Tổng quan
Bộ máy hành chính
Tin tức - Sự kiện
Du lịch - Di tích lịch sử
Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch
Dự án, Hạng mục đầu tư
Thông tin, Tuyên truyền
Chỉ đạo - Điều hành
Văn bản pháp quy
ĐẤU TRANH THÀNH LẬP VÀ KHÔI PHỤC ĐẢNG TIẾN TỚI CAO TRÀO DÂN SINH, DÂN CHỦ (1930-1939)
Chương I
ĐẤU TRANH THÀNH LẬP VÀ KHÔI PHỤC ĐẢNG TIẾN TỚI
CAO TRÀO DÂN SINH, DÂN CHỦ (1930-1939)
Sau khi đặt ách thống trị lên đất nước ta, thực dân Pháp thực thi chính sách áp bức bóc lột cực kỳ dã man tàn bạo nhằm kìm hãm dân tộc ta trong cảnh đói nghèo, lạc hậu để dễ bề thống trị.
Nhưng ở đâu có áp bức ở đó có đấu tranh, nhân dân ta từ Bắc chí Nam liên tục vùng lên chống Pháp. Các phong trào đấu tranh theo xu hướng tư tưởng phong kiến và tư sản diễn ra làm cho thực dân Pháp phải mất nhiều thời gian, tốn nhiều xương máu và tiền của để tiến hành cái gọi là Bình định 1.
Mặc dù các phong trào Cần Vương, Duy Tân, Đông Du, Đông Kinh nghĩa phục và các cuộc nổi dậy của Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thái Học tổ chức chỉ đạo bị dìm vào biển máu và thất bại nhưng đã đem lại cho dân tộc Việt Nam những bài học kinh nghiệm và kịp thời đi theo con đường cứu nước chân chính và tất thắng của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, đến với Cách mạng Tháng Mười Nga tìm ra con đường cứu nước kiểu mới. Đó là con đường kết hợp cách mạng dân tộc với cách mạng xã hội, giải phóng dân tộc kết hợp với giải phóng giai cấp và đã dành tâm huyết, trí tuệ nghiên cứu các vấn đề tổ chức xây dựng Đảng Cộng sản, các vấn đề chiến lược, sách lược của Cách mạng Việt Nam...
Năm 1924, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô về Quảng Châu (Trung Quốc) mở các lớp huấn luyện chính trị cho những người Việt Nam yêu nước và xây dựng Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên chuẩn bị điều kiện xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sinh trưởng trên một quê hương có truyền thống yêu nước chống ngoại xâm kiên cường bất khuất, Lê Hữu Lập (Xuân Lộc, Hậu Lộc) đã sớm tham gia các phong trào yêu nước. Năm 1924 được cụ Đinh Chương Dương (Hải Lộc - Hậu Lộc), một trong những chí sĩ yêu nước có quan hệ với tổ chức Tâm Tâm xã giới thiệu sang Quảng Châu (Trung Quốc) gặp Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu... Đồng chí Lê Hữu Lập đã được tham dự lớp huấn luyện chính trị đầu tiên của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.
Năm 1925, Lê Hữu Lập được cử về Thanh Hóa lựa chọn Thanh niên ưu tú gửi sang Quảng Châu (Trung Quốc) học tập và tiến hành truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng cứu nước của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, xây dựng tỉnh Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.
Năm 1926, Lê Hữu Lập tổ chức Hội đọc sách báo cách mạng tại số nhà 26 phố Hàng Than, thành phố Thanh Hóa sau đó mở rộng ra các phủ huyện trong tỉnh. Trên cơ sở Hội đọc sách báo, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Nguyễn Ái Quốc đã được truyền bá vào thanh niên, học sinh và quần chúng lao khổ. Lê Hữu Lập đã lựa chọn nhiều Thanh niên ưu tú gửi ra nước ngoài học tập và tiến hành chỉ đạo thành lập các chi hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở các phủ, huyện. Trên cơ sở đó tháng 4-1927, dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Hữu Lập, hội nghị đại biểu các cơ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên diễn ra tại số nhà 26 phố Hàng Than, thị xã Thanh Hóa thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tỉnh Thanh Hóa và cử 3 đồng chí vào Ban Chấp hành (1) do Lê Hữu Lập làm Bí thư. Hội nghị đã chủ trương xúc tiến mạnh mẽ nhiệm vụ truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Nguyễn Ái Quốc trong quần chúng, phát triển mở rộng cơ sở Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên tại các phủ, huyện trong tỉnh...
Tỉnh Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên được thành lập tạo ra điều kiện mới thúc đẩy các Chi Hội Thanh niên (xin được gọi tắt) ở các địa phương ra đời, hoạt động và phát triển.
Giữa năm 1928, do ảnh hưởng sâu sắc đường lối chính trị của tổ chức Thanh niên, số đảng viên trẻ trong tổ chức Tân Việt đòi củng cố tổ chức và lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Nguyễn Ái Quốc huấn luyện đảng viên chỉ đạo mọi hoạt động của Đảng Tân Việt. Cuối năm 1928, số đảng viên trẻ tổ chức hội nghị tại Lò Chum, thị xã Thanh Hóa quyết định hoạt động theo đường lối chính trị của tổ chức Thanh niên và bầu đồng chí Nguyễn Xuân Thúy (Xuân Minh, Thọ Xuân) làm Bí thư. Đảng bộ Tân Việt Thanh Hóa mở ra thời kỳ hoạt động mới.
Sự ra đời và hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và Đảng bộ Tân Việt Thanh Hóa đã chuẩn bị điều kiện tư tưởng tổ chức cho Đảng bộ Thanh Hóa ra đời.
I- RA ĐỜI VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI VIỆT NAM CÁCH MẠNG THANH NIÊN VÀ ĐẢNG TÂN VIỆT TẠI THỌ XUÂN
Thọ Xuân quê hương có bề dày văn hiến và truyền thống yêu nước chống ngoại xâm kiên cường bất khuất. Vào những năm 1925 - 1926 nhiều thanh niên yêu nước sôi sục khí tiết cách mạng đã tìm đến đồng chí Lê Hữu Lập tham gia Hội đọc sách báo, tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Nguyễn Ái Quốc tiến hành tổ chức cách mạng trên quê hương thân yêu của mình.
Người có công đầu truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Nguyễn Ái Quốc vào trái tim khối óc quần chúng lao khổ Thọ Xuân là đồng chí Nguyễn Mậu Sung thôn Quần Kênh, tổng Kiên Thạch (Xuân Giang, Thọ Xuân).
Năm 1926, Nguyễn Mậu Sung tham gia Hội đọc sách báo cách mạng Thanh Hóa và được cử về Thọ Xuân truyền bá tư tưởng cách mạng. Đồng chí đã chỉ đạo xây dựng Hội đọc sách báo ở Thọ Xuân và ở thôn Quần Kênh.
Sự hoạt động tích cực của Hội đọc sách báo đã làm cho nhiều quần chúng yêu nước được giác ngộ tư tưởng cứu nước của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Nhờ đó nhiều tiểu tổ Việt Nam Cách mạng Thanh niên được thành lập.
Tháng 10/1926 dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Mậu Sung, hội nghị thành lập Chi Hội Thanh niên Quần Kênh được tiến hành tại nhà đồng chí Vũ Đức Hợp. Đồng chí Nguyễn Mậu Sung phổ biến tôn chỉ, mục đích, nguyên tắc hoạt động của Hội và cử đồng chí Vũ Đức Hợp làm Chi hội trưởng.
Chi hội Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Quần Kênh ra đời là tiếng chuông báo trước sự bùng nổ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc theo xu hướng cộng sản trên địa bàn Thọ Xuân.
Để truyền bá đường lối chính trị, tập hợp quần chúng đấu tranh, Chi Hội Thanh niên Quần Kênh đã tổ chức lớp học có tên Lao động trường tại nhà đồng chí Vũ Đức Hợp sau đó di chuyển sang một số gia đình trong thôn. Cùng với học chữ, học viên (là quần chúng lao khổ) được giảng dạy thêm thơ ca yêu nước và cách mạng. Nhờ đó giác ngộ dân tộc, giác ngộ giai cấp và tinh thần đấu tranh của quần chúng nâng cao từng bước.
Năm 1927, tư tưởng cứu nước của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đến với quần chúng lao động khu vực Yên Trường (Thọ Lập), nhiều thanh niên yêu nước tích cực tham gia Hội đọc sách báo cách mạng. Đồng chí Nguyễn Mậu Sung đã thay mặt Tỉnh bộ Thanh niên kết nạp đồng chí Lê Văn Sỹ vào tổ chức Thanh niên. Do tích cực tuyên truyền giác ngộ cách mạng, đồng chí Lê Văn Sỹ đã lựa chọn kết nạp 7 quần chúng ưu tú vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Trên cơ sở đó, cuối năm 1927 đồng chí Nguyễn Mậu Sung chỉ đạo hội nghị thành lập Chi hội Thanh niên Yên Trường, cử đồng chí Lê Văn Sỹ làm Chi hội trưởng.
Chi hội Yên Trường vừa mới ra đời đã tích cực tổ chức hoạt động. Nhờ đó quần chúng trong khu vực giác ngộ cách mạng ngày càng đông, một số tổ chức biến tướng như: Hội Truyền bá quốc ngữ, Hội Thể dục Thể thao, Hội bát âm được xây dựng và hoạt động sôi nổi.
Vào giữa năm 1927, ảnh hưởng của Hội đọc sách báo cách mạng và tổ chức Thanh niên đã lan rộng đến khu vực Mỹ Lý (Bắc Lương), 12 quần chúng ưu tú được kết nạp vào tổ chức Thanh niên. Trên cơ sở đó đồng chí Nguyễn Mậu Sung đã tổ chức hội nghị thành lập Chi hội Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở khu vực Mỹ Lý, cử đồng chí Lê Văn Chức làm Chi hội trưởng.
Đầu năm 1928, các đồng chí Lê Đình Dương, Trịnh Quang Lịch đã tuyên truyền lựa chọn kết nạp 2 hội viên mới tại khu vực Yên Lược theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Mậu Sung. Trên cơ sở đó Chi hội Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên Yên Lược (Thọ Lập) được thành lập, cử đồng chí Lê Đình Dương làm Chi hội trưởng.
Đến giữa năm 1928, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã hình thành ở nhiều địa phương trong phủ Thọ Xuân, trên cơ sở đó tháng 6-1928 Tỉnh Bộ Thanh niên chỉ đạo thành lập Phủ Bộ Thanh niên Thọ Xuân. Hội nghị đã diễn ra tại Chùa Điệu (Xuân Thành) gồm đại diện của các chi hội về dự. Hội nghị đã đánh giá sự phát triển của tổ chức và phong trào đấu tranh quần chúng, đề ra mục tiêu phương hướng hoạt động. Hội nghị nhấn mạnh: Trong thời gian tới cần xây dựng phát triển mở rộng cơ sở tổ chức hội, chú ý kết nạp quần chúng lao động, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, mục đích tôn chỉ của Hội, mở rộng tổ chức Hưng nghiệp hội xã tạo nguồn kinh phí và cơ sở liên lạc... Hội nghị đã bầu các đồng chí Nguyễn Mậu Sung, Giáo Huy, Hương Thu vào Ban Chấp hành Phủ Bộ và cử đồng chí Nguyễn Mậu Sung là Bí thư.
