Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

Chương V

Đăng lúc: 17/09/2021 (GMT+7)
100%

Chương V

ĐẤU TRANH GIỮ VỮNG CHÍNH QUYỀN,
KHẨN TRƯƠNG XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG

KHÁNG CHIẾN (9/1945 - 12/1946)

I- TÌNH HÌNH THANH HÓA SAU CÁCH MẠNG THÁNG TÁM

Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời trong tình hình quốc tế và trong nước có những thay đổi lớn. Với sự giúp đỡ của Liên Xô, một loạt nước châu Âu và châu Á được giải phóng khỏi ách phát xít, tách khỏi hệ thống Tư bản chủ nghĩa, lập chính quyền dân chủ nhân dân. Phong trào giải phóng dân tộc phát triển với quy mô rộng lớn ngày càng mạnh mẽ làm lung lay hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc.

Ở các nước tư bản chủ nghĩa, phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ, đòi cải thiện đời sống và bảo vệ hòa bình của nhân dân lao động, nòng cốt là giai cấp công nhân do Đảng Cộng sản lãnh đạo được đẩy mạnh.

Đặc điểm nổi bật của tình hình quốc tế sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai là 3 dòng thác cách mạng thế giới ngày càng phát triển, thế tiến công chiến lược toàn diện vào Chủ nghĩa đế quốc và Chủ nghĩa thực dân. Trong khi đó, phe đế quốc đã suy yếu về nhiều mặt. Hai đế quốc Anh - Pháp tuy chiến thắng trong chiến tranh nhưng đã kiệt quệ cả kinh tế và quân sự. Riêng Mỹ lợi dụng chiến tranh, giàu lên về kinh tế, mạnh hẳn lên về khoa học, kỹ thuật và quân sự. Mỹ dựa vào sức mạnh kinh tế và quân sự âm mưu thống trị thế giới.

Cách mạng Việt Nam là một bộ phận của phong trào cách mạng thế giới. Sự lớn mạnh của phong trào cách mạng thế giới có ảnh hưởng trực tiếp đến sự nghiệp giữ vững chính quyền cách mạng, giữ vững chủ quyền dân tộc, xây dựng thành công chế độ mới.

Nhưng với tính chất triệt để chống đế quốc và tay sai, với vị trí đi đầu trong phong trào chống chủ nghĩa thực dân tại một địa bàn chiến lược quan trọng nhất ở Đông Nam châu Á nên cách mạng Việt Nam trở thành đối tượng chống phá quyết liệt của chủ nghĩa đế quốc và bọn phản động quốc tế. Do bản chất xâm lược và thù địch với cách mạng, bọn đế quốc âm mưu bóp chết nước Cộng hòa non trẻ. Thực dân Pháp đã thống trị 3 nước Đông Dương hơn 80 năm càng không chịu mất đi một thuộc địa béo bở đã lừng làm giàu cho chính quốc. Chúng gấp rút thu vét quân đội của chúng ở Viễn Đông và Bắc Phi trở lại xâm lược Việt Nam, Lào, Campuchia lần thứ hai.

Hoàn cảnh lịch sử đó vừa có những thuận lợi cơ bản, lại vừa có những khó khăn đối với cách mang Việt Nam nói chung và nói riêng đối với phong trào cách mạng ở Thanh Hóa.

Ở vào vị trí quan trọng có ý nghĩa về chiến lược là hậu phương lớn đối với phong trào cách mạng cả nước, cũng như đối với cách mạng Lào trong sự nghiệp giải phóng và bảo vệ nền độc lập của dân tộc, cho nên khi thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam, Thanh Hóa trở thành một trong những mục tiêu đánh phá của đế quốc Pháp và các thế lực phản động khác.

