Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

PHẦN KẾT

Đăng lúc: 09/03/2021 (GMT+7)
100%

THÀNH TỰU LỊCH SỬ, BÀI HỌC KINH NGHIỆM

Là mảnh đất "địa linh, nhân kiệt", cửa ngõ giữa miền núi và đồng bằng tỉnh Thanh Hoá nằm trên đôi bờ Lương Giang, đoạn hạ nguồn của dòng sông Chu dịu hiền thơ mộng không ngừng bồi đắp phù sa tạo nên nhữmg cánh đồng màu mỡ, xóm làng trù phú với một nền văn minh nông nghiệp lâu đời. Thọ Xuân đã sớm tạo dựng cho mình một vị thế chiến lược trọng yếu đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giữ nước, dựng nước của dân tộc và trở thành bộ phận cực kỳ quan trọng của xứ Thanh, căn cứ chiến đấu, hậu phương chiến lược của các cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại.

Mỗi tên đất, tên làng, mỗi ngọn núi, dòng sông Thọ Xuân đều gắn liên với những truyền thuyết thần kỳ, sự tích anh hùng và những con người làm nên lịch sử mà tiêu biểu là Lê Hoàn, Lê Lợi cùng với những danh nhân chính trị, quân sự chung sức lãnh đạo nhân dân đánh đuổi các đội quân xâm lược phương Bắc bảo vệ độc lập chủ quyền dân tộc, đem lại thái bình cho muôn dân, sáng lập nên những triều đại phong kiến Việt Nam. Triều Hậu Lê đã tồn tại trong lịch sử dân tộc hơn 300 năm cùng với những thành tựu huy hoàng.

Trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước, nhân dân Thọ Xuân đã hun đúc truyền thống chống ngoại xâm kiên cường, bất khuất, lao động cần cù sáng tạo và nhữmg giá trị cao quý. Những người cộng sản Thọ Xuân trước và sau khi đứng vào đội ngũ của Đảng đã kế thừa, phát huy, phát triển những giá trị truyền thống không ngừng phấn đấu cho mục đích lý tưởng cao đẹp của Đảng thắng lợi.

Trong những năm 1925 - 1930, những người con ưu tú Thọ Xuân đã đem theo hoài bão giải phóng dân tộc thoát khỏi xiềng xích nô lệ đến với tổ chức Việt Nam Cách mạng Thanh niên và Đảng Tân Việt để học tập và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê Nin, tư tưởng Nguyễn Ái Quốc vào các tầng lớp nhân dân, thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh giải phóng dân tộc theo khuynh hướng cộng sản, chuẩn bị điều kiện tư tưởng và tổ chức thành lập tổ chức Cộng sản ở Thọ Xuân. Ngày 22-7-1930, chi bộ Cộng sản Thọ Xuân ra đời góp phần tích cực hình thành Đảng bộ Thanh Hoá vào ngày 29-7-1930. Sự ra đời của chi bộ là bước ngoặt trọng đại của phong trào cách mạng huyện nhà. Từ đây nhân dân Thọ Xuân có Đảng lãnh đạo trực tiếp, phong trào đấu tranh phát triển đúng hướng và đi đến thắng lợi vẻ vang. Sự ra đời của chi bộ đầu tiên đặt nền tảng cho chi bộ Neo - Quần Kênh và các chi bộ ở Thọ Xuân ra đời.

Trong những năm 1930-1945, quân thù nhiều lần tiến hành khủng bố trắng, các Chi bộ Cộng sản Thọ Xuân phải thành lập đi thành lập lại nhiều lần, nhưng mục đích lý tưởng cách mạng của Đảng đã thấm vào trái tim, khối óc quần chúng lao khổ, nhờ đó quần chúng đã đấu tranh khôi phục Đảng, phấn đấu trở thành đảng viên, chiến đấu cho mục đích lý tưởng cách mạng thắng lợi. Điều đó cắt nghĩa vì sao phong trào cách mạng Thọ Xuân phát triển liên tục và trở thành trung tâm của phong trào cách mạng Thanh Hoá. 15 năm đấu tranh kiên cường anh dũng, nhân dân Thọ Xuân dưới sự lãnh đạo của các chi bộ Cộng sản đã làm nên những cao trào cách mạng sôi sục tiến tới Cách mạng Tháng Tám thành công mở ra kỷ nguyên độc lập tự do và CNXH trên quê hương, đất nước thân yêu của mình.