Sự ra đời của Phủ Bộ Việt Nam cách mạng Thanh niên Thọ Xuân đánh dấu bước phát triển mới về tổ chức Hội và phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng. Sự lãnh đạo tập trung thống nhất trong phủ bộ sẽ tạo ra sức mạnh mới.
Truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng cách mạng của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vào quần chúng lao khổ là nhiệm vụ vừa có ý nghĩa trực tiếp cấp bách vừa mang ý nghĩa chiến lược đã được Ban Chấp hành Phủ Bộ chỉ đạo khẩn trương tích cực. Hội viên và quần chúng của Hội đã truyền tay nhau đọc các loại tài liệu do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc biên soạn, đọc báo và tài liệu của Tổng Bộ Thanh niên xuất bản cùng nhiều tài liệu khác. Nhờ đó mà trình độ và ý thức cách mạng được nâng cao.
Cùng với đẩy mạnh công tác tư tưởng, Ban chấp hành Phủ Bộ đã tích cực tổ chức chỉ đạo phát triển hội viên và xây dựng nhiều chi hội mới. Tính đến cuối năm 1929 tổng số hội viên đã lên tới 48 người, một số chi hội mới ra đời ở Mậu Thôn (Tân Ninh, Triệu Sơn), Phú Hào và Mỹ Hào (Thọ Phú), Phú Liễm (Thọ Thế), Chỉ Tín (Xuân Tín)...
Tại Chỉ Tín vào năm 1929 chính quyền thực dân phong kiến bắt dân làng đắp con đường đi qua Chỉ Tín vào đồn điền Phúc Địa, chủ đồn điền là Tenmartine tư sản Pháp. Chi hội Thanh niên làng Chỉ Tín đã tổ chức đấu tranh với tri phủ và chủ đồn điền, cuối cùng bọn chúng phải chấp nhận bồi thường thiệt hại về ruộng đất cho 30 chủ hộ nông dân làng Chỉ Tín và phải huy động dân phu cả tổng Phú Hà đi đắp đường, hủy bỏ việc thu thuế nhặt lâm sản trên đất đồn điền. Cuộc đấu tranh thắng lợi đã tạo ra tiếng vang lớn.
Thực hiện chủ trương của Tỉnh bộ Thanh Hóa, Phủ bộ Thọ Xuân đã tích cực củng cố phát triển hệ thống tổ chức của Hưng nghiệp hội xã.
Ngay sau khi tổ chức Hưng nghiệp hội xã của Tỉnh Bộ khai trương tại thành phố Thanh Hóa, Phủ Bộ Thọ Xuân đã thành lập chi điếm Hưng nghiệp hội xã và hệ thống tiểu chi điếm ở Quần Kênh, Nam Thượng, Mỹ Lý, Yên Trường vào đầu năm 1928.
Để thành lập chi điếm và tiểu chi điếm, các chiến sỹ là hội viên tổ chức Thanh niên đã bỏ vốn mua cổ phần và vận động quần chúng mua cổ phần xây dựng cửa hàng, mua hàng hóa kinh doanh.
Tiểu chi điếm Quần Kênh đã góp vốn mở cửa hàng tạp hóa, cửa hàng thuốc bắc và cửa hàng may đo. Tiểu chi điếm Nam Thượng góp vốn thu mua và khai thác lâm sản vận chuyển về xuôi tiêu thụ. Tiểu chi điếm Mỹ Lý tổ chức cửa hàng tại địa phương buôn bán tạp hóa. Tiểu chi điếm Mỹ Lý có số lượng cổ đông nhiều nhất, có người mua đến 6 cổ phần (1 cổ phần là 5 đồng Đông Dương tương đương 1 tạ thóc).
Nhờ tổ chức chỉ đạo chặt chẽ và hoạt động nhanh nhạy, tích cực, hệ thống tổ chức Hưng nghiệp hội xã Thọ Xuân đã góp phần chấn hưng hàng nội hóa, tạo ra nguồn kinh phí hoạt động, tạo ra địa điểm liên lạc, hội họp hợp pháp, hạn chế sự chú ý của chính quyền thực dân phong kiến.
Cũng như một số phủ, huyện trong tỉnh vào những năm 1927 - 1928, tổ chức Tân Việt (Đảng Tân Việt) đã đến với quần chúng yêu nước Thọ Xuân.
Các đồng chí Nguyễn Xuân Thúy, Nguyễn Văn Hồ, những cán bộ chủ chốt của Đảng bộ Tân Việt Thanh Hóa quê hương Thọ Xuân và đồng chí Lê Huy Hoàng tức Giáo Huỳnh Văn Lộ (Thọ Nguyên) xây dựng tổ chức cơ sở của Đảng Tân Việt ở Vân Lộ, ở khu vực Phong Cốc, Thuần Hậu - Xá Lê - Ngọc Trung, Vực Trung, Vực Thượng, Lễ Nghĩa
Tại làng Vân Lộ vào đầu năm 1928, đồng chí Lê Huy Hoàng đã tuyên truyền giác ngộ đường lối chính trị của Đảng Tân Việt trong quần chúng và lựa chọn những người ưu tú kết nạp vào Tân Việt và xây dựng cơ sở Tân Việt ở Vân Lộ. Để quy tụ quần chúng đấu tranh, Tân Việt Vân Lộ đã thành lập "Hội cải lương hương thôn và quyết định xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong cưới xin, ma chay, đình đám, tiến hành xây dựng sửa sang đường sá trong thôn xóm, tổ chức đọc sách báo, học chữ quốc ngữ, tổ chức tổ đổi công vần công, cử người đến Quảng Xương học nghề dệt.
Tại tổng Thử Cốc, tháng 12-1929 các cơ sở Tân Việt ở Phong Cốc, Thuần Hậu, Xá Lê, Ngọc Trung đã tiến hành hội nghị tại nhà ông Trịnh Huy Phan (Ngọc Trung). Hội nghị quyết định đẩy mạnh công tác tuyên truyền kết nạp đảng viên, tổ chức đấu tranh chống áp bức bóc lột, tổ chức học chữ quốc ngữ...
Tháng 4-1929, tại nhà Đỗ Huy Trinh thôn Thuần Hậu, Ban Chấp hành Đảng bộ Tân Việt đã mở lớp huấn luyện cho cán bộ Tân Việt ở các phủ huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Yên Định với nội dung: Bồi dưỡng nhận thức và phương pháp hoạt động, nguyên tắc xây dựng củng cố tổ chức, xây dựng quyết tâm phấn đấu cho đường lối cách mạng của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thắng lợi. Lớp học do thầy giáo Lê Văn Tương thuộc Tỉnh bộ Tân Việt giảng dạy.
Tại Phúc Bồi, nhóm Tân Việt gồm các đồng chí Lê Đình Ân, Mai Văn Khang, Nguyễn Văn Hiến, Đỗ Văn Phơn tích cực vận động nhân dân đoàn kết giúp nhau sản xuất sinh hoạt, tổ chức đấu tranh chống áp bức bóc lột, chống phu phen tạp dịch, mở lớp dạy chữ quốc ngữ cho quần chúng lao động...
Hoạt động của tổ chức Thanh niên và Tân Việt đang diễn ra sôi nổi, rộng khắp thì giữa năm 1929 quân thù tập trung lực lượng khủng bố nhiều cơ sở bị tan vỡ, hầu hết cán bộ chủ chốt bị địch bắt cầm tù. Nhưng xiềng xích gông cùm không thể làm nhụt ý chí đấu tranh của các chiến sỹ cách mạng. Các đồng chí đã biến nhà tù thành trường học lý luận, phấn đấu giữ trọn khí tiết tiếp tục hoạt động.
Tháng 4-1930, sau khi ra tù các đồng chí Nguyễn Xuân Thúy, Nguyễn Văn Hồ trở về quê hương chắp nối liên lạc với số đảng viên Tân Việt ở khu vực Phong Cốc - Thuần Hậu - Xá Lê - Ngọc Trung tiếp tục tuyên truyền giác ngộ cách mạng trong quần chúng. Quá trình ra đời và hoạt động Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và tổ chức Tân Việt ở Thọ Xuân là quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Nguyễn Ái Quốc vào các tầng lớp thanh niên học sinh và quần chúng lao khổ thổi bùng ngọn lửa cách mạng theo khuynh hướng cộng sản, tạo ra điều kiện tư tưởng và tổ chức tiến tới hình thành các chi bộ cộng sản.
II- TỔ CHỨC ĐẢNG RA ĐỜI, QUÂN THÙ KHỦNG BỐ TRẮNG, QUẦN CHÚNG ĐẤU TRANH PHỤC HỒI ĐẢNG VÀ PHONG TRÀO CÁCH MẠNG (1930-1935)
Vào đầu năm 1930 phong trào đấu tranh cách mạng trong tỉnh phát triển mạnh, vai trò lãnh đạo của tổ chức Thanh niên và Tân Việt gặp nhiều bất cập và hạn chế. Quần chúng cách mạng trong tỉnh đòi hỏi phải có một tổ chức cương quyết, triệt để cách mạng lãnh đạo. Đó là tổ chức cộng sản - Bộ tham mưu, đội tiên phong của giai cấp công nhân và dân tộc.
Ngày 3 tháng 2 năm 1930 Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời trên cơ sở tháp nhập ba tổ chức Cộng sản trong nước do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản chỉ đạo.
Thực hiện chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, các Xứ ủy đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng và phát triển phong trào đấu tranh chống thực dân phong kiến tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Thực hiện chỉ thị của Xứ ủy Bắc Kỳ, đồng chí Lê Công Thanh - xứ ủy viên, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam (1) đã giao nhiệm vụ cho Nguyễn Doãn Chấp (2) đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam đang dạy học và hoạt động cách mạng ở huyện Duy Tiên trở về Thanh Hóa chắp nối liên lạc với tổ chức Thanh niên tiến hành xây dựng Đảng bộ Thanh Hóa.
Vào mùa hè 1930, đồng chí Nguyễn Doãn Chấp về Thanh Hóa tìm hiểu tình hình hoạt động của hội viên Thanh niên trong tỉnh.
Ngày 18 tháng 6 năm 1930, đồng chí Nguyễn Doãn Chấp bắt nối liên lạc với Lê Văn Tùng, hội viên Thanh niên khu vực Hàm Hạ (Đông Sơn) và lựa chọn kết nạp 3 hội viên Thanh niên vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Cuối tháng 6-1930, đồng chí Nguyễn Doãn Chấp triệu tập hội nghị tuyên bố thành lập chi bộ Hàm Hạ (Đông Sơn) gồm 3 đảng viên cử đồng chí Lê Long làm Bí thư.