Trung tuần tháng 9, hai mươi vạn quân Tưởng Giới Thạch với danh nghĩa quân đội Đồng minh đến Bắc Đông Dương giải giáp quân đội Nhật đã kéo vào Miền Bắc nước ta, mang theo bọn Việt Nam Quốc dân Đảng tay sai, âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng. Chúng đã gây cho Chính phủ và nhân dân ta muôn vàn khó khăn. Cùng thời gian đó, một trung đoàn quân Tưởng Giới Thạch kéo vào Thanh Hóa uy hiếp chính quyền còn non trẻ. Chúng chiếm đóng các vị trí quan trọng ở thị xã như trụ sở Nông Giang, phố Cửa Tả... đòi cung cấp lương thực, thực phẩm, đặt súng máy trên các ngả đường, đòi tước vũ khí của các lực lượng vũ trang cách mạng và tung tiền giấy quan kim mất giá vào tỉnh ta để vơ vét hàng hóa, gây ra những thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế. Chúng ép chính quyền cách mạng đưa tên phản động Quốc dân Đảng Đỗ Văn Ngữ giữ chức vụ quan trọng trong chính quyền cấp tỉnh. Chúng nuôi dưỡng, trang bị vũ khí và vạch kế hoạch cho bọn Quốc dân Đảng lập ra Đệ lục chiến khu ở ấp Di Linh xã Hợp Lý (nay thuộc huyện Triệu Sơn). Một số tổ chức phản động cũng được hình thành. Bọn Đại Việt cũng nhen nhóm hoạt động. Những tên phản động đầu sỏ như Nguyễn Trác, Trương ThếGiám, Đào Duy Hách, Khiếu Hữu Kiều tích cực hoạt động trong các vùng tôn giáo, tuyên truyền xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng, xây dựng lực lượng chuẩn bị đón Pháp quay trở lại.

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ở Thanh Hóa về cơ bản giống như các tỉnh khác trên Miền Bắc. Chính quyền cách mạng tiếp quản một nền kinh tế nông nghiệp đã bị Nhật, Pháp vơ vét đến khô kiệt, thương nghiệp đình đốn, hàng tiêu dùngkhan hiếm, tài chính trống rỗng. Đời sống của nhân dân thiếu trăm bề. Hàng vạn người lao động thất nghiệp. Nhiều quãng đê sông Chu, sông mã sụt lở, hàng vạn héc ta ruộng đất hoang hóa, 13 huyện đồng bằng và trung du mất mùa. Nông dân thiếu lương thực, nạn đói hoành hành đe dọa. Lực lượng vũ trang tập trung trong tỉnh mới được hình thành, trang bị còn thô sơ, chưa có kinh nghiệm chiến đấu. Lực lượng dân quân tuy được tổ chức ở khắp các xã nhưng tổ chức còn lỏng lẻo... Số lượng đảng viên trong Đảng bộ còn quá ít, nhiều huyện chưa có chi bộ, trình độ lý luận còn non yếu, phương pháp công tác còn nhiều bỡ ngỡ, lúng túng.

Trong khi bọn đế quốc tập trung sức tiến công đánh phá cách mạng, thì bè lũ phản động tay sai ra sức vu cáo khiêu khích, chia rẽ chính quyền cách mạng. Một số tên tay sai phản động chui vào chính quyền của ta, ngấm ngầm xây dựng lực lượng, ra sức chống phá cách mạng. Điển hình là bọn lang đạo ở Quan Hóa, Bá Thước. Lang Chánh... Tri châu Bá Thước, Hà Công Thắng đã giả danh cách mạng đưa quân lên Quan Hóa tước ấn tín của quan lại cũ và tuyên bố thành lập chính quyền mới rồi tự phong là Quận trướng. Thắng liên kết với một số thổ ty lang đạo phản động bắt người, cướp của, hãm hiếp phụ nữ và chống phá cách mạng. Chúng đã tuyên truyền xuyên tạc chủ trương phát động ‘Tuần lễ vàng” của Đảng và Chính phủ, tìm cách chiếm đoạt số vàng bạc của nhân dân đóng góp cho kháng chiến; liên hệ với bọn phản động đội lốt tôn giáo dựng lên nhiều tổ chức chống phá cách mạng, phá rối cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội tháng 1 năm 1946.

Trong hoàn cảnh đó, thực dân Pháp ráo riết thực hiện âm mưu trở lại xâm lược các nước trên bán đảo Đông Dương một lần nữa: ngày 6-9-1945, một số đơn vị bộ binh và xe tăng của Pháp bám gót quân đội Anh vào Sài Gòn. Ngày 23-9-1945, quân đội Pháp nổ súng chiếm Sài Gòn, sau đó đánh chiếm miền Trung và Nam Bộ... Lịch sử đặt ra vấn đề phải giữ thành quả Cách mạng tháng Tám, giữ vững chủ quyền của dân tộc. Nhận thức sâu sắc những chỉ thị của Trung ương Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Thanh Hóa đã đem hết trí tuệ và sức lực dồn vào công cuộc củng cố và giữ vững chính quyền, phát triển thực lực cách mạng, xây dựng Thanh Hóa thành hậu phương lớn của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ.

