Tổng quan
Bộ máy hành chính
Tin tức - Sự kiện
Du lịch - Di tích lịch sử
Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch
Dự án, Hạng mục đầu tư
Thông tin, Tuyên truyền
Chỉ đạo - Điều hành
Văn bản pháp quy
Chương I
Chương I
THANH HÓA QUÊ HƯƠNG GIÀU TRUYỀN THỐNG
YÊU NƯỚC VÀ CÁCH MẠNG
I. VỊ THẾ CHIẾN LƯỢC VÀ TRUYỀN THỐNG YÊU NƯỚC
Nằm giữa Miền Bắc và Miền Trung,Thanh Hóa có vĩ độ Bắc: 19°,33'-20°30', kinh độ Đông: 104°-106°30', có diện tích tự nhiên 11.168 km2 và 18.760 km2 vùng thềm lục địa. Phía Bắc Thanh Hóa giáp 3 tỉnh: Sơn La, Hòa Bình, Ninh Bình; phía Nam giáp tỉnh Nghệ An, phía Tây giáp tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào); phía Đông giáp biển Thái Bình Dương.
Thanh Hóa có đủ các vùng: trung du, miền núi, đồng bằng, ven biển và vùng thềm lục địa. Ở mỗi vùng có thế mạnh khác nhau và có điều kiện liên kết để phát triển một cách toàn diện.
Trung du miền núi có diện tích tự nhiên bằng 2/3 diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Ba mặt Bắc - Tây - Nam núi rừng trùng điệp hiểm yếu, phía Bắc và phía Nam núi rừng xuyên thẳng ra biển. Vùng trung du là những dãy đồi đất liền kề xen kẽ với miền núi có diện tích tự nhiên khoảng 500 km2. Trong vị thế chiến lược chung của cả tỉnh, trung du miền núi là khu vực trọng yếu về quốc phòng - an ninh, là địa bàn có nhiều điều kiện phát triển kinh tế.
Núi đồi được chia thành hai hệ thống. Hệ thống bắc sông Mã là núi đá vôi tiếp nối của dãy Hoàng Liên Sơn và kết thúc bằng dãy Tam Điệp, có độ cao giảm dần từ 1.500 đến 100 m, đỉnh cao nhất là Phu Pha Phong (1.587 m) thuộc địa giới 2 xã: Thanh Sơn (Bá Thước), Phú Xuân (Quan Hóa). Hệ thống nam sông Mã gồm các dãy phiến thạch, sa thạch, Granit, chạy từ Quan Sơn, Mường Lát, Quan Hóa sang Như Xuân, Tĩnh Gia (giáp Nghệ An) có độ cao trên dưới 1.000 m, đỉnh cao nhất là Bù Chó (1.563 m) thuộc xã Xuân Mỹ (Thường Xuân). Vùng đồi trung du cao không quá 40 m thuộc một phần diện tích của các huyện: Hà Trung, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Yên Định, Ngọc Lặc, Thường Xuân, Thọ Xuân, Như Thanh, ... Núi đồi Thanh Hóa hàm chứa nhiều tài nguyên, khoáng sản.
Rừng Thanh Hóa thuộc hệ sinh thái nhiệt đới và á nhiệt đới, tán rộng và xanh, nhiều tầng nhiều lớp. Cách đây 11 ngàn năm hệ sinh thái của rừng đã ổn định. Hệ thực vật có khoảng 1.569 loài, trong đó có 225 loài cho quả, 137 loài cho bột, 423 loài cho dược liệu, 400 loài cho gỗ,... Động vật có 64 loài thú, 33 loài bòsát, 137 loài chim và hàng trăm loài côn trùng, trong đó mật ong là loại côn trùng quý. Hiện nay rừng tự nhiên còn lại 300 ngàn ha và gần 100 ngàn ha rừng trồng.
Thanh Hóa đã phát hiện được 185 điểm có khoáng sản (phần lớn tập trung ở trung du miền núi) và được chia thành 4 nhóm:
- Kim loại đen gồm có: quặng sắt trữ lượng lớn tập trung ở Như Xuân, Hà Trung, Triệu Sơn.
- Kim loại màu gồm có: chì, kẽm (Tĩnh Gia), angtimon (Bá Thước, Cẩm Thủy), niken (Cổ Định), đồng (Thường Xuân, Lang Chánh), thiếc (Thường Xuân), môlip đen (Quan Hóa), vàng gốc và vàng sa khoáng phân bổ rộng ở 11 huyện miền núi,...
- Khoáng chất làm phân bón gồm: Phôt pho ric (Ngọc Lặc), Sec pen tin (Nông Cống), đô lô mit (khu vực Hàm Rồng).
- Khoáng chất làm nguyên liệu: cao lanh (Thường Xuân, Lang Chánh, Bá Thước), sét trắng (Tĩnh Gia, Nông Cống), Mac sa lit (Tĩnh Gia), vật liệu xi măng (Tĩnh Gia, Bỉm Sơn), vật liệu xây dựng như cát, đá, sỏi với khối lượng lớn huyện nào cũng có.
Đất đai khu vực trung du, miền núi có khoảng 789.400 ha được hình thành trên nền đá me phong hóa lại chỗ. Căn cứ vào tính chất đất và vị trí địa lí có thể chia thành các tiểu vùng:
Đất phát triển trên nền đá mác ma trung tính, ba zơ và siêu ba zơ có khoảng 101.411 ha nằm trên các khu đồi thấp thuộc huyện: Nông Cống,Như Thanh,Như Xuân,Triệu Sơn, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Bá Thước,... Đây là loại đất tốt có thể trồng cây công nghiệp và cây ăn quả.
Đất phát triển trên nền đá trầm tích và biến chất (đá vôi, sa thạch, phiên thạch) có khoảng 420.589 ha được phân bổ ở vùng đồi bát úp và núi thấp thuộc các huyện Hà Trung, Thạch Thành, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, tây nam Tĩnh Gia,... Loại đất này độ mùn nghèo dễ bị rửa trôi, kết vón, nếu cải tạo có thể trồng rừng, trồng cây công nghiệp.