Với sự đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ Đảng còn hoạt động bí mật, huyện Thọ Xuân đã có hàng chục làng được Nhà nước tặng Kỷ niệm chương, 312 đồng chí được công nhận là cán bộ lão thành cách mạng, trong đó có 55 đồng chí được Nhà nước tặng Kỷ niệm chương. 209 gia đình được tặng bằng Có công với nước,.

Cách mạng Tháng Tám vừa thành công, chính quyền cách mạng non trẻ đang bắt tay giải quyết những khó khăn do chế độ cũ để lại thì các thế lực phản động quốc tế Mỹ - Tưởng, Anh - Pháp và bọn tay sai kéo vào nước ta âm mưu lật đổ chính quyền, đặt ách thống trị lên đất nước ta. Thực hiện chủ trương của Đảng : Cương quyết về chiến lược, mềm dẻo về sách lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân Thọ Xuân đã dũng cảm chống thù trong, giặc ngoài, diệt giặc đói, giặc dốt giữ vững thành quả Cách mạng Tháng Tám chuẩn bị điều kiện kháng chiến chống Pháp.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân Thọ Xuân tất cả già trẻ trai gái kiên quyết chiến đấu đánh đuổi giặc Pháp. Vượt lên gian khổ hy sinh, đẩy lùi thiên tai địch họa. Thọ Xuân đã kịp thời tổ chức chiến tranh nhân dân bảo vệ xây dựng quê hương góp phần xây dựng Thanh Hoá thành tỉnh kiểu mẫu - căn cứ hậu phương chiến lược của kháng chiến chống Pháp. Bằng sự nỗ lực phấn đấu, Đảng bộ, nhân dân huyện nhà đã xây dựng Thọ Xuân trở thành trung tâm kinh tế - văn hoá của cả tỉnh, hoàn thành suất sắc vai trò hậu cứ của các cơ quan Trung ương, khu Ba, khu Bốn, Chính phủ kháng chiến Lào, các đại đoàn quân chủ lực cùng hàng vạn đồng bào các tỉnh tản cư, chi viện cao nhất, nhiều nhất sức người, sức của cho kháng chiến thắng lợi.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân Thọ Xuân đã tiến hành cải cách ruộng đất hoàn thành cách mạng dân chủ, thực hiện khẩu hiệu "Người cày có ruộng"; đồng thời khắc phục hậu quả chiến tranh và thiên tai, khôi phục phát triển kinh tế, văn hoá, cải tạo xây dựng CNXH, góp phần cùng nhân dân cả tỉnh đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ bảo vệ các công trình quân sự, kinh tế, văn hoá, giao thông vận tải trên địa bàn. Mặc dù bom đạn ác liệt, Đảng bộ và nhân dân Thọ Xuân "Tay cày, tay súng tay búa, tay súng" đã đẩy nhanh tiến độ phát triển kinh tế văn hoá. Trong mặt trận nông nghiệp, bằng các biện pháp đẩy mạnh công tác thuỷ lợi, ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật về phân, giống, chăm bón, cải tiến quản lý sản xuất toàn huyện đã không ngừng nâng cao năng suất cây trồng vật nuôi. Năm 1969, Thọ Xuân - huyện đầu tiên trong tỉnh đạt năng suất bình quân 5 tấn thóc trên ha gieo trồng. Năm 1971 đã đưa năng suất bình quân toàn huyện lên 5,7 tấn thóc/ha gieo trồng. Nhiều HTX đạt từ 7 - 8 tấn thóc/ha. Huyện Thọ Xuân trở thành điển hình tiên tiến toàn miền Bắc về sản xuất nông nghiệp và được Trung ương chọn làm huyện chỉ đạo điểm (toàn Miền Bắc có 5 huyện) thực hiện Chỉ thị 208 của Trung ương Đảng vào tháng 9 - 1974. Đảng bộ nhân dân Thọ Xuân được Chính phủ tặng thưởng nhiều Huân chương Lao động các loại. Hai chiến sỹ ưu tú trên mặt trận nông nghiệp là: Trịnh Xuân Bái và Lê Trọng Đồng (Xuân Thành) được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Cùng với xây dựng quê hương, Đảng bộ nhân dân Thọ Xuân đã cưu mang giúp đỡ hàng chục cơ quan của Trung ương, của tỉnh đóng trên địa bàn, đã làm nghĩa vụ cho Nhà nước hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm, đã huy động 14.297 thanh niên gia nhập bộ đội, 10.000 thanh niên xung phong chiến đấu, công tác trên các chiến trường lập công xuất sắc. 5 người con ưu tú của Thọ Xuân đã được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang. Đó là: Anh hùng lực lượng vũ trang Hoàng Ngọc Chương, Trần Ngọc Mật, Trịnh Minh Đích, Võ Ngôm, Anh hùng liệt sĩ Hoàng Quý Nam. Toàn huyện đã có hơn 4.000 người con ưu tú hy sinh vì Tổ quốc, 3.366 người con ưu tú hy sinh một phần xương máu vì độc lập tự do của dân tộc.