II. KHẨN TRƯƠNG XÂY DỰNG THỰC LỰC MỌI MẶT, CHUẨN BỊ KHÁNG CHIẾN

Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thắng lợi. Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã vạch ra những phương hướng và biện pháp đầu tiên về xây dựng chế độ mới, đối phó với các lực lượng đế quốc và phản động tiến vào nước ta. Theo phương hướng đó, ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ và nêu ra 6 việc cấp bách cần làm ngay: phát động chiến dịch tăng gia sản xuất chống đói, mở một cuộc lạc quyên để giúp đỡ những người nghèo; phong trào chống nạn mù chữ; tổ chức cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu, thực hiện quyền tự do dân chủ của nhân dân; tiến hành giáo dục ý thức cần, kiệm, liêm, chính và bài trừ những thói hư tật xấu do chế độ cũ để lại; bỏ 3 thứ thuế (thuế thân, thuế chợ, thuế đò), cấm hút thuốc phiện; tuyên bố tự do tín ngưỡng và lương giáo đoàn kết.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh hai việc quan trọng nhất là cứu đói ở Bắc và đánh giặc ở Nam. Đó là hai nhiệm vụ trước mắt nhưng nó là biểu hiện của hai nhiệm vụ chiến lược. Trên cơ sở phương hướng đó, ngày 25-11-1945, Trung ương Đảng ra chỉ thị: Kháng chiến kiến quốc. Sau khi phân tích những thay đổi căn bản về tình hình quốc tế và trong nước sau đại chiến thế giới lần thứ II, Trung ương Đảng nêu rõ nhiệm vụ chủ yếu trước mắt của nhân dân ta lúc này là củng cố chính quyền, chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống cho nhân dân.

Thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 18-11-1945, Hội nghị Tỉnh ủy tại nhà Phó Sứ (Vườn Hoa) thị xã Thanh Hóa đã đánh giá tình hình chung sau Cách mạng tháng Tám và chủ trương đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Những cán bộ, đảng viên có năng lực, có uy tín với quần chúng được tăng cường cho các huyện có phong trào còn có nhiều khó khăn. Mặt trận Việt Minh mở lớp bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ cho cán bộ trong tình hình mới. Tổ chức các đội tuyên truyền lưu động đưa chủ trương “Kháng chiến kiến quốc” của Trung ương Đảng, Chính phủ đến tận các bản làng từ vùng đồng bằng đến miền núi hẻo lánh. Các tổ chức: Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Phụ lão cứu quốc, Thiếu nhi cứu quốc, Nông hội cứu quốc, Công hội cứu quốc được củng cố lại và đi vào hoạt động có nề nếp, có chương trình cụ thể, thiết thực. Các tổ chức cứu quốc đã thu hút thêm hàng vạn hội viên mới vào tổ chức của mình(1). Giữa năm 1946, Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam tỉnh Thanh Hóa được thành lập. Khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố vững chắc thêm một bước.

Trên cơ sở khối đại đoàn kết toàn dân, chính quyền cách mạng được củng cố từ dưới lên trên. Những cán bộ có năng lực, có phẩm chất đã giữ các chức vụ quan trọng trong chính quyền. Lựa chọn những nhân sỹ yêu nước, tiến bộ tham gia vào bộ máy quản lý xã hội, loại bỏ những phần tử thoái hóa biến chất lợi dụng uy tín của chính quyền cách mạng để mưu cầu lợi ích cá nhân. Đồng thời nhanh chóng thành lập các cơ quan chức năng như Tòa án. Thông tin tuyên truyền, Y tế, Giáo dục, Ngân hàng, Giao thông,... để quản lý trực tiếp các mặt xã hội.

Đối với các huyện miền núi, xuất phát từ thực tế phát triển của xã hội và những đặc điểm riêng biệt của nhân dân các dân tộc, Tỉnh ủy đã chủ trương thành lập ủy ban Thượng du, cử một lang đạo có thế lực làm Chủ tịch và cử đồng chí Nguyễn Văn Huệ, Phó Chủ tịch ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh làm cố vấn, ủy ban Thượng du có nhiệm vụ tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra, đôn đốc mọi hoạt động của hệ thống chính quyền ở các huyện miền núi nhằm thực hiện thắng lợi sự nghiệp Kháng chiến kiến quốc. Nhiều cán bộ có năng lực, phẩm chất, am hiểu phong tục, tập quán của nhân dân các dân tộc được cử làm cố vấn cho UBND lâm thời các huyện. Đồng thời tăng cường lực lượng vũ trang cho vùng thượng du để trấn áp bọn phản động mưu toan lợi dụng lòng tin của đồng bào các dân tộc để lật đổ chính quyền cách mạng. Chỉ trong vòng mấy tháng sau Cách mạng tháng Tám thắng lợi, bước đầu Tỉnh ủy đã xây dựng, củng cố và giữ vững hệ thống chính quyền cách mạng từ các làng, xã đến huyện, tỉnh. Chính quyền cách mạng đã quản lý xã hội, giải quyết những yêu cầu do thực tế đặt ra, nhất là việc chuẩn bị lực lượng mọi mặt chống lại các thế lực phản động đang âm mưu xóa bỏ thành quả của Cách mạng tháng Tám. Nhờ có sự sáng tạo trong việc lãnh đạo xây dựng ủy ban Thượng du, việc lựa chọn, sắp xếp cán bộ trong chính quyền, nên đã nhanh chóng ổn định tình hình, xây dựng chế độ mới.

