Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

Hiệu quả từ mô hình trồng Cau và nuôi Ong lấy mật ở xã Trường Xuân

Đăng lúc: 04/12/2024 (GMT+7)
100%

Những năm gần đây, Mô hình trồng Cau và nuôi Ong lấy mật của gia đình Bà Nguyễn Thị Vân xã Trường Xuân, đã tạo được cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp làm thay đổi diện mạo làng quê vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.

vh.jpg
Trên diện tích vườn 1.440 m2, gia đình bà Nguyễn Thị Vân, thôn Thành Vinh, xã Trường Xuân, huyện Thọ Xuân quy hoach làm 3 khu vườn.  Khu vườn 1, trước đây là một ao sâu của hộ gia đình khác  nuôi cá không hiệu quả. Năm 2012 gia đình bà Vân mua lại và tiến hành san lấp, cải tạo; đến năm 2016 bà Vân  lặn lội ra  Học viện Nông nghiệp I mua giống Cau Tứ quý về trồng và nuôi Ong lấy mật. Khu vườn 2, cách bên khu vườn 1 đường ngõ vào là một khu ao tù không sử dụng. Nhận thấy làm vườn có hiệu quả, năm 2014 tuy khó khăn về kinh tế gia đình bà Vân đã vay vốn để mua và tiến hành đổ đất, lấp ao tiếp tục trồng 9 hàng cau, số lượng 140 cây thẳng hàng rất đẹp.
vh5.jpg
Trong khu vườn này bố trí đường đi hình bàn cờ, hệ thống tưới phun sương thuận tiện cho việc chăm sóc, thu hoạch Cau quả. Khu vườn 3, là khu đất của mẹ bà Vân. Sau khi trồng Cau và nuôi Ong khu vườn 1 và khu vườn 2 có hiệu quả, bà Vân đã nói với mẹ tạo điều kiện cho con gái phát triển kinh tế vườn, được mẹ đồng ý, bà cùng chồng con đã trồng tiếp 110 cây Cau tứ quý,  kè ao nuôi cá cảnh, chỉnh trang vườn và hệ sinh thái khuôn viên đẹp được nhiều khách đến thăm quan.
vh6.jpg
Với sản phẩm chủ lực của cả 3 khu vườn là Cau Tứ quý lấy quả và nuôi Ong lấy mật, trong quá trình xây dựng vườn, gia đình bà Vân cũng gặp không ít khó khăn nhưng với lòng đam mê, quyết tâm làm giàu từ vườn hộ, đến nay vườn đã cho sản phẩm chất lượng và  thu nhập ổn định. Dưới tán cây cau mát và thoáng là các thùng Ong mật. Ao được kè rất đẹp, tạo cảnh quan sinh thái thu hút du khách trong và ngoài xã đến thăm quan, ngồi trên chòi ngắm cá lượn dưới ao, trong khung cảnh làng quê yên bình, thật thú vị biết bao. Ngoài Cau Tứ quý và nuôi ong lấy mật, gia đình bà Vân còn nuôi thêm và bán cá cảnh, chó giống ,chó thịt lai năng xuất cao .
vh2.jpg
Từ thực tế vườn hộ của mình, bà Nguyễn Thị Vân cho biết: Cây cau Tứ Quý cho trái sớm, sau 3-4 năm đã bắt đầu cho quả, quả có 4 mùa, tỷ lệ đậu quả cao. Sản phẩm của vườn là sản phẩm sạch, dễ sử dụng nhất là vào dịp Tết Nguyên Đán. Cau được bán ra thị trường trong và ngoài nước ( Trung Quốc ), qua tiểu thương đặt hàng  theo hợp đồng thu nhập ổn định,  phương pháp canh tác khoa học mang lại hiệu quả kinh tế và phù hợp với sức khỏe lao động của hộ gia đình, chuyển đổi cây trồng ngay tại vườn nhà, đầu ra thị trường cau quả và mật ong khá rộng mở.
Làm vườn từ sức lao động và vốn đầu tư cho trồng cau, nuôi ong mật, cá cảnh và nuôi chó là khá khiêm tốn song lại cho thu nhập rất là hấp dẫn. Mỗi năm, gia đình bà Vân có tổng doanh thu từ Cau Tứ quý, Ong mật, cá cảnh và chăn nuôi chó trên 300 triệu đồng; trừ chi phí còn thu nhập 270 triệu đồng. Kết quả thu được từ phát triển vườn hộ những năm qua đã  mang lại đời sống kinh tế của gia đình bà Vân phát triển lên tầm cao mới so với trước đây, đã nuôi  con khôn lớn trưởng thành, mua sắm được nhiều tài sản có giá trị.
vh3.jpg
Mô hình vườn hộ của gia đình bà Nguyễn Thị Vân được xã Trường Xuân chọn làm mô hình mẫu trong việc xây dựng nhà sạch vườn đẹp. Bà Nguyễn Thị Vân cũng rất nhiệt tình tư vấn cho 1 số anh em, bạn bè làm theo. Bà Vân mong muốn các cấp, các ngành cần có cơ chế , chính sách hỗ trợ, kích cầu để nhân diện rộng mô hình, vừa làm thay đổi diện mạo làng quê vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình, từ đó nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân, góp phần xây dựng quê hương ngày càng thêm đổi mới.
Lê Hải – Năng Tiến, Trung tâm VHTT, TT và DL huyện Thọ Xuân