Tổng quan
Bộ máy hành chính
Tin tức - Sự kiện
Du lịch - Di tích lịch sử
Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch
Dự án, Hạng mục đầu tư
Thông tin, Tuyên truyền
Chỉ đạo - Điều hành
Văn bản pháp quy
Chương II
Chương II
ĐẢNG BỘ RA ĐỜI, LÃNH ĐẠO
PHONG TRÀO CÁCH MẠNG (1930-1935)
Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp và tay sai vừa đàn áp đẫm máu phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân ta, vừa tiến hành khai thác thuộc địa một cách dã man,tàn bạo. Chính sách áp bức bóc lột của thực dân Pháp đã làm cho xã hội Việt Nam bị phân hóa sâu sắc, tính chất xã hội biến đổi - từ xã hội phong kiến trở thành xã hội thuộc địa nửa phong kiến. Mâu thuẫn dân tộc và giai cấp trở nên gay gắt. Trong đó mâu thuẫn giữa dân tộc ta với thực dân Pháp và tay sai ngày càng quyết liệt.
Giải quyết mâu thuẫn mở đường cho xã hội phát triển, dân tộc Việt Nam đã liên tục tổ chức các phong trào đấu tranh theo khuynh hướng tư tưởng phong kiến và tư sản như: Phong trào Cần Vương, phong trào Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục, các phong trào đấu tranh vũ trang của Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng, các cuộc bạo động của Quốc dân Đảng do Nguyễn Thái Học lãnh đạo... Nhưng tất cả các phong trào đấu tranh đó đều bị thực dân Pháp và tay sai dìm trong biển máu và thất bại vì thiếu đường lối lãnh đạo khoa học và triệt để cách mạng.
Vào những năm đầu thế kỷ XX, nhiều người Việt Nam yêu nước xuất dương tìm đường cứu nước, trong đó có lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Người con ưu tú nhất của dân tộc Việt Nam đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, Cách mạng Tháng Mười Nga,tìm ra con đường cứu nước kiểu mới và Người đã dày công chuẩn bị về tư tưởng, tổ chức để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam - Bộ tham mưu, đội tiên phong của giai cấp công nhân, của dân tộc Việt Nam.
I. RA ĐỜI VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI VIỆT NAM CÁCH MẠNG THANH NIÊN VÀ ĐẢNG TÂN VIỆT THANH HÓA
Vào những năm 20 của thế kỷ XX, nhiều thanh niên yêu nước người Thanh Hóa ra tỉnh ngoài, nước ngoài tìm đường giải phóng quê hương đất nước. Đinh Chương Dương([1]) một trong số thanh niên yêu nước đã không ngừng chắp nối liên lạc với các tổ chức cách mạng trong nước và nước ngoài. Giữa năm 1924, Đinh Chương Dương đưa một số thanh niên Thanh Hóa sang Quảng Châu (Trung Quốc) tham gia Tâm Tâm xã(1), Lê Hữu Lập(2) là một trong số thanh niên được tổ chức xuất dương chuyến đầu tiên.
Cuối năm 1924, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô về Trung Quốc. Tháng 6 năm 1925, Người giác ngộ cho số thanh niên ưu tú trong Tâm Tâm xã và lập ra Việt Nam Cách mạng Thanh niên, mở lớp bồi dưỡng lý luận cách mạng đào tạo nhân cốt cho phong trào đấu tranh trong nước.
Lê Hữu Lập là một trong số thanh niên ưu tú được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lựa chọn và là người Thanh Hóa đầu tiên được kết nạp vào Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Cuối năm 1925, sau lớp huấn luyện ở Quảng Châu, Lê Hữu Lập được cử về nước hoạt động. Vào thời điểm này, phong trào yêu nước trong tỉnh đang diễn ra sôi động. Tiêu biểu là phong trào đấu tranh đòi án xá nhà yêu nước Phan Bội Châu và cuộc vận động làm lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Chu Trinh...
Thanh niên, giáo viên, học sinh, viên chức nhỏ là lực lượng xung kích. Cuộc đấu tranh diễn ra từ trường tiểu học Pháp Việt thị xã Thanh Hóa và huyện Đông Sơn đã lan đến các trường trong tỉnh. 100 giáo viên, học sinh và nhân dân Trường Sơ học Pháp Việt tổng Bái Trạch, huyện Hoàng Hóa đã tổ chức lễ tang cụ Phan Chu Trinh trọng thể và công khai.
Hoạt động của giáo viên, học sinh, thanh niên... những tháng cuối năm 1925 đầu năm 1926 đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến tinh thần yêu nước thương nòi trong các tầng lớp nhân dân. Đầu năm 1927,tại thị xã Thanh Hóa và huyện lỵ Đông Sơn, học sinh hai trường tiểu học Pháp Việt đồng loạt đấu tranh đòi nhà cầm quyền bãi bỏ lệnh cấm học sinh nói tiếng Việt trong giờ chính khóa. Cuộc đấu tranh của thanh niên, học sinh tẩy chay tên Tây Tích Co chuyên nghề quay số lừa đảo được đông đảo nhân dân thị xã Thanh Hóa hưởng ứng.
Chủ nhật ngày 27 tháng 3 năm 1927, bất chấp sự ngăn cấm của nhà cầm quyền thực dân phong kiến, hơn 200 học sinh trường Thị xã và huyện Đông Sơn tập trung ở khu vực chùa núi Mật làm lễ tưởng niệm nhân giỗ đầu của nhà yêu nước Phan Chu Trinh. Sau buổi lễ tưởng niệm, một số học sinh bị đuổi học. Cuộc đấu tranh phản đối nhà cầm quyền đàn áp học sinh lại bùng nổ, dưới hình thức bãi khóa và giành thắng lợi. Tất cả học sinh bị đuổi học đều được trở lại trường học.
Phong trào yêu nước của giáo viên, thanh niên và học sinh đã tạo ra cơ hội cho Lê Hữu Lập và các chiến sĩ cách mạng trong tỉnh tuyên truyền phổ biến con đường cứu nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
Tháng 5 năm 1926 tại số nhà 26 phố Hàng Than, thị xã Thanh Hóa, Lê Hữu Lập thành lập Hội đọc sách báo. Từ thị xã Thanh Hóa, Hội đọc sách báo nhanh chóng phát triển về các huyện Đông Sơn, Hậu Lộc, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Vĩnh Lộc, Hoằng Hóa, Nông Cống, Quảng Xương... Sinh hoạt Hội và sự luân phiên đọc sách báo cách mạng đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao lòng yêu nước, chí căm thù đế quốc và bè lũ tay sai; bồi dưỡng truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất; giới thiệu Cách mạng Tháng Mười Nga và chế độ XHCN ở Liên Xô; đồng thời giúp cho thanh niên, giáo viên, học sinh nhận rõ và khắc phục khuynh hướng tư tưởng quốc gia hẹp hòi; nhận thức đúng đắn tư tưởng giải phóng dân tộc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
TỈNH BỘ VIỆT NAM CÁCH MẠNG
THANH NIÊN RA ĐỜI
Sự phát triển và hoạt động của Hội đọc sách báo cách mạng đã tạo cơ sở tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Nhiều thanh niên được thử thách trong các phong trào yêu nước đã chuyển theo xu hướng Cộng sản. Số thanh niên này lần lượt tự nguyện gia nhập Hội thanh niên. Một số hội viên thanh niên được Lê Hữu Lập tuyển lựa đưa sang Quảng Châu (Trung Quốc) dự lớp huấn luyện chính trị là: Nguyễn Văn Đắc, Nguyễn Văn Khang (thị xã Thanh Hóa), Hoàng Trọng Phựu, Hoàng Khắc Trung (Thiệu Hóa), Nguyễn Mậu Sung (Thọ Xuân), Võ Danh Thùy (Nông Cống)(1)...
Đầu năm 1927 nhiều tiểu tổ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội hình thành và hoạt động ở thị xã Thanh Hóa và các phủ, huyện Thiệu Hóa, Đông Sơn, Hậu Lộc, Thọ Xuân, Vĩnh Lộc, Hoằng Hóa, Nông Cống...
Tháng 4 năm 1927, tại số nhà 26 phố Hàng Than, thị xã Thanh Hóa, Hội nghị đại biểu của 11 tiểu tổ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở thị xã và các phủ, huyện quyết định thành lập Tỉnh bộ Thanh Hóa. Dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Hữu Lập, Hội nghị thống nhất chủ trương và biện pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê nin và con đường cách mạng cứu nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc; phát triển hội viên và tổ chức Hội: tiếp tục mở rộng các phong trào yêu nước; cổ vũ các phong trào đấu tranh chống áp bức bóc lột của công, nông và nhân dân lao động. Hội nghị cử ra Ban chấp hành Tỉnh bộ lâm thời gồm 3 ủy viên(1), đồng chí Lê Hữu Lập được cử làm Bí thư.
Tháng 6 năm 1927, lực lượng cán bộ của Tỉnh bộ được tăng cường. Số cán bộ được cử đi đào tạo ở Quảng Châu, Trung Quốc trở về nước. Mọi mặt công tác của Tỉnh bộ triển khai thuận lợi và tích cực hơn. Công tác bồi dưỡng chính trị cho hội viên được coi trọng. Các lớp huấn luyện từ 5 đến 7 hội viên lần lượt được tổ chức tại thị xã Thanh Hóa và một số phủ, huyện như: Đông Sơn, Thiệu Hóa, Thọ Xuân... Các lớp huấn luyện đã truyền thụ sâu hơn kiến thức: về cách mạng giải phóng dân tộc, phương pháp vận động cách mạng, phương pháp tổ chức cách mạng... giúp cho cán bộ hội viên có cơ sở lý luận và phương pháp thâm nhập vận động quần chúng. Việc phát triển hội viên thanh niên và xây dựng cơ sở tổ chức của Hội phát triển ở nhiều phủ, huyện như Thọ Xuân, Đông Sơn, Thiệu Hóa, Nông Cống. Mỗi huyện đã xây dựng được từ 2 đến 4 tiểu tổ Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Huyện Thọ Xuân đã thành lập Ban Chấp hành huyện bộ. Các đồn điền: Vạn Lại ở Thọ Xuân và Yên Mỹ ở Nông Cống đã phát triển hội viên và xây dựng tiểu tổ Việt Nam Cách mạng Thanh niên([2]. Ở thị xã Thanh Hóa và huyện Đông Sơn tổ chức được tiểu tổ Thanh niên trong trường học.