Sau đó đồng chí Nguyễn Doãn Chấp đến làng Phúc Lộc (Thiệu Tiến - Thiệu Hóa), làng Ngô Xá (Thiệu Minh - Thiệu Hóa) lựa chọn kết nạp 4 hội viên Thanh niên vào Đảng và đầu tháng 7 - 1930 tuyên bố thành lập chi bộ Thiệu Hóa gồm 4 đảng viên, cử đồng chí Vương Xuân Cát làm Bí thư.
Nửa đầu tháng 7-1930, đồng chí Nguyễn Doãn Chấp đã 2 lần về Thọ Xuân lựa chọn kết nạp 7 đảng viên ở làng Yên Trường, Yên Lược, Chỉ Tín vào Đảng. Vào ngày 22 tháng 7 năm 1930 tuyên bố thành lập chi bộ Thọ Xuân gồm 7 đảng viên (3) cử đồng chí Lê Văn Sỹ làm Bí thư. Hội nghị đã thảo luận và đề ra nhiệm vụ đẩy mạnh công tác tuyên truyền lựa chọn kết nạp đảng viên xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, xây dựng tổ chức Nông Hội đỏ phát triển đấu tranh chống áp bức bóc lột.
Chi bộ Thọ Xuân (Chi bộ thứ ba của Đảng bộ tỉnh, chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Thọ Xuân) ra đời mở ra bước ngoặt lịch sử trọng đại. Từ đây phong trào cách mạng Thọ Xuân có Đảng trực tiếp lãnh đạo sẽ phát triển mạnh mẽ và đúng hướng. Chi bộ Thọ Xuân góp phần tạo nên nền tảng để thành lập Đảng bộ Thanh Hóa và trở thành bộ phận quan trọng của Đảng bộ tỉnh nhà.
Chi bộ Thọ Xuân ra đời muộn hơn so với chi bộ Hàm Hạ (Đông Sơn), Chi bộ Thiệu Hóa nhưng số lượng đảng viên, cơ sở quần chúng phát triển rộng và vững chắc, địa hình khu vực Yên Trường hẻo lánh xa trung tâm phủ lỵ. Vì vậy đồng chí Nguyễn Doãn Chấp quyết định tổ chức hội nghị thành lập Đảng bộ Thanh Hóa tại Yên Trường (Thọ Lập, Thọ Xuân).
Để đảm bảo an toàn cho hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh, Chi bộ Thọ Xuân đã tổ chức lực lượng canh gác bảo mật, phòng gian, chuẩn bị lương thực, thực phẩm cung cấp cho 11 đại biểu (9 chính thức, 2 dự khuyết) của 3 chi bộ trong tỉnh về hội nghị.
Ngày 29-7-1930 sự kiện lịch sử trọng đại của đồng bào các dân tộc tỉnh nhà đã diễn ra tại nhà đồng chí Lê Văn Sỹ làng Yên Trường. Đó là hội nghị thành lập Đảng bộ Thanh Hóa do đồng chí Nguyễn Doãn Chấp chủ trì. Hội nghị đã quyết định nhiều chủ trương công tác có ý nghĩa mở đầu của Đảng bộ và phong trào cách mạng tỉnh nhà.
Một là: Đẩy mạnh công tác tư tưởng, tuyên truyền giác ngộ chủ nghĩa - Mác - Lênin, chính cương điều lệ sách lược vắn tắt của Đảng, tích cực phát triển đảng viên, xây dựng mở rộng cơ sở Đảng và tổ chức Nông Hội đỏ.
Hai là: Thành lập cơ quan in tài liệu của Tỉnh ủy và xuất bản tờ báo Tiến lên" cơ quan ngôn luận đầu tiên của Đảng bộ tỉnh.
Ba là: Đoàn kết, xây dựng, tổ chức, chỉ đạo quần chúng cần lao đấu tranh chống áp bức bóc lột, chống chế độ thực dân phong kiến.
Bốn là: Bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 3 đồng chí, do đồng chí Lê Thế Long làm Bí thư. Đồng chí Lê Văn Sỹ làm Bí thư chi bộ Thọ Xuân được vinh dự bầu vào Tỉnh ủy. Nhà đồng chí Lê Văn Sỹ được chọn đặt cơ quan ấn loát của Tỉnh ủy.
Để phục vụ in ấn tài liệu của Tỉnh ủy, chi bộ Yên Trường đã bí mật cử người đi mua nguyên vật liệu, tổ chức canh gác bảo vệ, nuôi dưỡng đồng chí Lê Oanh Kiều và các đồng chí giúp việc. Tại đây hàng ngàn truyền đơn kêu gọi quần chúng xuống đường đấu tranh chống đế quốc phong kiến và một số tài liệu như: Tóm tắt lịch sử nhân loại", thơ ca cách mạng được trích trong Tạp chí "Búa liềm" của Trung ương Đảng, trong báo Dân Cày" của Đảng bộ Hà Nam và những bài các đồng chí lãnh đạo tự viết. Báo Tiến lên" số đầu tiên được in ấn xuất bản vào cuối tháng 8-1930 đã góp phần phổ biến Chính cương Điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam, kêu gọi cổ vũ hướng dẫn quần chúng đấu tranh. Trong đó có bài thơ do đồng chí Nguyễn Doãn Chấp sáng tác kêu gọi quần chúng công - nông - trí thức vùng lên:
Này anh em ơi, chị em ơi!
Vì chăng chế độ của riêng
Mình làm khó nhọc bạc tiền người ăn
Cái thân đã khổ muôn phần
Lại còn sưu thuế vua quan thêm phiền
Cuộc đời điên đảo, đảo điên
Lẽ nào chịu khổ nằm yên trong vùng
Phất ngọn cờ hồng, phất ngọn cờ hồng
Cùng nhau quyết chí đồng lòng
Con đường cách mạng công nông đi đầu
Tiến lên mau, tiến lên mau
Chớ nên nấn ná trước sau
Phá tan tư sản, đập đầu vua quan
Lập thành xô viết liên bang".
Cùng với bảo vệ cơ quan Tỉnh ủy, chi bộ Yên Trường tích cực tuyên truyền giáo dục quần chúng, phát triển nhân cốt xây dựng tổ chức Nông Hội đỏ". Tính đến cuối tháng 8-1930 toàn phủ đã kết nạp được 70 hội viên Nông Hội đỏ và tổ chức học tập Điều lệ của Hội.
Dưới sự chỉ đạo của chi bộ Đảng, quần chúng đã vùng lên đấu tranh chống bọn quan lại sách nhiễu, ức hiếp dân lành. Mở đầu là cuộc đấu tranh của nông dân làng Yên Trường chống bọn chức dịch chiếm đoạt công điền, công thổ. Do đấu tranh thắng lợi mỗi suất đinh trong làng được chia thêm 6, 7 thước ruộng để trồng cấy hoa màu. Nhân dân làng Chỉ Tín dưới sự chỉ đạo của tổ chức Đảng đã cương quyết chống lệnh của Tri phủ Bùi Quang Hoàn không chịu đi đắp đường vào Phúc Địa. Công nhân đồn điền Vạn Lại đã cùng với nông dân quanh vùng đòi tăng tiền công, giảm giờ làm...
Từ trong phong trào đấu tranh của quần chúng, các chiến sĩ cộng sản đã lựa chọn, bồi dưỡng, kết nạp những người ưu tú vào Đảng. Tính đến tháng 8-1930 chi bộ Thọ Xuân đã kết nạp thêm hàng chục đảng viên và từ 5 tổ Đảng, đưa tổng số lên 8 tổ Đảng.
Tại khu vực Neo - Quần kênh, tháng 8 năm 1930 đồng chí Nguyễn Doãn Chấp phái viên Xứ ủy Bắc Kỳ kết hợp với đồng chí Lê Văn Sỹ, Tỉnh ủy viên, Bí thư chi bộ Thọ Xuân tìm hiểu lựa chọn kết nạp 11 quần chúng là hội viên Thanh niên vào Đảng, tuyên bố thành lập bộ ghép Neo - Quần kênh cử đồng chí Lê Văn Chức làm Bí thư chi bộ (Mỹ Lý 7 đồng chí, Quần kênh 4 đồng chí).
Kể từ tháng 8 đến tháng 12-1930, cùng với sự ra đời của chi bộ Neo - Quần Kênh, hai chi bộ cộng sản ở Thọ Xuân đã tích cực tổ chức vận động quần chúng đấu tranh chống áp bức bóc lột.
Quần chúng yêu nước khu vực Long Linh Ngoại đã xây dựng Hội dân nghèo tập hợp nông dân đấu tranh chống áp bức bóc lột. Buổi đầu Hội mới có 12 thành viên do đồng chí Trịnh Khắc Sản phụ trách nhưng về sau số lượng hội viên phát triển mở rộng. Tại Quảng Thi, Quảng Ích các chiến sĩ cộng sản đã xây dựng cơ sở cách mạng dưới danh nghĩa là Hiệu may để tuyên truyền vận động quần chúng...
Do ảnh hưởng của các chi bộ Đảng Cộng sản, quần chúng yêu nước tham gia Đảng Tân Việt ở khu vực Thọ Xuân cũng liên hệ với nhau để tìm cách củng cố phát triển cơ sở cách mạng. Các cơ sở cách mạng ở Phong Cốc, Ngọc Trung, Canh Hoạch, Phúc Bồi, Xuân Hòa, Hạnh Phúc... được củng cố phát triển mở rộng. Đồng chí Nguyễn Xuân Thúy và Nguyễn Văn Hồ đã xây dựng được nhiều nhân tố mới: Nguyễn Xuân Oanh, Trịnh Ngọc Phan (Phong Cốc), Trịnh Văn Tiến (Ngọc Trung), Đỗ Huy Trinh (Thuần Hậu), Đỗ Đình Thanh (Xá Lê), Hà Duyên Đạt, Hà Duyên Ký (Canh Hoạch), Lê Văn Hiên, Bạ Mẫn (Phúc Bồi), Hà Duyên Thụ (Phú Yên), Lê Văn Tương (Xuân Hòa), Trịnh Đình Khái (Hạnh Phúc), Lê Huy Hoàng (tức Huỳnh) (Vân Lộ), Hoàng Văn Mạch (Ngọc Vực).
Phong trào đấu tranh cách mạng đang trên đà phát triển mở rộng thì chính quyền thực dân phong kiến phát hiện được hành tung của các chi bộ cộng sản Thọ Xuân. Bọn địch đã tập trung lực lượng khủng bố trắng hầu hết cán bộ, đảng viên và một số quần chúng cách mạng bị bắt tù đầy (nhiều người bị địch đầy đi Buôn Mê Thuột và Lao Bảo). Riêng đồng chí Lê Văn Sỹ - Tỉnh ủy viên bị địch kết 9 năm tù và đầy đi Lao Bảo.
