Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

Trị tận gốc “căn bệnh” tham nhũng, tiêu cực (Bài 2): Xây dựng văn hóa liêm chính

Đăng lúc: 28/09/2024 (GMT+7)
100%

- Tham nhũng, tiêu cực suy cho cùng bắt nguồn từ sự “bất liêm”, “hủ hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Do đó, cùng với các biện pháp mạnh nhằm răn đe, cảnh cáo để “không thể” tham nhũng, hay xử lý thật nghiêm để “không dám” tham nhũng; thì một giải pháp “mềm” hơn đó là vun đắp cho được cội rễ đạo đức hay văn hóa liêm chính trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.

 177d6093411t47809l0.jpg

Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản mới và tập huấn nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát đợt II năm 2024, tại Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh. Ảnh: Khôi Nguyên

Từ mỗi hạt nhân...

Là người lãnh đạo kiên quyết, kiên định đã đưa công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) của Đảng, Nhà nước ta lên một tầm cao mới, hơn ai hết cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đau đáu, luôn trăn trở với cuộc chiến đầy cam go này. Ông đã nhiều lần nhấn mạnh: Tham nhũng là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Thời đại nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có, không thể xóa ngay tận gốc tham nhũng trong một thời gian ngắn. Do vậy, trong đấu tranh PCTNTC phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn và phương pháp đúng; không thể chủ quan, nóng vội; không được né tránh, cầm chừng, thỏa mãn; trái lại, phải rất kiên trì, “không nghỉ”, “không ngừng”. Vừa phải kiên quyết phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, vừa phải kiên trì giáo dục, quản lý, ngăn ngừa, răn đe, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, vừa phải cảnh giác, đấu tranh với những âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi dụng đấu tranh PCTNTC để kích động, chia rẽ, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta.

Tham nhũng thường diễn ra trong nội bộ, do người có chức, có quyền thực hiện. Cho nên PCTNTC là cuộc đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người, trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương; đồng thời, liên quan đến lợi ích, chức vụ, danh vọng, uy tín của tổ chức, cá nhân. Vì thế, muốn cán bộ tự giác “không muốn”, “không cần”, “không thể” và “không dám” tham nhũng, thì cần nhiều yếu tố. Đó là sự giáo dục, răn đe của tổ chức; sự chăm lo đời sống vật chất; và đặc biệt là cần đề cao, coi trọng việc tự rèn luyện, tu dưỡng của cán bộ. Muốn vậy, phải “gò” đội ngũ vào các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức rất cụ thể, rất rõ ràng, hay để các chuẩn mực ấy trở thành “kim chỉ nam” cho sự tu dưỡng, rèn luyện của mỗi người. Xuất phát từ yêu cầu đó, Quy định 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, ví như “bộ lọc” để mỗi cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa, nhằm hoàn thiện các phẩm chất và giá trị bản thân.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Do đó, nêu một tấm gương “chuẩn chỉnh” về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống... là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu và cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương. Đó là nêu gương về tinh thần tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Đảng; là hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, vì lợi ích của Nhân dân, của quốc gia - dân tộc và mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng; là thực hành phong cách lãnh đạo khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn, hiệu quả; thực sự là hạt nhân đoàn kết, quy tụ, tạo động lực và phát huy trí tuệ tập thể; là sẵn sàng nhận và nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ khi được phân công; là tích cực thực hiện quy định về phân cấp, phân quyền và kiểm soát chặt chẽ quyền lực; là giữ vững nguyên tắc, dân chủ, công tâm, khách quan, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ; là không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng, thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; là nghiêm túc thực hành tự phê bình và phê bình, thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh, dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm...

... đến cả hệ thống

Mỗi cán bộ, đảng viên khi nhận thức đúng việc tự rèn luyện, tu dưỡng theo những chuẩn mực đạo đức, thì ví như một “tế bào” khỏe mạnh để “dưỡng nuôi” nên một cơ thể - hệ thống chính trị - thật sự vững mạnh. Nói cách khác, để tạo dựng nên nền móng văn hóa liêm chính - hay văn hóa của sự liêm khiết, chính trực - trong cả hệ thống chính trị, làm cơ sở cho việc đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực, thì trước hết mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự là một tấm gương về đạo đức, về sự liêm chính, trong sạch thực sự.