Tổng kết kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hàng trăm chiến sĩ trong huyện đã được tặng thưởng Huân chương quân công các loại, hàng vạn cá nhân và gia đình được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến. Trong chống Mỹ toàn huyện Thọ Xuân đã dược tặng thưởng 30.076 Huân, Huy chương kháng chiến. Bộ Tư lệnh quân khu 3 tặng cờ “Huyện thi đua quyết thắng trong chống Mỹ cứu nước 1965 - 1975" cho Đảng bộ nhân dân toàn huyện: lực lượng vũ trang Thọ Xuân được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất. Gần nửa thế kỷ tổ chức lãnh đạo sự nghiệp giải phóng dân tộc, kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, xây dựng bảo vệ chế độ mới, Đảng bộ Thọ Xuân hun đúc những bài học kinh nghiệm cao quý.

Một là: Xây dựng Đảng bộ dáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị thường xuyên tăng cường sở đoàn kết thống nhất trong Đảng.

Trong thời kỳ Đảng bộ còn hoạt động ngoài vòng pháp luật của chính quyền thực dân, công tác xây dựng Đảng phải đảm bảo nguyên tắc bí mật. Vượt lên khó khăn gian khổ thách thức hiểm nghèo, các chiến sĩ cộng sản đã thông qua đấu tranh cách mạng mà lựa chọn bồi dưỡng thử thách kết nạp những quần chúng ưu tú vào Đảng. Từ 7 đảng viên đầu tiên, cuối tháng 8 - 1945 chi bộ Thọ Xuân đã kết nạp thêm hàng chục đảng viên, xây dựng thêm 8 tổ Đảng. Từ chi bộ đầu tiên, tháng 8

- 1930 Thọ Xuân xây dựng thêm chi bộ ghép Neo

 - Quần Kênh, đầu năm 1931 xây dựng cơ sở Đảng Thử Cốc, tháng 4 - 1934 xây dựng chi bộ Phúc Bồi, tháng 6 - 1938 xây dựng chi bộ vùng Thử Cốc và chi bộ Long Linh Ngoại, cuối năm 1939 xây dựng lại chi bộ Phúc Bồi.

Các yếu tố thành công trong công tác xây dựng Đảng thời kỳ này chính là mỗi đảng viên của Đảng vừa là người tố chức lãnh dạo cách mạng vừa là người xây dựng Đảng trên các phương diện chính tri, tư tưởng, tổ chức. Các chiến sĩ cách mạng đã tích cực tuyên truyền giác ngộ mục đích lý tưởng cách mạng cho quần chúng. Từ đó quần chúng đã tự nguyện đấu tranh bảo vệ Đảng và tự nguyện phấn đấu trở thành đảng viên để chiến đấu cho sự nghiệp cách mạng của Đảng thắng lợi.