Vùng đồng bằng Thanh Hóa rộng khoảng 3.100 km2 bằng 1/5 diện tích đồng bằng Bắc Bộ do phù sa sông Mã, sông Chu và hệ thống sông ngòi trong tỉnh tạo thành, có độ nghiêng từ 0,28 - 0,35m/km2, có một số núi đá vôi và đồi phiến thạch xen kẽ, ven biển có các vùng đất cồn xô cao từ 3 - 8 m do cát tạo thành. Đất đai khu vực đồng bằng được chia thành nhiều nhóm:
- Nhóm đất mặn có 8.719 ha được cấu tạo bởi phù sa sông và biển, được phân bổ ở các huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương, Tĩnh Gia...
- Nhóm đất chua mặn (tức đất phèn) có diện tích là 6.698 ha được phân bổ ở các huyện Tĩnh Gia, Quảng Xương, Hậu Lộc,...
- Nhóm đất phù sa có diện tích 155.648 ha (chiếm 79 % diện tích đất đồng bằng) được phân bố ở các huyện: Vĩnh Lộc, Thiệu Hóa, Yên Định, Thọ Xuân, Đông Sơn, Triệu Sơn, Nông Cống, Hà Trung, Quảng Xương, Hoằng Hóa, Cẩm Thủy.
- Nhóm đất xám bạc màu giữa vùng bán sơn địa và khu vực đồng bằng có diện tích khoảng 9.450 ha, được phân bốởcác huyện Vĩnh Lộc, Hà Trung, Triệu Sơn, Nông Cống, Thọ Xuân, Tĩnh Gia,...
Từ rất sớm đồng bào các dân tộc Thanh Hóa đã khai phá tạo nên những cánh đồng phì nhiêu, xóm làng trù phú, phát triển một nền nông nghiệp đa dạng ngành nghề, phong phú sản vật làm cho vùng châu thổ trở thành kho lương nuôi sống các thế hệ người xứ Thanh, góp phần to lớn cho sự nghiệp xây dựng bảo vệ đất nước.
Bờ biển Thanh Hóa dài 102 km, có nhiều cửa lạch (lạch Sung, lạch Trào, lạch Trường, lạch Ghép, lạch Bạng). Vùng thềm lục địa rộng lớn và có nhiều hải sản (đảo Nẹ, đảo Mê,...). Biển là kho tài nguyên vô giá về khoáng sản, hải sản, danh lam thắng cảnh mở ra khả năng to lớn phát triển các ngành công nghiệp, khai thác hải sản, du lịch - dịch vụ. Biển còn có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng. Cư dân vùng biển đã không ngừng lao động sáng tạo khai thác tiềm năng của biển, đóng góp xứng đáng cho công cuộc dựng nước và giữ nước.
Thanh Hóa có 5 hệ thống sông ngòi chính: sông Hoạt, sông Mã, sông Chu, sông Yên, sông Bạng. Hệ thống sông Hoạt bắt nguồn từ vùng Yên Thịnh (Hà Trung) dài 55 km, chảy qua Hà Trung, Nga Sơn đổ ra cửa Đáy, có lưu vực rộng 250 km2.
Hệ thống sông Mã: gồm có sông Mã bắt nguồn từ Điện Biên (tỉnh Lai Châu) dài 512 km chảy trên địa bàn Thanh Hóa 242 km, có lưu vực rộng 28.400 km2 (thuộc Thanh Hóa 9.000 km2) đổ ra cửa lạch Sung, lạch Trường, lạch Hới (còn gọi là lạch Trào) và 92 sông suối lớn nhỏ. Trong đó có những nhánh lớn chảy trên địa bàn Thanh Hóa như: suối Sim dài 40 km, suối Quanh dài 41 km, suối Xia dài 22 km, sông Luồng dài 102 km, sông Lò dài 76 km, Hón Nủa dài 25 km, sông Bưởi dài 130 km, sông Cầu Chày dài 87,5 km.
Hệ thống sông Chu: gồm sông Chu dài 300 km và các nhánh chính là sông Khao, sông Đằn, sông Âm, Sông Chu hợp lưu với sông Mã tại ngã ba Đầu (Thiệu Hóa).
Hệ thống sông Yên: gồm sông Yên dài 89 km, lưu vực rộng 1.850 km2, bắt nguồn lừ huyện Như Xuân đổ ra Lạch Ghép có các nhánh chính: sông Nhơm dài 60 km, sông Hoàng dài 72 km, sông Lý dài 48 km, sông Thị Long dài 49 km và hệ thống kênh đào nối với sông Mã, sông Bạng vào thời Tiền Lê.
Hệ thống sông Bạng bắt nguồn từ núi rừng Như Xuân dài 35 km chảy vào địa phận huyện Tĩnh Gia đổ ra cửa Bạng, lưu vực rộng 236 km2.
Hệ thống sông ngòi trong tỉnh không những bồi đắp phù sa tạo ra vùng châu thổ rộng lớn mà còn là nguồn nước chủyếu phục vụ sản xuất và đời sống, là hệ thống giao thông đường thủy nối liền các vùng trong tỉnh và tỉnh bạn, là nguồn thủy sản dồi dào góp phần nuôi dưỡng các thế hệ người tỉnh Thanh. Từ rất sớm các đồng bào dân tộc Thanh Hóa đã đoàn kết, chung lưng đấu cật tạo ra hệ thống đê điều chế ngự mực nước sông ngòi, phòng chống bão lụt, hạn hán bảo vệ đồng ruộng, xóm làng, phát triển sản xuất.
Nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, thời tiết, khí hậu Thanh Hóa có những nét giống miền Bắc, giống miền Trung và có những nét đặc thù Thanh Hóa. Mùa đông lạnh, ít mưa, có sương giá, sương muối. Mùa hè nóng, mưa nhiều, có gió tây khô nóng; với hai mùa gió thịnh hành: gió bắc và đông bắc vào mùa đông; gió tây và tây nam vào mùa hè. Với sự xâm nhập của khí lạnh cực đới nên nhiệt độ Thanh Hóa vào mùa đông thấp hơn các khu vực cùng vĩ độ là 4oC. Với địa hình đa dạng và phức tạp nên Thanh Hóa có những vùng tiểu khí hậu riêng biệt. Thời tiết khí hậu Thanh Hóa cũng chia làm 4 mùa: xuân - hạ - thu - đông, một năm mặt trời đi qua thiên đỉnh 2 lần vào ngày 15 - 5 và ngày 15-7, từ xuân phân đến thu phân mỗi ngày có từ 12-14 giờ mặt trời chiếu sáng và từ thu phân đến xuân phân mỗi ngày có từ 10 - 12 giờ mặt trời chiếu sáng. Hướng gió thịnh hành là hướng đông và hướng nam. Riêng khu vực Như Xuân - Tĩnh Gia là hướng Bắc, đông Bắc, tây Bắc. Vào tháng 7 dương lịch có gió tây nam và gió nam trội hẳn. Tháng 8 và tháng 9 có áp thấp nhiệt đới tạo nên giông bão và mưa lớn gây lũ lụt. Nhiệt độ trung bình trong năm từ 23 - 25°C, ngày cao nhất là 40oC, ngày thấp nhất là 4oC. Lượng mưa bình quân hàng năm từ 1.400 mm đến 2.200 mm. Lượng mưa ít nhất ở vùng Hồi Xuân, lượng mưa cao nhất ở vùng Lang Chánh. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 6 kết thúc vào tháng 10 và tiếp đến là mùa khổ. Nhìn chung thời tiết khí hậu đã gây ra không ít tác hại cho sản xuất và đời sống nhưng các yếu tố thuận lợi toàn diện và bao quát.
Là một trong những chiếc nôi hình thành dân tộc Việt Nam, Thanh Hóa có truyền thống phát triển lâu dài và liên tục theo tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại. Tại núi Đọ (Thiệu Hóa) đã tìm ra những công cụ của thời kỳ đồ đá cũ - dấu vết của người cổ xưa nhất cách đây 30 vạn năm. Tại một số điểm thuộc vùng Ngọc Lặc, Lang Chánh, Vĩnh Lộc đã phát hiện được nhiều di vật thuộc thời kỳ đồ đá giữa. Tại Đa Bút (Vĩnh Lộc) đã khai quật được nhiều công cụ thuộc thời kỳ đồ đá mới. Tại Hoa Lộc (Hậu Lộc) đã khám phá nhiều di tích thuộc thời kỳ đồ đồng. Tại Đông Sơn, nhiều di chỉ tiêu biểu thuộc thời đại đồng thau - tương ứng với thời kỳ các vua Hùng dựng nước cách đây khoảng 4 ngàn năm. Cư dân xứ Thanh từ rất sớm đã sáng tạo một nền văn minh rực rỡ.
Trong thời đại các vua Hùng, Thanh Hóa thuộc bộ Cửu Chân nước Văn Lang. Nhà Đinh và tiền Lê là Châu Ái. Nhà Lý đặt là phủ Thanh Hóa (tên Thanh Hóa có từ đó). Nhà Trần đổi thành lộ Thanh Hóa. Nhà Hồ đổi thành phủ Thiền Xương, nhà Lê (Lê Thánh Tông) đổi thành Thanh Hoa thừa tuyên, sau đó đổi thành Thanh Hoa trấn. Nhà Nguyễn (Minh Mệnh) đổi thành tỉnh Thanh Hóa. Từ khi xã hội Việt Nam hình thành cho đến ngày nay, Thanh Hóa luôn là đơn vị hành chính ổn định, chưa hề thay đổi cương vực, lãnh địa.
Thanh Hóa có các dân tộc: Kinh, Mường, Thái, H'Mông, Khmú, Tày (Thổ), Dao. Đồng bào các dân tộc Thanh Hóa đã chung lưng đấu cật xây dựng Thanh Hóa trở thành một tỉnh có vị thế chiến lược trọng yếu trong sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Về kinh tế: Đồng bào các dân tộc Thanh Hóa đã sớm quai đê, đắp đập chế ngự sông suối phát triển một nền nông nghiệp đa dạng ngành nghề; phong phú sản vật.
Theo Đại nam Nhất thống chí([1]) sau công trình Hà Phòng của Nhà nước phong kiến, đến thời Trần thì hệ thống sông Chu, sông Mã đã được xây đắp vững chắc và được bồi trúc từng năm, công cuộc trị thủy và giao thông tương đối ổn định.
Cùng với phát triển nông nghiệp, đồng bào các dân tộc Thanh Hóa đã khai thác lâm sản và luồng, gỗ phục vụ sự nghiệp xây dựng, đóng kết thuyền bè tổ chức đánh bắt thủy hải sản trên sông,biển, xây đắp ô nại làm muối và sáng tạo nghề tiểu thủ công nghiệp, sản xuất công cụ, hàng hóa tiêu dùng, vũ khí chiến đấu.
Nghề chế tác đá là nghề thủ công sớm nhất và đã được bàn tay, khối óc tài hoa sáng tạo của những người thợ xứ Thanh nâng lên trình độ nghệ thuật để có những công trình kiến trúc bằng đá, những tác phẩm nghệ thuật bằng đá tồn tại lâu bền trong lịch sử dân tộc.
Nghề đúc đồng sản sinh từ nền văn hóa Đông Sơn với những sản phẩm bằng đồng thau đã có mặt ở mọi miền đất nước và khu vực Đông Nam Á.
Nghề mộc, nghề rèn, đan lát mây tre, dệt chiếu, dệt vải, dệt lụa, dệt thảm cùng các nghề chế biến hải sản, thực phẩm,... đã tạo ra những sản phẩm và những làng nghề nổi tiếng: chiếu Nga Sơn, nhiễu Hồng Đô (Thiệu Hóa), nước mắm Du Xuyên, chè lam Phủ Quảng, bánh gai Tứ Trụ (Thọ Xuân), sành sứ Lò Chum (TPThanh Hóa), đồ rèn Tất Tác (Hậu Lộc), nghề dệt Phú Khê, chạm khắc Đạt Tài (Hoằng Hóa),...
Vềvăn hóa: nằm giữa Miền Trung và Miền Bắc, có đủ 3 vùng tự nhiên thơ mộng, có lịch sử phát triển lâu dài và liên tục lại có nhiều đồng bào các dân tộc chung sống... nhân dân Thanh Hóa đã tạo nên một nền văn hiến lâu đời đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam, trong đó có những nét đặc thù độc đáo.
Quá trình đấu tranh xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước, người xứ Thanh đã tạo ra một kho tàng văn học, nghệ thuật dân gian phong phú thể loại.