Các tiểu tổ Thanh niên đã phát huy vai trò nòng cốt, chủ đạo trong các Hội đọc sách báo cách mạng. Thông qua các Hội đọc sách báo cách mạng, tuyên truyền phổbiến chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường cứu nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ngày càng sâu rộng trong quần chúng.
Tháng 7 năm 1927, cuộc vận động rải truyền đơn phản đối nhà cầm quyền Tưởng Giới Thạch (Trung Quốc) khủng bố bắt giam những nhà Việt Nam yêu nước tại Quảng Châu (Trung Quốc) được tổ chức chỉ đạo chặt chẽ.
Tỉnh bộ Thanh niên Thanh Hóa tổ chức in ấn truyền đơn theo nội dung chỉ đạo của Tổng bộ và hướng dẫn kếhoạch rải truyền đơn cho các tiểu tổ Thanh niên. Các tiểu tổ Thanh niên ở thị xã và các phủ, huyện dựa vào Hội đọc sách báo và thanh niên, học sinh tổ chức việc rải truyền đơn, tạo ra ảnh hưởng lớn trong phạm vi từ thị xã đến các huyện Đông Sơn, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Nông Cống, Vĩnh Lộc, Thạch Thành. Trước các cửa hàng, cửa hiệu của Hoa kiều ở thị xã Thanh Hóa và thị tứ, thị trấn đều có truyền đơn.
*
* *
Cuối năm 1927, thực hiện chủ trương của Kỳ bộ Thanh niên Trung kỳ, Tỉnh bộ Thanh niên Thanh Hóa kịp thời triển khai việc xây dựng chi điếm Hưng nghiệp Hội xã(1). Thông qua tổ chức công khai này để làm kinh phí và tạo ra địa điểm hội họp, liên lạc, tuyên truyền giác ngộ quần chúng. Chi điếm Hưng nghiệp hội xã Thanh Hóa khai trương đầu tiên tại ngôi nhà số 98 phố Lớn, thị xã Thanh Hóa. Cuối năm 1927, các tiểu chi điếm lần lượt ra đời ở làng Trương Xá, chợ Nghè, chợ Mành, Diêm Phố (Hậu Lộc); chợ Doãn, Đông Xuân (Đông Sơn); Cầu Quan (Nông Cống); chợ Đu (Thiệu Hóa); chợ Neo (Thọ Xuân); chợ Đà (Triệu Sơn); Phù Hưng (Yên Định)... Một số nhân sĩ, thương gia, tiểu thương nhiệt liệt gia nhập các tiểu chi điếm Hưng Nghiệp Hội xã góp vốn kinh doanh hàng nội hóa.
Theo định hướng của Hưng Nghiệp Hội xã là chấn hưng hàng nội hóa. Tổ chức Thanh niên và Hưng Nghiệp Hội xã tích cực vận động nhân dân tiêu dùng hàng nội theo khẩu hiệu Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, nhằm khơi dậy lòng yêu nước thương nòi và tuyên truyền vận động cách mạng. Lực lượng thanh niên, giáo viên, viên chức nhỏ vận động tẩy chay vải ngoại với giá cắt cổ, mua vải, lụa được sản xuất tại Việt Nam để may quần áo và âu phục. Sự phát triển của Hưng Nghiệp Hội xã đã góp phần cổ vũ phong trào yêu nước và tạo cơ sở tư tưởng, mở rộng phạm vi hoạt động của Tỉnh bộ Thanh niên.
Tháng 4 năm 1928, thi hành Chỉ thị của Kỳ bộ Thanh niên Trung Kỳ, Tỉnh bộ lâm thời Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội triệu tập Hội nghị đại biểu các tiểu tổ toàn tỉnh tại chùa Quán Thánh (núi Nhồi, Đông Sơn). Dưới sự chủ trì của Bí thư Tỉnh bộ lâm thời Lê Hữu Lập, hơn 20 đại biểu về dự Hội nghị đã thống nhất nhận định tình hình và bàn định chủ trương công tác mới với nội dung: Tích cực phát triển hội viên Thanh niên trong công nhân, nhân dân, đồng thời vận động chấn hưng hàng nội hóa, đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống áp bức bóc lột, giành quyền sống hàng ngày cho quần chúng lao khổ... Hội nghị đã cử ra Ban Chấp hành Tỉnh bộ chính thức gồm 7 ủy viên do đồng chí Lê Hữu Lập làm Bí thư Tỉnh bộ(1). Hội nghị lịch sử này mở ra bước phát triển mới của phong trào cách mạng trong tỉnh.
Một bộ phận cán bộ của Tỉnh bộ được phân công thâm nhập vào phong trào công nhân ở các đồn điền, nhà máy(2). Từ sáng kiến của phong trào nông dân, công nhân, một số hội nghề nghiệp ra đời và hoạt động một cách hợp pháp. Các Hội đánh tranh, góp tranh lợp nhà, Hội cày thuê, cấy thuê và Hội hộ sản... được thành lập ở các huyện Đông Sơn, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Nông Cống... Hội Tương tế ái hữu trong công nhân đồn điền Vạn Lại, đồn điền Yên Mỹ, mỏ cổ Định... Hội bóng đá của công nhân, thanh niên khu vực Hàm Rồng, thị xã Thanh Hóa. Hoạt động của các tổ chức biến tướng đã làm cho ảnh hưởng của Tỉnh bộ Thanh niên sâu rộng. Quan hệ hoạt động giữa Hội Thanh niên với Đảng bộ Tân Việt ngày càng thêm mật thiết và đã thúc đẩy sự phân hóa trong nội bộ Đảng bộ Tân Việt. Lớp đảng viên trẻ trong Đảng bộ Tân Việt lần lượt ly khai quan điểm bảo thù, dân tộc hẹp hòi của một số sĩ phu như: Hoàng Văn Khải, Nguyễn Trác...
Một số đảng viên Tân Việt đã tự nguyện gia nhập tổ chức Thanh niên. Tại Cự Đà (Hoằng Minh, Hoằng Hóa), tất cả đảng viên Tân Việt được kết nạp vào Tiểu tổ Thanh niên. Đầu năm 1929, toàn tỉnh đã có trên 100 hội viên, hầu hết các huyện miền xuôi có từ 1 đến 2 tiểu tổ.
Tháng 5 năm 1929, Tỉnh bộ Thanh niên Thanh Hóa tiếp nhận chủ trương giải tán tổ chức Thanh niên, thành lập Đảng cộng sản([3]). Ban Chấp hành Tỉnh bộ Thanh niên triệu tập Hội nghị đại biểu các tiểu tổ Thanh niên trong tỉnh tại trụ sở Chi điếm Hưng nghiệp Hội Xã thị xã Thanh Hóa.
Dưới sự chủ trì của Bí thư Tỉnh bộ Hoàng Khắc Trung(1), Hội nghị đã thống nhất với chủ trương giải tán Thanh niên, thành lập Đảng Cộng sản. Hội nghị giành nhiều thời gian bàn biện pháp và phân công hội viên đi Vô sản hóa tại các đồn điền, nhà máy, hầm mỏ,... Hội nghị nêu rõ yêu cầu đi Vô sản hóa là nhằm thâm nhập vào tổ chức và phong trào đấu tranh của công nhân, rèn luyện lập trường tư tưởng của giai cấp công nhân, chuẩn bị cho việc gia nhập Đảng Cộng sản. Một số hội viên đã thâm nhập Đồn điền Yên Mỹ, Vạn Lại, mỏCổ Định, nhà máy diêm Hàm Rồng để Vô sản hóa.
Việc Vô sản hóa đang được tiến hành thì tổ chức Thanh niên bị khủng bố. Bọn thống trị ráo riết truy bắt các cán bộ thanh niên hoạt động công khai như Lê Hữu Lập, Hoàng Khắc Trung, Lê Công Thanh, Nguyễn Chí Hiền,...Số cán bộ này buộc phải thoát ly ra khỏi tỉnh để tiếp tục hoạt động. Một số cán bộ của Tỉnh bộ như Võ Danh Thùy, Nguyễn Mậu Sung, Nguyễn Năng Độ,... bị bắt cầm tù. Chúng kết án tử hình vắng mặt Lê Hữu Lập(2). Nhưng đại bộ phận hội viên thanh niên ở các huyện được quần chúng bảo vệ an toàn và kiên trì mục tiêu gia nhập Đảng Cộng sản.
RA ĐỜI VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐẢNG BỘ
TÂN VIỆT THANH HÓA
Những năm 1925 - 1927, phong trào yêu nước dấy lên mạnh mẽ. Sôi động là phong trào đòi ân xá nhà yêu nước Phan Bội Châu và làm lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Chu Trinh. Phong trào này đã cuốn hút nhiều nhân sĩ yêu nước trong tỉnh tham gia. Các nhân sĩ Hoàng Văn Khải (Thiệu Hóa), Nguyễn Trác (thị xã Thanh Hóa),... liên lạc được với hội Phục Việt(3) Vinh (Nghệ An). Cuối năm 1925, phân Hội phục Việt Thanh Hóa ra đời. Qua nhiều lần đổi tên, cuối năm 1928 lấy tên là Đảng Tân Việt. Từ đó Đảng bộ Tân Việt Thanh Hóa được củng cố và phát triển mạnh. Lực lượng đảng viên trẻ chiếm ưu thế, quan hệ mật thiết với hội viên Thanh Niên và ngả theo xu hướng cách mạng của tổ chức Thanh Niên. Mâu thuẫn trong Đảng bộ Tân Việt nảy nở do sự khác nhau về quan điểm giữa số đảng viên Tân Việt thuộc lớp nhân sĩ bảo thủ theo đường lối dân tộc hẹp hòi với lớp đảng viên trẻ đi theo khuynh hướng Cộng sản.
