Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

Chè Sánh Lược: Đặc sản một thời

Đăng lúc: 22/02/2021 (GMT+7)
100%

 “Về thăm Thọ Lập quê tôi. Chè xanh Sánh Lược ngạt ngào hương thơm”. Đó là những câu thơ truyền miệng, lời mời gọi hấp dẫn của người dân Thọ Lập về vùng đất nổi danh một thời với đặc sản - chè Sánh Lược.

Chè Sánh Lược: Đặc sản một thờiNhiều người dân Thọ Lập vẫn trồng và uống chè Sánh Lược.

Tò mò về đặc sản với tên gọi tương đối độc đáo, chúng tôi tìm về Thọ Lập - một xã thuần nông thuộc huyện Thọ Xuân. Nơi đây còn được biết đến là một địa phương có truyền thống cách mạng vẻ vang, nhân dân đoàn kết chống giặc, xây dựng quê hương phát triển. Theo người dân, chè Sánh Lược là một đặc sản của Thọ Lập, của vùng đất bán sơn địa này. Bởi, nếu mang cây chè này đến vùng đất khác trồng thì không cho mùi vị, hương sắc thơm ngon như trên đất Thọ Lập. Theo chỉ dẫn của cán bộ xã, chúng tôi tìm đến nhà các cụ cao niên trong làng, để tham quan và hiểu hơn về đặc sản chè Sánh Lược. Hầu hết các cụ cao niên trong làng đều nhắc đến chè Sánh Lược trong niềm tự hào nhưng không ai có thể nhớ cây chè Sánh Lược có từ bao giờ. Chỉ biết rằng những cụ già trong làng, nay đã ngoài 100 tuổi, khi các cụ sinh ra thì đã được biết đến chè Sánh Lược.

Trò chuyện cùng cụ ông Vũ Văn Tín, 91 tuổi thôn Phúc Bồi 1, chúng tôi được biết sự ra đời của các tên chè Sánh Lược gắn liền với địa danh nơi đây. Đó là làng Sánh – nay là làng Yên Trường (Thọ Lập) và làng Lược, nay thuộc xã Thuận Minh. Xa xưa, các làng này thuộc một xã, được hình thành và bám liền bên bờ sông Chu. Và, chợ Sánh, chợ Lược thuộc 2 làng được hình thành, trở thành nơi giao thương, buôn bán sầm uất. Người dân từ mọi miền đổ về để trao đổi hàng hóa. Khi đó, chè Sánh Lược nổi danh thơm, ngon và là mặt hàng chủ lực của địa phương để trao đổi với các địa phương khác. Do đó, tất cả các hộ dân trên đất Thọ Lập đều trồng cây chè Sánh Lược. Cụ Tín chia sẻ, còn nhớ khi xưa đi đổi hàng nhắc đến chè Thọ Lập nhiều người không biết, nhưng nói chè chợ Sánh hay chè Sánh Lược thì ai cũng trầm trồ khen ngợi. Từ đó mà mọi người quen gọi cây chè nơi đây là chè Sánh Lược. Không chỉ là sản phẩm chủ lực giao thương hàng hóa, chè Sánh Lược còn là một trong những sản vật người dân dùng tiến vua cùng với các sản vật như, cá rô đầm Sét, bánh răng bừa...

Hiện nay, chè Sánh Lược không còn là cây chủ lực của địa phương. Diện tích trồng chè đã được thu hẹp lại, chủ yếu ở 3 thôn thuộc làng Phúc Bồi với gần 300 hộ trồng, phục vụ nhu cầu của các hộ dân. Một số hộ lấy cây chè làm sản phẩm buôn bán song còn nhỏ lẻ chưa có quy mô, tập trung. Chè Sánh Lược chỉ còn là “vang bóng một thời” nhưng với người dân Thọ Lập, chè Sánh Lược vẫn luôn là sản phẩm gần gũi, không thể thiếu của không ít người dân. Đặc biệt, nó còn là sản phẩm của một quá trình lao động sản xuất, là niềm tự hào về những giá trị văn hóa, lịch sử cùng những kỷ niệm của mỗi đời người gắn với chè Sánh Lược. Như với bà Vũ Thị Huê, 79 tuổi, làng Phúc Bồi nhắc đến chè Sánh Lược là gợi nhớ đến những năm tháng tuổi trẻ, hạnh phúc của bà. Với kinh nghiệm hái chè từ năm 12 tuổi và hàng chục năm trồng chè, bà vừa nói vừa chỉ ra đặc trưng của cây chè Sánh Lược. Chè có thân to, lá màu xanh sẫm, nhỏ, dày, giòn, có răng cưa. Khi pha nước, chè có vị thơm, mát, đậm đà. Bởi vậy mà xưa kia chè Sánh Lược được ưa chuộng lắm, nó trở thành thức uống được săn tìm. Không chỉ bán ngoài chợ, nhiều thương lái còn vào tận vườn thu mua. Trung bình mỗi ngày bà hái hơn 15 kg lá chè. Tham gia hái chè, trồng chè thời xưa trên đất Thọ Lập trở thành phong trào. Già trẻ, trai gái ai ai cũng tham gia. Mọi người chia sẻ cho nhau cách trồng, cách hái chè năng suất. Đến giờ đi hái chè là cả làng tíu tít gọi nhau, vui vẻ, đoàn kết, hăng hái cùng nhau lao động sản xuất.

Không chỉ riêng bà Huê mà không ít người dân ở Thọ Lập khi nhắc đến chè Sánh Lược là nhắc đến những kỷ niệm khiến các cụ vẫn còn hân hoan. Cụ Nguyễn Thị Mùi ở thôn Phúc Bồi 1 chia sẻ: Cứ đến tháng 8-9 âm lịch hàng năm chúng tôi lấy hạt, chờ đến tháng 10 bắt đầu gieo hạt, trồng chè. Đây là thời điểm quan trọng bởi chè ưa thời tiết lạnh, càng ngậm sương, gió thì chè càng ngon, càng phát triển cho nhiều lá vào tháng 4, 5 (âm lịch). Thời điểm này, các thành viên trong gia đình ai cũng hăng say làm việc, trao đổi kinh nghiệm, chỉ bảo cho nhau lựa chọn những hạt chè đảm bảo chất lượng để gieo trồng. Từ việc trồng chè đến mọi việc trong gia đình các thành viên đều hình thành được thói quen trách nhiệm, hết mình và ý thức đoàn kết, chia sẻ với nhau.

Chè Sánh Lược không chỉ gắn liền với cuộc đời người dân Thọ Lập, gắn liền với sự hình thành phát triển của địa phương. Hiện nay, chè Sánh Lược còn có mặt trong các gia đình, trong những buổi hội họp, sinh hoạt văn hóa tại đình làng, nhà văn hóa của người dân. Dù chè Sánh Lược không còn là sản phẩm chủ lực đặc trưng của địa phương như trước, nhưng nó vẫn được duy trì, vẫn luôn tồn tại trong tiềm thức, thói quen của người dân nơi đây. Và, họ luôn hy vọng, chè Sánh Lược - đặc sản một thời sẽ được khôi phục, phát triển quy mô, tiếp tục trở thành đặc trưng khi nhắc đến Thọ Lập.

Bài và ảnh: Nguyễn Thùy

Theo Báo Thanh Hóa