Huyền thoại về Mai An Tiêm và sựtích dưa hấu, Từ Thức gặp tiên, Thần Độc Cước, hòn Trống Mái, hòn Vọng Phu, huyền thoại về Hàm Rồng, về Bà Triệu, bộsử thi Đẻ đất, đẻ nước của dân tộc Mường, tuồng Phú Khê, các làn điệu ca vũ dân gian... và hệ thống ca dao, hò, vè, chuyện kể đã phản ánh khát vọng đấu tranh chinh phục tự nhiên, cải tạo xã hội của đồng bào các dân tộc tỉnh Thanh.
Từ lâu đời Thanh Hóa được xem là đất học. Sự học đã tạo ra những thành tựu huy hoàng trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, chính trị, quân sự. Trải qua 188 kỳ thi đại khoa (khoa đầu tiên vào năm 1009 nhà Lý, khoa cuối cùng vào năm 1919 nhà Nguyễn) Thanh Hóa có 6 vị đậu trạng nguyên, 8 vị đậu bảng nhãn, 6 vị thám hoa, 204 vị đậu tiến sỹ, hàng ngàn vị đậu tú tài. Sự học đã đào tạo cho quê hương, đất nước những nhân tài xuất chúng. Mở đầu lịch sử văn học Việt Khương Công Phụ (Yên Định) với bài phú Bạch vân chiếu Xuân hải" (Mây trắng rọi biển xuân), Lê Văn Hưu (Thiệu Hóa) nhà sử học đầu tiên Việt Nam đã viết nên bộ quốc sử Đại Việt sử ký lưu truyền hậu thế. Lê Lợi vị lãnh tụ tối cao của khởi nghĩa Lam Sơn đã để lại tác phẩm Lam Sơn thực lục và cùng Nguyễn Trãi viết Bình Ngô đại cáo. Lê Thánh Tông - nhà vua, nhà văn, nhà thơ lớn đã để lại nhiều tác phẩm kỳ tài: Quỳnh uyển cửu ca, Minh Lương cẩm Tú, Hồng Đức quốc âm thi tập, Lam Sơn thương thủy tú dài gần 400 câu và bộ Luật Hồng Đức... Đào Duy Từ để lại cho đời bộ sách Hổ trướng Khu cơ và một số tác phẩm văn học nghệ thuật.
Bên cạnh những danh lam thắng cảnh (biển Sầm Sơn, động Hồ Công, động Bích Đào, hang Từ Thức, động Kim Sơn, động Trường Lâm, rừng Bến En và hàng chục hang động kỳ thú), người xứ Thanh đã tạo ra một hệ thống di tích văn hóa lịch sử với những công trình kiến trúc độc đáo đồ sộ như: hệ thống di tích lịch sử Bà Triệu, Lê Đại Hành (Lê Hoàn), thành đá Tây Đô, cụm di tích lịch sử Lam Kinh, cung Trường An, cụm di tích tại quê hương chúa Trịnh, chúa Nguyễn, chùa Sùng Nghiêm, chùa Vồm và hàng trăm chùa chiền, lăng mộ có mặt ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh. Thế kỷ XVII bên cạnh đạo Phật, đạo Khổng, Thiên Chúa giáo được truyền bá vào Thanh Hóa lại xuất hiện thêm một loạt nhà thờ theo kiểu kiến trúc phương Tây.
Trong lịch sử đấu tranh giành giữ độc lập dân tộc, Thanh Hóa luôn là căn cứ, hậu phương của các cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại.
Năm 40, Trưng Trắc và Trưng Nhị dựng cờ khởi nghĩa lật đổ thái thú Giao Chỉ là Tô Định, các thủ lĩnh Cửu Chân: Lê Thị Hoa, Hải Diệu, Đào Kỳ, Dô Dương, Chu Bá.... đã chiêu mộ nghĩa quân hưởng ứng khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Tại căn cứ Thanh Hóa đã diễn ra các trận chiến đấu ác liệt giữa nghĩa quân và binh lính Mã Viện ở Thần Phù (Nga Sơn), Tam Quy (Hà Trung), núi Trinh (Thiệu Hóa),...
Năm 156, Chu Đạt người huyện Cư Phong (Thọ Phú, Triệu Sơn) đã chiêu mộ 5.000 nghĩa quân đánh chiếm huyện sở Cư Phong (nay thuộc Nông Cống, Tĩnh Gia, Quảng Xương, Như Xuân, Như Thanh) tấn công Tư Phố giết chết thái thú Đông Hán (Trung Quốc) cai quản Cửu Chân 4 năm (156 - 160).
Năm 220, Triệu Thị Trinh người con gái xứ Thanh anh hùng đã xây dựng căn cứ tại núi Nưa (Triệu Sơn) cùng 3 anh em họ Lý (Phú Điền, Hậu Lộc) phất cờ khởi nghĩa đánh đuổi giặc Ngô (Trung Quốc) đã làm chủ các quận: Cửu Chân, Cửu Đức, Nhật Nam (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh). Cuộc chiến đấu chưa giành thắng lợi hoàn toàn nhưng Triệu Thị Trinh đã nêu cao khí tiết giành độc lập dân tộc.
Đầu thế kỷ X, Dương Đình Nghệ đã tập hợp 3.000 người xây dựng căn cứ tại Tư Phố, trong đó có Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, Phạm Cư Lượng. Năm 931, Dương Đình Nghệ từ Châu Ái tiến quân đánh đuổi Lý Tiến (Sứ sử Trung Quốc), tiêu diệt viện binh Nam Hán chấm dứt ách đô hộ hơn 1.000 năm của ngoại bang phương Bắc, tự xưng là Tiết độ sứ mở đầu nền độc lập dân tộc.
Năm 938, Ngô Quyền từ căn cứ Châu Ái tiến quân ra Bắc tiêu diệt Kiều Công Tiễn tại thành Đại La (kẻ phản bội giết hại Dương Đình Nghệ), cản phá quân Nam Hán của Lưu Hoàng Thao trên sông Bạch Đằng lên ngôi vua tức là Vương Quyền.
Cuối thế kỷ X, Lê Hoàn cùng Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân thống nhất đất nước lập nên triều Đinh. Sau khi Đinh Bộ Lĩnh qua đời, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn trấn áp các đội quân chống đối của Nguyễn Bặc và Đinh Điền, đánh tan quân xâm lược nhà Tống (Trung Quốc) vào năm 981 và quân Chiêm Thành vào năm 982, được triều đình tôn lên ngôi vua lấy tên nước là Đại Cồ Việt lập nên triều Tiền Lê (981 - 1009).