Cuối năm 1928, theo kiến nghị của lớp đảng viên trẻ, Hội nghị đại biểu các chi bộ Tân Việt trong tỉnh được tiến hành tại phố Lò Chum thị xã Thanh Hóa. Hội nghị đã cử Ban Chấp hành Đảng bộ mới với 7 ủy viên. Đồng chí Nguyễn Xuân Thúy, một đảng viên trẻ thuộc chi bộ Tân Việt huyện Thọ Xuân làm Bí thư(1). Hội nghị lịch sử này đã quyết định theo đường lối chính trị của tổ chức Thanh niên, mở ra bước phát triển mới trong Đảng bộ Tân Việt Thanh Hóa.
Đầu năm 1929, Tổng bộ Đảng Tân Việt cho ra đời bản đề án thành lập Khối Quốc gia chống lại chủ nghĩa Cộng sản. Đảng bộ Tân Việt Thanh Hóa cực lực phản đối bản đề án và tuyên bố ly khai khỏi Tổng bộ. Một bộ phận đảng viên Tân Việt trong tỉnh thuộc lớp nhân sĩ nặng đầu óc dân tộc hẹp hòi, tự rời bỏ Đảng bộ Tân Việt(2).
Từ đây mối quan hệ giữa Đảng bộ Tân Việt và Tỉnh bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội càng gắn bó, Tỉnh bộ Thanh Niên đã cung cấp tài liệu cho Tỉnh bộ Tân Việt mở một số lớp huấn luyện đảng viên tại Lò Chum, thị xã Thanh Hóa. Những bài huấn luyện chính trị cho thanh niên tại Quảng Châu (Trung Quốc) của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc được ấn hành trong cuốn sách Đường cách mệnh là nội dung chủ yếu trong các lớp huấn luyện của Đảng bộ Tân Việt.
Cùng với chăm lo huấn luyện chính trị, việc phát triển đảng viên và tổ chức Tân Việt cũng được xúc tiến. Đối tượng phát triển đảng viên Tân Việt hướng mạnh vào lớp thanh niên, học sinh, giáo viên và viên chức nhỏ có xu hướng Cộng sản chủ nghĩa. Giữa năm 1929, hầu hết các huyện miền xuôi(3) và hai huyện miền núi Thạch Thành, Cẩm Thủy đã xây dựng chi bộ Đảng Tân Việt.
Thông qua việc tuyên truyền phát triển đảng viên, xây dựng chi bộ ở thị xã Thanh Hóa và các phủ, huyện trong tỉnh, Đảng bộ Tân Việt đã góp phần tích cực vào việc tuyên truyền, phổ biến chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường cứu nước, giải phóng dân tộc của Nguyễn Ái Quốc trong thanh niên, giáo viên, học sinh và viên chức nhỏ.
Cuối năm 1929, Đảng bộ Tân Việt Thanh Hóa cũng bị chính quyền thực dân phong kiến khủng bố. Một sốỦy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh như Nguyễn Xuân Thúy, Nguyễn Văn Hồ... bị bắt cầm tù. Do chưa nắm được nhiều tư liệu về hoạt động của số cán bộ Tân Việt trẻ, bọn thống trị Pháp và tay sai đã đưa những người bị bắt về địa phương quản chế. Đây là điều kiện thuận lợi cho những đảng viên Tân Việt trong tỉnh tiếp tục giữ vững quan hệ hoạt động. Tuy không khôi phục lại tổ chức Đảng, nhưng nhiều đảng viên Tân Việt vẫn giữ vững quyết tâm phấn đấu để gia nhập Đảng Cộng sản.
*
* *
Như vậy là vào những năm cuối thế kỷ XIX và những năm đầu thế kỷ XX phong trào đấu tranh yêu nước theo khuynh hướng tư tưởng của giai cấp phong kiến và tư sản không giải quyết được mâu thuẫn dân tộc, mâu thuẫn giai cấp mở đường cho xã hội Việt Nam phát triển vì thiếu đường lối lãnh đạo khoa học và triệt đểcách mạng. Những năm 20 của thế kỷ XX, lãnh tư Nguyễn Ái Quốc, người con ưu tú nhất của dân tộc Việt Nam, đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, Cách mạng Tháng Mười Nga, tìm ra con đường giải phóng dân tộc kết hợp với giải phóng giai cấp, chuẩn bị điều kiện tư tưởng, tổ chức để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Những thanh niên yêu nước và quần chúng lao khổ Thanh Hóa đã lĩnh hội được con đường cách mệnh của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và thành lập các tổ chức tiền thân của Đảng bộ Thanh Hóa, đó là: Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và Tân Việt Đảng.
Ra đời và hoạt động của hai tổ chức tiền thân của Đảng trên địa bàn Thanh Hóa đã hướng phong trào đấu tranh yêu nước đi theo khuynh hướng Cộng sản, đi theo tư tưởng chỉ đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động, mà ngòi nổ là thanh niên, học sinh, trí thức tham gia trong các phong trào đấu tranh yêu nước đòi hỏi phải có một tổ chức kiên quyết triệt để cách mạng lãnh đạo. Những chiến sĩ ưu tú nhất trong tổ chức Thanh Niên và Tân Việt đã sẵn sàng gia nhập Đảng Cộng sản. Đó chính là điều kiện để Đảng bộ Thanh Hóa ra đời.
II- QUÁ TRÌNH ĐẤU TRANH THÀNH LẬPĐẢNG BỘ THANH HÓA
Năm 1929, do hoạt động tích cực của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh Niên và Đảng Tân Việt, phong trào đấu tranh theo khuynh hướng Cộng sản phát triển mạnh đòi hỏi phải có một tổ chức triệt để cách mạng lãnh đạo. Những người tiên tiến trong tổ chức Thanh Niên đòi hỏi giải tán Hội Việt Nam Cách mạng Thanh Niên thành lập Đảng Cộng sản.
Ngày 01-5-1929, tại Đại hội toàn quốc của tổ chức Thanh niên ở Hương Cảng (Trung Quốc). Đoàn đại biểu Miền Bắc mà đại diện là đồng chí Ngô Gia Tự đã kiên quyết giải tán Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Thấy rõ Đại hội không đủ khả năng giải quyết các vấn đề nóng bỏng mà lịch sử đã đặt ra, Đoàn đại biểu Bắc kỳ rút khỏi Đại hội và tiến hành tổ chức Đảng Cộng sản.
Ngày 17-6-1929, Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập và tuyên bố Chính cương của Đảng, tờ báo Búa liềm - cơ quan ngôn luận của Đảng ra đời... Sau khi thành lập, Đông Dương Cộng sản Đảng đã cử đại biểu vào miền Trung, miền Nam xây dựng cơ sở của Đảng và tổ chức các phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân...
Sự ra đời của Đông Dương Cộng sản Đảng đã ảnh hưởng sâu sắc đến nội bộ tổ chức Việt Nam Cách mạng Thanh Niên và Đảng Tân Việt.
Mùa thu năm 1929, nhiều tổ chức cơ sở của Hội Thanh niên giải tán và thành lập các chi bộ Cộng sản. Cuối năm 1929, đại biểu của các chi bộ Hội cử ra Ban Chấp hành Lâm thời của An Nam Cộng sản Đảng...
Cũng trong thời gian này, phái trẻ trong tổ chức Tân Việt cũng tổ chức các chi bộ Cộng sản, trên cơ sở đó, tháng 1 -1930, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn được thành lập.
Chỉ trong vòng nửa năm, ba Đảng Cộng sản đã lần lượt ra đời ở Việt Nam. Đây là sự phát triển nhảy vọt của cách mạng nước ta đáp ứng xu thế phát triển tất yếu của lịch sử. Nhưng sự lãnh đạo đồng thời của ba nhóm Cộng sản sẽ gây ra sự chia rẽ, thiếu tập trung thống nhất của phong trào cách mạng trong nước.
Ngày 03-02-1930, dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam được tiến hành tại Hương Cảng (Trung Quốc) trên cơ sở thống nhất ba nhóm Cộng sản trong nước. Sau 5 ngày thảo luận sôi nổi, Hội nghị Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng và Điều lệ của Nông hội, Công hội, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ.... Hội nghị quyết định bỏ các tờ báo của các nhóm Cộng sản, thành lập Tạp chí Đỏ, báo Tranh đấu và quyết định các vấn đề phát triển cơ sở của Đảng, tổ chức phong trào đấu tranh của quần chúng.
Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là bước ngoặt lịch sử vĩ đại của phong trào cách mạng Việt Nam. Từ đây trên vũ đài chính trị, cách mạng Việt Nam sẽ chấm dứt thời kỳ bế tắc khủng hoảng về đường lối cách mạng, tạo ra sự phát triển đúng hướng và đi đến thắng lợi ngày càng to lớn, vẻ vang.
Sau khi thống nhất ba tổ chức Cộng sản trong nước, công tác xây dựng phát triển hệ thống cơ sở Đảng được đẩy mạnh.
