Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

Du lịch làng nghề: Tiềm năng chờ khai thác

Đăng lúc: 27/02/2023 (GMT+7)
100%

Làng nghề nói chung, đặc biệt là các làng nghề truyền thống có lịch sử hàng trăm năm, được ví như một 'phức hợp văn hóa'. Bởi ở đó không chỉ có nghề nuôi sống con người, mà còn hội tụ cả tri thức dân gian, phong tục tập quán, thậm chí cả tín ngưỡng, hay 'lồng' vào đó là thế giới quan, nhân sinh quan... Chính vì lẽ đó, việc bảo vệ và khai thác giá trị làng nghề truyền thống đang được các cấp, ngành, địa phương đặt ra. Trong đó, xây dựng sản phẩm du lịch làng nghề đang là một hướng đi phù hợp.

 a5.jpg
Nghề dệt chiếu cói Nga Sơn tại Cụm làng nghề thị trấn Nga Sơn nếu biết khai thác không chỉ đáp ứng nhu cầu của thị trường, mà còn thu hút du khách tham quan, trải nghiệm. Ảnh: Hoài Anh

Trong các món ẩm thực đặc trưng của xứ Thanh, bánh gai Tứ Trụ (làng Mía, xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân) từ lâu đã không còn là cái tên xa lạ. Xuất hiện từ thời Hậu Lê (thế kỷ XV), nghề làm bánh gai không chỉ gắn bó lâu đời cùng sự phát triển của làng quê nằm bên dòng sông Chu; mà sản phẩm làm ra đã trở thành niềm tự hào của cả xứ Thanh, bởi cách đây chừng 6 thế kỷ, nó từng là đặc sản tiến vua.

Không quá cầu kỳ về hình thức, thế nhưng món ăn được chắt chiu bằng sự cầu kỳ của nguyên liệu (gạo nếp cái, đậu xanh, dừa, vừng, đường, thịt và đặc biệt là lá gai nếp), cùng sự khéo léo của bàn tay con người, lại có hương, có vị rất riêng, rất đặc trưng. Trải qua hàng trăm năm tồn tại và phát triển, nghề làm bánh gai đã ăn sâu, bén rễ vào tâm thức, đời sống người dân làng Mía. Để rồi, mỗi người làm nghề, nhất là những người làm nghề lâu năm, giàu kinh nghiệm, cũng chính là người nuôi dưỡng, truyền nghề và truyền cả tình yêu nghề cho thế hệ kế tiếp. Có lẽ nhờ vậy mà loại bánh được “kết tinh” từ những sản vật của đất đai đã trở thành thức quà được nhiều bạn bè, du khách lựa chọn mỗi khi có dịp về với xứ Thanh. Đặc biệt, hiện thương hiệu và lô gô “Bánh gai Tứ Trụ xã Thọ Diên” đã được Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận và bảo hộ; đồng thời, làng Mía đã được công nhận là làng nghề truyền thống. Đây là cơ sở quan trọng để địa phương tiếp cận các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Chính phủ và UBND tỉnh trong việc khôi phục và phát triển nghề. Cùng với đó, xã Thọ Diên đã và đang chú trọng phát triển làng nghề gắn với du lịch và bảo vệ môi trường; xây dựng khu trưng bày sản phẩm để giới thiệu và quảng bá sản phẩm bánh gai Tứ Trụ đến du khách... Nhờ đó, bánh gai Tứ Trụ đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước như Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, Nghệ An, TP Hồ Chí Minh...

Hiện tỉnh Thanh Hóa có hơn 100 làng nghề truyền thống, trong đó nhiều làng nghề có lịch sử ra đời, tồn tại và phát triển hàng trăm năm. Đồng thời, nhiều làng nghề đã nức tiếng khắp vùng và ra nhiều tỉnh/thành trong nước, như làng nghề đúc đồng Chè Đông, nhiễu Hồng Đô (huyện Thiệu Hóa); nghề làm chiếu cói và các sản phẩm từ cói (huyện Nga Sơn)... Đồng thời, nhiều nghề và làng nghề truyền thống đã tạo được tiếng vang nhờ chất lượng các sản phẩm và sự kỳ công, sáng tạo của người thợ như nghề thủ công mỹ nghệ, làm nước mắm, nấu rượu, làm bánh, làm nem chua... Các nghề và làng nghề truyền thống này không đơn thuần là một tổ hợp kinh tế, mà là sự hội tụ các giá trị tinh hoa của kỹ thuật, nghệ thuật, nơi nuôi dưỡng nên những nghệ nhân tài hoa và những sản phẩm mang đậm bản sắc, sự tinh tế, khéo léo, độc đáo. Nhờ đó, nó đã và đang góp phần tạo dựng nên địa danh xứ Thanh với tư cách một vùng văn hóa đa dạng và giàu bản sắc