Thế kỷ XIII, xứ Thanh trở thành căn cứ hậu phương vững chắc, để cả nước có điều kiện tổ chức những cuộc tiến công chiến lược quét sạch quân Nguyên ra khỏi bờ cõi.
Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai, quân dân Thanh Hóa đã cùng với quân đội nhà Trần chặn đánh quân của Toa Đô từ phía Nam tiến ra, tạo điều kiện cho nhà Trần từ Yên Trường tiến vào Thanh Hóa, xây dựng Thanh Hóa thành căn cứ. Tháng 5-1285, quân đội nhà Trần từ Thanh Hóa tiến ra Bắc giải phóng đất nước. Ngay từđầu cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, vua tôi nhà Trần đã chủ trương chọn Thanh Hóa - Nghệ An làm căn cứ. Điều đó được thể hiện bằng câu nói của Trần Nhân Tông:
"Cối kê cự sự quân tu ký
Hoan ái, do tồn thập vạn binh".
Đầu thế kỷ XV, lấy cớ diệt Hồ phù Trần, quân Minh kéo vào xâm lược nước ta. Bằng chính sách đô hộ cực kỳ tàn bạo, giặc Minh đã làm cho nhân dân ta vô cùng cực khổ. Mùa xuân 1418, tại căn cứ Lam Sơn, Lê Lợi đã tập hợp nhân tài cả nước (trong đó có Nguyễn Trãi) phất cờ khởi nghĩa. Từ cuộc khởi nghĩa, người anh hùng dân tộc Lê Lợi đã phát triển thành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Mười năm kháng chiến cực kỳ gian khổ nhưng anh dũng, dân tộc ta đã giành thắng lợi vẻ vang. Tên tuổi, sự nghiệp của Lê Lợi, Nguyễn Trãi cùng tướng lĩnh, nghĩa quân Lam Sơn sống mãi trong lịch sử Việt Nam.
Vào cuối thế kỷ XVIII, nhà Lê suy tàn, đất nước ta rơi vào cảnh nồi da nấu thịt. Các tập đoàn phong kiến Trịnh, Nguyễn đã chia cắt đất nước thành hai miền gây nội chiến gần một thế kỷ làm cho dân tộc điêu linh cực khổ. Lấy cớ phù Lê, 20 vạn quân Thanh kéo vào nước ta. Ngô Văn Sở, Ngô Thì Nhậm rút quân từ Thăng Long về trấn giữ vùng Tam Điệp chờ viện binh của Nguyễn Huệ. Thanh Hóa một lần nữa lại làm căn cứ chống quân Thanh xâm lược. Sau khi nhận được tin báo khẩn cấp, Nguyễn Huệ - người anh hùng áo vải Tây Sơn đã đem quân ra Bắc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của dân tộc. Tại Thanh Hóa quân Tây Sơn đã chia làm 2 mũi thủy, bộ hành quân thần tốc về Thăng Long tiêu diệt 20 vạn quân Thanh.
Năm 1858, lợi dụng sự suy yếu của vua chúa nhà Nguyễn, thực dân Pháp xâm lược ViệtNam, nhân dân ta từ Bắc chí Nam đã dũng cảm đứng lên đánh đuổi giặc Pháp. Hưởng ứng phong trào Cần Vương, đồng bào các dân tộc trong tỉnh dưới sự lãnh đạo của các sỹ phu yêu nước đã hăng hái tham gia các cuộc khởi nghĩa Ba Đình do Phạm Bành, Đinh Công Tráng lãnh đạo, khởi nghĩa Hùng Lĩnh do Tống Duy Tân, Cao Điền chỉ huy. Tại các căn cứ Ba Đình, Hùng Lĩnh, Mã Cao nghĩa quân Thanh Hóa đã giáng cho giặc Pháp những đòn chí mạng, ghi vào lịch sử kháng chiến chống Pháp cuối thế kỷ XIX những tấm gương chói sáng chủ nghĩa yêu nước. Đó là Tống Duy Tân, Phạm Bành, Hoàng Bật Đạt, Trần Xuân Soạn, Hà Văn Mao, Cầm Bá Thước, Cao Điền, Đặc biệt là sự hi sinh oanh liệt của Tống Duy Tân đã để lại cho nhân dân Thanh Hóa sự khâm phục và thương tiếc vô hạn:
Vô địa khả mai Cao Ngọc Lễ
Hữu tiền nan thục Tống Duy Tân" 1
Quá trình đấu tranh xây dựng bảo vệ đất nước, người xứ Thanh đã tạo dựng nên cho quê hương mình vị thế chiến lược trọng yếu,đóng góp to lớn cho sự tồn tại phát triển của dân tộc Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa và hun đúc nên những giá trị truyền thống cao quý.
Một là: Chung lưng đấu cật khắc phục thiên tai, cần cù sáng tạo xây dựng quê hương đất nước ngày càng thêm giàu mạnh.
Hai là: Đoàn kết, kiên cường, mưu trí, dũng cảm chống giặc ngoại xâm giành giữ độc lập chủ quyền dân tộc.
Ba là: Nhân hậu, trung thành, bền bỉ hi sinh vì nghĩa lớn.
Những người cộng sản Thanh Hóa, trước khi trở thành đảng viên của Đảng đã mang trong mình những phẩm chất và truyền thống cao quý của cha ông tiến vào trận tuyến đấu tranh mới.
Đánh giá về vai trò xứ Thanh trong lịch sử dân tộc, nhà bác học Phan Huy Chú từng viết:
Thanh Hóa mạch núi cao chót vót, sông lớn lượn quanh, biển ở phía Đông, Ai Lao ở phía Tây, Bắc giáp trấn Nam Sơn, Nam giáp đạo Nghệ An. Núi sông rất đẹp, là một chỗ có cảnh đẹp nơi xung yếu. Các triều trước vẫn gọi là một trấn rất quan trọng. Đến Lê Lai là nơi căn bản.Vẻ non sông tốt tươi chung đúc nên sinh ra nhiều bậc vương tướng, khí tinh hoa tụ họp lại xảy ra nhiều bậc văn nho. Đến những sản vật quý cũng khác với mọi nơi. Bởi vì đất thiêng thì người giỏi nên nảy ra những bậc phi thường, vượng khí chung đúc nên xứng đáng đứng đầu cả nước.