Nằm ở vị trí giáp liền giữa Trung Kỳ và Bắc Kỳ, lại có nhiều đường giao thông xuyên Việt đi qua nên các chiến sỹ trong tổ chức Thanh Niên và Đảng Tân Việt Thanh Hóa thường được tiếp xúc với các trào lưu tư tưởng mới. Nhiều cán bộ trong tổ chức Thanh Niên và Tân Việt đã thoát ly ra tỉnh ngoài hoạt động và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó có Lê Công Thanh, Nguyễn Chí Hiền, Nguyễn Doãn Chấp, Lê Tất Đắc...
Đồng chí Lê Công Thanh (Thiệu Toán, Thiệu Hóa) nguyên là ủy viên Ban Chấp hành Tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng Thanh Niên tỉnh Thanh Hóa, cuối năm 1929 bị địch truy lùng phải thoát ly ra Bắc kỳ hoạt động và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam và được Xứ ủy Bắc Kỳ giao nhiệm vụ chỉ đạo xây dựng Đảng bộ Thanh Hóa.
Mùa hè năm 1930, đồng chí Lê Công Thanh đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho đồng chí Nguyễn Doãn Chấp (quê Hoằng Giang, Hoằng Hóa) dạy học ở Hà Nam tham gia hoạt động cách mạng được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam trở về Thanh Hóa liên hệ với các chiến sỹ cách mạng trong tổ chức Thanh Niên tiến hành xây dựng Đảng bộ Thanh Hóa.
Được đồng chí Lê Công Thanh giới thiệu, đồng chí Nguyễn Doãn Chấp đã liên lạc được với số hội viên tổ chức Thanh Niên ở khu vực Đông Sơn, Thiệu Hóa, Thọ Xuân...
Sau một thời gian tìm hiểu, đồng chí Nguyễn Doãn Chấp đã lựa chọn bồi dưỡng kết nạp Lê Thế Long, Lê Bá Tùng, Lê Oanh Kiều vào Đảng Cộng sản Việt Nam và tuyên bố thành lập Chi bộ Hàm Hạ (Đông Sơn) vào ngày 25-6-1930 gồm 3 đảng viên nói trên, cử đồng chí Lê Thế Long làm Bí thư.
Đầu tháng 7-1930, đồng chí Nguyễn Doãn Chấp về khu vực Thiệu Hóa, lựa chọn bồi dưỡng kết nạp: Vương Xuân Cát, Ngô Ngọc Toản, Hoàng Trọng Bình, Lê Xuân Mạc vào Đảng Cộng sản Việt Nam và tổ chức Hội nghị tuyên bố thành lập Chi bộ Thiệu Hóa vào ngày 10-7-1930 tại làng Phúc Lộc (xã Thiệu Tiến, Thiệu Hóa), cử Vương Xuân Cát làm Bí thư.
Sau hai lần về Thọ Xuân, đồng chí Nguyễn Doãn Chấp đã tìm hiểu lựa chọn bồi dưỡng kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam 7 đảng viên gồm: Lê Văn Sỹ, Lưu Xuân Ngoạn, Lê Văn Sự, Trịnh Quang Lịch, Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Văn Khiếu, Lê Đình Dương. Ngày 22-7-1930 tổ chức Hội nghị tuyên bố thành lập Chi bộ Thọ Xuân lại làng Yên Trường (xã Thọ Lập), cử Lê Văn Sỹ làm Bí thư.
Sau một thời gian chuẩn bị tư tưởng và tổ chức, ngày 29-7-1930, đồng chí Nguyễn Doãn Chấp đã triệu tập 11 đại biểu của các chi bộ: Hàm Hạ (Đông Sơn), Thiệu Hóa, Thọ Xuân tiến hành hội nghị tại nhà đồng chí Lê Văn Sỹ làng Yên Trường (Thọ Lập, Thọ Xuân) quyết định thành lập Đảng bộ Thanh Hóa, cử Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 3 đồng chí: Lê Thế Long,Vương Xuân Cát, Lê Văn Sỹ và cử đồng chí Lê Thế Long làm Bí thư. Hội nghị đã thảo luận và quyết định nhiệm vụ của Đảng bộ như sau:
Một là, tích cực phát triển đảng viên trong số hội viên Thanh Niên và Tân Việt.
Hai là, xây dựng các tổ chức quần chúng: Công hội đỏ, Nông hội đỏ thu hút đông đảo quần chúng tổ chức các phong trào đấu tranh cách mạng hòa nhịp với cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh.
Ba là, tổ chức cơ quan ấn loát truyền đơn tài liệu Đảng, phát hành tờ báo Tiến lên - cơ quan ngôn luận của Đảng bộ nhằm tuyên truyền tổ chức hướng dẫn quần chúng đấu tranh.
Bốn là, quy định Đảng phí, chế độ sinh hoạt và báo cáo với các cấp lãnh đạo của Đảng.
Sự ra đời và hoạt động của Đảng bộ Thanh Hóa là bước ngoặt trọng đại. Từ đây phong trào cách mạng tỉnh nhà có Đảng lãnh đạo trực tiếp sẽ vững bước vượt qua thử thách hiểm nghèo cùng nhân dân cả nước tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Sau hội nghị thành lập Đảng bộ, các chiến sỹ Cộng sản đã tích cực tuyên truyền phát triển đảng viên xây dựng cơ sở Đảng và Nông Hội đỏ, Công Hội đỏ,... tính đến tháng 8-1930, từ 14 đảng viên, các chi bộ Hàm Hạ (Đông Sơn), Thiệu Hóa, Thọ Xuân đã phát triển lên 57 đảng viên sinh hoạt trong 14 tổ Đảng. Cụ thể là:
Chi bộ Hàm Hạ (Đông Sơn) đã phát triển thêm 10 đảng viên, nâng tổng số đảng viên 13 đảng viên sinh hoạt trong 4 tổ Đảng. Chi bộ Thiệu Hóa phát triển thêm 7 đảng viên, nâng tổng số đảng viên lên 11 đảng viên sinh hoạt trong 2 tổ Đảng. Riêng Thọ Xuân, vào tháng 8 - 1930, đồng chí Nguyễn Doãn Chấp kết hợp với đồng chí Lê Văn Sỹ xây dựng thêm Chi bộ Neo - Quần Kênh với 11 đảng viên, cử đồng chí Lê Văn Chức làm Bí thư, nâng tổng số đảng viên lên 33 đồng chí, sinh hoạt trong 8 tổ Đảng.
Thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ, Tỉnh ủy đã tổ chức cơ quan ấn loát in truyền đơn, tài liệu như cuốn Tóm tắt lịch sử nhân loại, thơ ca cách mạng trích trong tạp chí Búa Liềm của Đông Dương Cộng sản Đảng, các tài liệu do Tỉnh ủy biên soạn và in ấn, phát hành báo Tiến Lên. Số báo đầu tiên in tại nhà đồng chí Lê Văn Sỹ làng Yên Trường (Thọ Xuân), số thứ 2 và thứ 3 in tại nhà đồng chí Lê Oanh Kiều làng Hàm Hạ (Đông Sơn). Tuy phát hành với số lượng không nhiều, báo Tiên Lên cùng với các tài liệu của Đảng đã làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin. tư tưởng Nguyễn Ái Quốc, mục đích, lý tưởng, Chính cương, Sách lược vắn tắt của Đảng truyền bá sâu rộng trong quần chúng lao khổ, thổi bùng ngọn lửa đấu tranh chống áp bức bóc lột...
Nhân Ngày Quốc tế chống chiến tranh (ngày 10-8), các chiến sỹ cộng sản đã tổ chức rải truyền đơn kêu gọi quần chúng chống đế quốc thực dân, tuyên truyền Chính cương, Sách lược của Đảng, kêu gọi quần chúng tham gia Nông Hội Đỏ, Công Hội Đỏ,... Truyền đơn Cộng sản đã xuất hiện ở vùng Bái Thượng, phố Thọ Xuân, đồn điền Vạn Lại và nhiều nơi trong tỉnh. Cũng trong thời gian này, các chiến sỹ Cộng sản đã tổ chức treo Cờ đỏ búa liềm và rải truyền đơn ở phủ lỵ Quảng Hóa (Vĩnh Lộc). Sự xuất hiện Cờ đỏ búa liềm đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần cách mạng của quần chúng trong tỉnh.
Tại đồn điền Vạn Lại, các chiến sỹ Cộng sản đã chỉ đạo xây dựng tổ chức Công Hội Đỏ đầu tiên trong tỉnh và tổ chức cho công nhân đấu tranh đòi tăng tiền công, giảm giờ làm, chống cúp phạt. Tại nhiều làng, tổng Thọ Xuân, các chiến sỹ Cộng sản đã chỉ đạo xây dựng các tiểu tổ Nông Hội Đỏ và tổ chức cho nông dân làng Yên Trường đấu tranh đòi chia lại công điền, công thổ do lý hương chiếm đoạt, tổ chức cho nông dân làng Chỉ Tín đấu tranh không đắp đường vào ấp Quan Thành của tri phủ. Tại các tổng Phù Chuẩn, Xuân Lai (Thiệu Hóa), Kim Khê, Tuyên Hóa (Đông Sơn), các chiến sỹ Cộng sản đã chỉ đạo xây dựng tổ chức Nông Hội Đỏ đoàn kết nhân dân đấu tranh chống áp bức bóc lột. Vào cuối năm 1930, số lượng hội viên Nông Hội Đỏ ở 3 huyện: Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Đông Sơn lên tới 200 người.
Tháng 5 - 1930, đồng chí Lê Hữu Lập được phân công về Thanh Hóa bồi dưỡng kết nạp đảng viên xây dựng cơ sở Đảng và lựa chọn những đảng viên ưu tú đưa sang Xiêm (Thái Lan) đào tạo cán bộ... Đồng chí Lê Hữu Lập đã kết nạp: Lê Viết Phồn, Trương Khắc Khoan và Trương Khăc Cần người làng Cự Đà vào Đảng Cộng sản và tuyên bố thành lập Chi bộ Cự Đà vào tháng 9-1930, cử đồng chí Lê Viết Phồn làm Bí thư. Chi bộ Cự Đà hoạt động độc lập và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Lê Hữu Lập.