Người trước bị bắt, người sau tiếp tục đứng lên, sau khi gặp được đồng chí Ngô Đức Mâu, nắm bắt chủ trương, xây dựng Đảng bộ Thanh Hóa của Xứ ủy Trung Kỳ, các đồng chí Nguyễn Xuân Thúy, Nguyễn Văn Hồ tích cực xây dựng cơ sở Đảng và cơ sở cách mạng ở khu vực Thọ Xuân.
Cuối năm 1930 ở các phủ, huyện: Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Vĩnh Lộc đã kết nạp được một số đảng viên cộng sản. Ở Tĩnh Gia, Quảng Xương, Đông Sơn thành lập được chi bộ Đảng Cộng sản.
Đầu năm 1931 dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Xuân Thúy, đồng chí Lê Huy Hoàng đã tiến hành tuyên truyền lựa chọn kết nạp các đồng chí: Trịnh Đình Khai (Quân Bình), Nguyễn Đình Lãm (Vực Trung), Trịnh Hữu Thường (Vực Thượng) vào Đảng và quyết định thành lập chi bộ ghép chung khu vực (Xuân Thành ngày nay), cử đồng chí Nguyễn Đình Lãm làm Bí thư.
Chi bộ hoạt động được thời gian ngắn thì đồng chí Khai bị bắt, đồng chí Lãm vào Huế làm báo, còn lại đồng chí Trịnh Hữu Thường. Sau khi liên lạc được với đồng chí Nguyễn Tạo, Lê Chủ, đồng chí Trịnh Hữu Thường đã kết nạp đồng chí với Ngô Văn Lỡng, Lê Xuân Tráng... Vào Đảng tiếp tục sự nghiệp tổ chức lãnh đạo quần chúng đấu tranh cách mạng...
Trên cơ sở đó, ngày 1-1-1931, các chiến sĩ cộng sản trong tỉnh đã tổ chức hội nghị thành lập Đảng bộ Thanh Hóa theo tinh thần chỉ đạo của Xứ ủy Trung Kỳ tại Phố Cung phủ lỵ Tĩnh Gia (làng Hồ Thượng nay là xã Tân Dân, huyện Tĩnh Gia). Các đồng chí Nguyễn Xuân Thúy, Nguyễn Văn Hồ những người con ưu tú của Thọ Xuân đã được bầu vào Ban Chấp hành Lâm thời Đảng bộ Thanh Hóa.
Để báo cáo tình hình ra đời và hoạt động của Đảng bộ và các tổ chức Nông Hội đỏ, Công Hội đỏ Thanh Hóa với Xứ ủy Trung Kỳ, các đồng chí Ngô Đức Mâu, Nguyễn Xuân Thúy, Nguyễn Văn Hồ đã tổ chức hội nghị tại vườn trầu làng Phong Cốc (Xuân Minh, Thọ Xuân) và thống nhất cử đồng chí Nguyễn Xuân Thúy vào Nghệ An gặp Xứ ủy.
Cuối tháng 4-1931, Tỉnh ủy Lâm thời hội nghị mở rộng tại một đại điểm phía Nam Bến đò Ghép (phía huyện Tĩnh Gia), tiếp nhận và bàn biện pháp thực hiện chỉ thị của Xứ ủy về việc tổ chức đấu tranh hưởng ứng cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh và bầu Tỉnh ủy chính thức. Đồng chí Nguyễn Xuân Thúy và Nguyễn Văn Hồ trở thành Tỉnh ủy viên chính thức. Đồng chí Nguyễn Xuân Thúy được cử làm Phó Bí thư Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa.
Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Thanh Hóa, các chiến sĩ cộng sản khu vực Thọ Xuân đã tích cực tuyên truyền giác ngộ nông dân tham gia tổ chức Nông Hội đỏ", tham gia các phong trào đấu tranh do Nông Hội đỏ tổ chức.
Đầu năm 1931 các làng Phong Cốc và Thuần Hậu đã tổ chức được Nông Hội đỏ. Ban cán sự Nông Hội đỏ liên thôn Thuần Hậu - Phong Cốc - Xá Lê gồm có các ông: Nguyễn Xuân Oanh, Lê Xuân Liên (Phong Cốc), Mai Văn Khang (Thuần Hậu), Đỗ Đình Khanh (Xá Lê).
Sự ra đời tổ chức Nông Hội đỏ ở các thôn đã tạo ra những điều kiện cơ bản để tập hợp, đoàn kết, tổ chức lãnh đạo nông dân chống áp bức bóc lột, bảo vệ cán bộ và cơ sở cách mạng.
Tại làng Long Linh Ngoại, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Trịnh Khắc Sản, Hội Nông dân nghèo đã đề ra chủ trương vận động quần chúng, đấu tranh chống các hủ tục và thủ đoạn đục khoét của bọn hương lý.
Các đồng chí trong Ban cán sự đã giải thích cho nhân dân thấy rõ âm thanh thủ đoạn đen tối của bọn hương lý lợi dụng ma chay, cưới xin, lễ lạt để chè chén, đục khoét dân lành. Tại buổi lễ Gia tiên của một gia đình trong thôn, quần chúng căm phẫn đã xỉ vả, lên án bọn chức sắc. Từ đó các loại hủ tục được xóa bỏ, nhân dân làng Long Linh Ngoại bớt phần chạy vạy đóng góp cúng tế vô bổ.
Hưởng ứng phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, cơ sở cách mạng ở các làng Phong Cốc, Thử Cốc, Thuần Hậu, Xá Lê, Ngọc Trung đã tổ chức in truyền đơn cung cấp cho cơ sở cách mạng ở Thọ Xuân, Yên Định, Vĩnh Lộc. Đồng chí Nguyễn Xuân Thúy đã giao nhiệm vụ cho các đồng chí Nguyễn Xuân Oanh, Trịnh Văn Tiêu rải truyền đơn từ Cầu Vàng đến Hổ Bái (Yên Định). Sáng 1-5-1931, quần chúng lao động khu vực nói trên truyền tay nhau truyền đơn cộng sản.
Phong trào đấu tranh hưởng ứng Xô Viết Nghệ Tĩnh của quần chúng cách mạng Thọ Xuân đã góp phần cùng quần chúng cách mạng các phủ, huyện: Tĩnh Gia, Quảng Xương, thành phố Thanh Hóa, Đông Sơn tạo ra tiếng vang lớn.
Giữa năm 1931, quân thù tập trung lực lượng tiến hành vây quét khủng bố tổ chức Đảng và cơ sở cách mạng trong tỉnh. Hầu hết cán bộ, đảng viên và một bộ phận quần chúng cách mạng bị địch bắt kết án tù đầy. Về mặt tổ chức, Đảng bộ bị tan rã nhưng mục đích lý tưởng chiến đấu của Đảng đã thấm vào trái tim, khối óc của quần chúng cần lao, nhờ đó quần chúng đã tự nguyện đấu tranh phục hồi lại Đảng bộ, tự nguyện phần đấu trở thành đảng viên để chiến đấu cho mục đích lý tưởng cao đẹp của Đảng trở thành hiện thực sinh động.
Sau một thời gian tìm cách chắp nối liên lạc, tháng 8-1932, đồng chí Lê Chủ, Hoàng Văn Mạch, Trịnh Khắc Sản đã triệu tập hội nghị đại diện của 7 cơ sở cách mạng trong tỉnh tại làng Yên Lộ (Thiệu Hóa) để đánh giá tình hình cách mạng và đề ra chủ trương công tác và cử đồng chí Lê Chủ, Hoàng Văn Mạch chịu trách nhiệm theo dõi tình hình liên lạc với Đảng.
Thực hiện chủ trương của hội nghị, với tinh thần chủ động sáng tạo nhiều cơ sở cách mạng ở Thọ Xuân, đặc biệt là cơ sở cách mạng ở Thuần Hậu, Phong Cốc (Xuân Minh), Long Linh (Thọ Trường), Phúc Bồi (Thọ Lập)... tiếp tục tuyên truyền cách mạng, tổ chức đấu tranh chống khủng bố trắng.
Khu vực Phong Cốc - Thuần Hậu - Xá Lê - Ngọc Trung, hầu hết đảng viên và cán bộ chủ chốt của Nông Hội đỏ bị địch bắt cầm tù nhưng đông đảo quần chúng cách mạng vẫn giữ vững lòng tin vào sự phục hồi của Đảng. Vào giữa năm 1932, các tổ chức Nông Hội đỏ đã phục hồi và hoạt động tích cực ở các làng Thuần Hậu, Phong Cốc, Xá Lê, Ngọc Trung, Long Linh, Căng Hạ, Phúc Bồi, Lê Nghĩa.. các cuộc đấu tranh chống áp bức bóc lột của quần chúng lại tiếp tục diễn ra. Tại làng Long Linh Ngoại, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Trịnh Khắc Sản Hội Nông dân nghèo" đã kịp thời đổi thành Hội Họ Bạn" hoạt động công khai hợp pháp thu hút đông đảo quần chúng vào trận tuyến đấu tranh. Tại Mỹ Lý (Bắc Lương), do bị áp bức bóc lột tàn bạo, nhân dân lao động rất căm thù bọn chức dịch địa phương. Nhân việc bọn chức dịch bắt dân phu đi đào mương, các chiến sỹ cách mạng đã bố trí cho thanh niên, trong đó có anh Lê Văn Biên trừng trị tên Hào xếp khét tiếng gian ác. Sau sự kiện này bọn hào lý không dám hống hách, chèn ép nhân dân lao động. Tại làng Thuần Hậu, tháng 8-1933 năm mươi quần chúng cách mạng đã tổ chức viết giấy và cùng ký tên để vay thóc nhà giàu cứu đói trong kỳ giáp hạt. Trước sức mạnh đấu tranh kiên cường của quần chúng, bọn chức dịch và địa chủ trong làng buộc phải cho vay 110 thùng thóc (tương đương 1.100kg).
Phong trào đấu tranh của quần chúng cách mạng trong tỉnh và trong phủ Thọ Xuân ngày càng phát triển mạnh mẽ. Điều đó đặt ra yêu cầu nhanh chóng khôi phục sự lãnh đạo của Đảng..
Tháng 2-1934, các đồng chí Lê Chủ, Bùi Đạt đã liên hệ được với đồng chí Nguyễn Tạo tại làng Ngô Xá Hạ (Thiệu Hóa) một trong những chiến sỹ cộng sản vượt ngục Hỏa Lò Hà Nội do cụ Đinh Chương Dương giới thiệu. Ngày 28-2- 1934, các đồng chí tổ chức hội nghị tại làng Yên Lộ đánh giá tình hình và định ra chương trình hành động nhằm củng cố khôi phục lại Đảng bộ và phong trào cách mạng tỉnh nhà. Sau đó các đồng chí mở lớp huấn luyện chính trị cho 9 đồng chí cán bộ chủ chốt tại nhà đồng chí Lê Chủ vào ngày 12-3-1934.
