Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

Huyện Thọ Xuân- Bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa tạo tiền đề phát triển du lịch bền vững

Đăng lúc: 10/03/2023 (GMT+7)
100%

Huyện Thọ Xuân nằm ở phía tây xứ Thanh, nơi có dòng Lương Giang chảy qua như rồng xanh uốn lượn bồi đắp phù sa mỡ mầu dâng tặng hoa trái 4 mùa cho đất và người nơi đây. Khí thiêng hội tụ tạo nên địa linh, trời đất giao hòa sản sinh nhân kiệt. Thọ Xuân nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Hoàn, Lê Lợi, nơi phát tích của 2 triều đại Tiền Lê và Hậu Lê hiển hách trong lịch sử dân tộc. Với những giá trị lịch sử văn hóa to lớn và vô cùng đặc biệt, những năm gần đây, Thọ Xuân đã trở thành điểm đến của du khách trong nước và quốc tế.

le hoan.png
Đền thờ Lê Hoàn nằm ở làng Trung Lập, xã Xuân Lập. Năm 2018, đền được xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt. Trong đền còn lưu giữ nhiều đồ vật quý, có một đĩa bằng đá trắng, đường kính 36cm, trong lòng đĩa ghi chữ: "Giang Nam nhất phiến tuyết / Trác khí vạn niên trân"; 14 đạo sắc của triều Lê, triều Nguyễn. Các văn bia, đặc biệt là tấm văn bia về Lê Hoàn do Nguyễn Thực viết. Lễ hội truyền thống Lê Hoàn nhân kỷ niệm ngày mất của ông diễn ra hàng năm từ ngày 7/3 đến 9/3 âm lịch. Lễ hội Lê Hoàn thu hút đông đảo nhân dân trong vùng đến dự và dâng hương... Ngoài ra, trong quần thể khu di tích quốc gia đặc biệt Lê Hoàn hiện có những dấu tích về người anh hùng dân tộc Lê Hoàn thời thơ ấu cùng với những truyền thuyết mang đậm nét huyền bí. Xung quanh khu đền thờ còn có các điểm di tích khác như: Lăng Quốc Mẫu mẹ đức vua Lê Hoàn, mộ Hoàng Khảo cha đức vua Lê Hoàn, lăng mộ Lê Đột- cha nuôi đức vua Lê Hoàn, nền sinh thánh...
Gần 6 thế kỷ trôi qua, Lam Kinh - biểu tượng của lòng tự hào dân tộc về một giai đoạn lịch sử oai hùng, chống quân xâm lược và công cuộc xây dựng Quốc gia Đại Việt, vẫn còn giữ nguyên giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, văn hoá. Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh gắn liền với người anh hùng dân tộc Lê Lợi - nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh trong 10 năm đầy gian khổ (1418 - 1427) cũng là nơi an nghỉ vĩnh hằng của các vương hậu thời Lê sơ. Khu di tích đã được trùng tu, tôn tạo tương đối hoàn thiện với sự uy nghiêm của các công trình kiến trúc lăng mộ, di vật thời Hậu Lê. Về Lam Kinh du khách thỏa sức hòa mình trong không gian yên tĩnh thanh thoát của vùng núi rừng Lam Sơn, cảm nhận nơi đây hồn thiêng sông núi một thời Lê Lợi dấy binh. Hàng năm Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh thu hút hang chục nghìn lượt du khách.
le trung hung.png
Đền thờ các vua thời Lê Trung Hưng xã Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân

Cùng với 2 di tích Quốc gia đặc biệt nói trên, Thọ Xuân có mật độ di tích lịch sử văn hóa dày đặc, đến nay, toàn huyện có tới 55 di tích được xếp hạng. Trong những năm qua, các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn toàn huyện đã được quản lý tốt, công tác trùng tu, tôn tạo, nâng cấp luôn được huyện và các xã, thị trấn quan tâm, thường xuyên. Trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác bảo tồn các di tích, danh thắng đã được nâng lên. Với lợi thế của địa phương có 2 di tích cấp Quốc gia đặc biệt, 4 di tích Quốc gia, hàng chục di tích cấp tỉnh với nhiều lễ hội truyền thống, trò chơi, trò diễn dân gian. Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Thọ Xuân đã không ngừng nỗ lực đẩy mạnh xã hội hóa thu hút các nguồn lực cùng với ngân sách huyện, tỉnh tập trung xây dựng, trùng tu, tôn tạo nhiều di tích. Tiêu biểu như: Khu di tích lịch sử cách mạng Yên Trường xã Thọ Lập, lăng mộ Lê Đột xã Trường Xuân, đền thờ Quốc Mẫu Phạm Thị Ngọc Trần ở xã Xuân Hòa. Từ năm 2011 đến tháng 12/2022 có 18 di tích được trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp với tổng kinh phí hơn 66 tỷ đồng.Việc trùng tu, tôn tạo các di tích góp phần tạo nên những điểm đến hấp dẫn cho du khách tìm về dâng hương, chiêm bái, vãn cảnh ngày càng nhiều hơn.
hoi lang 6.png
Ngoài các điểm di tích lịch sử, vùng đất "địa linh nhân kiệt" Thọ Xuân còn lưu giữ cả một hệ thống di sản văn hóa phi vật thể vô cùng đa dạng. Trong đó nổi bật là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia "trò diễn Xuân Phả". Trò cổ Xuân Phả sinh ra từ làng Xuân Phả, xã Xuân Trường, là một trò diễn dân gian nhưng mang dáng dấp của nghệ thuật cung đình, vừa sang trọng, lại vừa huyn bí, độc đáo có thể xem là một viên ngọc quý nhất trong số những di sản văn hóa phi vật thể của xứ Thanh. Ra đời từ thế kỷ thứ 10, 5 điệu múa Xuân Phả có 5 tên gọi khác nhau, nhưng lại được cấu trúc theo một tổ khúc múa có năm lớp, tương đương với 5 trò diễn và mang đậm chất của người Việt cổ.Bằng tài năng, cảm xúc và niềm đam mê nghệ thuật dân gian truyền thống của cha ông, những người nghệ sĩ nông dân xã Xuân Trường huyện Thọ Xuân đã đưa trò diễn Xuân Phả vượt ra khỏi không gian sân khấu làng để tỏa sáng và thăng hoa trên nhiều sân khấu, lễ hội, festival văn hóa lớn của đất nước, từ đó từng bước đưa trò diễn văn hóa dân gian  Xuân Phả đến gần hơn với công chúng trong và ngoài nước. Ông Bùi Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Trường và cũng là nghệ nhân trò Xuân Phả, cho biết: Nhằm bảo tồn và nuôi dưỡng để trò Xuân Phả sống mãi với thời gian. Từ năm 2009 đến nay, câu lạc bộ diễn trò Xuân Phả đã mở các lớp truyền dạy cho từ 120-150 em học sinh trong và ngoài làng. Những diễn viên nhí này sẽ là những nhân tố tích cực trong việc bảo tồn di sản văn hóa Xuân Phả trong tương lai.
Cùng với trò diễn Xuân Phả, hệ thống di sản văn hóa phi vật thể của huyện Thọ Xuân đa dạng, phong phú, độc đáo, mang sắc thái riêng biệt mà không lẫn với bất cứ một địa phương, vùng, miền nào. Đó là các trò diễn đặc sắc của một bộ phận người Mường như: Lễ hội Mường Tiên bạn, múa pồn pông, nhảy sạp, cồng chiêng, đánh mảng, ném còn tại Xuân Phú, thị trấn Sao Vàng, các điệu hát xường, mo Mường, hát ca công trên hồ bàn Thạch ở Xuân Sinh... Bên cạnh đó, hàng năm, các lễ hội trên địa bàn huyện được tổ chức nhằm bảo tồn nét văn hóa của địa phương. Các lễ hội trên địa bàn huyện như lễ hội Lam Kinh, lễ hội Lê Hoàn, lễ hội làng Xuân Phả, lễ hội Lê Thánh Tông, các lễ hội kỳ phúc của các làng gắn với các đình, chùa, đền.... là nguồn tài nguyên phi vật thể vô giá để huyện Thọ Xuân thúc đẩy du lịch phát triển. Ngoài ra, huyện còn tập trung phát triển các làng nghề truyền thống, với các sản phẩm nổi tiếng: Bánh gai Tứ Trụ; bánh lá răng bừa Xuân Lập; kẹo lạc Xuân Yên; nem chua Xuân Bái; nem nướng thị trấn Thọ Xuân; làng nón Thọ Lộc; đồ mỹ nghệ (Xuân Bái, Thọ Minh, Bắc Lương).
lam kinh.png
Là miền quê đậm đặc di tích, đặc sắc các di sản văn hóa, những năm qua, huyện Thọ Xuân đã triển khai nhiều giải pháp kích cầu du lịch, trong đó chỉ đạo các địa phương tu bổ, chỉnh trang khuôn viên di tích, thường xuyên mở cửa đón du khách; tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá các di tích lịch sử văn hóa, các giá trị phi vật thể; hình thành và kết nối các tour du lịch tới các di tích, danh thắng trên địa bàn, thu hút ngày càng nhiều du khách; xây dựng các sản phẩm du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm làng nghề truyền thống, du lịch về nguồn dành cho thế hệ trẻ... Năm 2022, lượng khách du lịch đến Thọ Xuân ước đạt gần 500 nghìn lượt khách; tổng thu từ du lịch đạt 20 tỷ đồng. Thọ Xuân đã dần trở thành điểm hẹn không chỉ của du khách trong nước mà cả khách quốc tế.
Đỗ Duy Nhã, Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện Thọ Xuân