Đa dạng và giàu giá trị là vậy, song trước xu thế mở cửa, có không ít nghề và làng nghề truyền thống hoặc không thể cạnh tranh được với các sản phẩm được sản xuất công nghiệp; hoặc đang loay hoay tìm cách giữ nghề và tìm thị trường cho sản phẩm... Trong nhiều giải pháp thì du lịch là một hướng tiếp cận đang nhận được nhiều sự quan tâm của cả người làm nghề lẫn chính quyền địa phương và các ngành chức năng liên quan. Bởi lẽ, xu hướng tìm về các giá trị văn hóa xưa cũ, thông qua việc tìm hiểu, khám phá quá trình sản xuất ra một sản phẩm thủ công đang ngày càng thu hút sự quan tâm của khách du lịch. Và, như một lẽ tự nhiên, sự phát triển của sản phẩm du lịch làng nghề sẽ thổi một luồng “sinh khí” mới vào các làng nghề truyền thống, vốn đang tồn tại khá trầm lắng hiện nay.

Thực tế cho thấy, nhiều tỉnh, thành phố đã xây dựng, khai thác hiệu quả sản phẩm du lịch làng nghề. Chẳng hạn như Quảng Nam nổi tiếng với sản phẩm du lịch làng nghề, với những cái tên nổi bật như làng gốm Thanh Hà, làng mộc Kim Bồng, làng dệt chiếu cói Bàn Thạch... Trong đó, sản phẩm du lịch làng nghề gốm Thanh Hà được tổ chức tương đối bài bản, chặt chẽ, nhằm tránh mọi hành vi tự phát, gây ảnh hưởng đến cảnh quan và hoạt động của làng nghề. Cho nên, dù được đưa vào khai thác phục vụ du lịch cả chục năm nay, song làng nghề truyền thống có lịch sử ngót 500 năm này vẫn giữ được nét thanh bình, yên ả vốn có của làng quê Trung bộ điển hình. Và dù đã đi qua giai đoạn phát triển cực thịnh cách đây vài ba thế kỷ, song các lò gốm trong làng vẫn luôn đỏ lửa, để vừa sản xuất các mặt hàng cho thị trường, vừa để trình diễn và giúp du khách trải nghiệm sản phẩm du lịch thông qua việc tự tay tạo ra các món đồ lưu niệm đơn giản theo sở thích cá nhân. Đặc biệt, từ kinh nghiệm làm du lịch làng nghề ở Quảng Nam cho thấy sản phẩm này nếu được đầu tư một cách bài bản, nghiêm túc vừa có thể trở thành một sản phẩm hấp dẫn, vừa trở thành một sản phẩm “vệ tinh”, hỗ trợ cho các sản phẩm du lịch chủ đạo như du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng hay du lịch sinh thái.

Là địa phương có nhiều làng nghề lâu đời, Thanh Hóa đang có nhiều điều kiện thuận lợi để xây dựng sản phẩm du lịch làng nghề. Chính vì lẽ đó, từ năm 2014 UBND tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng và ban hành Quyết định số 3136/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch các điểm du lịch làng nghề trên địa bàn tỉnh. Theo đó, có 15 làng nghề đã được lựa chọn để đầu tư phát triển trở thành điểm du lịch làng nghề trong giai đoạn 2016-2020. Trong đó có một số cái tên nổi bật như làng nghề bánh gai Tứ Trụ (xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân), làng nghề sản xuất chiếu cói (Cụm công nghiệp liên xã thị trấn Nga Sơn, huyện Nga Sơn), làng nghề đúc đồng (xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa), làng nghề nước mắm Ba Làng (xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia), làng nghề nem chua (phường Tào Xuyên, TP Thanh Hóa), làng nghề chè lam Phủ Quảng (huyện Vĩnh Lộc)...

Từ sự định hướng này, đến nay một số làng nghề đã bước đầu có sự đầu tư cơ sở vật chất phục vụ du lịch. Điển hình như làng nghề bánh gai Tứ Trụ, làng nghề đúc đồng Chè Đông (xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa) đã xây dựng được một số khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm và chú trọng khâu quảng bá khi đưa sản phẩm vào giới thiệu trong các tour, tuyến du lịch của tỉnh, của một số đơn vị lữ hành. Song, để hoàn thiện nhằm đưa du lịch làng nghề trở thành một sản phẩm đặc trưng, hấp dẫn du khách thì cần sự đầu tư rất lớn về cơ sở vật chất; đào tạo kỹ năng phục vụ du lịch cho các nghệ nhân và người dân bản địa; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại... Do đó, cần có thêm nhiều “cú hích” mới có thể khai thác tiềm năng du lịch làng nghề, để vừa bảo tồn các giá trị văn hóa, vừa vực dậy sức sống cho các làng nghề truyền thống hiện nay.               
                                                                               ( Theo Báo Mới)