Trên cơ sở đó, ngày 17-3-1934, các đồng chí Nguyễn Tạo, Bùi Đạt đã tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt của các cơ sở cách mạng tuyên bố thành lập Tỉnh ủy Lâm thời tại nhà ông Đỗ Huy Trinh làng Thuần Hậu (Xuân Minh, Thọ Xuân) gồm các đồng chí: Lê Chủ, Bùi Đạt, Trịnh Khắc Sản, Trịnh Hiếu Thường, Hoàng Văn Mạnh, Lê Đình Ân và các đồng chí Đễnh (tác Mạc). Như vậy là cơ sở cách mạng Thọ Xuân đã có 3 người con ưu tú là Trịnh Hữu Thường, Trịnh Khắc Sản, Lê Đình Ân trở thành Tỉnh ủy viên.
Đầu tháng 4-1934, đồng chí Lê Đình Ân đã kết nạp thêm 3 quần chúng tích cực vào Đảng và tuyên bố thành lập chi bộ Phúc Bồi gồm 4 Đảng viên (1) do đồng chí Lê Đình Ân làm Bí thư.
Chi bộ Phúc Bồi ra đời là sự kiện trọng đại đánh dấu bước phát triển mới. Từ đây phong trào cách mạng Thọ Xuân lại tiếp tục có Đảng lãnh đạo trực tiếp sẽ phát triển sâu rộng và đúng hướng. Chi bộ Phúc Bồi sẽ cùng các chi bộ Yên Lộ, Ngô Xá Hạ, Ngô Xá Thượng, Mao Xá, chi bộ ghép Vĩnh Lộc - Thạch Thành... tạo ra hệ thống cơ sở vững chắc của Đảng bộ Thanh Hóa vào giữa năm 1934.
Sau khi Đảng bộ Thanh Hóa được phục hồi, quân thù vẫn tiếp tục tiến hành khủng bố. Thanh tra mật thám Bắc Kỳ Ru-Ăng (Rouan), cùng với Duy- Đi-Xen-Li (Judicelli) phó mật thám Thanh Hóa đã huy động lực lượng vây bắt các đồng chí lãnh đạo và cán bộ đảng viên của Đảng bộ. Do chấp hành nghiêm túc nguyên tắc hoạt động bí mật của Đảng, địch không phát hiện được cơ sở của Đảng bộ nên cuối cùng phải trả tự do cho đồng chí Lê Chủ, Bùi Đạt và các đồng chí khác.
Tuy một số đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Tỉnh ủy bị bắt nhưng với tinh thần chủ động sáng tạo, các chiến sỹ cộng sản vẫn duy trì sự hoạt động của Đảng bộ và phong trào cách mạng.
Tại Thọ Xuân, mặc dù quân thù điên cuồng lùng sục, nhưng với sự cưu mang giúp đỡ, bảo vệ của quần chúng cách mạng, báo "Hồn lao động" cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh, do đồng chí Trịnh Khắc Sản, Tỉnh ủy viên phụ trách đã được in xuất bản 7 số (từ số 1 đến số 7) tại nhà đồng chí Trịnh Văn Ích (tức Thu Lợi) làng Long Linh Ngoại. Bọn địch đánh hơi được nơi in ấn tờ Báo đã tập trung lực lượng về làng Long Linh Ngoại lùng sục và khám xét nhà đồng chí Trịnh Khắc Sản. Được quần chúng tìm cách bảo vệ, cơ quan in báo đã kịp thời chuyển về vị trí mới an toàn.
Cùng với bảo vệ cơ quan Tỉnh ủy, trong những năm 1934-1935, phong trào cách mạng ở Thọ Xuân tiếp tục phát triển sâu rộng. Tại các cơ sở Long Linh, Phong Cốc, Thuần Hậu, Xá Lê, Vực Trung, Vực Thượng, Phúc Bồi, Phú Hào, Phú Liễm... chiến sĩ cộng sản đã chỉ đạo thành lập Hội ái hữu để tập hợp quần chúng vào trận tuyến đấu tranh chống áp bức bóc lột, bãi bỏ các hủ tục lạc hậu, mở các lớp bình dân dạy chữ quốc ngữ cho quần chúng lao khổ. Phong trào học chữ quốc ngữ đã góp phần nâng cao tinh thần đoàn kết tương trợ, nâng cao trình độ và giác ngộ cách mạng cho hàng ngàn quần chúng lao khổ.
Tháng 2-1935, các chiến sỹ cộng sản đã chỉ đạo tổ chức hội nghị thành lập Hội Phụ nữ giải phóng tại làng Long Linh Ngoại. Cơ sở cách mạng trong các khu vực ở Thọ Xuân đã cử cán bộ nữ tham gia Hội và tổ chức lực lượng bảo vệ an toàn cho hội nghị. Hội nghị đã bầu Ban lãnh đạo Hội và đề ra chương trình vận động phụ nữ tỉnh tham gia cách mạng. Hội nghị thành công đã trực tiếp cổ vũ phụ nữ Thọ Xuân xuống đường đấu tranh chống áp bức bóc lột, đòi quyền bình đẳng nam nữ.
Hưởng ứng cuộc mít tinh của quần chúng cách mạng Yên Định tại Chùa Bút đòi chính quyền cho nhân dân tự do mở trường tư thục, hàng ngàn quần chúng cách mạng Thọ Xuân đã tham dự. Riêng vùng Thử Cốc (Xuân Minh) đã có 100 quần chúng tham gia cuộc mít tinh này.
Tại tổng Quảng Yên: đồng chí Lê Đình Ân đã tổ chức hội nghị mở rộng (gồm đảng viên và một số quần chúng tích cực) phổ biến chủ trương của Tỉnh ủy về việc thành lập Ban vận động cách mạng và tổ chức Hội ái hữu nhằm đoàn kết các tầng lớp.
Sau hội nghị các chiến sỹ cách mạng đã tổ chức cho công nhân đồn điền Vạn Lại đấu tranh đòi tăng tiền công giảm giờ làm, tổ chức chỉ đạo nhân dân trong vùng đấu tranh đòi khất thuế, giảm thuế. Trên cơ sở phong trào đấu tranh của quần chúng, các chiến sĩ cách mạng đã lựa chọn nhân tố tích cực vận động thành lập Hội ái hữu và Ban vận động cách mạng.
Tháng 11-1935, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Mậu Sung nhóm Tích cực ở khu vực Nam Thượng (Tây Hồ) được thành lập. Nhóm này gồm có 7 đồng chí do Hoàng Văn Phúc phụ trách. Sau một thời gian đã phát triển thêm một số quần chúng tích cực. Nhóm Tích cực sau này trở thành lực lượng nòng cốt của Hội Tương tế ái hữu.
Tháng 12-1935, đồng chí Nguyễn Mậu Sung đã lựa chọn quần chúng tích cực thành lập nhóm "Cốt cán bí mật". Nhóm này là lực lượng nòng cốt trong Hội Tương Tế ái hữu và phong trào đấu tranh của quần chúng cách mạng.
Sau 5 năm kiên cường bền bỉ đấu tranh, quần chúng cách mạng Thọ Xuân đã xây dựng lại chi bộ cộng sản góp phần khôi phục Đảng bộ Thanh Hóa, phong trào đấu tranh cách mạng trong huyện có Đảng lãnh đạo trực tiếp phát triển mở rộng. Đó chính là tiền đề và điều kiện cơ bản tiến vào thời kỳ cách mạng mới sôi sục.
III- CHI BỘ ĐẢNG LÃNH ĐẠO CAO TRÀO ĐẤU TRANH
ĐÒI DÂN SINH, DÂN CHỦ, CHỐNG CHỦ NGHĨA PHÁT XÍT
VÀ NGUY CƠ CHIẾN TRANH THẾ GIỚI (1936-1939)
Sau khủng hoảng kinh tế (1929-1933) cục diện chính trị thế giới chuyển biến sâu sắc: Chủ nghĩa phát xít hình thành các thế lực phát xít lên cầm quyền ở các nước Đức - Ý - Nhật và ráo riết chuẩn bị điều kiện gây chiến tranh chia lại thị trường thế giới... Trước tình hình đó Quốc tế Cộng sản đã tổ chức hội nghị lần thứ VII kêu gọi nhân dân yêu chuộng hòa bình công lý trên toàn thế giới đoàn kết đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít và nguy cơ chiến tranh thế giới. Tại Pháp, lực lượng dân chủ tiến bộ lên cầm quyền, vì vậy bọn phản động thuộc địa Pháp phải nới lỏng quyền tự do dân chủ... Tình hình đó đòi hỏi Đảng ta phải chuyển hướng chỉ đạo chiến lược thúc đẩy phong trào cách mạng phát triển.
Tháng 7-1936, Trung ương Đảng hội nghị tại Thượng Hải (Trung Quốc) chủ trương tạm gác khẩu hiệu Dân tộc, dân chủ" đoàn kết mọi lực lượng chống chủ nghĩa phát xít đòi dân sinh dân chủ dưới các hình thức đấu tranh công khai và bán công khai.
Vào những năm 1935-1936, tình hình kinh tế Thanh Hóa có bước phát triển đôi chút nhưng đời sống của công nhân, nông dân cực khổ hơn bao giờ hết vì bị áp bức bóc lột nặng nề. Nông dân lao động Thọ Xuân cũng không thoát khỏi tình cảnh chung của nhân dân trong tỉnh. Trong bức thư của nhà báo Nguyễn Văn Huệ viết từ Thanh Hóa gửi cho Thời báo Thanh niên cấp tiến vào tháng 12-1937 có đoạn: Trong hai ngày trời Huệ cùng mấy bạn trong này đi khắp phủ Thọ, độc giả ở đây thuộc giai cấp dân cày nghèo - Họ ăn cơm gạo đỏ với rau diếp chấm tương mà không được no... Thực có về nhà quê mới hiểu được tình cảnh của anh dân nghèo điêu linh khổ cực tới bậc nào" (1). Chính vì cuộc sống điêu linh cực khổ như vậy, nhân dân Thanh Hóa, nhân dân Thọ Xuân theo Đảng đấu tranh giành lại quyền sống làm người.
Mặc dù, chưa liên hệ được với Trung ương Đảng và Xứ ủy nhưng căn cứ vào tinh thần chỉ đạo của Đảng in trên báo công khai, Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị mở rộng tại làng Yên Lộ (Thiệu Hóa) vào tháng 12-1930 để bàn chủ trương giải pháp tổ chức đấu tranh công khai và bán công khai chống chính quyền thực hiện dân phong kiến đòi dân sinh dân chủ.
Tại Thọ Xuân: Các đồng chí Trịnh Hữu Thường - Tỉnh ủy viên và Nguyễn Mậu Sung được Tỉnh ủy phân công phụ trách phong trào cách mạng Thọ Xuân. Các đồng chí đã liên hệ với những cán bộ, Đảng viên bị thực dân Pháp quản thúc ở địa phương tìm cách xây dựng phát triển Hội Tương tế ái hữu tổ chức phong trào đấu tranh của quần chúng.
Dưới sự chỉ đạo của các chiến sĩ cộng sản, phụ nữ Nam Thượng đã tổ chức Hội nghị vào tháng 1-1936 thành lập Ban vận động xây dựng Hội Phụ nữ (1) và đề ra chủ trương giải pháp tổ chức đấu tranh đòi dân sinh dân chủ, đòi quyền bình đẳng nam nữ.