Mùa hè năm 1930, Nguyễn Xuân Phương cùng một số xích sinh từ trường Quốc học Vinh (Nghệ An) trở về Hà Trung hoạt động. Nguyễn Xuân Phương liên lạc được với đồng chí Nguyễn Văn Huệ, nguyên là cán bộ của Tỉnh bộ Tân Việt ở Hà Trung. Hai đồng chí thống nhất kếhoạch vận động thành lập chi bộ Đảng. Ngày 10-10-1930, một Chi bộ Đảng ra đời tại Chùa Trần (Hà Ngọc, Hà Trung), đồng chí Nguyễn Xuân Phương được cử làm Bí thư chi bộ. Chi bộ Hà Trung tích cực mở rộng phạm vi hoạt động từ vùng Hà Lâm ra vùng Hà Ngọc, Hà Bình, Bỉm Sơn lên vùng Hà Tiến, Hà Tân. Một số cơ sở Nông Hội đỏ đã ra đời ở các làng thuộc các vùng nói trên.
Các cuộc rải truyền đơn kêu gọi công nhân, nông dân đoàn kết đấu tranh giành quyền sống hàng ngày ở vùng Bái Thượng (Thọ Xuân - Thường Xuân), vùng Vạn Lại (Thọ Xuân), vùng Hậu Hiền, Chợ Đu (Thiệu Hóa)... Một số xích sinh về thị xã Thanh Hóa đã tổ chức rải truyền đơn 2 đợt vào ngày 11 tháng 11 và ngày 17 tháng 12 năm 1930. Nội dung truyền đơn của xích sinh ở thị xã là kêu gọi công, nông ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh, lên án tờ báo Thanh - Nghệ - Tĩnh của bọn phản động, kêu gọi công, nông đứng lên đấu tranh dưới ngọn cờ búa liềm của Đảng Cộng sản.
Đêm 22 rạng ngày 23 tháng 12 năm 1931, Chi bộ Hà Trung tổ chức rải truyền đơn. Cuộc rải truyền đơn được tiến hành trên một địa bàn rộng lớn ở vùng phủ lỵ Hà Trung, phố Trần phía Bắc cầu Đò Lèn, vùng nhà ga Đò Lèn, ga Cầu Cừ và ga Bỉm Sơn lên vùng Hà Tân, Hà Tiến giáp huyện Thạch Thành xuống vùng Đa Nam giáp huyện Nga Sơn đã tạo ra tiếng vang lớn.
Cuối năm 1930, chính quyền thực dân phong kiến tung mật thám dò la và tiến hành truy bắt các chiến sỹ cách mạng trong tỉnh. Tất cả các chi bộ Đảng và một số cơ sở Nông Hội Đỏ, Công Hội Đỏ bị đánh phá. Các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và một số đảng viên, cán bộ quần chúng bị bắt, cầm tù. Phong trào cách mạng trong tỉnh tạm thời gặp khó khăn về tổ chức, lãnh đạo.
*
* *
Tháng 1 năm 1930, Đảng Tân Việt cách mạng thuộc các tỉnh phía Bắc Trung Kỳ (Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh) đổi tên thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn và tháng 2 năm đó gửi đơn xin gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam(1).Ngày 24 tháng 2 năm 1930, Hội nghị bất thường Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã chấp nhận đơn xin gia nhập của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Đồng thời thông báo cho tất cả đảng viên hiểu rõ và thực hiện Quyết định nói trên(2). Sau đó Xứủy Trung Kỳ được thành lập.
Từ mối quan hệ trong Đảng Tân Việt cách mạng, Xứ ủy Trung Kỳ luôn quan tâm tạo điều kiện để đảng viên Tân Việt Thanh Hóa gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngay khi phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh bùng lên, Xứ ủy Trung Kỳ kịp thời giao cho đồng chí Lê Tất Đắc(3) nhiệm vụ vận động thành lập Đảng bộ Thanh Hóa.
Tháng 8 năm 1930, đồng chí Lê Tất Đắc về Thanh Hóa nối liên lạc với Ngô Đức Mậu(4) đang hoạt động trong Chi bộ Tân Việt huyện Tĩnh Gia. Sau đó hai đồng chí cùng lên huyện Thọ Xuân liên lạc với đồng chí Nguyễn Xuân Thúy và Nguyễn Văn Hồ nguyên là Bí thư và ủy viên Ban Chấp hành Tỉnh bộ Đảng Tân Việt. Tại đây các đồng chí đã tổ chức Hội nghị tại làng Phong Cốc huyện Thọ Xuân. Đồng chí Lê Tất Đắc chủ trì Hội nghị, truyền đạt nội dung tinh thần án nghị quyết của Trung ương, của Xứ ủy và kế hoạch vận động thành lập Tỉnh ủy lâm thời. Ba đồng chí Ngô Đức Mậu, Nguyễn Xuân Thúy, Nguyễn Văn Hồ đuợc giao trọng trách tổ chức vận động thành lập Đảng bộ Thanh Hóa.
Công việc chắp nối liên lạc với các đảng viên Tân Việt trung kiên để vận động thành lập các chi bộ Cộng sản ở các huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Yên Định, Vĩnh Lộc, Quảng Xương, Tĩnh Gia... được các đồng chí tiến hành một cách khẩn trương và thận trọng.
Ngày 01 tháng 01 năm 1931, Hội nghị đại biểu các chi bộ nói trên tiến hành tại làng Hồ Thượng huyện Tĩnh Gia để thống nhất chủ trương thành lập Đảng bộ tỉnh, do đồng chí Ngô Đức Mậu chủ trì. Hội nghị được quán triệt án nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Điều lệ Đảng, án Nghị quyết của Xứ ủy Trung Kỳ về phát triển đảng viên, xây dựng hệ thống tổ chức Đảng, hội quần chúng và tổ chức phát động phong trào đấu tranh cách mạng... Hội nghị thống nhất cử ra Ban Chấp hành Tỉnh Đảng bộ lâm thời gồm 5 ủy viên: Ngô Đức Mậu, Nguyễn Xuân Thúy, Nguyễn Văn Hồ, Nguyễn Văn Giảng, Phạm Tiến Năng và cử đồng chí Ngô Đức Mậu làm Bí thư. Ban Chấp hành Tỉnh Đảng bộ lâm thời nhất trí phân công đồng chí Nguyễn Xuân Thúy trực tiếp vào báo cáo và xin chỉ thị của Xứ ủy Trung Kỳ. Đồng thời phân công các đồng chí trong Tỉnh ủy triển khai các nhiệm vụ đã bàn định.
Đầu tháng 4 năm 1931, theo đường dây do đồng chí Lê Tất Đắc bố trí, đồng chí Nguyễn Xuân Thúy đã trực tiếp vào Nghệ An báo cáo và xin chỉ thị của Xứ ủy.
Trung tuần tháng 4 năm 1931, Hội nghị Ban Chấp hành Tỉnh Đảng bộ mở rộng được triệu tập và sinh hoạt tại một địa điểm ở phía Nam phà Ghép. Hội nghị đã nghe đồng chí Nguyễn Xuân Thúy truyền đạt chỉ thị của Xứủy(1). Trong đó có những vấn đề cơ bản sau đây:
1- Đảng bộ Cộng sản Thanh Hóa phải thảo luận kỹ và thi hành cho đúng Điều lệ, Luận cương Chính trị của Đảng và các án nghị quyết của Trung ương và Xứủy.
2- Đảng bộ Cộng sản Thanh Hóa phải bầu một cơ quan chỉ huy cho toàn bộ phận để:
a) Mở rộng nền tảng tổ chức Đảng.
b) Tổ chức các hội quần chúng: Công hội, Nông hội, Cứu tế hội.
c) Trong lúc thi hành các công việc đó phải tổ chức các cuộc đấu tranh để mở rộng phong trào và tổ chức.
3- Các ủy viên trong cơ quan đó phải có giai cấp giác ngộ, có tư tưởng chính trị cho khá, được càng nhiều là công nhân và cố bần nông thì hay.
4- Trong khi triển khai công việc hàng ngày phải báo cáo cho Xứ ủy biết để xét lại những điều sai lầm mà chỉ bảo cho... (1).
Từ tình hình cụ thể của địa phương, Hội nghị bàn định và triển khai kịp thời một số công tác trước mắt:
- Tổ chức treo cờ búa liềm, rải truyền đơn kêu gọi công, nông và các tầng lớp nhân dân lao khổ trong tỉnh hưởng ứng cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.
- Vận động, tổ chức công nhân, nông dân đấu tranh chống áp bức bóc lột, giành quyền lợi hàng ngày và tiến lên tổ chức mít tinh biểu tình ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Hội nghị nhất trí bổ sung 3 đồng chí vào Ban Chấp hành Tỉnh Đảng bộ: Hà Duyên Đạt (Thọ Xuân), Lê Văn Thiệp (Vĩnh Lộc), Nguyễn Trinh Thụ (Tĩnh Gia).
Hội nghị phân công đồng chí Ngô Đức Mậu làm Bí thư Tỉnh ủy phụ trách chung và đặc trách nhiệm vụ giữ vững liên lạc với đồng chí Nguyễn Tất Đắc để thực hiện chếđộ báo cáo với Xứ ủy. Đồng chí Nguyễn Xuân Thúy, Nguyễn Văn Hồ phụ trách vùng thị xã Thanh Hóa, Đông Sơn, Hàm Rồng. Đồng chí Lê Văn Giảng, Phạm Tiến Năng phụ trách vùng Quảng Xương, Nông Cống; còn 3 đồng chí mới bổ sung vào Tỉnh ủy tiếp tục phụ trách các vùng đang hoạt động. Phân công Chi bộ Tĩnh Gia in truyền đơn, may cờ đỏ chuẩn bị kỷ niệm 1-5.
