Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

Năm vượt khó trong xây dựng nông thôn mới ở xứ Thanh

Đăng lúc: 09/12/2022 (GMT+7)
100%

- Những ngày cuối cùng của năm 2022 đang dần khép lại, đánh dấu một năm khó khăn trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa với số xã, số huyện đạt chuẩn ít nhất trong hơn 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, tất cả đã nỗ lực vượt khó để có những chỉ tiêu vượt xa kỳ vọng, tạo tiền đề cho xây dựng các tiêu chí chuẩn theo chiều sâu...

 177d5154900t82800l0.jpg

Qua phong trào XDNTM, đời sống văn hóa - tinh thần người dân thôn Lập Thắng, xã Thạch Lập (Ngọc Lặc) được nâng lên rõ rệt.

Thời điểm vượt thách thức

Giai đoạn thực hiện nhiệm vụ XDNTM 2021–2025 đã đi qua được hơn 1/3 chặng đường, nhưng đến tận tháng 8 vừa qua, Trung ương mới ban hành bộ tiêu chí mới để áp dụng cho xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và huyện NTM giai đoạn 2021-2025. Sau đó, các tỉnh lại phải chờ các bộ, ngành Trung ương ra các hướng dẫn cụ thể cho thực hiện từng tiêu chí ngành mình phụ trách. Khoảng cuối tháng 10-2022, khung pháp lý cho áp dụng bộ tiêu chí mới coi như mới hoàn thành để áp dụng vào thực tiễn. Do vậy, khoảng thời gian nhiều tháng chờ đợi bởi chưa có cơ sở thực hiện đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch thực hiện tiêu chí XDNTM của các địa phương. Trên thực tế, hằng năm khoảng thời gian đầu năm chỉ là giai đoạn “chạy đà” và tháo gỡ khó khăn, việc “chạy đua” để hoàn thành các tiêu chí cũng như triển khai hồ sơ, thẩm định đạt chuẩn đều dồn về những tháng cuối năm.

Khi bộ tiêu chí mới được áp dụng, không ít xã có kế hoạch về đích NTM, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu năm 2022 đều “phá sản” kế hoạch bởi nhiều chỉ tiêu và tiêu chí được nâng cao, chưa thể thực hiện ngay. Điển hình nhất là chỉ tiêu quy định tỷ lệ số hộ được dùng nước sạch tập trung, trong khi xây dựng các nhà máy nước, các hệ thống nước sạch này nằm ngoài khả năng cấp xã, thậm chí cấp huyện. Chưa kể các xã vùng sâu hay miền núi, nhiều xã vùng đồng bằng cũng không thể kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nhà máy nước trong ngày một, ngày hai.

“Năm 2021, Trung ương vẫn cho áp dụng tiêu chí NTM của giai đoạn 2016–2020, nên năm 2022 mới thực sự là năm “bản lề”, là thời kỳ chuyển giao trong XDNTM với bộ tiêu chí nâng cao, phải cần thời gian để chuyển đổi, để thay đổi cách làm” - ông Bùi Công Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh Thanh Hóa, cho biết.

Một khó khăn khác ảnh hưởng trực tiếp đến XDNTM thời gian qua là quyết định phân bổ vốn hỗ trợ thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (CTMTQG)XDNTM của Trung ương khá chậm, đến nửa sau của năm 2022 mới được triển khai. Trong khi đó, ngân sách tỉnh và các địa phương còn hạn chế nên ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách hỗ trợ XDNTM và Chương trình OCOP đã được HĐND tỉnh thông qua. Tại các địa phương, hoạt động kinh tế bị ảnh hưởng sau thời kỳ đại dịch COVID-19, các chuỗi cung ứng ảnh hưởng nên việc tiêu thụ nông sản và các sản phẩm nông thôn khó khăn, giá vật tư nông nghiệp tăng cao... cũng ảnh hưởng đến nguồn lực huy động cho XDNTM.
177d5154851t80763l0.jpg

Công tác thẩm định nông thôn mới được triển khai nghiêm túc ngay từ những tháng đầu năm 2022.

Căn cứ mục tiêu XDNTM đến năm 2025 đã được Trung ương và tỉnh xác định, trên cơ sở quy định hướng dẫn của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương về thực hiện CTMTQG XDNTM giai đoạn 2021-2025, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo các CTMTQG tỉnh đã ban hành 25 văn bản chỉ đạo, điều hành trực tiếp Chương trình MTQG XDNTM năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 làm cơ sở cho các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện. Đáng nói nhất là: Kế hoạch thực hiện CTMTQG XDNTM tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025; Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển Trung ương và quy định vốn đối ứng ngân sách địa phương hỗ trợ thực hiện CTMTQG XDNTM giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Phân bổ vốn đầu tư phát triển Trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình XDNTM giai đoạn 2021-2025 và năm 2022; Phân bổ kinh phí hỗ trợ phát triển sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)...

Vừa tháo gỡ các “điểm ngẽn” trong thực hiện các tiêu chí NTM mới ban hành, Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh cùng các địa phương cũng tập trung cho Chương trình OCOP - một hợp phần sản xuất trong XDNTM, đạt được những kết quả ngoài mong đợi.

