Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

Huyện Thọ Xuân tiếp tục tăng cường các giải pháp đảm bảo ATGT, phòng ngừa TNGT liên quan đến lứa tuổi học sinh

Đăng lúc: 22/05/2024 (GMT+7)
100%

Thời gian qua, trên địa bàn huyện Thọ Xuân liên tục xảy nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến lứa tuổi học sinh, để lại hậu quả thương tâm cho nhiều gia đình và xã hội. Bên cạnh đó, tình trạng học sinh vi phạm các quy định về TTATGT, học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe máy, xe máy điện đến trường diễn ra khá phổ biến trên địa bàn toàn huyện gây mất ATGT, tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT. Để đảm bảo ATGT, phòng ngừa TNGT liên quan đến lứa tuổi học sinh, huyện Thọ Xuân đã và đang tăng cường các giải pháp cụ thể, thiết thực.

Theo số liệu tổng hợp, trong 4 tháng đầu năm 2024, lực lượng cảnh sát đã tuần tra, phát hiện và xử lý 1049 trường hợp (169 ô tô, 880 mô tô, xe gắn máy), phạt tiền hơn 2,9 tỷ đồng. Trong đó, xử lý 488 TH học sinh vi phạm, với số tiền phạt 467,6 triệu. Cũng trong 4 tháng đầu năm, xảy ra 7 vụ TNGT liên quan đến lứa tuổi học sinh, làm chết 4 người chết và 03 người bị thương; Trong đó, 4 vụ TNGT do học sinh trực tiếp điều khiển phương tiện, làm chết 04 người.
24 (1).jpg
(Công an huyện Thọ Xuân tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp học sinh, phụ huynh đưa đón học sinh vi phạm TTATGT)

Theo quy định tại Điều 58 Luật giao thông đường bộ, người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp; Người từ đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy (kể cả xe máy điện) có dung tích xi lanh dưới 50cm3; Người từ đủ 18 tuổi trở lên và có giấy phép lái xe được lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên.
Căn cứ theo quy định của pháp luật, nếu vi phạm, sẽ bị xử lý: Phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô; Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên; Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người đủ 18 tuổi nhưng không có Giấy phép lái xe điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh trên 50cm3.
Đối với lỗi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 1, Điều 58 Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông: Theo quy định tại Khoản 5, Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP, xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ như sau: Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe ngắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô, xe gắn máy. Việc giao phương tiện cho người chưa đủ điều kiện điều khiển không chỉ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe người được giao xe mà còn vi phạm Luật giao thông đường bộ và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự cho cả người giao phương tiện khi gây TNGT.
Từ thực tế và quy định trên, nhằm triển khai, thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tinh hình mới (Chi thị số 31); Kế hoạch số 32/KH-UBND ngày 29/01/2024 của UBND tỉnh Thanh Hoá và Kế hoạch của Giám đốc Công an tỉnh, của UBND huyện Thọ Xuân về triển khai thực hiện Chỉ thị số 31; Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn, đảm bảo sự an toàn cho học sinh đến trường và phòng ngừa các vụ TNGT đáng tiếc tiếp tục xảy ra, huyện Thọ Xuân đã triển khai các giải pháp cụ thể, giao nhiệm vụ cho các phòng, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan. Trong đó, lực lượng Công an huyện tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục; tăng cường phổ biến các kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông và kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho phụ huynh trong trường hợp chở trẻ em trên ô tô, mô tô, xe máy và các phương tiện khác; bảo đảm mỗi trường trung học phổ thông, trung học cơ sở, tiểu học mỗi học kỳ có ít nhất một buổi tuyên truyền, phổ biến về trật tự, an toàn giao thông (giao lực lượng CSGT tuyên truyền tại các trường PTTH, CA xã, thị trấn tuyên truyền tại các trường THCS, tiểu học, mầm non); Phối hợp với ngành giáo dục hướng dẫn tổ chức cho các nhà trường, cha mẹ học sinh, học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên ký cam kết thi đua chấp hành pháp luật về giao thông. Giao lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) chủ trì, phối hợp với các trường trung học phổ thông; Công an xã, thị trấn chủ trì phối hợp với các trường trung học sơ sở, tiểu học kiểm tra việc sử dụng phương tiện tham gia giao thông của học sinh, nhất là tại các bãi để xe trong trường, khu vực cổng trường; phối hợp với nhà trường làm việc với phụ huynh và học sinh vi phạm để nhắc nhở, yêu cầu tăng cường quản lý, giáo dục không để học sinh vi phạm và tái phạm; rà soát các trường hợp thanh, thiếu niên, học sinh có biểu hiện đua xe, tụ tập gây rối trật tự công cộng đưa vào diện quản lý, giáo dục tại địa bàn cơ sở. Đồng thời, huy động lực lượng, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm về TTATGT; bố trí lực lượng tại các tuyến đường gần khu vực trường học để kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp học sinh, phụ huynh đưa đón học sinh vi phạm TTATGT, tập trung vào các hành vi vi phạm như: Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe; không đội mũ bảo hiểm; chở quá số người quy định, đi dàn hàng ngang, phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, không chấp hành tín hiệu đèn; giao phương tiện cho người không đủ điều kiện điều khiển...; đối với những trường hợp học sinh vi phạm phải gửi thông báo về cho nhà trường để có hình thức xử lý và biện pháp giáo dục phù hợp; kiên quyết không cho các phương tiện không bảo đảm an toàn dùng để vận chuyển, đưa đón, học sinh.
Song song với đó, Công an huyện tiếp tục tham mưu chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Đề án “Xây dựng, nhân rộng, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình tự quản trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2023 - 2026”. Tham mưu ra mắt mô hình điểm cấp tỉnh, cấp huyện. Đối với các vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh khẩn trương điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; củng cố hồ sơ xử lý các hành vi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện gây tai nạn./.
Lê Hải, Trung tâm VHTT, TT và DL huyện Thọ Xuân