Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

94 năm Ngày truyền thống Đảng bộ huyện Thọ Xuân

Đăng lúc: 19/07/2024 (GMT+7)
100%

Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống Đảng bộ huyện Thọ Xuân, chúng tôi trân trọng gửi tới quí vị và các bạn đọc giả bài viết "94 năm Ngày truyền thống Đảng bộ huyện Thọ Xuân"

            Thọ Xuân là huyện tiếp nối giữa các huyện đồng bằng và miền núi phía Tây của tỉnh Thanh Hóa, diện tích tự nhiên trên 30.000 ha, dân số trên 200.000 người, gồm 3 dân tộc Kinh, Mường, Thái. Huyện có 30 đơn vị hành chính gồm 27 xã và 3 thị trấn, Đảng bộ huyện có 60 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc với trên 13.000 đảng viên. Là vùng đất có truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng, nơi phát tích của 2 triều đại Tiền Lê và Hậu Lê; nơi ra đời Chi bộ Yên Trường - Một  trong 3 chi bộ đầu tiên của Đảng bộ tỉnh và là nơi thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (tại Yên Trường - Thọ Lập, ngày 29/7/1930).
         Từ những năm 1927 - 1928, tổ chức Tân Việt cách mạng Đảng (Đảng Tân Việt) mở rộng hoạt động mạnh mẽ trên địa bàn huyện Thọ Xuân. Các đồng chí cán bộ chủ chốt của Đảng bộ Tân Việt Thanh Hóa như các đồng chí Nguyễn Xuân Thúy, Nguyễn Văn Hồ đã tổ chức nhiều cơ sở của Đảng tại các làng trong huyện, như: Vân Lộ, Phong Cốc, Xá Lê, Thuần Hậu, Vực Thượng, Vực Trung, Phúc Bồi… Nhóm Tân Việt ở Phúc Bồi (Thọ Lập) gồm các đồng chí Lê Đình Ân, Mai Văn Khang, Nguyễn Văn Hiến, Đỗ Văn Phơn đã tích cực vận động quần chúng nhân dân đoàn kết giúp nhau trong lao động sản xuất, tổ chức đấu tranh chống áp bức bóc lột, chống phu phen tạp dịch, mở lớp dạy chữ quốc ngữ cho quần chúng nhân dân lao động.

Như vậy, sự ra đời và hoạt động của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Yên Trường và Tân Việt đảng ở Phúc Bồi (Thọ Lập) là kết quả của quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng cứu nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vào các tầng lớp thanh niên, học sinh, Nhân dân lao động tại Thanh Hóa, thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng theo khuynh hướng vô sản, tạo ra điều kiện tư tưởng và tổ chức tiến tới hình thành các chi bộ cộng sản.

Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, là bước ngoặt lớn trong phong trào cách mạng Việt Nam, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối lãnh đạo. Thực hiện chủ trương của Đảng, các Xứ ủy đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng và phát triển phong trào đấu tranh chống thực dân, phong kiến tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Thực hiện chỉ đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ, giữa tháng 6 năm 1930, đồng chí Nguyễn Doãn Chấp đã về Thanh Hóa, chắp nối liên lạc với Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên trong tỉnh, lựa chọn kết nạp các hội viên vào Đảng Cộng sản Việt Nam và xây dựng được 2 chi bộ cộng sản (Chi bộ Hàm Hạ ở Đông Sơn và Chi bộ Phúc Lộc ở Thiệu Hóa). Đầu tháng 7 năm 1930, đồng chí Nguyễn Doãn Chấp hai lần về Thọ Xuân, sau khi chắp nối liên lạc với các đồng chí trong Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên ở Yên Trường đã lựa chọn kết nạp được 7 đảng viên ở các làng Yên Trường, Yên Lược và Chỉ Tín.

Ngày 22/7/1930, tại nhà đồng chí Lê Văn Sỹ, làng Yên Trường, xã Thọ Lập, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Doãn Chấp, hội nghị thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Thọ Xuân được tiến hành, tham dự hội nghị có 7 đảng viên: Lê Văn Sỹ, Lưu Xuân Ngoạn, Trịnh Quang Lịch, Lê Văn Sỵ, Lê Đình Dương, Trịnh Khiếu, Nguyễn Văn Phúc. Đồng chí Lê Văn Sỹ được cử làm Bí thư chi bộ. Hội nghị đã thảo luận và đề ra nhiệm vụ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lựa chọn kết nạp đảng viên, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, xây dựng tổ chức Nông hội đỏ, phát triển đấu tranh chống áp bức bóc lột. Sự ra đời của Chi bộ Thọ Xuân góp phần tạo nên nền tảng để thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa.

a8.jpg
(Di tích Cách mạng Yên Trường xã Thọ Lập)

Do có lượng đảng viên đông hơn, cơ sở quần chúng cách mạng rộng và chắc chắn, là nơi hẻo lánh, xa trung tâm phủ lỵ, vì vậy đồng chí Nguyễn Doãn Chấp đã chọn làng Yên Trường xã Thọ Lập để tổ chức Hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa. Để đảm bảo an toàn cho Hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh, các đồng chí trong chi bộ Thọ Xuân (đảng viên người Yên Trường) đã tổ chức lực lượng canh gác, bảo mật, phòng gian, chuẩn bị lương thực, thực phẩm cho 11 đồng chí (9 đồng chí chính thức và 2 đồng chí dự khuyết về dự hội nghị), địa điểm liên lạc đến nơi hội nghị là đình làng Yên Trường.

Ngày 29/7/1930, Hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa do đồng chí Nguyễn Doãn Chấp chủ trì đã diễn ra tại nhà đồng chí Lê Văn Sỹ, làng Yên Trường xã Thọ Lập. Hội nghị đã quyết định nhiều chủ trương đối với phong trào cách mạng trong tỉnh. Tại hội nghị, đồng chí Lê Văn Sỹ - Bí thư chi bộ Thọ Xuân vinh dự được bầu vào Tỉnh ủy.

Như vậy, sự ra đời của Chi bộ Đảng Thọ Xuân - chi bộ Cộng sản thứ 3 trong tỉnh, không chỉ minh chứng cho sự phát triển của các chi bộ Đảng trong tỉnh mà còn là tiền đề quan trọng cho sự ra đời Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa ngày 29/7/1930. Sự ra đời của chi bộ Đảng Thọ Xuân, sự thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa trên đất Thọ Xuân là những sự kiện quan trọng đánh dấu bước ngoặt lớn của phong trào cách mạng trong huyện, trong tỉnh. Đó là một tất yếu khách quan, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử, chứng tỏ sức sống bất diệt và sự quyết tâm của Đảng ta trong việc xác lập và giữ vững quyền lãnh đạo của Đảng trên phạm vi cả nước. Chi bộ Đảng Cộng sản Thọ Xuân ra đời, từ đây phong trào cách mạng Thọ Xuân có Đảng lãnh đạo đã phát triển mạnh mẽ và đúng hướng.

                                       Trung Tuyến

          Trung tâm Văn hóa TT, TT và DL huyện Thọ Xuân