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Chính phủ, chính quyền cách mạng đã tổ chức cho nhân dân bầu Quốc hội. HĐND các cấp (tỉnh và xã). Ngày 6-1-1946, ngày bầu cử Quốc hội diễn ra như một ngày hội lớn của nhân dân, mọi người dân đều được hưởng quyền lợi chính trị và thực hiện nghĩa vụ của mình. 96% tổng số cử tri trong toàn tỉnh đã đi bỏ phiếu, 14 đại biểu ở khu vực Thanh Hóa đã trúng cử vào Quốc hội.

Cùng với việc bầu cử Quốc hội, nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiến hành bầu cử HĐND tỉnh và xã. UBHC tỉnh, UBHC các huyện, xã được thành lập trực tiếp chăm lo đời sống nhân dân và tổ chức quản lý xã hội mới.

Cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp giành thắng lợi là một đòn đánh mạnh vào âm mưu của địch muốn chia rẽ đoàn kết hòng lật đổ chính quyền cách mạng non trẻ của ta.Cuộc bầu cử thắng lợi thể hiện ý thức làm chủ của người công dân ở một nước độc lập. Cuộc bầu cử diễn ra sôi nổi trong toàn tỉnh thực sự là cuộc vận động chính trị rộng lớn và sâu sắc, biểu dương sức mạnh và ý chí sắt đá của khối đoàn kết toàn dân quyết tâm giữ vững chủ quyền độc lập dân tộc, thắng lợi này đã góp phần tạo ra thực lực mới đấu tranh chống lại các thế lực phản động trong và ngoài nước, bảo vệ thành quả Cách mạng tháng Tám, chuẩn bị những điều kiện cơ bản tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Để có lực lượng bảơ vệ chính quyền cách mạng và chuẩn bị kháng chiến, Tỉnh ủy tăng cường chỉ đạo công tác quân sự - một trong nhiệm vụ trung tâm, cấp thiết trong thời kỳ này. Trước Cách mạng tháng Tám, lực lượng vũ trang cách mạng đã phát triển mạnh, đó là các đơn vịtự vệ trong các làng xã. Lực lượng dân quân tự vệ sau Cách mạng tháng Tám được củng cố về tổ chức, ngày đêm luyện tập và bố trí canh gác, giữ gìn an ninh và tham gia các công việc khác như đào công sự, làm chướng ngại vật. Ngoài các đội viên dân quân, các đoàn viên thanh niên cũng hăng hái học tập quân sự, sắm sửa vũ khí để tham gia đánh giặc. Tỉnh ủy đã chỉ đạo chật chẽ việc lựa chọn những chiến sỹ yêu nước và điều động một số đơn vịtự vệ ở các huyện thành lập chi đội Đinh Công Tráng gồm 1.500 chiến sỹ do đồng chí ủy viên Quân sự UBND tỉnh trực tiếp chỉ huy. Đây là đơn vị vũ trang tập trung đầu tiên của tỉnh, ở mỗi huyện xây dựng một trung đội du kích tập trung, mỗi xã xây dựng một đơn vị tự vệ mạnh, củng cố về mặt tổ chức và nâng cao chất lượng chiến đấu. Nguồn trang bị vũ khí cho bộ đội và dân quân du kích là súng, đạn lấy được của quân Nhật, Pháp và nguồn vũ khí thô sơ do nhân dân tự mua sắm, tự chế tạo như súng trường, súng kíp, giáo mác, dao găm...

Nghiên cứu và vận dụng đường lối xây dựng lực lượng vũ trang toàn dân của Đảng từ lực lượng chính trị có tổ chức của quần chúng. Đảng bộ đã nhanh chóng xây dựng lực lượng vũ trang của mình bên cạnh lực lượng dân quân du kích, tự vệ, bộ đội tập trung, các đơn vị công an nhân dân, các đội trinh sát, lực lượng an ninh bí mật (đặc vụ đội) cũng được thành lập bảo vệ đắc lực chính quyền cách mạng, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân lao động.