Những chỉ tiêu vượt kế hoạch

Nhiều khó khăn, thách thức là vậy, song cấp tỉnh, các ngành, các địa phương và Nhân dân đã có nhiều nỗ lực để đem lại nhiều thành quả trong XDNTM. Điển hình nhất phải kể đến số thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu của tỉnh tính đến đầu tháng 12 đã vượt kế hoạch đề ra cả năm với 76/60 thôn, bản, chưa tính một số đơn vị thôn sẽ được công nhận đạt chuẩn trong những ngày cuối năm. Cũng theo ông Bùi Công Anh, sự khác biệt ở các thôn, bản NTM kiểu mẫu năm nay là ngoài các tiêu chí “cứng” như hệ thống cơ sở hạ tầng, thu nhập, thì nhiều tiêu chí “mềm” được người dân và các địa phương chú trọng và thực hiện theo chiều sâu. Đó chính là tình làng, nghĩa xóm, là sự tương trợ nhau trong cuộc sống với các câu lạc bộ liên thế hệ, là phong trào văn hóa văn nghệ và thể dục thể thao, là ý thức cộng đồng... Tất cả đang được lan tỏa để xây dựng những vùng quê đáng sống, phát triển các yếu tố nhân văn trong XDNTM.

Trên bình diện chung, trong 11 tháng năm 2022, toàn tỉnh có thêm TP Sầm Sơn hoàn thành nhiệm vụ XDNTM, 5 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu... Lũy kế đến nay, Thanh Hóa có 12 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ XDNTM, 346 xã (chiếm hơn 74,4%) và 904 thôn/bản đạt chuẩn NTM, 56 xã NTM nâng cao, 9 xã và 245 thôn, bản NTM kiểu mẫu. Những ngày cuối năm này, các địa phương và Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh đã hoàn thiện hồ sơ, chuẩn bị tổ chức các đoàn thẩm định đạt chuẩn cho 3 xã NTM, 5 xã NTM nâng cao, 1 xã NTM kiểu mẫu. Cùng với đó, thị xã Bỉm Sơn cũng đang hoàn thiện hồ sơ trình thẩm tra, thẩm định hoàn thành nhiệm vụ XDNTM.
177d5154840t52625l0.jpg

Chương trình OCOP giúp hình thành vùng chuyên canh bưởi Luận Văn hàng chục ha tại huyện Thọ Xuân.

Năm 2022, tỉnh Thanh Hóa đề ra chỉ tiêu có 120 sản phẩm OCOP mới, thì đến đầu tháng 12 này, số sản phẩm đã vượt 14 sản phẩm, chưa kể sẽ có khoảng hơn 30 sản phẩm dự kiến sẽ được xét chọn trong những ngày cuối tháng 12 này. Điều đáng vui mừng là năm 2022, tất cả 27 đơn vị cấp huyện của tỉnh đều có sản phẩm OCOP mới, các sản phẩm phân bố khắp các vùng miền trong tỉnh với đa dạng chủng loại và lĩnh vực sản xuất. Nhìn lại hơn 11 tháng năm 2022, Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh đã tổ chức 6 đợt chấm điểm và tham mưu cho Hội đồng Đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa tổ chức 3 đợt đánh giá, xếp hạng sản phẩm. Từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh đã có quyết định công nhận 134 sản phẩm OCOP, trong đó có 16 sản phẩm 4 sao, 118 sản phẩm 3 sao, đạt 112 % kế hoạch được giao. Lũy kế đến đầu tháng 12, tỉnh Thanh Hóa đã có 292 sản phẩm OCOP, trong đó 1 sản phẩm 5 sao quốc gia, 56 sản phẩm 4 sao, 235 sản phẩm 3 sao. Với kết quả này, Thanh Hóa đã vươn lên thành địa phương có số sản phẩm OCOP đứng thứ 2 cả nước sau thủ đô Hà Nội, và là 1 trong 11 tỉnh, thành phố có sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia.

Đến nay, Chương trình OCOP đã có nhiều tác động tích cực đến phát triển kinh tế nông thôn, góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị. Các sản phẩm OCOP đã được sản xuất theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định của chương trình, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường. Phát triển sản phẩm OCOP cũng đã từng bước khơi dậy được tiềm năng đất đai, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền để hình thành những sản phẩm “đa giá trị”, gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ và du lịch. Từ đa phần là những sản phẩm nhỏ lẻ, sản xuất và tiêu thụ theo hướng tự phát, sau khi đạt chuẩn OCOP đều đáp ứng được các tiêu chuẩn, được sản xuất theo hướng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, có bao bì nhãn mác, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Ai cũng biết là trước kia, những can mật ong, những túi bánh nhãn, những chiếc bánh lá răng bừa... được bán ra thị trường không nhãn mác, ít giá trị, thì nay những sản phẩm OCOP từ các mặt hàng trên đã trở thành những hàng hóa có nhãn hiệu, mã truy xuất nguồn gốc, được phát triển thị trường rộng khắp.

Thông qua phát triển sản phẩm OCOP, nhiều địa phương đã hình thành được các vùng nguyên liệu trồng cây đặc sản, phát triển các nghề nông thôn, đặc biệt là bảo tồn và phát triển nhiều làng nghề truyền thống. Những vùng trồng bưởi Luận Văn ở huyện Thọ Xuân, vùng trồng bưởi Yên Ninh ở huyện Yên Định, khu vực chuyên trồng nguyên liệu và dệt chiếu cói ở xã Quảng Phúc (Quảng Xương)... đều có được nhờ phát triển các sản phẩm OCOP liên quan.

Kết quả XDNTM cũng như sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa không còn là số lượng mà đã hướng nhiều đến chất lượng. Kết quả đạt được và những nỗ lực thực hiện CTMTQG XDNTM của các cấp, các ngành trong năm 2022 này chính là nền móng, là tiền đề cho XDNTM những năm tiếp theo.
Nguồn;(Baothanhhoa.vn)