Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

Các bảo vật quốc gia tại Khu di tích Lam Kinh

Đăng lúc: 20/09/2024 (GMT+7)
100%

Lam Kinh - cố đô của nhà Hậu Lê - là nơi chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử to lớn, nơi lưu giữ dấu tích của một trong những triều đại thịnh trị bậc nhất trong lịch sử dân tộc. Hiện nay, tại Khu di tích này vẫn còn nhiều hiện vật quý, trong đó tiêu biểu nhất là 5 tấm văn bia, đã được công nhận là bảo vật quốc gia.

bia vinh lang.png
Trong số các văn bia tại Lam Kinh, bia Vĩnh Lăng là tấm bia cổ nhất, có giá trị đặc sắc nhất.  Bia được dựng tháng 10 năm Quý Sửu 1433. Nhà bia làm bằng gỗ lim, vì kèo chồng rường 2 tầng mái, được đỡ bởi 16 hàng chân cột. Với nghệ thuật điêu khắc, trang trí cầu kỳ, bia Vĩnh Lăng được xem là tấm bia có kích thước lớn và đẹp nhất Việt Nam. Văn bia Vĩnh Lăng ghi lại thân thế, sự nghiệp và công đức to lớn của vua đầu triều Lê Lợi - Lê Thái Tổ, đồng thời đúc kết đường lối đấu tranh của nghĩa quân Lam Sơn trong 10 năm kháng chiến đánh đuổi giặc Minh, giành lại giang sơn gấm vóc.
 Ngoài bia Vĩnh Lăng, tại khu di tích Lam Kinh còn 4 bảo vật quốc gia khác là: Bia Khôn Nguyên Chí Đức khắc ghi công trạng Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao, bậc mẫu nghi thiên hạ, tài đức vẹn toàn. Bia Chiêu Lăng ghi chép thân thế, sự nghiệp, công trạng vua Lê Thánh Tông, vị vua anh minh, tài năng kiệt xuất, có công xây dựng nước Đại Việt phát triển rực rỡ về mọi mặt. Bia Dụ Lăng khắc ghi công trạng của Lê Hiến Tông, người góp phần gìn giữ cơ đồ nhà Hậu Lê. Bia Kính Lăng ghi lại cuộc đời và công lao của vua Lê Túc Tông trong tiến trình phát triển triều Lê Sơ.
Các tấm văn bia đều có tuổi đời trên 500 năm, không chỉ là pho sử liệu về cuộc đời của các vị vua, hoàng hậu, mà còn  là chứng tích lịch sử quý giá, phục vụ đắc lực cho công tác nghiên cứu, bảo tồn.
Trải qua hơn nửa thiên niên kỷ, các văn bia - bảo vật quốc gia tại Khu di tích Lam Kinh vẫn thi gan cùng tuế nguyệt, là chứng tích của thời kỳ vàng son triều Hậu Lê, cũng là tấm gương phản chiếu để thế hệ hôm nay hiểu rõ hơn thân thế, sự nghiệp, khát vọng của các yếu nhân lịch sử trong tiến trình  xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quê hương.
Đỗ Duy Nhã, Trung tâm VHTT, TT và DL huyện Thọ Xuân