Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

Ngày xuân nghe chuyện múa trò Xuân Phả

Đăng lúc: 18/02/2023 (GMT+7)
100%

- Những ngày xuân ấm, như một dòng chảy ngược, lòng người lại xốn xang tìm về với những giá trị văn hóa truyền thống xứ Thanh. Trong đó, những câu chuyện về múa trò Xuân Phả vẫn luôn đủ sức hấp dẫn, say mê đối với cả người kể chuyện và người nghe. Qua biết bao thăng trầm, biến ảo, múa trò Xuân Phả vẫn bền bỉ sức sống, góp thêm vào bức tranh di sản sắc màu sinh động...

 245d6114543t13331l0.jpg

Biểu diễn trò Xuân Phả tại Lễ hội Lam Kinh.

Những ngày xuân ấm, như một dòng chảy ngược, lòng người lại xốn xang tìm về với những giá trị văn hóa truyền thống xứ Thanh. Trong đó, những câu chuyện về múa trò Xuân Phả vẫn luôn đủ sức hấp dẫn, say mê đối với cả người kể chuyện và người nghe. Qua biết bao thăng trầm, biến ảo, múa trò Xuân Phả vẫn bền bỉ sức sống, góp thêm vào bức tranh di sản sắc màu sinh động...

Ở xứ Thanh, khi nhắc đến nhạc sĩ Văn Hòe, nhiều người sẽ nhớ ngay đến hò sông Mã. Nhưng ít ai biết được rằng, ông cũng là một trong những người tâm huyết, dày công nghiên cứu, sưu tầm, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị múa trò Xuân Phả. Từ những ngày còn đảm nhận vị trí Trưởng đoàn Ca múa Thanh Hóa, với mong mỏi “đi tìm điệu múa quê hương để khơi nguồn cảm hứng, chất liệu dựng thành bài biểu diễn”, nhạc sĩ Văn Hòe đã dành ra quãng thời gian 3 năm (1970-1973) thâm nhập thực tế tại làng Xuân Phả (xã Xuân Trường, Thọ Xuân) để tìm hiểu, ghi nhận, khảo cứu các tư liệu về múa trò Xuân Phả.

Về nguồn gốc của múa trò Xuân Phả, theo thần tích của làng cho biết: Trên đường đi dẹp loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh cho người đi khắp nơi chiêu mộ hiền tài, cầu bách linh. Sứ giả nhận lệnh, theo dòng sông Chu đi về phía làng Xuân Phả thì gặp giông gió nên quyết định dừng chân tại nghè của làng. Đến đêm, thần hiển linh báo mộng cho sứ giả về cách đánh thắng giặc. Thấy kế hay, Đinh Bộ Lĩnh bèn làm theo và đã đánh bại được quân giặc, thống nhất đất nước. Để bày tỏ lòng thành của mình với thần linh, nhà vua đã mang cống phẩm đến tế thần tại nghè và ban thưởng các điệu múa Ai Lao, Ngô Quốc, Chiêm Thành, Hoa Lang và Tú Huần để biểu diễn trong lễ hội truyền thống của làng.

Tuy nhiên, bên cạnh thần tích, nguồn gốc của múa trò Xuân Phả đến nay vẫn còn nhiều ý kiến chưa thống nhất ở các nhà nghiên cứu, chuyên gia. Từ những tư liệu điền dã kết hợp với kiến thức ông tích lũy được từ quá trình đọc, nghiên cứu sách cổ - kim, nhạc sĩ Văn Hòe đặt ra hướng tiếp cận: Múa trò Xuân Phả có liên hệ mật thiết với khúc diễn xướng “Chư hầu lai triều” nổi danh một thời, gắn với các hoạt động bang giao sôi nổi của nước ta lúc bấy giờ. “Nguồn gốc múa trò Xuân Phả như thế nào, cần có những dẫn chứng lịch sử cụ thể”, nhạc sĩ Văn Hòe chia sẻ.

Cuốn “Biên niên lịch sử cổ trung Đại Việt”, trang 255-256 ghi lại: Tháng 6 năm Giáp Dần (1434), sứ Ai Lao sang triều cống; tháng 9 năm Giáp Dần (1434), thuyền buôn nước Trảo Oa (Gia - va) sang cống sản vật địa phương; cũng tháng 9 năm 1434, sứ thần Chiêm Thành sang triều cống”...