II. TÌNH HÌNH XÃ HỘI DƯỚI THỜI THỰC DÂN PHÁP
Từ khi đặt ách đô hộ lên đất nước ta, thực dân Pháp thực hiện chính sách cai trị dã man, tàn bạo và cực kỳ phản động.
Về chính trị: Thực hiện chính sách chia để trị, chúng chia nước ta thành 3 kỳ (Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ) và đặt ở mỗi kỳ chế độ cai trị khác nhau. Thanh Hóa thuộc Trung Kỳ nằm dưới chế độ bảo hộ của thực dân Pháp, triều đình phong kiến nhà Nguyễn trực tiếp cai trị.
Bên cạnh tòa Công sứ (cơ quan bảo hộ của thực dân Pháp) là bộ máy cai trị của nhà Nguyễn gồm: Tổng đốc, án sát, Bố chính, Lãnh binh. Dưới huyện, phủ, châu(1) là một viên Tri huyện, Tri phủ, Tri châu đứng đầu, cùng với mội số nha lại và một đội lính quản lý toàn diện các mặt: hành chính, pháp lý, an ninh xã hội. Riêng thành phố Thanh Hóa đứng đầu là đốc lý (do tên Công sứ kiêm nhiệm) và một số nhân viên giúp việc. Chính quyền cơ sở cấp làng, xã đứng đầu là lý trưởng rồi đến phó lý, trưởng bạ, trưởng trương tuần. Về danh nghĩa, bộ máy cai trị của chính quyền thực dân phong kiên ở Thanh Hóa mang tính chất lưỡng hệ, nhưng thực chất mọi quyền hành đều lập trung vào tay thực dân Pháp mà đại diện là tòa Công sứ, chính quyền phong kiến được thực dân Pháp duy trì để dễ bề lừa bịp nhân dân. Vì vậy, đồng bào các dân tộc trong tỉnh phải chịu cảnh áp bức đè nén gấp đôi, một bên là chính quyền thực dân Pháp, một bên là chính quyền phong kiến.
Cùng với tước đoạt mọi quyền tự do dân chủ, chính quyền thực dân phong kiên đàn áp đẫm máu các cuộc đấu tranh của nhân dân. Sử dụng bạo lực chính trị và quân sự, chia rẽ tôn giáo, dân tộc làm suy yếu khối đoàn kết trong nội bộ nhân dân để dễ bề thống trị.
Về kinh tế: Ngay từ khi đặt chân lên đất nước ta, thực dân Pháp đã thực hiện chính sách vơ vét tài nguyên, bóc lột nhân công rẻ mạt, tước đoạt công sức tiền của của nhân dân ta bằng thuế khóa, phu phen, tạp dịch.... biến nền kinh tế Việt Nam thành nền kinh tế lệ thuộc chính quốc". Đối với Thanh Hóa, một tỉnh đất rộng người đông, giàutài nguyên thiên nhiên, thực dân Pháp ra sức vơ vét những gì có thểvơ vét được với tốc độ, quy mô ngày càng tăng.
Từ năm 1896 -1925, thực dân Pháp đã đầu tư xây dựng hệ thống thủy nông sông Chu gồm đập Bái Thượng, 1 kênh đào chính, 2 kênh đào phụ có tổng chiều dài là 110 km, cùng hệ thống chi giang, tiểu câu dài 2.625 km,đảm bảo tưới nước cho 5 vạn ha ruộng đất của các huyện thuộc vùng đồng bằng sông Chu, sông Mã. Nhờ đó năng suất và tổng sản lượng lương thực trong tỉnh tăng lên. Nhưng đã bị thực dân Pháp vơ vét hàng vạn tấn phục vụ quân đội và xuất khẩu (năm 1927 đã xuất khẩu 3.000 tấn gạo); do đó nông dân trong tỉnh vẫn bị đói. Năm 1926 chỉ một phủ Thiệu Hóa đã có 300 người chết đói. Cùng với vơ vét thóc gạo, thực dân Pháp đã cấu kết với địa chủ phong kiến tước doạt 24.000 ha ruộng đất để lập đồn điền, làm sân bay. Dựa vào thế lực thực dân, một số địa chủ ra sức chiếm đoạt ruộng đất lập đồn điền, ấp, trại. Cha con Nguyễn Hữu Ngọc đã chiếm hơn 1.000 mẫu ruộng lập ra 7 ấp - trại ở các huyện Đông Sơn, Nông Cống, Quảng Xương. Đại chủ Bát Soạn, Nguyễn Hữu Hợp, Hà Văn Ngoạn,... mỗi tên đã chiếm từ 200 - 400 mẫu ruộng. Giai cấp địa chủ phong kiến trong tỉnh số lượng ít nhưng đã chiếm đoạt 50% tổng số ruộng đất toàn tỉnh, phần lớn thuộc loại nhất đẳng điền.
Để vơ vét tài nguyên, thực dân Pháp đã tổ chức lực lượng điều tra thăm dò khoáng sản trên địa bàn toàn tỉnh. Chúng đã độc chiếm và khai thác 35 khu mỏ. Năm 1909 khai thác kẽm ở Quan Hóa và Như Xuân với sản lượng hàng năm là 2 vạn tấn. Khai thác Crômit ởCổ Định (Triệu Sơn) với quy mô lớn. Năm 1911 khai thác đồng ở Lương Sơn (Thường Xuân), khai thác chì ở Điền Lư (Bá Thước). Năm 1926 khai thác phốt phát tại núi Nham (Vĩnh Lộc), Thanh Xá (Hà Trung), khai thác sắt ở Dương Xá (Đông Sơn), Văn Trinh (Quảng Xương). Sau này còn tổ chức khai thác kẽm ở Tĩnh Gia, chì ở Quãng Dạ (Như Xuân),... Việc khai thác chủ yêu bằng phương pháp thủ công, ít đầu tư máy móc phương tiện cơ giới. Ngoài việc tổ chức khai thác các mỏ quặng, tư bản Pháp đã đầu tư khai thác lâm sản và các loại gỗ quý hiếm. Tất cả những loại gỗ quý ở các khu vực thuận lợi cho việc vận chuyển đã bị chặt phá bừa bãi. Rừng bị đẩy lùi về phía tây,...