Trong kháng chiến chống Pháp, để đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện tuyệt đối trực tiếp, Đảng bộ Thọ Xuân đã nhanh chóng đưa số lượng đảng viên từ 22 đồng chí lên 4.268 đồng chí, xây dựng hệ thống chi bộ xã và các chi bộ trực thuộc huyện uỷ. Để khắc phục hạn chế về chất lượng đảng viên, huyện uỷ đã mở nhiều lớp bồi dưỡng lý luận, chủ trương đường lối và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn cho toàn Đảng bộ, đồng thời tiến hành các cuộc vận động xây dựng cơ sở Đảng, chỉnh huấn Đảng, mở rộng đấu tranh phê và tự phê bình... Nhờ đó năng lực và phẩm chất của cán bộ đảng viên được nâng cao, mọi hoạt động của Đảng bộ đi vào nền nếp, Đảng bộ đã đáp ứng được yêu cầu lãnh đạo sự nghiệp cách mạng.

Trong giai đoạn xây dựng CNXH và chống Mỹ cứu nước, công tác xây dựng Đảng đã tập trung vào nhiệm vụ bồi dưỡng đào tạo nâng cao trình độ văn hoá, lý luận và khoa học kỹ thuật chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ đảng viên, xây dựng Đảng bộ xã, chi bộ HTX đáp ứng yêu cầu xây dựng CNXH... Chiến tranh phá hoại mở rộng ra miền Bắc, 50 vạn quân Mỹ và chư hầu vào miền Nam tham chiến, yêu cầu chi viện cán bộ, đảng viên cho chiến trường càng gấp rút. Đảng bộ đã kịp thời bồi dưỡng kết nạp hàng ngàn đảng viên nữ, đề bạt hàng trăm cán bộ nữ gánh vác công tác xā hội thay thế cán bộ đảng viên nam giới đi chiến đấu. Công tác xây dựng Đảng đã đáp ứng yêu cầu bảo vệ CNXH chống Mỹ cứu nước.

Hai là: Dựa vào nhân dân, xây dựng hệ thống chính quyền và đoàn thể quần chúng, xây dựng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân trên nền tảng liên minh công - nông - trí thức tạo thành lực lượng cách mạng hùng hậu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trong từmg giai đoạn lịch sử.

Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, vì nhân dân! hiểu rõ chân lý khách quan đó, các chiến sĩ cộng sản Thọ Xuân đã không ngừng bồi dưỡng giáo dục nâng cao năng lực và giác ngộ cách mạng cho nhân dân, tập hợp đoàn kết toàn dân trong hệ thống chính trị tạo ra lực lượng cách mạng hùng hậu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị.

Ngay từ khi Đảng bộ mới hình thành, các chiến sĩ cộng sản đã tích cực xây dựng củng cố phát triển các tổ chức Công Hội đỏ, Nông Hội đỏ, sau đó là Hội Tương Tế ái hữu, Hội Phản đế, Hội ái quốc, Mặt trận Việt Minh để tập hợp đoàn kết các tầng lớp nhân dân đánh đổ chế độ thực dân phong kiến. Nhờ đó, Đảng bộ đã xây dựng được lực lượng chính trị rộng lớn, lực lượng vũ trang cách mạng đông đảo và kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền.

Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Đảng bộ đã thực hiện triệt để các chính sách đoàn kết dân tộc của Đảng, đem lai những quyền lợi thiết thực cho các tầng lớp nhân dân, đồng thời tích cực xây dựng củng cố hệ thống chính quyền, Mặt trận, Đoàn thể, tăng cường cán bộ đảng viên tốt nắm giữ các chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị. Đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục đường lối chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ nâng cao giác ngộ cách mạng cho quần chúng... Nhờ đó đã tập hợp đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, tạo ra những điều kiện căn bản, đưa sự nghiệp cách mạng tiến sang thời kỳ mới: Xây dựng bảo vệ CNXH trong cả nước.

Ba là: Vận dụng sáng tạo chủ trương Nghị quyết thành hiện thực cách mạng sinh động, xây dựng và nhân rộng điển hình phát triển phong trào sâu rộng mạnh mẽ đóng góp kinh nghiệm cho tỉnh và cả nước.