Ngày 1-5-1931, cờ đỏ búa liềm xuất hiện trên nóc nhà ga Thanh Hóa và trước huyện đường Vĩnh Lộc. Truyền đơn ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh xuất hiện ở huyện Tĩnh Gia, Quảng Xương, thị xã Thanh Hóa, nhà máy điện Hàm Rồng, huyện lỵ Đông Sơn, vùng Hậu Hiền, Chợ Đu, Cầu Kè (Thiệu Hóa), vùng Vạn Lại, Bái Thượng (Thọ Xuân), Vĩnh Lộc, Thạch Thành, cẩm Thủy...
Đảng bộ tổ chức treo cờ Đảng, rải truyền đơn ủng hộ Xô viết Nghệ Tĩnh làm chấn động dư luận trong tỉnh, tạo ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng, làm cho bọn thống trị Pháp và phong kiến điên đầu. Giữa năm 1931, mật thám và lính khố xanh, khố đỏ phong tỏa, truy lùng các chiến sĩ Cộng sản trong tỉnh.
Đồng chí Lê Văn Thiệp bị sa vào lưới mật thám tại Eo Lê. Sau đó các đồng chí Nguyễn Xuân Thúy, Nguyễn Văn Hồ lần lượt bị bắt cầm tù. Một số cơ sở cách mạng ở Tĩnh Gia, thị xã Thanh Hóa, Thọ Xuân, Vĩnh Lộc... lần lượt bị kẻ thù đánh phá. Nhiều quần chúng cách mạng cũng bị kẻ thù khủng bố, bị bắt tra tấn cực hình.
Tính đến giữa năm 1931, Đảng bộ Thanh Hóa đã nhiều lần bị chính quyền thực dân phong kiến tiến hành khủng bố trắng, hầu hết cán bộ, đảng viên và một bộ phận quần chúng cách mạng bị quân thù bắt và tù đày... về mặt tổ chức, Đảng bộ bị tan rã, nhưng mục đích lí tưởng của Đảng đã thấm sâu vào con tim khối óc của quần chúng cách mạng, nhờ sự giác ngộ, quần chúng đã tự nguyện đấu tranh khôi phục lại Đảng bộ, phấn đấu trở thành đảng viên, chiến đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng thắng lợi.
III- ĐẤU TRANH CHỐNG KHỦNG BỐ, KHÔI PHỤC ĐẢNG BỘ VÀ PHONG TRÀO CÁCH MẠNG TRONG TỈNH
Từ giữa năm 1931, ở Trung Kỳ bọn thống trị Pháp và tay sai đã tập trung lực lượng đánh phá phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh và phong trào cách mạng Thanh Hóa. Chúng thực hiện những thủ đoạn khủng bố, đàn áp hết sức tàn bạo, dã man hòng truy bắt, quét sạch những chiến sĩ Cộng sản và cơ sở cách mạng của Đảng, gây tổn thất nặng nề cho Đảng bộ và phong trào cách mạng trong tỉnh. Bọn thống trị Pháp và phong kiến tay sai đã tăng cường bộ máy đàn áp đến từng làng, bản. Tại các phủ, huyện chúng đặt thêm chức Bang tá bên cạnh Tri phủ, Tri huyện để chỉ huy binh lính trực tiếp đi dò la, truy bắt các chiến sĩ Đỏ, chiến sĩ cách mạng. Tại các làng, bản chúng đặt thêm chức Xã đoàn bên cạnh Lý trưởng, Hương kiểm. Xã đoàn trực tiếp nắm tuần phu, tuần tra canh gác, theo dõi, khống chế tại chỗ các hoạt động yêu nước và cách mạng. Đồng thời tung ra chiêu bài Cải lương hương tục hòng mị dân, che đậy tội ác và làm lạc hướng đấu tranh cách mạng của nhân dân. Chúng cho xây dựng thêm nhà thờ, khuyến khích truyền đạo để hòng lôi kéo, mê hoặc nhân dân, tạo ra sự cách biệt giữa người theo đạo và người không theo đạo. Chúng cho tay chân lập ra chức Đại hào mục, Hội đồng tộc biểu trong từng làng, nhằm kích thích tâm lí dòng họ, gây xích mích, bất hòa giữa họ lớn, họ nhỏ... nhằm thực hiện chính sách chia để trị, chia bè, kéo phái, đối chọi nhau trong nội bộ dân cư trong từng làng, từng bản. Các chính sách, thủ đoạn nham hiểm của kẻ thù đã gây không ít khó khăn cho cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng.
Vượt lên thứ thách hiểm nghèo, những cốt cán còn lại như: Lê Văn Tân tức Mạc (Vĩnh Lộc). Hoàng Văn Mạch (Yên Định), Lê Chủ, Lê Huy Toán (Thiệu Hóa), Trịnh Khắc Sản, Trịnh Hữu Thường, Đỗ Đình Khanh (Thọ Xuân)... kiên trì bám trụ trong quần chúng, dựa vào sự bảo vệ của quần chúng cách mạng đấu tranh chống khủng bố. Các đồng chí đã vạch trần những âm mưu, thủ đoạn thâm độc của bọn thống trị, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng trong quần chúng. Đồng thời thực hiện nghiêm ngặt những nguyên tắc tổ chức và hoạt động bí mật của Đảng.
Để che mắt quân thù, tạo ra thế hợp pháp tập hợp quần chúng đấu tranh, cuối năm 1931, các đồng chí đã tổ chức các hội biến tướng của Nông Hội Đỏ như: Hội Cày, Hội Cấy, Hội đánh tranh lợp nhà, Hội Hộ sản của phụ nữ... ở các làng xã thuộc các huyện: Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Yên Định, Vĩnh Lộc...
Tổ chức cách mạng và phong trào quần chúng phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, đảng viên giữa các làng, các vùng, các huyện chắp nối liên lạc, tiến tới khôi phục Đảng bộ, thống nhất tổ chức và phong trào cách mạng trong tỉnh.
Cuối tháng 2 năm 1932, các đồng chí Lê Chủ (Thiệu Hóa), Trịnh Khắc Sản (Thọ Xuân), Hoàng Văn Mạch (Yên Định)là những cán bộ chủ chốt còn lại của 3 huyện thống nhất triệu tập Hội nghị đại biểu các cơ sở cách mạng trong tỉnh tại làng Yên Lộ (Thiệu Hóa) để xúc tiến việc khôi phục lại Đảng bộ.
Dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Chủ, 8 đại biểu của các huyện Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Yên Định, Vĩnh Lộc đã kiểm điểm lại tình hình và thống nhất nhận định: mặc dù bị kẻ thù khủng bố hết sức ác liệt, nhưng cán bộ, đảng viên và đông đảo quần chúng cách mạng vẫn giữ vững tinh thần, kiên định quyết tâm cách mạng. Các cơ sở cách mạng được quần chúng bảo vệ và không ngừng chắp nối liên lạc để hoạt động. Hội nghị thống nhất triển khai một số công tác trước mắt:
- Tích cực xây dựng củng cố phát triển và dựa vào các hội biến tướng như: Hội Cày, Hội Cấy, Hội đánh tranh lợp nhà, Hội Hộ sản của phụ nữ... đẩy mạnh các hoạt động tương thân tương ái trong sản xuất và đời sống nhằm tạo ra thế hợp pháp tập hợp đông đảo quần chúng vào tổ chức cách mạng. Đồng thời, lợi dụng chiêu bài Cải lương hương tục, từng bước tổ chức quần chúng nông dân đấu tranh đòi bài trừ hủ tục mê tín dị đoan, đòi bãi bỏ tục lệ đóng góp, tế lễ, phục dịch, phù thu lạm bổ do lý hào áp đặt.
- Ra sức khôi phục kiện toàn cơ sở Đảng ở từng huyện, trước hết là ở các huyện Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Yên Định, Vĩnh Lộc. Đồng thời, khẩn trương tổ chức đường dây liên lạc với tổ chức Đảng cấp trên, chú trọng khôi phục đường dây liên lạc giữa Thanh Hóa với Xứ ủy Trung Kỳ.
Hội nghị nhất trí giao trách nhiệm cho 3 đồng chí Lê Chủ, Trịnh Khắc Sản, Hoàng Văn Mạch (do đồng chí Lê Chủ đứng đầu), làm nhiệm vụ một Ban Liên lạc để chuẩn bị cho việc thành lập Tỉnh ủy, khôi phục Đảng bộ.
Tháng 8 năm 1932, Ban Liên lạc triệu tập đại biểu các cơ sở cách mạng trong tỉnh về làng Ngọc Vực (Yên Định) để hội nghị rút kinh nghiệm và bàn định chủ trương công tác mới.
Hội nghị khẳng định: Việc thành lập các hội biến tướng giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống là phù hợp với tình thế, với nguyện vọng của quần chúng, tạo ra thế hợp pháp mở rộng cơ sở tổ chức và phong trào cách mạng. Hội nghị chủ trương tiếp tục tập hợp đông đảo quần chúng vào các hội tương thân, tương ái, tổ chức quần chúng đấu tranh chống áp bức bóc lột, chống cường hào sách nhiễu, giành quyền sống hàng ngày.
Sau Hội nghị, cơ sở và phong trào cách mạng của quần chúng được mở rộng ở cả hai triền sông Chu, sông Mã thuộc các huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Yên Định. Vĩnh Lộc...