Vũ khí tuy còn thiếu, lại thô sơ, ít kinh nghiệm chiến đấu còn ít, nhưng với tinh thần yêu nước, yêu quê hương xóm làng, lại được sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng, lực lượng vũ trang địa phương ngày đêm tích cực rèn luyện để không ngừng nâng cao trình độ kỹ thuật đánh địch ở chiến trường rừng núi, đồng bằng hay ven biển...

Thực hiện Sắc lệnh của Chính phủ về trấn áp bọn phản cách mạng, Tỉnh ủy, UBHC tỉnh đã cương quyết chỉ đạo trấn áp những hành động phá hoại của các tổ chức phản động. Vừa tuyên truyền vừa giáo dục những người lầm đường làm tay sai cho giặc vừa kiên quyết trừng trị những hành động phá hoại của những tên phản động. Thực hiện chủ trương của Trung ương tránh đương đầu với nhiều kẻ thù trong cùng một lúc và vận dụng sách lược của Trung ương Đảng tạm thời hòa hoãn với quân Tưởng để giành thời gian củng cố chính quyền, chuẩn bị thực lực cho cách mạng. Tỉnh ủy lãnh đạo nhân dân kiên quyết đấu tranh với những hành động ngang ngược của quân Tưởng, nhưng cũng rất mềm dẻo buộc bọn Tưởng và bè lũ tay sai phải thừa nhận chính quyền cách mạng của nhân dân. Tỉnh ủy đề ra những biện pháp sắc bén, khoét sâu vào những chỗ yếu cơ bản của địch, hạn chế sự phá hoại của chúng và vận động nhân dân không hợp tác với bọn Tàu Tưởng. Đối với bọn Quốc dân Đảng tay sai, Tỉnh ủy cương quyết tổ chức lực lượng trừng trị. Được quân Tưởng che chở, bọn phản động đã trắng trợn tuyên truyền xuyên tạc đường lối của Đảng, Chính phủ, lôi kéo quần chúng, xây dựng lực lượng, chuẩn bị vũ khí, tích trữ lương thực, tập luyện quân sự hòng lật đổ chính quyền cách mạng.

Tỉnh ủy một mặt tổ chức lực lượng theo dõi mối quan hệ của địch ở ấp Di Linh với bọn phản động ở khách sạn Tứ Dân, Bồng Lai(1)và cho trinh sát bắt một số tên để khai thác tình hình... Mặt khác, chỉ đạo đưa một lực lượng đặc biệt vào ấp Di Linh xây dựng cơ sở trong quần chúng, sử dụng lực lượng vũ trang của huyện Nông Cống, Thọ Xuân, bao vây ấp Di Linh, cắt đứt các ngả đường tiếp tế của địch. Bị bao vây, địch cạn dần lương thực, mất liên lạc với bên ngoài, hoang mang dao dộng, Trần Văn Bân cùng bọn chỉ huy đã phải đem toàn bộ lực lượng ra đầu hàng. Lực lượng vũ trang cách mạng đã thu 67 súng trường, 2 trung liên, 2 tiểu liên và nhiều quân trang quân dụng khác.

Tháng 3 năm 1946, lực lượng cảnh sát xung phong và đội Sao Vàng tiến công vào trụ sở Nông Giang và khu bộ của bọn Quốc dân Đảng ở phố Tịch Điền bắt sống 12 tên, thu toàn bộ vũ khí. Những hành động bắt cóc, tống tiền, ám sát cán bộ, hãm hiếp phụ nữ của bọn chúng bị trừng trị kịp thời. Cùng với việc kiên quyết trấn áp bọn phản động. Tỉnh ủy đã tổ chức cuộc mít tinh lớn tại thị xã, sau đó hàng vạn quần chúng xuống đường tuần hành qua các đường phố nơi bọn Việt Quốc - Việt Cách và quân đội Tưởng Giới Thạch chiếm đóng, hô vang khẩu hiệu:

Phản đối thực dân Pháp xâm lược Nam Bộ.

Tiễn trừ Việt gian phản động.

Việt Nam hoàn toàn độc lập.

Thực hiện Hiệp ước Hoa - Pháp, tháng 5 - 1946 quân đội Tưởng rút khỏi thị xã Thanh Hóa, bọn Quốc dân Đảng trốn theo quan thầy. Để trừ hậu họa, Tỉnh ủy đã kịp thời chỉ đạo lực lượng vũ trang tổ chức vây bắt và truy quét bọn còn lại. Nhiều tên đầu sỏ đã bị trừng trị thích đáng.