Việc phát triển các ngành công nghiệp trong tỉnh không được thực dân Pháp quan tâm. Mãi đến năm 1905 các nhà tư bản Pháp mới được phép đầu tư xây dựng nhà máy cưa xẻ gỗ và sản xuất diêm Hàm Rồng. Nhà máy Diêm Hàm Rồng có khoảng 500 công nhân, mỗi ngày sản xuất từ 20 - 30 vạn bao diêm, thu lợi nhuận hàng tháng từ 12 - 18 vạn đồng Đông Dương. Năm 1927, được chính quyền thực dân Pháp cho phép, Hoàng Văn Ngọc (một tư sản người Việt) đầu tư xây dựng nhà máy Điện Hàm Rồng gồm 2 máy phát điện nhưng chỉ có 1 máy hoạt động với công suất 360 kw.
Như vậy là hơn 80 năm cai trị, thực dân Pháp chỉtập trung khai thác tài nguyên còn đầu tư để phát triển các lĩnh vực công nghiệp không đáng kể.
Về thương mại: Đội ngũ thương nhân trong tỉnh không thể vượt qua sự khống chế của tư bản Pháp. Sản phẩm của các nghề tiểu thủ công nghiệp nội địa bị đánh thuế rất cao, hàng hóa nhập ngoại tràn ngập thị trường đã làm cho lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp mai một. Người Pháp độc quyền sản xuất rượu và buôn bán rượu, đặt sở Thương chính quản lý sản xuất muối và độc quyền muối. Chúng đã sử dụng muối như là một công cụ khống chế đồng bào các dân tộc miền núi. Người Pháp nắm độc quyền về xuất, nhập khẩu. Chúng đã vơ vét những gì có thể vơ vét được để xuất khẩu và nhập khẩu những gì có lợi cho chính sách cai trị, bỏ mặc cho dân ta đói nghèo lạc hậu...
Với mục đích phục vụ cho việc vơ vét tài nguyên và tạo điều kiện cho việc hành quân trấn áp các cuộc đấu tranh của nhân dân trong tỉnh, thực dân Pháp đã sớm đầu tư phát triển hệ thống giao thông bộ. Năm 1901 khai thông đường sắt Hà Nội - Vinh, trong đó có đoạn đường sắt đi qua Thanh Hóa. Sau đó mở tuyến đường ô tô từ TP Thanh Hóa đi Hồi Xuân (Quan Hóa), Kim Tân (Thạch Thành), Phố Châu (Ngọc Lặc), Bái Thượng (Thọ Xuân), Chuối (Nông Cống), Cầu Kênh (Nga Sơn), Chợ Phủ (Hậu Lộc), thị trấn Sầm Sơn,...
Song song với việc tước đoạt tài nguyên và đất đai, bóc lột nhân công rẻ mạt, thực dân Pháp đã đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý để bóc lột nhân dân ta. Thuế thân - một thứ thuế cực kỳ tàn bạo đã bổ vào đầu đàn ông từ 18 tuổi trở lên. Mỗi suất thuế thân phải nạp từ 3 - 3,5 đồng Đông Dương (tương đương 3 tạ thóc). Chính quyền thực dân phong kiến tìm mọi cách tăng mức thuế. Năm 1924, Khải Định đã xin phép Toàn quyền Pháp ở Đông Dương cho nâng mức thuế điền thổ lên 30%. Ngoài ra còn tìm cách "Lạc quyên" và ép nhân dân mua "Quốc trái" để vơ vét tiền của. Nhân việc mở tuyến đường sắt Thanh Hóa - Vinh, chúng ép dân ta mua "Quốc trái" và cướp đoạt luôn.
Bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế Thanh Hóa thời kỳ Pháp thuộc là nghèo nàn, lạc hậu, sản xuất nông nghiệp tự cấp, tự túc là chủ yếu, công thương nghiệp nhỏ yếu lệ thuộc.
Về văn hóa xã hội: Nhằm làm cho dân tộc ta tối tăm, lạc hậu để dễbề cai trị, thực dân Pháp chủ trương xây dựng một nền văn hóa phản động, đồi trụy, vong bản, tự ti dân tộc.
Thanh Hóa là một tỉnh đông dân(1)nhưng chỉ có 1 trường trung học và một số trường tiểu học. Tổng số học sinh trong toàn tỉnh chỉ có 7.000 người, trong dó đa số là con em quan lại, 95% dân số mù chữ. Toàn tỉnh chỉ có 1 nhà thương (Bệnh viện) do 1 bác sỹ người Pháp cai quản và 1 dược sỹ, 1 y sỹ người Việt giúp việc và 6 bệnh xá. Nhân dân lao động ốm đau phó mặc tính mạng cho thầy lang, thầy cúng. Trong khi đó thực dân Pháp lại khuyến khích nhân dân ta dùng rượu cồn, thuốc phiện. Cửa hàng đại lý rượu cồn của người Pháp và các tụđiểm nghiện hút thuốc phiện mọc lên nhan nhản khắp hang cùng ngõ hẻm. Cứ 1.000 làng thì có 1.500 cửa hàng bán rượu cồn và thuốc phiện. Riêng việc kinh doanh rượu cồn và thuốc phiện, hàng năm tư bản Pháp đã thu lãi 2.000.000 đồng Đông Dương. Các tệ nạn xã hội: mại dâm, cờ bạc, mê tín dị đoan được khuyến khích phát triển để đánh thuế thu lời. Ở khắp nơi trong tỉnh, đâu đâu cũng mọc lên sòng bạc, nhà chứa, đền chùa hành nghề mê tín dịđoan,... Tất cả những gì thực dân Pháp tạo ra nhằm xóa nhòa nền văn hiến lâu đời đậm đà bản sắc dân tộc, lung lạc truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm kiên cường bất khuất của đồng bào các dân tộc Thanh Hóa.
Bằng hệ thống chính sách cai trị tham lam, tàn bạo và cực kỳ phản động, thực dân Pháp đã làm cho xã hội Việt Nam, xã hội Thanh Hóa chuyển từ xã hội phong kiến thành xã hội thuộc địa nửa phong kiến: cơ cấu giai cấp xã hội thay đổi: giai cấp công nhân, giai cấp tư sản và tiểu tư sản hình thành, giai cấp địa chủ phong kiến và giai cấp nông dân cũng bị phân hóa.