Tại làng Thuần Hậu (Thiệu Hóa), nông dân trong Hội Cày, Hội Cấy đã đoàn kết làm đơn đến các nhà giàu đòi vay lúa giải quyết nạn giáp hạt tháng 3, tháng 8. Nông dân làng Long Linh, Vực Thượng bền bỉ đấu tranh đòi bãi bỏ lao dịch, phù thu lạm bổ nặng nề do lý hương áp đặt.
Tháng 10 năm 1933, sau khi thoát ra khỏi nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), đồng chí Nguyễn Tạo(1) được đồng chí Đinh Chương Phượng(2)đưa vào Thanh Hóa hoạt động. Tại Hậu Lộc, đồng chí Nguyễn Tạo cùng đồng chí Đinh Chương Dương khẩn trương tiến hành tuyên truyền huấn luyện, đào tạo cán bộ, củng cố cơ sở tổ chức quần chúng. Từ cơ sở Hậu Lộc qua đường dây của đồng chí Đinh Chương Dương, các đồng chí Lê Chủ, Bùi Đạt(1) đã nối liên lạc với đồng chí Nguyễn Tạo.
Ngày 28-02-1934, các đồng chí Lê Chủ, Bùi Đạt, Nguyễn Tạo... đã tổ chức hội nghị tại làng Yên Lộ (Thiệu Vũ, Thiệu Hóa) kiểm điểm tình hình, định ra chương trình hoạt động phát triển cơ sở Đảng, phong trào cách mạng trong tỉnh. Trước mắt là khẩn trương mở các lớp huấn luyện lý luận và kinh nghiệm công tác cho cán bộ các huyện, đồng chí Nguyễn Tạo chịu trách nhiệm soạn thảo nội dung, đồng chí Lê Chủ chịu trách nhiệm tổ chức.
Lớp học được khai mạc vào ngày 12-3-1934 gồm 9 đồng chí, được tổ chức tại nhà đồng chí Lê Chủ (Làng Yên Lộ). Lớp học đã được đồng chí Nguyễn Tạo giới thiệu tình hình thế giới, trong nước, giới thiệu về công tác xây dựng Đảng và tổ chức quần chúng, mục đích, phương pháp tuyên truyền vận động quần chúng. Mặc dù chỉ học trong 5 ngày nhưng lớp học đã nâng cao quan điểm lập trường, nâng cao nhận thức và năng lực cách mạng cho đội ngũ cán bộ chủ chốt trong tỉnh.
Ngày 17-03-1934, Hội nghị đại biểu các cơ sở cách mạng trong tỉnh được triệu tập tại làng Thuần Hậu, dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Chủ, Nguyễn Tạo. Hội nghị nhất trí kết thúc nhiệm vụ lịch sử của Ban Liên lạc và cử ra Ban Chấp hành Tỉnh Đảng bộ lâm thời gồm 7 ủy viên, đồng chí Lê Chủđược cử làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời.
Hội nghị quyết định đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên; xây dựng củng cố cơ sở Đảng, cơ sở quần chúng, tiếp tục tạo ra thế hợp pháp đưa quần chúng vào trận tuyến đấu tranh chống áp bức bóc lột. Hội nghị Thuần Hậu là sự kiện lịch sử đánh dấu sự phục hồi và phát triển của Đảng bộ, phong trào cách mạng Thanh Hóa.
Triển khai Nghị quyết của Hội nghị, Tỉnh ủy đã tập trung lực lượng đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng bộ. Chi bộ Yên Lộ gồm 7 đảng viên do đồng chí Lê Chủ trực tiếp làm Bí thư được xây dựng, củng cố vững chắc, tạo ra cơ sở cần thiết nuôi dưỡng bảo vệ cơ quan Tỉnh ủy.
Các Chi bộ Ngô Xá Hạ, Ngô Xá Thượng, Mao Xá, Vĩnh Lộc - Thạch Thành(1) lần lượt được xây dựng, củng cố, phát triển mở rộng. Việc ra đời, phát triển của các chi bộ đã tạo ra nền tảng vững chắc để Đảng bộ và phong trào cách mạng phát triển.
Để có tài liệu tuyên truyền giáo dục hướng dẫn cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đấu tranh, Tỉnh ủy lâm thời đã thành lập cơ quan ấn loát tài liệu tại làng Yên Lộ do đồng chí Nguyễn Tạo phụ trách. Cơ quan ấn loát đã phát hành nhiều tài liệu quý như: ABC Cộng sản, Duy vật sử quan, Tóm tắt lịch sử nhân loại, Công nhân vận động, Bài ca dân cày, Điều lệ Đảng và Công Hội, Nông Hội Đỏ... Tất cả các tài liệu trên đều qua các đường dây bí mật chuyển về cơ sở, góp phần nâng cao trình độ, củng cố phát triển tổ chức Đảng và Hội quần chúng, cổ vũ phong trào cách mạng.
Đảng bộ vừa được củng cố, mọi mặt hoạt động đang tiến triển thì bọn mật thám Bắc Kỳ cùng bọn mật thám Trung Kỳ phối hợp truy bắt đồng chí Nguyễn Tạo và các chiến sỹ cách mạng Thanh Hóa. Ngày 10 tháng 4 năm 1934, chúng bắt đồng chí ở Hàm Rồng, đồng chí Đinh Chương Dương tại Phấn Thôn (Thọ Xuân). Ngày 18 tháng 4, chúng bắt đồng chí Nguyễn Tạo và hai công nhân đồn điền Vạn Lạc tại ấp Hải Mao. Và ngày 05 tháng 5 năm 1934, chúng bắt các đồng chí Lê Chủ, Bùi Đạt...
Đợt khủng bố này đã gây tổn thất lớn cho Đảng bộ và phong trào cách mạng trong tỉnh. Tuy nhiên, do quá trình tổ chức và hoạt động, cán bộ, đảng viên thực hiện những nguyên tắc chặt chẽ về tổ chức và hoạt động bí mật; quần chúng cách mạng đề cao cảnh giác và sẵn sàng chống khủng bố bảo vệ tổ chức và các cán bộ cách mạng. Các chiến sỹ cộng sản và quần chúng cách mạng sa vào lưới mật thám không khai báo, không tiết lộ bí mật của Đảng. Kẻ thù không tìm được bằng chứng cụ thể, buộc phải kết án phạt tù các đồng chí Cộng sản Thanh Hóa lừ 12 đến 18 tháng về tội liên lạc, chứa chấp đồng chí Nguyễn Tạo, một chiến sỹ cộng sản vượt ngục Hỏa Lò, Hà Nội.
Các đồng chí Tỉnh ủy lâm thời còn lại phân công đồng chí Trịnh Khắc Sản chủ trì cho đến khi củng cố lại Ban Chấp hành tỉnh Đảng bộ và chỉ đạo:
- Quần chúng đấu tranh chống khủng bố, bảo vệ cán bộ, đảng viên, bảo vệ cơ sở đảng và quần chúng.
- Củng cố cơ sở in và tiếp tục in ấn tài liệu tuyên truyền, ấn hành kịp thời tờ báo Hồn lao động.
Cuối năm 1934, phong trào quần chúng, nhất là phong trào đấu tranh của nông dân lại diễn ra mạnh mẽ ở nhiều vùng trong tỉnh. Mở đầu và gây được ảnh hướng lớn là cuộc đấu tranh đòi chia lại công điền, công thổ và cây lưu niên bị lý hào chiếm đoạt ở làng Long Linh Ngoại (Thiệu Hóa). Bọn lý hào ở đây buộc phải trả lại ruộng đất, cây lưu niên cho dân làng.
Hoạt động tương thân, tương ái của Hội cày, Hội cấy... không ngừng phát huy hiệu quả trong tương trợ sản xuất và đời sống nông dân ở từng làng. Hội hộ sản của phụ nữ đã không ngừng ý thức giới tính và yêu cầu thành lập một đoàn thể nhằm tập hợp và đoàn kết đông đảo phụ nữ vào một mặt trận đấu tranh giành quyền bình đẳng nam, nữ.
Đáp ứng nguyện vọng của quần chúng, yêu cầu mới của phong trào, Tỉnh ủy kịp thời thành lập Hội Phụ nữ Giải phóng. Từ Hội hộ sản, Hội Phụ nữ Giải phóng ởtừng làng lần lượt ra đời và được đông đảo phụ nữ tham gia.
Tháng 6 năm 1935, từ sáng kiến của quần chúng, Tỉnh ủy đã chỉ đạo chuyển các Hội cày, Hội cấy... thành Hội Tương tế ái hữu ở từng làng và cử ra Ban Trị sự từ 5 đến 7 người. Ban Trị sự có nhiệm vụ điều hành mọi công việc của Hội. Hội Tương tế ái hữu nhanh chóng cuốn hút đông đảo nông dân tham gia, một số lý hương cũng xin gia nhập Hội. Hội tương tế ái hữu đã tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân giúp nhau tổ chức sản xuất, giải quyết những khó khăn trong đời sống và đoàn kết đấu tranh chống áp bức bóc lột.
Nhằm đoàn kết lực lượng trên những quy mô rộng lớn, tháng 7 năm 1935, Tỉnh ủy triệu tập đại biểu Hội Tương tếái hữu các làng: Phong Cốc. Xá Lê, Long Linh Ngoại, Ngọc Trung (Thiệu Hóa), Ngọc Vực, Phúc Tĩnh (Yên Định). Hội cử ra Ban Trị sự Hội ái hữu Liên khu vực Thiệu Hóa - Yên Định và thống nhất nội dung hoạt động chung nhằm: Chống sưu cao thuế nặng, chống phù thu lạm bổ, chống cường hào nhũng nhiễu. Việc thành lập Hội ái hữu Liên khu vực đã tạo ra sức mạnh và niềm tin mới.