Để giữ vững chính quyền cách mạng, vận dụng nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, Tỉnh ủy đã cương quyết tổ chức lực lượng trấn áp bọn phản cách mạng. Nhưng trấn áp các thế lực phản động như thế nào để vừa hòa hoãn được với quân Tưởng, vừa vạch được bộ mặt phản quốc của chúng, giữ vững và mở rộng được mặt trận đoàn kết toàn dân là nghệ thuật lãnh đạo của Đảng.

Trong tình thếkhó khăn phức tạp, Tỉnh ủy đã chủ động đề ra chủ trương, biện pháp sắc bén nhân nhượng với quân Tưởng, trấn áp bọn Quốc dân Đảng. Đảng bộ đã bám sát lãnh đạo quần chúng, hòa mình với quần chúng, được quần chúng tin tưởng, chăm lo đùm bọc nên đã hoàn thành được nhiệm vụ.

Một trong những vấn đề cấp bách mà Đảng bộ và chính quyền cách mạng phải tập trung giải quyết là nhanh chóng ổn định đời sống mọi mặt cho nhân dân.

Thực hiện sáu nhiệm vụ cấp bách trước mắt của Chính phủ và Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc của Trung ương Đảng. Tỉnh ủy, UBHC đã phát động phong trào thi đua tăng gia sản xuất. Ban Khuyến nông, Sở canh nông được thành lập để chỉ đạo phong trào và tờ báo “Tấc đất” cũng được ra đời trong thời gian này để tuyên truyền cổ vũ nhân dân tăng gia sản xuất. Chính quyền các cấp tạo điều kiện giúp nhân dân giống, phương tiện sản xuất. Tháng 12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Ủy ban tăng gia sản xuất của tỉnh. Trong thư Người tin chắc rằng Thanh Hóa sẽ mau trở thành một tỉnh kiểu mẫu và mong tất cả những người có đức, có tài, có sức, có của, có lòng đều hăng hái ra giúp, đồng bào trong tỉnh đều hăng hái tham gia. Như thế thì nhất định thành công.

Ngân hàng và Bình dân quỹ đã tích cực huy động vốn cho đầu tư sản xuất. Hệ thống thủy nông sông Chu đã được Trung ương Đảng sửa đảm bảo tưới tiêu cho 45 ngàn hec ta ruộng đất. Thực hiện khẩu hiệu “Tấc đất tấc vàng”, nhiều vùng đất hoang được khai phá đưa vào cày cấy. Những nơi trước đây là đồn bốt của địch cũng được san bằng, trồng ngô, khoai, sắn. Để khuyến khích phong trào khai hoang phục hóa, UBHC tỉnh đã quyết định miễn thuế cho những diện tích mới khai hoang từ 3 đến 5 năm. Chính quyền cách mạng đã tịch thu ruộng đất của bọn tay sai phản động theo giặc đem chia cho dân nghèo. Các tổ đổi công được thành lập dưới nhiều hình thức giúp nhau tăng gia sản xuất. Tỉnh ủy chủ trương vừa đẩy mạnh tăng gia sản xuất, trồng các cây hoa màu ngắn ngày - vừa chỉ đạo chính quyền các cấp thành lập các “Ban Cứu tế” tổ chức quyên góp thóc, gạo giúp đỡ những người bị đói. Cuối năm 1945 trong toàn tình đã quyên góp được 1.076 tấn gạo để cứu đói. Hàng trăm tấn gạo được chuyển từ Thanh Hóa đến giúp đỡ nhân dân Hưng Yên và Bắc Ninh cứu đói. Phong trào bớt bữa ăn để xây dựng hũ gạo tiết kiệm giúp đỡ những người nghèo đói theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch được nhân dân hưởng ứng sôi nổi. Những người không nơi nương tựa được các nhà tế bần (do chính quyền thành lập) nuôi dưỡng chăm sóc chu đáo. Nhường cơm, sẻ áo, giúp đỡ lẫn nhau trong lúc hoạn nạn khó khăn đó là một trong những truyền thống quý báu của nhân dân Thanh Hóa. Năm 1946, toàn tỉnh được mùa, giặc đói bị đẩy lùi, đời sống nhân dân được ổn định.

Cùng với sản xuất nông nghiệp, nghề khai thác biển, nghề rừng và các nghề thủ công truyền thống khác đều được phục hồi dần. Hàng hóa trên thị trường ngày càng nhiều, những phiên chợ cổ truyền được họp lại đông vui.