Giai cấp công nhân ở Thanh Hóa hình thành và phát triển gắn liền với quá trình ra đời của các nhà máy, đồn điền, hầm mỏ, hệ thống giao thông,... nhưng do chính sách hạn chế phát triển công nghiệp nên Thanh Hóa chỉ có khoỏng 4.000 công nhân bao gồm công nhân chuyên nghiệp, công nhân thời vụ (trong đó có một bộ phận là trẻ em). Công nhân Thanh Hóa bị áp bức bóc lột nặng nề: tiền lương thấp (người lương cao nhất được giới chủ trả 4 hào 1 ngày công, phụ nữ và trẻ em được trả 1.2 hào 1 ngày công) thời gian làm việc kéo dài từ 12 - 14 giờ trong ngày. Bọn chủ và cai đội thường hay mượn cớ đánh đập, cúp phạt ức hiếp công nhân. Trong khi đó nơi ăn ở không được bố trí, an toàn lao động không được đảm bảo, nhiềư vụ tai nạn trong khi làm việc không được đền bù,... Mặc dù ra đời muộn, tỷ lệ thấp so với dân trong tỉnh nhưng bị áp bức bóc lột tàn bạo nên tinh thần đấu tranh rất cao. Về quan hệ kinh tế và tình cảm gắn bó mật thiết với giai cấp nông dân... Đó là cơ sở gắn bó mật thiết thúc đẩy liên minh công - nông ngày thêm vững chắc. Từ khi chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng cứu nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc truyền vào Thanh Hóa, giai cấp công nhân Thanh Hóa đã ý thức được vai trò lịch sử của mình và trở thành lực lượng chính trị độc lập, đại diện cho xu hướng chính trị tiên tiến nhất thời đại. Các phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân đã nhanh chóng chuyển từtự phát lên tự giác và trở thành lực lượng lãnh đạo cách mạng.
Giai cấp nông dân Thanh Hóa chiếm tuyệt đại bộ phận dân số trong tỉnh lại là lực lượng lao động chủ yếu trong xã hội, nhưng bị áp bức bóc lột tàn nhẫn. Sưu cao, thuế nặng, phu phen tạp dịch triền miên, thiên tai tàn phá mùa màng... Lợi dụng cơ hội đó bọn cường hào địa chủ mua rẻ, bán đắt và tìm cách tước đoạt ruộng đất làm cho nông dân bị bần cùng hóa. Nhiều người phải cầm cố tài sản, bán vợđợ con, tha phương cầu thực. Một bộ phận của giai cấp nông dân trở thành công nhân trong đồn điền, nhà máy.Còn đại bộ phận tiếp tục bị áp bức bóc lột tàn bạo của địa chủ phong kiến. Sống trong cảnh nước mất, nhà tan, nông dân Thanh Hóa có chung nguyện vọng với nông dân cả nước là: độc lập dân tộc, người cày có ruộng. Trong đấu tranh cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp nông dân trở thành đồng minh vững chắc tin cậy và đông đảo nhất của giai cấp công nhân.
Giai cấp tiểu tư sản Thanh Hóa bao gồm các tầng lớp: tiểu thương, tiểu chủ thợ thủ công, dân nghèo thành thị, viên chức, trí thức, học sinh. Họ có mức sống và nghề nghiệp khác nhau nhưng nhìn chung là không vững chắc vì luôn bị rủi ro, nạn thất nghiệp đe dọa. Dưới chế độ thực dân phong kiến, quyền tự do dân chủ bị chà đạp, đời sống bị lệ thuộc, nhân phẩm bị dày xéo,... Vì vậy giai cấp tiểu tư sản trở thành lực lượng đồng minh của giai cấp công nhân. Bộ phận học sinh, tri thức có trình độ học vấn, có tinh thần dân tộc, dân chủ cao nên dễ dàng tiếp thu xu hướng chính trị tiên tiến của thời đại, và trở thành ngòi nổ của cách mạng.
Giai cấp tư sản Thanh Hóa ra đời muộn, lại bị o ép về kinh tế, chính trị, số lượng quá nhỏ bé(1)nên có ít nhiều mâu thuẫn với đế quốc phong kiến. Khi cách mạng lên cao họ tán thành độc lập dân tộc, chống đế quốc phong kiến, nhưng khi cách mạng gặp khó khăn họ dao động và dễthỏa hiệp với đế quốc phong kiến tìm lối thoát bằng con đường cải lương. Giai cấp tư sản Thanh Hóa có thể trở thành đồng minh tạm thời và có điều kiện của giai cấp công nhân.
Giai cấp địa chủ phong kiến Thanh Hóa dưới thời Pháp thuộc vẫn là thế lực mạnh. Để tiếp tục cướp đoạt ruộng đất, bóc lột nông dân tàn bạo, một bộ phận địa chủ đã cấu kết với thực dân và phạm nhiều tội ác. Song do chính sách cai trị tàn bạo của thực dân Pháp, giai cấp địa chủ cũng bị phân hóa. Tư sản mại bản và đại địa chủ đã cấu kết với nhau tước đoạt ruộng đất của địa chủ vừa và nhỏ nên số này có ít nhiều mâu thuẫn với đế quốc phong kiến. Đó cũng là khả năng khách quan cho phép giai cấp công nhân tập hợp họ vào mặt trận chống đế quốc.
Bao quát toàn diện xã hội Thanh Hóa vào đầu thế kỷ XX, ta thấy sự phân hóa giai cấp xã hội ngày càng gia tăng, mâu thuẫn dân tộc, mâu thuẫn giai cấp ngày càng sâu sắc. Đó chính là tiền đề dẫn đến cách mạng dân tộc và cách mạng xã hội.
Nguồn Cổng TTĐT Tỉnh ủy
1Có sách chép là: Hữu tiền nan mãi Tống Duy Tân
(1)Tại Thanh Hóa vào năm 1930 tồn tại 6 phủ (Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Hà Trung, Hoằng Hóa, Tĩnh Gia, Vĩnh Lộc), 8 huyện (Nga Sơn, Nông Cống, Quảng Xương, Đông Sơn, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Yên Định, Hậu Lộc), 6 châu (Ngọc Lặc, Lang Chánh, Thường Xuân, Như Xuân, Quan Hóa và châu Tân Hóa, sau này gọi là Bá Thước), một thành phố (TP. Thanh Hóa) và một tổng Thủy Cơ.
(1) Tính đến năm 1945 có gần 1 triệu dân.