Cùng với giúp nhau sản xuất và sinh hoạt, Hội ái hữu ở các phủ huyện: Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Yên Định đã đứng ra tổ chức các lớp học chữ quốc ngữ vào buổi trưa, buổi tối và vận động đông đảo hội viên đi học. Thông qua học tập, các chiến sỹ cách mạng đã giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng nâng cao dân trí, giác ngộ dân tộc, giác ngộ giai cấp, khích lệ quần chúng lao khổ đoàn kết đấu tranh chống áp bức bóc lột.
Cuối năm 1935, đồng chí Lê Chủ, Bùi Đạt và một số chiến sỹ Cộng sản ra khỏi tù lao đế quốc, Đảng bộ và phong trào cách mạng được bổ sung thêm lực lượng lãnh đạo, tạo ra điều kiện thuận lợi chuyển sang thời kỳ mới.
Phong trào cách mạng 1930 - 1931 diễn ra trên địa bàn Thanh Hóa là bước đi đầu tiên của cách mạng dân tộc dân chủ do Đảng bộ Thanh Hóa trực tiếp tổ chức lãnh đạo. Đảng bộ bị quân thù tiến hành khủng bố trắng phải thành lập đi thành lập lại nhiều lần nhưng đã được quần chúng đấu tranh khôi phục bảo vệ nên đã phát triển và trưởng thành. Điều đó đã khẳng định chân lý khách quan:
Mục đích, lý tưởng, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam được Đảng bộ Thanh Hóa vận dụng để tổ chức lãnh đạo đồng bào các dân tộc trong tỉnh thực hiện là triệt để cách mạng và khoa học. Ngay từ khi mới thành lập, Đảng bộ Thanh Hóa (bộ phận của Đảng Cộng sản Việt Nam) đã được giai cấp công nhân, đồng bào các dân tộc trong tỉnh thừa nhận là người lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối, trực tiếp cách mạng dân tộc và cách mạng xã hội trên địa bàn Thanh Hóa.
Chính vì lẽ đó, trong những năm 1932 - 1935, mặc dù chính quyền thực dân phong kiến tăng cường bộ máy đàn áp, liên tiếp tiến hành khủng bố... nhưng quần chúng cách mạng trong tỉnh vẫn dũng cảm đấu tranh bảo vệ và khôi phục lại Đảng bộ, phong trào cách mạng tỉnh nhà.
Cuộc đấu tranh khôi phục Đảng và phong trào cách mạng đã diễn ra quyết liệt với những phương pháp sinh động sáng tạo, vừa phải che mắt và đề phòng sự khủng bố của quân thù, vừa phải củng cố, mở rộng niềm tin, phát triển cơ sở cách mạng trong quần chúng, vừa phải chắp nối liên lạc với Đảng để có chủ trương phương hướng lãnh đạo đúng đắn. Mặc dù chưa liên hệ được với Xứ ủy Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Trung ương Đảng... nhưng căn cứ vào mục đích, lý tưởng, đường lối cách mạng của Đảng, nhờ sự giúp đỡ của đồng chí Nguyễn Tạo (một trong 7 chiến sỹ Cộng sản vượt ngục Hỏa Lò, Hà Nội), các Chi bộ Cộng sản được xây dựng, củng cố đặt nền tảng cho việc khôi phục lại Đảng bộ Thanh Hóa vào tháng 3 năm 1934.
Từ bài học kinh nghiệm về xây dựng Đảng và tổ chức hoạt động bí mật trong thời kỳ 1930 - 1931, trong điều kiện quân thù săn lùng, khủng bố ác liệt, Đảng bộ vẫn tồn tại phát triển và chuẩn bị những điều kiện cần thiết đưa sự nghiệp cách mạng tiến lên.
Nguyên nhân thắng lợi trong thời kỳ đấu tranh khôi phục lại Đảng và phong trào cách mạng tỉnh nhà là: Đảng bộ đã xây dựng cho cán bộ, đảng viên, quần chúng cách mạng niềm tin tất thắng vào mục đích, lý tưởng của Đảng, giữ vững chí khí đấu tranh kiên cường bất khuất, chấp nhận hi sinh gian khổ vì sự nghiệp giái phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Đảng bộ đã giữ vững nguyên tắc hoạt động bí mật, kết nạp vào Đảng và tổ chức cách mạng những người ưu tú và tuyệt đối trung thành, xây dựng hệ thống tổ chức Đảng gọn nhẹ, hoạt động hiệu quả, gắn bó với cơ sở cách mạng, được quần chúng tin yêu hết lòng nuôi dưỡng bảo vệ.
Thành quả cách mạng thời kỳ 1930 - 1935 là thành quả bước đầu nhưng đó là nền tảng vững chắc cho Đảng bộ và phong trào cách mạng tinh nhà tiến tới cao trào 1936 - 1939.
Nguồn Cổng TTĐT Tỉnh ủy
(1) Tâm Tâm xã tức là Tân Việt Thanh niên đoàn, là một tổ chức cách mạng quốc gia của người Việt Nam được thành lập năm 1923 tại Quảng Châu (Trung Quốc), tổ chức này gồm các nhà cách mạng như Phạm Hồng Thái, Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu...
(2) Lê Hữu Lập (1892-1934) quê làng Hữu Nghĩa nay thuộc xã Xuân Lộc, Hậu Lộc.
(1)Mỗi đợt tổ chức xuất dương sang Quảng Châu phải tổ chức nhiều chuyến theo những đường dây khác nhau, phải tránh cho được con mắt cú vọ của bọn mật thám Pháp và tay sai. Mỗi chuyến chỉ đưa được 1 đến 2 người đi và có chuyến đưa đi không thành công như chuyến đưa đồng chí Nguyễn Mậu Sung, Võ Danh Thùy theo đường Móng Cái.
(1) Ba đồng chí gồm Lê Hữu Lập, Nguyễn Chí Hiền, Lê Công Thanh.
([2]) Việc phát triển hội viên và thành lập tiểu tổ Thanh niên ở đồn điền Vạn Lại do đồng chí Nguyễn Mậu Sung trực tiếp phụ trách, ở đồn điền Yên Mỹ do đồng chí Võ Danh Thùy.
(1) Tên một doanh nghiệp của nhà tư sản dân tộc Đào Thao Côn với mục đích tổ chức cuộc vận động chấn hưng hàng nội hóa, khẩu hiệu là: Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam.
(1)7 ủy viên gồm Lê Hữu Lập, Nguyễn Chí Hiền, Hoàng Khắc Trung, Lê Công Thanh, Hoàng Trọng Phựu, Nguyễn Mậu Sung, Võ Danh Thùy
(2)Nguyễn Mậu Sung và Võ Danh Thùy là hai cán bộ đầu tiên của Tỉnh bộ tình nguyện vào hoạt động ở đồn điền Vạn Lại, Yên Mỹ và mỏ cổ Định.
([3]) Đồng chí Võ Mai (tức Quốc Anh) đại diện cho kỳ bộ VNTNCMĐCH Trung kỳ trực tiếp truyền đạt chủtrương và hướng dẫn kế hoạch đi Vô sản hóa.
(1)Cuối năm 1928, Lê Hữu Lập được điều động vào Kỳ bộ trung kỳ nhận công tác mới, Hoàng Khắc Trung được cử thay Lê Hữu Lập làm Bí thư Tỉnh bộ.
(2) Tại phiên tòa ngày 2-11-1929, bọn thống trị thực dân phong kiến đã kết án tử hình vắng mặt Lê Hữu Lập.
(3) Ngày 14-7-1925 tại núi Quyết (Nghệ An) đại biểu sinh viên trường Cao đẳng sư phạm Hà Nội cùng một số chính trị phạm như cụ Giải Huân, Tú Kiên,... đã họp hội nghị thành lập Hội Phục Việt sau này đổi tên là Hưng Nam. Việt Nam cách mạng Đảng, Việt Nam Cách mạng đồng chí và cuối cùng đến tháng 7-1928 đổi tên là Tân Việt Cách mạng Đảng, gọi tắt là Đảng Tân Việt. (Những sự kiện LSĐ tập I - NXB Sự thật 1976, trang 103).
(1) Từ khi có tên là Đảng Tân Việt, lớp đảng viên trẻ có ý thức đã đảm nhiệm Bí thư Đảng bộ tỉnh như Lê Liên Vũ, Lê Thước rồi Nguyễn Xuân Thúy.
(2), (3) Các huyện miền xuôi có chi bộ Đảng Tân Việt là: Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Yên Định, Vĩnh Lộc, Quảng Xương, Nông Cống, Tĩnh Gia, Hoằng Hóa, Nga Sơn và thị xã Thanh Hóa.
(1), (2) Văn kiện Đảng toàn tập 1930 - 1945. HN 1977. Trang 29.
(3)Đồng chí Lê Tất Đắc nguyên là đảng viên Tân Việt, quê huyện Hoằng Hóa, là cán bộ của Xứ ủy đang làm ở ngành đường sắt.
(4) Đồng chí Ngô Đức Mậu, quê Đức Thọ, Hà Tĩnh, là giáo viên trường Năng Cải, Tĩnh Gia.
(1) Nghị quyết của Xứ ủy về việc Sát nhập bộ phận cách mạng Cộng sản Thanh Hóa vào Đảng Cộng sản Đông Dương". Lưu trữ tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
(1) Nghị quyết của Xứ ủy về việc Sát nhập bộ phận cách mạng Cộng sản Thanh Hóa vào ĐCS Đông Dương. Lưu trữ tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
(1)Đồng chí Nguyễn Tạo- một trong số 7 chiến sĩ Cộng sản vượt ngục Hòa Lò, Hà Nội đêm ngày 24-12-1932.
(2) Đồng chí Đinh Chương Phượng là con trai của đ/c Đinh Chương Dương.
(1) Đồng chí Bùi Đạt, quê Thịnh Lộc, Hậu Lộc, lúc này là giáo viên và tham gia hoạt động cách mạng cùng đồng chí Lê Chủ tại Thiệu Hóa.