Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

Vùng chuyên canh giống rau siêu lợi nhuận

Đăng lúc: 19/01/2023 (GMT+7)
100%

Đến hết năm 2022, thu nhập bình quân mỗi ha đất trồng trọt toàn tỉnh mới đạt 115 triệu đồng/ha, nhưng nhiều năm qua ở xã Thọ Hải (Thọ Xuân) lại có một khu đồng cho thu nhập... tới 5 tỷ đồng/ha/năm. Hiếm có loại cây trồng nào trên địa bàn tỉnh hiện nay cho thu nhập đại trà cao như vùng chuyên sản xuất các giống rau của vùng quê hữu ngạn sông Chu này.

 ảnh 4.jpg
Chuyên canh giống rau ở thôn Tân Thành, xã Thọ Hải (Thọ Xuân) cho thu nhập cao.

Khu ruộng thu nhập 5 tỷ đồng/ha/năm

Cánh đồng Mả Vỡ thuộc thôn Tân Thành, xã Thọ Hải quanh năm không ngớt tiếng người lao động và những bàn tay cần mẫn chăm bón, vun trồng. Tuy là đồng màu nhưng nông dân nơi đây không trồng rau thương phẩm như các vùng quê khác, mà chuyên mua hạt giống cây trồng từ những công ty giống uy tín trên khắp cả nước về sản xuất giống rau. Thời gian gieo hạt, chăm sóc đến khi thu hoạch đưa đi tiêu thụ một lứa rau giống chỉ 15 đến 20 ngày nên hệ số quay vòng đồng đất rất cao, nông dân theo đó cũng có thu nhập liên tục trong năm. Những bó cây giống su hào, bắp cải, cà chua, các loại ớt... mới tỏa 3 - 5 lá, được trồng dày đặc sẽ được nhổ bầu, gói trong lá chuối để đưa đi khắp nơi. Đây chính là nơi ươm mầm cho những vụ đông, vụ xuân xanh mướt phủ khắp các cánh đồng trên địa bàn huyện Thọ Xuân cũng như nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh.

Theo người dân địa phương, mùa tất bật nhất để sản xuất rau giống hàng năm là từ tháng 6 đến hết năm âm lịch, chủ yếu là phục vụ cho gieo trồng vụ thu và vụ đông. Thời gian còn lại, bà con trồng hành hoa, một số loại rau sống, rau thời vụ ngắn ngày như mùi, thì là, cần tây... để có thêm thu nhập. Tuy gia đình nhiều cũng chỉ 1 - 2 sào đất, nhà ít dăm bảy thước chuyên canh giống rau, nhưng bận rộn quanh năm. Hơn 5 năm qua, người dân địa phương luôn duy trì khoảng 25 sào chuyên canh rau giống, tương đương khoảng 2,25 ha. Sự chuyên cần của người dân địa phương đã đem lại doanh thu trung bình hằng năm khoảng 250 triệu đồng/sào, tương đương khoảng 5 tỷ đồng/ha, lợi nhuận khoảng 1/2 doanh thu.

Một trong những gia đình có trình độ canh tác và lợi nhuận cao trong sản xuất giống rau tại địa phương là ông Phạm Văn Quý với 500m2. “Gia đình tôi thường mua các loại hạt giống từ một công ty ở Hà Nội, một số giống rau còn được nhập khẩu từ Nhật Bản và Hàn Quốc, tuy giá thành có hơi cao nhưng bảo đảm uy tín lâu dài với khách hàng. Mỗi năm, gia đình sản xuất rau giống 8 tháng, 4 tháng còn lại trồng các loại rau trái vụ nên thu nhập cao hơn nhiều canh tác đại trà”, ông Quý cho biết.

Theo hạch toán của người nông dân năng động này, năm 2021 và 2022 mỗi tháng thu nhập từ bán rau giống khoảng 30 triệu đồng, kéo dài liên tục trong 8 tháng. 4 tháng còn lại thu nhập 5 triệu đồng mỗi tháng từ các loại rau thơm, rau thương phẩm trái vụ. Như vậy, chỉ với 500m2 trồng rau giống, gia đình ông có thu nhập trung bình 260 triệu đồng/năm, lợi nhuận khoảng 130 triệu đồng.

