước Cách mạng tháng Tám gọi là 6 châu, các chức Tri châu do các lang đạo nam giữ. Sau CM tháng Tám, các châu đổi là huyện, có chính quyền nhân dân nhưng thế lực lang đạo còn mạnh về chính trị, kinh tế.

(1) Hồ Chí Minh - về đấu tranh vũ trang và lực lượng vũ trang nhân dân. NXB Quân đội nhân dân - 1970, trang 171. 172.

(1)Số liệu: Tư liệu lịch sử Đảng bộ tỉnh - tập sơ thảo - tập 1 Ban Lịch sử Đảng bộ tỉnh.

(2) Theo tư liệu “Thanh Hóa - Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược”.SĐD

(1) Giặc pháp thua to ở Việt Bắc, Thu - Đông 1947:

- Tháng 10 - 1947, giặc Pháp mở cuộc tiến công chiến lược lên Việt Bắc để nhằm tiêu diệt đầu não kháng chiến của ta, tiêu diệt căn cứ địa kháng chiến và bộ đội chủ lực của ta. Lực lượng tiến công gồm đến 20.000 lính hải, lục, không quân tinh nhuệ.

- Giặc Pháp bị quân ta chặn đánh, kế hoạch tấn công bị thất bại, thua to phải rút chạy về Hà Nội. Trên 3.000 tên xâm lược Pháp bị tiêu diệt, 270 tên địch ra hàng và 3.000 tên bị thương. Việt Bắc là mồ chôn giặc Pháp - năm 1947.

- Ngày 19 - 12 - 1947, địch rút hết quân khỏi Việt Bác. Ngày 22 - 12 - 1947, Chính phủ ta làm lễ mừng Chiến thắng Việt Bắc ở thị xã Tuyên Quang. (Theo Lịch sử QĐNDVN-1947).

(1) Tư liệu theo “Lịch sử Quân đội nhãn dân Việt Nam". NXBQĐND - Hà Nội 1974.

(2) Tư liệu “Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần I”. Lưu Ban NCLS Đảng tỉnh.

(3) Đồng chí Hồ Viết Thắng, quê Quỳnh Lưu, Nghệ An, cán bộ của Liên khu ủy IV công tác tại Thanh Hóa, chưa hết nhiệm kỳ đồng chí Thắng được Trung ương điu động ra Việt Bắc. Đồng chí Bùi Đạt làm Bí thư Tỉnh ủy thay đồng chí Thắng.

(1) Tướng Rơ ve- Tổng Tham mưu trưởng quân đội Pháp.

(1) Số liệu về xưởng giấy và sản lượng giấy theo báo cáo Đại hội Đảng bộ tỉnh 1950 - Văn kiện Đại hội tỉnh.

(1) Theo tư liệu “Thanh Hóa - Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược” - Sđd.

(1), (2)Theo báo cáo tại Hội nghị cán bộ Trung ương - tháng 1 - 1949, dẫn theo lịch sử QĐND Việt Nam.

(1), (2), (3), (4) Theo văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa - Ban NCLS Đảng Tỉnh ủy biên soạn. NXB Thanh Hóa - 1985.

(5) Theo văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa - Sdd

(1) Theo văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (phần thiểu số) - Sđd.

(1)Số liệu: “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa”. Tập sơ thảo I - Sđd.

(1)Theo tư liệu: “Lịch sử Đảng bộ Thanh Hóa” - tập I sơ thảo - Sđd.

Chi bộ tự động là chi bộ biết đề ra kế hoạch công tác và giải quyết được công việc theo chỉ thị, nghị quyết của cấp trên sát với tình hình địa phương.

(2)Theo tư liệu: “Sơ thảo LS Đảng bộ tỉnh” - Sđd.

(3)Theo tư liệu: “Đảng bộ và phong trào cách mạng huyện Tĩnh Gia - Tập 1 (1930 - 1954)”. Huyện ủy Tĩnh Gia xuất bản năm 1991. LS Đảng bộ tỉnh” - Sđd.