Để đảm bảo nhu cầu chi tiêu và khắc phục những khó khăn trước mắt về tài chính, thực hiện “Sắc lệnh” của Chính phủ về xây dựng “Quỹ độc lập” và tổ chức “Tuần lễ vàng”, nhân dân tỉnh ta đã tự nguyện góp vàng và tiền vào công quỹ kháng chiến. Nhiều cá nhân và gia đình đã tự nguyện mang nhẫn, hoa tai, dây chuyền vàng góp vào công quỹ. Trong thời gian ngắn, nhân dân ta đã ủng hộ 528 lạng vàng, 84 kg bạc và hàng chục tấn đồng.

Song song với những thắng lợi bước đầu trên lĩnh vực kinh tế, tài chính, chính quyền cách mạng đã tích cực chỉ đạo nhân dân xây dựng nền văn hóa giáo dục. Dưới thời Pháp thuộc nhân dân trên 90% không biết chữ nên những quan niệm cũ về xã hội, về cuộc sống, những tập tục mê tín dị đoan tràn lan. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, việc chống nạn mù chữ, mở mang dân trí là một trong những việc mà chính quyền cách mạng phải quan tâm giải quyết. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi: “Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho nước mạnh dân giàu, mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ. Những người chưa biết chữ hãy gắng mà học cho biết. Vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha, mẹ không biết thì con bảo. Phụ nữ lại cần phải học(1).

Thực hiện những lời dạy của Người, Đảng bộ và chính quyền cách mạng đã tích cực, kiên trì vận động nhân dân đi học. Ngày 8-9-1945, Ty Bình dân học vụ và các phòng, ban chuyên môn từ tỉnh đến huyện để trực tiếp chỉ đạo phong trào. Bên cạnh các lớp bình dân học vụ, các trường tiểu học cũng được thành lập, thu hút con em nhân dân lao động đến trường ngày một đông. Các lớp đào tạo giáo viên ngắn ngày cũng được mở để kịp thời đáp ứng đội ngũ giáo viên cho phong trào. Nhiều cán bộ, đảng viên ngoài nhiệm vụ chính của mình còn kiêm thêm nhiệm vụ giảng dạy cho các lớp bình dân học vụ, ngày đêm lăn lộn trong phong trào. Truyền thống hiếu học của dân tộc được phát huy và chỉ sau một năm đã có hàng vạn người thoát nạn mù chữ. Kết quả này đã ảnh hưởng trực tiếp đến công cuộc bảo vệ và giữ vững chính quyền cách mạng.

Việc chăm lo sức khỏe và phòng ngừa dịch bệnh cho nhân dân đã được chính quyền cách mạng nhanh chóng lập các trạm khám, chữa bệnh cho nhân dân ở thị xã và một số huyện. Công tác đào tạo đội ngũ cán bộ y tế để chăm lo sức khỏe cho nhân dân cũng được tỉnh quan tâm. Mặc dù phương tiện, thuốc chữa bệnh còn thiếu nhưng với tấm lòng phục vụ nhân dân của các thầy thuốc, nhiều con bệnh đã được cứu chữa.

Nhân dân chỉ có thể phát huy sức mạnh to lớn của mình khi được tổ chức lại và có sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng. Điểm nổi bật ở Thanh Hóa là trước Cách mạng tháng Tám, phong trào Việt Minh đã phát triển rộng khắp, có tổ chức chặt chẽ. Sau cách mạng, chính quyền đã thuộc về nhân dân, Đảng có điều kiện tổ chức toàn dân thành một đội quân chính trị, một đội quân vũ trang cách mạng vững chắc. Đoàn kết các dân tộc trong tỉnh tạo thành một lực lượng to lớn thống nhất về nhận thức và hành động là một nhiệm vụ mà Đảng bộ luôn luôn đặt lên hàng đầu trong công tác chuẩn bị thực lực cho kháng chiến.

Công cuộc chuẩn bị cho kháng chiến được khẩn trưong tiến hành trên các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội trong thời gian tạm thời hòa hoãn tạo ra thực lực để nhân dân tỉnh ta bước vào cuộc kháng chiến. Thắng lợi bước đầu trong công cuộc đấu tranh giữ vững chính quyền và chuẩn bị kháng chiến chứng tỏ: Đứng trước mọi khó khăn thử thách, nhân dân ta đoàn kết chặt chẽ dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ, kiên quyết đấu tranh và tin tưởng vào thắng lợi. Điều đó đảm bảo cho nhân dân ta cùng với nhân dân cả nước vững bước đi vào kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội, loại trừ nguy cơ phải trở lại kiếp sống nô lệ dưới ách thống trị của chủ nghĩa thực dân.

Trên cơ sở dựa vào sức mạnh của toàn dân. Đảng bộ đã vận dụng sáng tạo chủ trương “Kháng chiến kiến quốc”, sách lược tạm thời hòa hoãn với kẻ thù và các chủ trương của Trung ương Đảng vào hoàn cảnh cụ thể, tổ chức đấu tranh bảo vệ chính quyền, xây dựng, bảo vệ xã hội mới.