Sau hội nghị, phụ nữ Nam Thượng đã tích cực tham gia các cuộc đấu tranh ở địa phương, tham gia Hội Tương Tế ái hữu. Tiêu biểu là cuộc đấu tranh hạ uy thế của tên địa chủ cường hào gian ác Nguyễn Xuân Vinh.
Tháng 3 năm 1936 bọn tây đoan vào làng Phong Cốc bắt rượu lậu và phát hiện cơ sở cách mạng. Mượn cớ là chưa đem lệnh khám xét báo cho lý trưởng thì không được khám xét, nhân dân kiên quyết đấu tranh ngăn chặn hành động của quân thù. Bọn địch đã dùng vũ khí đàn áp cuộc đấu tranh, quần chúng lao vào đánh trả. Tên tây đoan Béc Nác-Đê, bắn chết lý trưởng. Quần chúng đấu tranh đến cùng, buộc bọn thống trị phải tuyên án phạt tên sát nhân 5 tháng tù, những người bị bắt được trả tự do. Đấu tranh thắng lợi đã tạo ra tiếng vang lớn.
Đồn điền Vạn Lại (Xuân Châu) của tên tư bản Pháp chuyên trồng cà phê, chè và chăn nuôi gia súc. Tên chủ trả lương cho công nhân và những người làm khoán rất thấp thường xuyên đánh đập cúp phạt...
Dưới sự chỉ đạo của các chiến sĩ cộng sản, ngày 7-7-1936, những người làm thuê và công nhân đã kéo lên chủ đồn điền đòi tăng lương và tiền khoán. Bọn chủ cho tay chân đàn áp nhưng anh chị em lao động vẫn đoàn kết đấu tranh làm cho công việc tại đồn điền đình trệ. Sau 2 tháng đấu tranh liên tục, bọn chủ phải tăng lương và mức công theo việc cho lực lượng lao động tại đồn điền.
Nhân đà thắng lợi, các chiến sĩ cộng sản đã chỉ đạo xây dựng Hội Tương tế ái hữu trong công nhân và cử đồng chí Nguyễn Văn Chức phụ trách.
Được đồng chí Nguyễn Mậu Sung hướng dẫn, chỉ đạo, tháng 7-1936 các đồng chí Nguyễn Đức Nghi, Đỗ Hàm, Vũ Khoan đã tổ chức nhóm đọc sách báo cách mạng tại Quảng Thi (Xuân Thiên). Tại đây các đồng chí đã mở hiệu cắt tóc và hiệu may làm nơi liên lạc và chuẩn bị điều kiện xây dựng Hội Tương tế ái hữu.
Tháng 6-1936, với sự hướng dẫn chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Mậu Sung, đồng chí Lê Đình Dương đã tổ chức hội nghị cơ sở cách mạng ở Yên Lược phổ biến chủ trương của Đảng tiến tới thành lập Hội Tương tế ái hữu do đồng chí Dương phụ trách.
Tại Nam Thượng, đồng chí Nguyễn Mậu Sung cũng chỉ đạo thành lập Hội Tương tế ái hữu cử đồng chí Hoàng Văn Phúc phụ trách. Tháng 8-1936 Hội Tương Tế ái hữu hoạt động công khai hợp pháp.
Tại Phong Bái và Vân Lộ, đồng chí Trịnh Hữu Thường và Lê Xuân Tuyên chỉ đạo thành lập Hội Tương tế ái hữu và vận động quần chúng góp vốn mở cửa hàng buôn bán để gây qũy và làm cơ sở liên lạc. Ở Vân Lộ, Hội đã tổ chức làm 4 ngôi nhà cho hội viên nghèo, đưa người của Hội giành chức lý trưởng. Ở Phong Bái tổ chức may quần áo cho hội viên nghèo, tập trung ruộng đất trâu bò cày cấy chung.
Tính đến cuối năm 1936, Hội Tương Tế ái hữu đã được thành lập ở Phúc Bồi, Quần Kênh, Canh Hoạch, Phong Cốc, Thuần Hậu, Xá Lê, Trung Lập, Diên Hào... Dưới sự chỉ đạo của các chiến sĩ cộng sản, Hội đã thực hiện xuất sắc vai trò tập hợp đoàn kết các tầng lớp nhân dân giúp đỡ tương trợ nhau trong sản xuất và đời sống, tổ chức đấu tranh đòi quyền tự do dân chủ, chống áp bức bóc lột, đưa phong trào cách mạng trong những năm 1936-1939 từ thấp lên cao, từ quy mô làng xã tiến lên quy mô cả tổng, cả huyện, từ đấu tranh đòi quyền lợi kinh tế tiến tới đấu tranh chính trị, từ phong trào nhỏ lẻ tiến tới cao trào.
Mở đầu phong trào đấu tranh đòi dân sinh dân chủ chống chủ nghĩa phát xít và nguy cơ chiến tranh thế giới trong năm 1937 là cuộc vận động "Đón Gô Đa" đưa bản thỉnh nguyện lên chính phủ Pháp của nhân dân trong phủ Thọ Xuân.
Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, các chiến sĩ cộng sản Thọ Xuân đã tích cực chỉ đạo Hội Tương Tế các làng, tổng vận động nhân dân ký vào bản thỉnh nguyện đòi quyền dân sinh dân chủ. Tổng Nam Dương, đơn vị đầu tiên trong phủ đã đẩy mạnh cuộc vận động quần chúng các làng Mỹ Lý, Trung Vực, Quân Bình, An Lạc, Nam Thượng ký vào bản thỉnh nguyện. Riêng làng Mỹ Lý đã có gần 1.000 chữ ký, trong đó có cả chữ ký của lý trưởng.
Tiếp sau là cuộc đấu tranh của chị em Phong Cốc. Do thiếu ruộng đất, chị em phụ nữ các làng Phong Cốc, Thuần Hậu, Xá Lê, Ngọc Trung... phải đi cấy thuê và bị địa chủ trả công rẻ mạt. Vụ mùa 1937, Hội Tương Tế ái hữu trong khu vực đã tổ chức cho chị em đấu tranh đòi địa chủ phải tăng tiền công. Nhờ đó bọn địa chủ phải tăng từ 2 bát lên 3 bát gạo và tổ chức ăn uống tử tế. Nhân đà thắng lợi Hội Tương tế ái hữu chủ trương tổ chức đấu tranh hạ uy thế của lý trưởng và bọn cường hào. Nhân buổi tế nghè Phong Cốc, Hội vận động không chia phần xôi thịt cho lý trưởng vì không đến dự lễ. Cậy thế lý trưởng quát nạt, chửi bới, Hội Tương Tế ái hữu đã bố trí thanh niên trong làng đánh cho lý trưởng một trận ra trò. Từ đó uy thế bọn chức sắc cường hào sâu mọt ở Phong Cốc, Xá Lê bị hạ thấp.
Tiếp theo là cuộc đấu tranh của quần chúng Yên Lược, vụ mùa năm 1937, đồng chí Lê Mậu Thúy - hội viên Hội Tương Tế ái hữu được chia 5 sào ruộng công thuộc loại nhất đảng điền. Cha con cai Cò tuyên bố với Hội đồng hào mục sẽ cắt khẩu phần ruộng của đồng chí Thúy để chia cho con trai của hắn vì lý do vừa thi đậu Primaire. Trước hành vi trắng trợn của cha con cai Cò, Hội Tương Tế ái hữu đã tổ chức cho quần chúng đấu tranh, đồng chí Thúy đã giành được phần ruộng của mình.
Tại đồn điền Mã Hùm với bản chất tham lam tàn bạo, những tên chủ Pháp quản lý đồn điền Mã Hùm cho đặt bốt trên đường vào rừng đánh thuế những người vào rừng lấy củi. Nếu ai không có tiền sẽ bị đánh đập và mất củi. Tháng 8-1937, Hội Tương Tế Phấn Thôn và Hương Nhượng (Thọ Hải) đã vận động bà con đi lấy củi dùng dao, búa, đòn gánh vây đánh, buộc bọn chủ đồn điền phải bỏ thứ thuế vô lý ấy. Tương tự như sự kiện chống bọn chủ Pháp thu thuế ở đồn điền Mã Hùm. Hội Tương Tế ái hữu Quảng Thi (Xuân Thiên) đã tổ chức cho nhân dân lao động chống lại bọn lang đạo thu thuế, than củi thắng lợi.
Tại làng Long Linh Ngoại vì nghèo đói nhiều hộ nông dân làng Long Linh Ngoại phải đi làm ruộng rẽ của địa chủ các làng bên cạnh. Vừa phải trả công ruộng quá cao, vừa bị tuần đinh các làng cậy thế gần làng thu lúa tuần (lúa bảo vệ) gấp nhiều lần. Trước tình cảnh ấy, Hội Tương Tế Long Linh Ngoại đã tổ chức cho bà con đấu tranh buộc bọn tuần đinh không được thu quá mức quy định.
Bọn chức sắc làng Phúc Thượng (Xuân Hòa) lợi dụng quyền thế chiếm ruộng công làm ruộng riêng, trong khi nhiều hộ nông dân trong làng không có ruộng cày cấy. Tháng 9-1937, Hội Tương Tế làng Phúc Thượng đã tuyên truyền vận động tổ chức quần chúng đấu tranh đòi chia lại công điền, công thổ, chống phu phen, tạp dịch. Trước sức mạnh đoàn kết đấu tranh của quần chúng, bọn chức dịch phải trả lại hàng chục mẫu ruộng, quần chúng lao động mỗi người được chia 2 thước.
Tại vùng Bàn Thạch, tháng 10-1937, Tri phủ Thọ Xuân bắt nhân dân quanh vùng Bàn Thạch đào vét âu thuyền Bàn Thạch. Công việc gần xong nhưng dân phu không nhận được tiền công. Hội Tương Tế Quần Kênh đã tổ chức cho dân phu lên phủ đường đòi tiền. Trước khí thế đấu tranh hừng hực của quần chúng bọn thống trị phải trả số tiền công định quỵt.
Tại Phúc Bồi, Nguyễn Thị Dậu, chủ ấp ở Phúc Bồi khét tiếng tham lam gian ác. Đầu năm 1937, thị Dậu ốm chết, Hội Tương Tế ái hữu Phúc Bồi đã tổ chức cho nhân dân đấu tranh không cho chôn xác trong vườn và đòi lại những gì đã chiếm đoạt của của nhân dân. Trước sức mạnh của nhân dân, gia đình thị Dậu đã phải trả lại 30 mẫu ruộng và 30 con trâu đã chiếm đoạt của nông dân.
Tại Mỹ Lý, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Trịnh Hữu Thường và Trịnh Ngọc Phớc, Hội Tương Tế ái hữu đã vận động quần chúng bỏ phiếu cho người cách mạng giới thiệu trúng cử lý trưởng. Tương tự, Hội Tương Tế ái hữu Quần Kênh đã tổ chức đấu tranh truất bỏ tên lý trưởng gian ác, bầu người cách mạng giới thiệu thay chức lý trưởng.