... nhờ kinh nghiệm và tiến bộ kỹ thuật

Phóng tầm mắt ra khắp khu đồng màu ven làng của người dân Tân Thành, hàng trăm luống rau chạy dài đều được phủ màu xanh của những mầm rau đủ loại. Trên mỗi khu ruộng, nhiều loại rau lớn nhỏ cứ thay nhau gối lứa. Cùng luống rau ngày hôm trước thu hoạch gọn, ngày sau đã được tra hạt gieo mầm lứa tiếp theo. Phía trên là những khung kẽm, mái che và hệ thống tưới bán tự động triển khai ra khắp khu đồng. Canh tác rau giống chủ yếu vẫn dùng lao động thủ công, nhưng không phải vì thế mà nông dân địa phương xa rời các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác.

ảnh 5.jpg

Hệ thống tưới phun mưa thay thế lao động thủ công trong canh tác giống rau ở thôn Tân Thành, xã Thọ Hải.

Để có được thành công như ngày hôm nay, những nông dân địa phương cũng phải trải qua nhiều thất bại, nhiều lần đúc kết thành kinh nghiệm canh tác. Một trong những chủ vườn có diện tích chuyên canh giống rau lớn nhất ở Tân Thành, ông Ngô Trọng Thanh cho rằng: Cây giống non nớt nên dễ bị tác động của thời tiết, ban đầu chưa có nhiều kinh nghiệm nên chúng tôi có nhiều lứa thất bại, nhất là các đợt mưa, sương muối hay nắng gắt. Nay người dân đã biết đầu tư hệ thống mái che di động, trời mưa to thì che ni lông trắng, nắng to thì che lưới đen.

Về kinh nghiệm, người tiên phong trong mở hướng canh tác cây trồng mới ở đây là ông Phạm Văn Quý cũng chia sẻ: Trước đây gia đình tôi chuyên trồng rau thương phẩm, thu nhập không cao, thường thì được mùa mất giá, được giá mất mùa. Tôi nghĩ phải tìm cách đột phá nên quyết định sản xuất giống rau sau khi đi thăm một mô hình ở huyện Đông Sơn hơn chục năm trước. Những năm đầu chưa đủ kinh nghiệm nên tỷ lệ hạt rau nảy mầm thấp, cây giống yếu, không bảo đảm chất lượng nên bán ra khó. Bản thân tôi liên tục tìm hiểu các kiến thức rồi tích lũy dần dần thành kinh nghiệm.

Với nhiều nông dân địa phương, khâu làm đất quyết định thắng lợi tới 30% nên sau mỗi đợt, cần được cuốc tơi xốp, rải phân chuồng hoai mục, vỏ trấu tạo độ màu mỡ và tơi xốp, trộn vôi bột và thuốc chống nấm để trừ mầm bệnh. Phương thức sản xuất sạch cũng được bà con áp dụng khi mỗi gia đình đều có những thùng nhựa to tại bờ ruộng để ủ toàn bộ cỏ dại và phế phẩm nông sản với men vi sinh Trichodermar Bacillus làm phân bón sạch.

Từ sự đúc kết và chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau, đến nay khoảng 20 hộ chuyên sản xuất giống rau ở địa phương đều chiếm lĩnh được những kỹ thuật và phương thức canh tác hiệu quả. Theo Chủ tịch Hội Làm vườn và Trang trại xã Thọ Hải - Nguyễn Xuân Quý: Nhiều năm sản xuất giống rau, các hộ dân thôn Tân Thành tự đúc kết, nay có nhiều kinh nghiệm cũng như bí quyết riêng trong sản xuất. Đã trở thành uy tín nên các loại giống rau ở đây được tiêu thụ khắp các huyện trong tỉnh, thậm chí có các tiểu thương đưa đi các tỉnh lân cận vào những thời điểm chính vụ. Mỗi sào đất sản xuất rau giống nơi đây cho thu nhập khoảng 250 triệu đồng mỗi năm, tương đương khoảng 5 tỷ đồng/ha/năm.

                                        ( Theo báo Thanh Hóa)