Là bộ phận của Đảng bộ Thanh Hoá, Đảng Cộng sản Việt Nam, từ khi mới ra đời cho đến nay, Đảng bộ Thọ Xuân đã thực hiện nghiêm túc và sáng tạo chủ trương Nghị quyết của Đảng dẫn dắt đồng bào các dân tộc trong huyện đi đến thắng lợi ngày càng to lớn vẻ vang. Một trong những nét sáng tạo trong quá trình tổ chức lãnh đạo cách mạng của Đảng bộ là đã xây dựng được nhiều điển hình tiên tiến, trong đó có những điển hình mang ý nghĩa toàn tỉnh và cả nước. Việc xây dựng và nhân rộng điển hình là yêu cầu tất yếu khách quan góp phần xoá bỏ khoảng cách giữa các địa phương, tạo ra những bước phát triển mới đã được Đảng bộ huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện đem lại hiệu quả chính trị - kinh tế - xã hội to lớn.

Để có phong trào đổi công, vần công phát triển sâu rộng và thiết thực, Đảng bộ Thọ Xuân đã phát hiện , xây dựng, nhân rộng điển hình tổ đổi công Trịnh Xuân Bái.

Để có phong trào thâm canh tăng năng suất cây trồng vật nuôi dẫn đầu toàn tỉnh, Đảng bộ đã xây dựng nhân rộng điển hình HTX Đông - Phương Hồng, Thắng Lợi Xuân Thành...

Bằng việc xây dựmg và phát động các phong trào thi dua học tập nhân rộng điển hình tiến tiến, Thọ Xuân trở thành huyện vững mạnh, được Trung ương chọn chỉ đạo xây dựng cấp huyện. Là địa phương có lịch sử phát triển lâu dài và liên tục, từ khi có Đảng lãnh đạo, nhân dân Thọ Xuân đã viết tiếp những trang sử hào hùng oanh liệt và ghi đậm những thành tựu huy hoàng, những bài học kinh nghiệm cao quý soi sáng cho các thế hệ người Thọ Xuân, đóng góp cho sự nghiệp cách mạng trên quê hương Thanh Hoá anh hùng.

 

PHỤ LỤC

DANH SÁCH BÍ THƯ CHI BỘ THỜI KỲ 1930 - 1945

 

1. Lê Văn Sỹ, Tỉnh ủy viên, Bí thư chi bộ Thọ Xuân năm 1930

2. Nguyễn Công Chức, Bí thư chi bộ Neo - Quần Kênh năm 1930

3. Nguyễn Đình Lãm, Bí thư chi bộ Ghép (Xuân Thành) - 1931

4. Lê Đình Ân, Tỉnh ủy viên, Bí thư chi bộ Phúc Bồi (1934 - 1939)

5. Trịnh Ngọc Điệt, Bí thư chi bộ Thử Cốc (1938)

6. Trịnh Khắc Sản, Tỉnh ủy viên, Bí thư chi bộ Long Linh Ngoại (1938)

 

DANH SÁCH BÍ THƯ HUYỆN ỦY THỜI KỲ 1945 - 1975

 

1. Dương Văn Du

Cuối năm 1945, đầu năm 1946

2. Võ Trọng Ân

Năm 1946 (bí danh Giáp)

3. Hoàng Thiên Nghệ

Năm 1946

4. Trịnh Ngọc Điệt

Năm 1947

5. Phạm Kỳ Vân

Năm 1947 - 1948

6. Trịnh Hữu Thường

Năm 1948

7. Lê Lam Châu

Năm 1948 (tức Lê Văn Tương)

8. Châu Quang Thiệp

Năm 1948

9. Phạm Huy Kinh

Năm 1948

10. Mai Ngân

Năm 1948

11. Phạm Tường

Năm 1948 - 1949

12. Trịnh Đăng Ấn

Năm 1949 - 1950

13. Nguyễn Doãn Chấp

Năm 1950 - 1951

14. Hà Trọng Hòa

Năm 1951 - 1952

15. Nguyễn Văn Hồ

Năm 1953

16. Trịnh Ngọc Bích

Năm 1954

17. Lê Văn Lữ

Năm 1955

18. Nguyễn Văn Hồ

Năm 1956 - 1957

19. Phạm Tường

Năm 1958 - 1959

20. Trịnh Xuân Lưỡng

Năm 1960 - 1961

21. Lê Văn Lữ

Năm 1962

22. Nghiêm Quý Ngãi

Năm 1963 - 1964

23. Lê Văn Lành

Năm 1965 - 1971

24. Lê Công Bích

Năm 1972 - 1973

25. Lê Văn Lành

Năm 1974 - 1975