Cùng với “Chư hầu lai triều”, khúc diễn xướng “Bình Ngô phá trận” cũng được sử sách ghi nhận. Hai khúc diễn xướng này đã được nhắc đến trong cuốn “Đại Việt sử ký toàn thư”: Năm Kỷ Tỵ (1449), vào hội yến bách quan, triều vua Lê Nhân Tông đã cho múa khúc nhạc “Bình Ngô phá trận”, công thần có người nghe cảm động đến phát khóc. Năm Bính Tý (1456) triều vua Lê Nhân Tông, nhà vua về Lam Sơn bái yết sơn lăng “đánh trống đồng, quân lính hò reo ứng theo... quan võ múa nhạc Bình Ngô phá trận, quan văn múa nhạc “Chư hầu lai triều”... Theo dòng thời gian, biến động lịch sử, hai khúc diễn xướng này đã không được lưu giữ, bảo tồn trọn vẹn mà hòa mình vào sinh hoạt văn hóa truyền thống của nhiều làng, xã, trong đó có múa trò Xuân Phả. Nói như thế để càng thấy được sức hấp dẫn, nét độc đáo của múa trò Xuân Phả mà các thế hệ cháu con của làng giữ vai trò quan trọng, đóng góp to lớn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị múa trò Xuân Phả.
245d6114613t45467l0.jpg

Dù đã ở tuổi 95, nhạc sĩ Văn Hòe vẫn nhiệt tình minh họa động tác trong múa trò Xuân Phả.

Hằng năm, vào các ngày 10-11 tháng hai (âm lịch), múa trò Xuân Phả được biểu diễn, trở thành linh hồn của lễ hội làng Xuân Phả. Sau khi hoàn tất lễ tế thành hoàng làng, người dân rộn ràng hòa mình vào phần hội, lần lượt các trò được biểu diễn. Nhạc sĩ Văn Hòe cho biết: Trước đây, mỗi giáp sẽ đảm nhận một trò và biểu diễn lần lượt theo thứ tự. Mỗi trò khi vào diễn sẽ có biển tên đi đầu, ghi tên các nước tiến cống triều đình theo tên 5 trò.

Múa trò Xuân Phả là sự kết hợp hoàn hảo giữa âm nhạc, lời ca, các điệu dân vũ và hóa trang nghệ thuật... Theo ghi nhận nghiên cứu cá nhân, nhạc sĩ Văn Hòe phân tích: 5 điệu múa (Hoa Lang, Tú Huần, Chiêm Thành, Ngô Quốc, Ai Lao) của múa trò Xuân Phả tương ứng với ngũ hành trong trời đất (kim - mộc - thủy - hỏa - thổ), theo các hướng: đông - tây - nam - bắc và trung tâm, theo ngũ sắc, ngũ cảm... Âm nhạc của múa trò Xuân Phả chủ yếu sử dụng bộ gõ và hát dân gian trên cơ sở thơ lục bát. Như vậy, mặc dù múa trò Xuân Phả vừa có yếu tố dân gian lại vừa mang tính bác học, cung đình, khoa học rất rõ.

Dẫu còn nhiều ý kiến khác nhau về nguồn gốc, tuy nhiên điều tường minh nhất là nét đẹp, sự độc đáo, ý nghĩa của múa trò Xuân Phả thì không ai có thể phủ nhận được. Đó là minh chứng cho vị thế quốc gia trong lịch sử thông qua hoạt động tiếp nhận tiến cống, bang giao. Múa trò Xuân Phả là sự kết tinh, thăng hoa giữa nghệ thuật dân gian và nghệ thuật cung đình, niềm tự hào của xứ Thanh. Vì lẽ đó, bên cạnh sự nỗ lực, quyết tâm, tâm huyết của các nghệ nhân, các nhà nghiên cứu, chuyên gia và quần chúng Nhân dân... các cấp, các ngành cần có sự quan tâm, đầu tư xứng tầm để làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản độc đáo này.
Nguồn;(Baothanhhoa.vn)