Do đó, để văn hóa liêm chính hay sự trung thực, ngay thẳng, trong sạch ví như “suối nguồn” gột đi những rều rác của tiêu cực, thì cần thiết phải hoàn thiện thể chế phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực trong các lĩnh vực, hoạt động dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Bàn về vấn đề kiểm soát quyền lực để PCTNTC, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh: Phải tăng cường giám sát, kiểm soát có hiệu quả việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn. Mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế. Quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm. Quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn. Bất kể ai lạm dụng, lợi dụng quyền lực để trục lợi đều phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm. Phải "nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”.

“Nhốt quyền lực trong lồng cơ chế” chính là việc phải có các quy định và chế tài xử lý đối với tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; cũng như cơ chế bảo vệ, khuyến khích người dân phản ánh, tố giác cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt, cần lấp đầy những khoảng trống chính sách, hay những bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng như đấu thầu, đấu giá, quản lý và sử dụng đất đai, tài sản công, tài chính... Đẩy mạnh hơn nữa việc phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương, cơ sở, nhất là xử lý nghiêm những trường hợp nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp...

Tại Thanh Hóa, vấn đề xây dựng văn hóa liêm chính luôn được chú trọng, mà trước hết là đề cao tính trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong PCTNTC. Theo đó, người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh phải nghiêm túc quán triệt, chỉ đạo chặt chẽ, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết công việc. Đồng thời, nghiêm chỉnh thực hiện đúng quy định về việc tiếp công dân, tiếp nhận những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân theo đúng quy định. Luôn đề cao trách nhiệm nêu gương, gương mẫu thực hiện và tăng cường trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính thuộc phạm vi quản lý Nhà nước được giao.

Cùng với đó, Thanh Hóa cũng chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vững vàng về chính trị, tư tưởng, trong sáng về đạo đức, lối sống; thành thạo về chuyên môn, nghiệp vụ trong quá trình giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị thiếu trách nhiệm, để cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trực tiếp có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp; xử lý ngay người đứng đầu có biểu hiện bao che, dung túng nhân viên dưới quyền có hành vi sai trái. Chấn chỉnh công tác quản lý, siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ, giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp...

Trong đấu tranh PCTNTC, cùng với các giải pháp về lãnh đạo, quản lý, chế tài xử phạt, chế độ tiền lương, thu nhập, chăm lo đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức..., tỉnh Thanh Hóa xác định, việc xây dựng, hình thành văn hóa liêm chính, tiết kiệm là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, có ý nghĩa rất quan trọng để PCTNTC “từ sớm, từ xa” và “cả gốc lẫn ngọn”. Do đó, ngày 23/2/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Kết luận số 2664-KL/TU về tăng cường công tác giáo dục liêm chính cho cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Kết luận số 2664-KL/TU nhấn mạnh đến việc đổi mới toàn diện, thực chất nội dung và phương thức giáo dục liêm chính; xây dựng và thực hành văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực; kiến tạo môi trường sống, làm việc lành mạnh với những giá trị đạo đức, nhân văn cao đẹp. Từ đó, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Thanh Hóa có năng lực, phẩm chất, tư cách đạo đức tốt, gương mẫu, tiên phong, tận tụy phục vụ Nhân dân, trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, lợi ích của dân tộc. Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, góp phần củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với cấp ủy đảng, chính quyền... Để đạt được các mục tiêu đó, giải pháp trọng tâm là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, người đứng đầu đối với công tác giáo dục liêm chính. Nâng cao ý thức tự giác, tự tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, công chức, viên chức; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Tăng cường tuyên truyền, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục liêm chính cho cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục quan tâm làm tốt công tác cán bộ, trong đó lấy liêm chính là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá, sử dụng cán bộ. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát trong việc thực hành liêm chính. Phát huy vai trò, trách nhiệm của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan truyền thông, báo chí trong công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục và thực hành liêm chính.

...

Tham nhũng là “căn bệnh trầm kha”, cho nên xử lý tham nhũng là “trị bệnh cứu người”. Muốn vậy, phải lấy giáo dục, phòng ngừa là chính, nghĩa là phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn; phải tăng cường giáo dục kỷ luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, dùng kỷ luật nghiêm minh và giám sát nghiêm khắc để cán bộ, đảng viên biết giữ gìn, nhớ điều cấm, giữ giới hạn. Đồng thời, phải kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Để rồi, khi mỗi cán bộ, đảng viên luôn trọng liêm sỉ, danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng, tiêu cực... thì khi ấy, cuộc đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực mới có cơ sở để được thực hiện hiệu quả.
Theo;Baothanhhoa.vn