Chống hủ tục đồi bại, cải lương hương tục nâng cao dân trí là một trong những nội dung mà các chiến sĩ cộng sản Thọ Xuân đã tích cực vận động nhân dân đấu tranh. Tiêu biểu là cuộc đấu tranh đòi cải lương hương tục ở Trung Lập (Xuân Lập) với những nội dung tiến bộ: Giảm phần ruộng công cấp cho bọn chức dịch, bỏ hủ tục chè chén lễ tết phiền hà tốn kém trong ma chay, cưới xin, lễ tết, giúp đỡ nhau khi mỗi gia đình có việc vui buồn, giữ vệ sinh và trật tự thôn xóm. Tiêu biểu là cuộc đấu tranh của nhân dân Nam Thượng đòi bọn chức dịch trong làng bỏ tệ nạn xôi thịt chè chén, chống đóng góp tiền của cỗ bàn tế lễ, mở rộng phong trào truyền bá chữ quốc ngữ.
Năm 1938, phong trào đấu tranh công khai hợp pháp và nửa hợp pháp của quần chúng cách mạng phủ Thọ Xuân bắt đầu chuyển lên cao trào. Cuộc đấu tranh chống áp bức bóc lột diễn ra hầu khắp các làng tổng. Các cuộc đấu tranh mang tính chất chính trị - xã hội liên tục bùng nổ, lực lượng tham gia cách mạng ngày càng đông, khí thế và trình độ cách mạng ngày càng dâng cao, nhiều chi bộ Đảng và tổ chức cách mạng được thành lập.
Tại Trung Vực: Đồng chí Trịnh Ngọc Phớc cùng với Hội Tương Tế ái hữu tổ chức cho quần chúng đấu tranh chống phu phen tạp dịch và không đi đắp con đường vào ấp của tri phủ Khiếu Hữu Kiều.
Tại Phong Bái (thuộc Bát Căng Thọ Nguyên), cơ sở cách mạng đã vận động quần chúng chống lý trưởng và bọn cường hào, buộc bọn chúng phải giảm nhẹ thuế phụ canh cho nông dân.
Tiếp đến là cuộc đấu tranh của nhân dân Quần Kênh - Nam Thượng và nhiều làng tổng trong phủ chống chủ ấp Điền Trạch, tên cố đạo tham lam tàn bạo đã tổ chức trạm gác thu thuế và đánh đập những người đi lấy củi. Tháng 8-1938 một số nông dân nghèo khổ vào rừng lấy củi đi qua ấp, vì không có tiền nộp thuế đã bị bọn bảo vệ ấp bắn bị thương 2 người. Căm phẫn trước hành động tàn bạo của tên chủ ấp, cơ sở cách mạng Quần Kênh, Nam Thượng đã tổ chức đấu tranh buộc chủ ấp phải xử tù tên bảo vệ bắn bị thương người vô tội và phải giải phóng khu rừng Điền Trạch cho nhân dân tự do lấy củi, đốt than. Tri phủ Khiếu Hữu Kiều đứng ra can thiệp nhưng hàng trăm người dân Quần Kênh, Nam Thượng, Quân Bình, Hội Hiền kiên quyết vây ấp, cuối cùng tên chủ ấp phải thực hiện yêu cầu của nhân dân. Đặc biệt là cuộc đấu tranh của hàng ngàn quần chúng tổng Thử Cốc đòi tiền hưng công đại chẩn (tiền công đắp đường). Nhân dịp tri phủ Thọ Xuân hành hạt về tổng Thử Cốc, dưới sự lãnh đạo của Hội Tương tế ái hữu quần chúng tập trung đón y và đưa ra yêu sách: đòi dân sinh dân chủ, cải cách hương tục, đòi tiền đắp đường từ năm 1937 mà bọn chức sắc định biển thủ. Cuối cùng tri phủ Phan Văn Kỷ đã trả lại tiền công đắp đường và thực hiện cải lương hương tục.
Nhân đà thắng lợi, quần chúng các làng: Phong Cốc, Thuần Hậu, Xá Lê, Ngọc Trung đã làm đơn đòi chính quyền cho nhân dân được khất thuế lưu động. Trước sức mạnh của quần chúng bọn thống trị phải chấp nhận. Phong trào khất thuế lưu động của quần chúng tổng Thử Cốc thắng lợi đã khích lệ quần chúng Thiệu Hóa, Yên Định tổ chức đấu tranh đòi khất thuế.
Tiếp sau cuộc đấu tranh đòi khất thuế, quần chúng tổng Thử Cốc, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Đỗ Đan Quế lại tiếp tục đấu tranh bắt bọn thống trị phải trả tiền đắp đê quai xanh tại Cống Quanh. Bất chấp binh lính và sự uy hiếp bằng vũ lực của quân thù, quần chúng vẫn cương quyết đấu tranh, cuối cùng tri phủ và chủ thầu phải trả tiền công cho dân phu.
Phong trào đấu tranh đòi quyền lợi kinh tế phát triển lên những mức độ cao hơn. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, các chiến sĩ cộng sản Thọ Xuân đã chỉ đạo Hội Tương Tế ái hữu vận động nhân dân trong huyện đấu tranh chống luật "Dự án thuế thân mới". Luật "Dự án thuế thân mới" thực chất là tăng thuế từ 2,7 đồng Đông Dương lên 3.6 đồng Đông Dương cho một dân đinh trong một năm. Thuế thân là thứ thuế bất công vô lý đáng lẽ phải phế bỏ nhưng bọn thống trị lại tìm cách nâng cao. Hiểu rõ tính chất bất công vô lý đó, quần chúng khắp phủ Thọ Xuân mà tiêu biểu là các thôn làng: Nam Thượng, Mỹ Lý, Quần Kênh, Phong Bái, Phúc Bồi, Yên Trường, Long Linh, Chợ Thạc đã ký vào các bản dân nguyện gửi lên Viện dân biểu Trung Kỳ bác bỏ luật Dự án thuế thân mới" và tiếp theo là đấu tranh bác bỏ luật "Dự án thuế điền thổ". Riêng làng Long Linh Ngoại đã có 300 quần chúng ký vào bản dân nguyện gửi lên Viện dân biểu Trung Kỳ.
Nhân đà thắng lợi, nhiều làng trong phủ tổ chức đấu tranh chống các loại thuế vô lý. Quần chúng làng Trung Lập (Xuân Lập) đấu tranh đòi bỏ thuế chợ xép, quần chúng làng Yên Lược đấu tranh đòi xóa bỏ thuế củi mà bọn chủ đồn điền Khe Ngang - Vạn Lại quy định.
Từ các cuộc đấu tranh đòi quyền lợi kinh tế, các chiến sĩ cộng sản phủ Thọ Xuân đã liên tiếp tổ chức chỉ đạo các cuộc đấu tranh mang ý nghĩa chính trị xã hội rộng lớn.
Tiêu biểu là cuộc vận động ủng hộ nhân dân Trung Hoa kháng chiến chống Nhật nhân ngày song thất (7-7) hàng năm. Kế tiếp cuộc mít tinh của quần chúng cách mạng tổng Thử Cốc tổ chức tại cánh đồng Mã Nung do đồng chí Đỗ Đông Uyên diễn thuyết vào ngày 7-7-1937 là cuộc vận động ủng hộ nhân dân Trung Hoa của quần chúng cách mạng toàn phủ Thọ Xuân.
Cuộc vận động diễn ra ở tất cả các làng tổng do Hội Tương Tế ái hữu chủ trì. Hàng ngàn quần chúng cách mạng đã viết thư, đã ủng hộ tiền của động viên các chiến sĩ Trung Hoa chiến đấu. Tiếp sau là cuộc mít tinh của quần chúng tổng Thử Cốc ủng hộ chiến sĩ và nhân dân Trung Hoa nhân kỷ niệm Quảng Châu công xã (12-12).
Tiến lên những cung bậc mới, các chiến sĩ cộng sản đã tổ chức nhiều cuộc mít tinh đưa ra những khẩu hiệu đấu tranh mới. Đó là: Cuộc mít tinh tại núi Khoai (Yên Định) do Tỉnh ủy tổ chức, hàng ngàn quần chúng tổng Thử Cốc tham dự. Cuộc mít tinh phản đối chiến tranh đế quốc ở Can Lộc do đồng chí Trịnh Hữu Thường chỉ đạo, hàng ngàn quần chúng trong huyện đã tham dự cuộc mít tinh hô vang các khẩu hiệu: Phản đối chiến tranh phát xít", "không đi lính cho Pháp"...
Từ phong trào đấu tranh sôi sục của quần chúng, cơ sở cách mạng và tổ chức Đảng Thọ Xuân phát triển mở rộng.
Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, giữa năm 1938, đồng chí Trịnh Hữu Thường được cử về Thọ Xuân cùng với đồng chí Hoàng Sĩ Oánh tổ chức hội nghị thành lập Ủy ban vận động cách mạng phủ Thọ Xuân. Hội nghị quyết định thành lập Ban chỉ đạo gồm 5 đồng chí: Trịnh Hữu Thường, Hoàng Sĩ Oánh, Nguyễn Mậu Sung, Lê Khánh Việp, Nguyễn Văn Anh. Sau một thời gian hoạt động, Ban chỉ đạo đã tích cực xây dựng củng cố phát triển Hội Tương tế ái hữu, chỉ đạo đưa người của cách mạng nắm giữ các chức vụ của chính quyền địch ở làng xã để dễ bề hoạt động, tích cực tổ chức các phong trào đấu tranh đòi dân sinh dân chủ trên địa bàn toàn huyện.
Tại tổng Thử Cốc, đồng chí Trịnh Ngọc Điệt đã tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt Hội Tương Tế ái hữu các làng trong tổng quyết định thành lập Ban vận động cách mạng tổng Thử Cốc do đồng chí Trịnh Ngọc Điệt phụ trách.
Tại làng Long Linh Ngoại, các chiến sĩ cộng sản đã thành lập Hội Kỳ Anh" để thu hút các cụ cao niên tham gia cách mạng. Thông qua các cụ, nhiều chủ trương của Hội Tương Tế ái hữu đã trở thành phong trào cách mạng của quần chúng. Tiến lên một bước, các chiến sĩ cách mạng đã vận động nhân dân đem tờ kiểm tra tội trạng của lý Sinh lên phủ đòi phủ cho Sinh thôi chức lý trưởng. Sự việc không thành nhưng từ đó lý Sinh không dám ngang ngược như trước.
Tại Quần Kênh: Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, đáp ứng nguyện vọng của quần chúng, Ban vận động cách mạng Quần Kênh đã tiến hành xây dựng tổ chức Thanh niên dân chủ và tổ chức phụ nữ dân chủ để tập hợp thanh niên và phụ nữ vào trận tuyến đấu tranh. Hoạt động của các tổ chức quần chúng đã làm tăng thêm sức mạnh trong Hội Tương tế ái hữu.