Nhận thức rõ vấn đề quyết định của cuộc cách mạng là phải có thực lực và phải ra sức xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng. Chính quyền đã có đủ năng lực quản lý, tổ chức và lãnh đạo nhân dân tiếp tục đưa cách mạng tiên lên. Đồng thời ra sức xây dựng khối đoàn kết toàn dân, tranh thủ được tầng lớp trên, giác ngộ những người lầm đường theo giặc về với cách mạng và để một số người trong tầng lớp trên tham gia chính quyền cách mạng nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc là không được làm yếu hoặc bỏ rơi quyền lãnh đạo của Đảng, quyền làm chủ của nhân dân lao động. Nhờ đó mà chính quyền cách mạng dần dần vượt qua được những khó khăn thử thách ban đầu.

Về phía thực dân Pháp, sau Tạm ước ngày 14-9-1945, chúng vẫn ngoan cố ráo riết thi hành chính sách phản động nhằm thực hiện âm mưu đặt lại chế độ thống trị của chúng trên đất nước ta một lần nữa. Ở Nam Bộ và Trung Bộ, quân viễn chinh Pháp liên tiếp tiến công quân ta và khủng bố nhân dân rất dã man. Ở miền Bắc chúng gây ra những vụ khiêu khích xâm phạm đến chủ quyền lãnh thổ của nước ta.

Nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa vừa ra sức xây dựng hậu phương chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến lâu dài, vừa góp phần tích cực vào sự nghiệp “Kháng chiến kiến quốc” của cả nước. Ngay từ khi cuộc kháng chiến của nhân dân ta ở Nam Bộ bùng nổ, đoàn quân Nam tiến của Thanh Hóa đã nhanh chóng lên đường cùng nhân dân ta ở miền Nam tiến hành cuộc kháng chiến. Theo dõi tình hình chung trên chiến trường cả nước, nhận thức rõ Nghị quyết Hội nghị Quân sự toàn quốc của Đảng tháng 10- 1946: “Nhất định không sớm thì muộn Pháp sẽ đánh mình và mình cũng nhất định phái đánh Pháp”(1). Hội nghị khẳng định tuy ta kém về vũ khí, kỹ thuật, nhưng với tinh thần dẻo dai, bền bỉ, ta nhất định thắng, phải tăng cường công tác Đảng, công tác chính trị, đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu.

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Quân sự toàn quốc của Đảng, Đảng bộ đã định ra phương hướng, nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Một mặt triệt để tranh thủ khả năng hòa bình, mặt khác chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với khả năng chiến tranh lan ra cả nước. Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh ra sức tranh thủ thời gian xây dựng thực lực cho cách mạng, nâng cao tinh thần cảnh giác chủ động đối phó với mọi hành động gây chiến tranh của chúng, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến toàn quốc.

Mười sáu tháng (9/1945 - 12/1946) đấu tranh củng cố và giữ vững chính quyền, chuẩn bị thực lực cho cuộc kháng chiến là kết quả của sự vận dụng sáng tạo đường lối của Trung ương Đảng, của sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, và sức mạnh của nhân dân các dân tộc tạo thành sức mạnh tổng hợp của cuộc kháng chiến.

Giành chính quyền về tay nhân dân lao động đã là một công việc khó khăn, nhưng Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh nhà đã tiến hành một công việc khó hơn là giữ vững chính quyền cách mạng trong vòng vây của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động, chuẩn bị mọi mặt để bắt tay vào cuộc chiến đấu mới vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

 

Nguồn Cổng TTĐT Tỉnh ủy

 

 

 

 

 



(1)Công hội cứu quốc kết nạp 405 người.

- Nông hội cứu quốc kết nạp 42.748 người.

- Phụ nữ cứu quốc kết nạp 66.155 người.

- Thanh niên cứu quốc kết nạp 32.348 người.

- Phụ lão cứu quốc kết nạp 13.545 người.

(1)Khách sạn Tứ Dân, Bồng Lai là trụ sở liên lạc giữa bọn Quốc dân Đảng ởHà Nội với bọn Quốc dân Đảng ở Thanh Hóa.

(1)Hồ Chí Minh "Chống nạn thất học”. Toàn tập. Tập 4. Tr 28, 29. NXBST Hà Nội 1984.

(1)Văn kiện Đảng (1945-1954) Nghị quyết Hội nghị Quân sự toàn quốc của Đảng ngày 19-10-1946. Tr. 94.