Tại Phúc Bồi: Lý trưởng Hoàng Văn Toản được sắc phong cửu phẩm. Toản đã cho tay chân bắt dân làng lên phủ đón sắc phong nhằm đề cao uy thế để dễ bề áp bức bóc lột. Các chiến sĩ cộng sản Phúc Bồi đã cùng Hội Tương Tế ái hữu bố trí cho dân làng cứ việc ăn uống cổ bàn tại nhà lý Toản nhưng không một ai chịu đi rước sắc phong.
Tại làng Nam Thượng: Lý trưởng Đinh Văn Cẩn tự ý thu lạm thuế, Hội Tương Tế ái hữu đã vận động nhân dân viết đơn kiện gửi lên tri phủ. Với những bằng chứng xác thực lý Cẩn bị bãi chức. Lợi dụng việc bầu lý trưởng mới, Hội Tương Tế ái hữu đã vận động nhân dân bầu người của cách mạng giới thiệu.
Tại tổng Thử Cốc: Chính quyền thực dân phong kiến cho phép nhân dân bầu cử Hội đồng hương chính để mị dân. Lợi dụng vào đó các chiến sĩ cộng sản đã vận động nhân dân bầu những người của cách mạng vào Hội đồng hương chính ở các làng.
Tại làng Vân Lộ: Các chiến sĩ cộng sản đã tổ chức cho nhân dân đấu tranh đánh đổ lý trưởng Võ Bá Toản, một tên cường hào gian ác và sâu mọt, sau đó đã bầu ông Lê Xuân Khương, người của cách mạng giới thiệu làm lý trưởng Vân Lộ (Thọ Nguyên). Lý trưởng Lê Xuân Khương trong nhiều năm đã cùng với quần chúng đấu tranh trì hoãn thuế khóa, chống các chính sách áp bức bóc lột của chính quyền thực dân phong kiến.
Từ trong phong trào cách mạng, nhiều quần chúng ưu tú, trung kiên giác ngộ lý tưởng cộng sản đã được lựa chọn kết nạp vào Đảng Cộng sản.
Tại làng Long Linh Ngoại, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, đồng chí Trịnh Khắc Sản đã lựa chọn kết nạp 4 quần chúng vào Đảng và ngày 29- 6-1938 tổ chức hội nghị thành lập chi bộ cộng sản gồm 5 đảng viên (1) do đồng chí Trịnh Khắc Sản là Bí thư.
Tại tổng Thử Cốc: Vào đầu tháng 6-1938, trước sự lớn mạnh của phong trào cách mạng trong tổng, một số quần chúng được lựa chọn kết nạp vào Đảng và dưới sự chỉ đạo của phủ ủy Thiệu Hóa chi bộ ghép của 4 làng: Phong Cốc, Thuần Hậu, Xá Lê, Ngọc Trung (Xuân Minh) đã được thành lập tại nhà bà Lý Đan (Ngọc Trung). Chi bộ gồm 5 đảng viên (2 ) do đồng chí Trịnh Ngọc Điệt làm Bí thư.
Sự ra đời và hoạt động của các chi bộ cộng sản đã làm phong trào cách mạng quanh vùng phát triển mạnh mẽ và đúng hướng, góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng Thọ Xuân phát triển thành cao trào.
Năm 1939, tình hình thế giới và trong nước chuyển biến phức tạp, nguy cơ chiến tranh thế giới đến gần. Tại Pháp, chính phủ bình dân bị lật đổ, bọn phản động lên cầm quyền. Điều đó đã tác động xấu đến Cách mạng Việt Nam. Tại Đông Dương, bọn phản động thuộc địa rắp tâm tập trung lực lượng khủng bố cách mạng. Tại Thanh Hóa, ngày 20-6-1939, Tỉnh ủy quyết định chuyển một số cơ sở vào hoạt động bí mật và chủ trương tiếp tục phong trào đấu tranh công khai hợp pháp và bán hợp pháp.
Tại Thọ Xuân: Sau vụ khủng bố gay gắt của địch vào tháng 12-1938, hàng trăm chiến sĩ cộng sản và quần chúng cách mạng đã bị bắt (Riêng tổng Thử Cốc đã bị bắt 40 người), các chi bộ Đảng và tổ chức cách mạng vẫn cương quyết tổ chức đấu tranh công khai hợp pháp và bán hợp pháp, đồng thời đưa một bộ phận rút vào hoạt động bí mật.
Đầu tháng 7-1939, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, đồng chí Trịnh Hữu Thường, Hoàng Sĩ Oánh đã tổ chức hội nghị của các cơ sở Đảng và cách mạng ở Thọ Xuân bàn biện pháp đưa cao trào đấu tranh trong huyện phát triển lên những quy mô mới với hình thức công khai hợp pháp. Hội nghị đã quyết định sẽ tổ chức một cuộc mít tinh lớn tại chợ Neo (Bắc Lương) nhân ngày kỷ niệm Cách mạng Tư sản Pháp (14-7-1939).
Sáng ngày 14-7-1939, các cơ sở Đảng và cơ sở cách mạng trong toàn phủ đã huy động hàng ngàn quần chúng về chợ Neo tham dự mít tinh. Đồng chí Trịnh Hữu Thường thay mặt Ban tổ chức đã đọc diễn văn, phản đối bọn phản động thuộc địa, phản bội tinh thần Cách mạng tư sản Pháp, phản đối việc khủng bố Mặt trận dân chủ Đông Dương của nhà cầm quyền, lên án chủ nghĩa phát xít, kêu gọi toàn dân đoàn kết đấu tranh đòi tự do, cơm áo, hòa bình... Cuộc mít tinh đã biến thành cuộc tuần hành biểu dượng lực lượng. Từ chợ Neo quần chúng đã tổ chức thành nhiều đoàn người diễu hành khắp các địa phương trong phủ, vừa đi vừa hô to các khẩu hiệu: Hoan nghênh Cách mạng tư sản Pháp", "Kiên quyết phòng thủ Đông Dương", Đả đảo phát xít Đức - Ý - Nhật", "Tự do, cơm áo, hòa bình muôn năm"... Cuộc mít tinh, tuần hành thị uy diễn ra sôi động trên quy mô toàn phủ, bọn thống trị tức giận điên cuồng nhưng không dám đàn áp.
Cũng vào ngày 14-7-1939, Tỉnh ủy tổ chức cuộc mít tinh kỷ niệm tại chợ Đu. Hàng ngàn quần chúng trong khu vực đã vượt sông từ đêm ngày 13-7 để kịp về dự. Từ làng Long Linh Ngoại quần chúng đã xếp thành hàng ngũ chỉnh tề kéo về văn chỉ mít tinh và sau đó biến thành cuộc tuần hành về chợ Đu, vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu: "Tích cực phòng thủ Đông Dương", "Hoan nghênh Cách mạng tư sản Pháp", "Chống khủng bố đàn áp"... Trước khí thế cách mạng của quần chúng, bọn địch huy động lực lượng định đàn áp nhưng lại không dám dở trò.
Trước đó 7 ngày (vào ngày 7-7-1939), các chiến sĩ cách mạng Thọ Xuân đã tổ chức mít tinh tại chùa Đầm (Xuân Thiên). Hàng ngàn quần chúng các tổng Quảng Thi, Quảng Yên đã nghiêm túc lắng nghe đồng chí Nguyễn Đức Nghi diễn thuyết về chủ nghĩa phát xít và tai họa của chiến tranh phát xít và kêu gọi quần chúng ủng hộ nhân dân Trung Hoa chống Nhật.
Gần một thập kỷ ra đời và tổ chức đấu tranh cách mạng, tổ chức Đảng Thọ Xuân đã bị quân thù tiến hành khủng bố trắng, nhiều cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng bị bắt tù đầy, chi bộ Đảng phải thành lập đi thành lập lại nhiều lần, nhưng qua mỗi lần thử thách số lượng đảng viên và tổ chức cơ sở Đảng lại phát triển mở rộng. Lực lượng cách mạng ngày càng đông đảo và trưởng thành. Điều đó khẳng định: Sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là các chi bộ Đảng Thọ Xuân là điều kiện tuyệt đối duy nhất đảm bảo cho các tầng lớp nhân dân lao động Thọ Xuân hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa tiến tới độc lập tự do và ấm no hạnh phúc. Mục đích lý tưởng của Đảng đi vào tâm hồn và trí tuệ của quần chúng, làm cho quần chúng tự nguyện phấn đấu trở thành đảng viên, khôi phục lại tổ chức Đảng và phong trào cách mạng.
Trong những năm 1936-1939, căn cứ vào tình hình quốc tế và trong nước, Đảng quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược: Tạm gác nhiệm vụ dân tộc dân chủ, đoàn kết mọi lực lượng đấu tranh đòi dân sinh dân chủ, chống chủ nghĩa phát xít và nguy cơ chiến tranh thế giới. Tổ chức Đảng Thọ Xuân đã nhanh nhạy nắm bắt thời cơ tổ chức phong trào đấu tranh công khai hợp pháp và nửa hợp pháp thu hút đông đảo quần chúng trên địa bàn toàn phủ vào trận tuyến mới. Thông qua đấu tranh cách mạng, quần chúng đã được học tập rèn luyện nâng cao dân trí và trình độ, giác ngộ cách mạng tạo ra những điều kiện cần thiết đưa phong trào cách mạng lên cao trào rộng lớn và quyết liệt. Cao trào cách mạng thời kỳ 1936-1939 có ý nghĩa như một cuộc tổng diễn tập đấu tranh trên địa bàn Thọ Xuân.
- PHẦN MỞ ĐẦU
- ĐẤU TRANH THÀNH LẬP VÀ KHÔI PHỤC ĐẢNG TIẾN TỚI CAO TRÀO DÂN SINH, DÂN CHỦ (1930-1939)
- PHÁT TRIỂN CƠ SỞ ĐẢNG, PHÁT ĐỘNG PHONG TRÀO PHẢN ĐẾ CỨU QUỐC, TIẾN TỚI KHỞI NGHĨA GIÀNH CHÍNH QUYỀN VỀ TAY NHÂN DÂN (1940-1945)
- CHỐNG THÙ TRONG GIẶC NGOÀI, GIẶC ĐÓI, GIẶC DỐT, BẢO VỆ THÀNH QUẢ CÁCH MẠNG THÁNG TÁM, CHUẨN BỊ KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (8-1945 - 12-1946)
- XÂY DỰNG, BẢO VỆ HẬU PHƯƠNG, CHI VIỆN TIỀN TUYẾN GIÀNH THẮNG LỢI QUYẾT ĐỊNH (1947-1954)
- HOÀN THÀNH CÁCH MẠNG DÂN TỘC DÂN CHỦ, CẢI TẠO XÂY DỰNG CNXH ( 1954- 1965)
- CHUYỂN HƯỚNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - VĂN HOÁ ĐÁNH THẮNG CHIẾN TRANH PHÁ HOẠI CỦA GIẶC MỸ CHI VIỆN MIỀN NAM, THỐNG NHẤT TỔ QUỐC (1965 - 1975)
- PHẦN KẾT