Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

Xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn trong nông thôn mới

Đăng lúc: 23/10/2019 (GMT+7)
100%

Xây dựng cảnh quan nông thôn là một trong những nội dung quan trọng trong tiêu chí môi trường nông thôn mới, tạo ra diện mạo của vùng quê nông thôn. Nhận thức rõ điều đó, những năm gần đây, các địa phương trong huyện rất quan tâm đến việc tạo dựng cảnh quan môi trường nông thôn vừa hiện đại vừa mang nét đẹp truyền thống của làng quê Việt.

                

Toàn cảnh xã Xuân Giang

Năm 2013, xã Xuân Giang được công nhận xã đạt chuẩn NTM và là xã điểm thứ 5/11 xã NTM của tỉnh hoàn thành các tiêu chí XDNTM. Năm đó cũng là ngày vui, ngày hội của xã và của đông đảo bà con nhân dân. Thực tế, được chọn là xã điểm XDNTM đối với Xuân Giang khi đó vừa là niềm vui, là động lực nhưng cũng là trách nhiệm hết sức nặng nề. Năm 2010, khi bắt tay XDNTM, so với bộ tiêu chí quốc gia, Xuân Giang mới chỉ đạt 5/19 tiêu chí, trong đó có 2/5 tiêu chí chỉ ở mức thấp. Từ sự động viên, ủng hộ và vào cuộc tích cực của nhân dân, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, xã Xuân Giang đã được công nhận xã đạt chuẩn NTM. Bộ mặt nông thôn nhờ đó cũng từng ngày “thay da đổi thịt”. Cảnh quan môi trường ngày càng xanh - sạch đẹp.

Đường hoa tại thôn 4 xã Xuân Giang

Xây dựng nông thôn thân thiện với môi trường là một trong 19 tiêu chí quy định theo Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trong đó tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm thuộc tiêu chí số 17. Để thực hiện có hiệu quả tiêu chí số 17, Ban Chỉ đạo XDNTM các xã đã phân công cụ thể trách nhiệm cho từng tổ chức, các hội, đoàn thể. Trong đó, hội LHPN đẩy mạnh thực hiện phong trào “5 không, 3 sạch” ; hội nông dân thực hiện phát triển kinh tế, xây dựng mô hình tổ hợp tác, HTX; Đoàn thanh niên với phong trào ngày thứ bảy tình nguyện, ngỳ chủ nhật xanh; hội cựu chiến binh bảo vệ môi trường ngoài đồng ruộng... Từ đó, nhiều phần việc cụ thể, mô hình hay, hiệu quả đã được triển khai và nhân rộng, khơi dậy ý thức trách nhiệm trong việc chung tay bảo vệ môi trường sống và nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân.

Hội phụ nữ Xuân Khánh với công tác vệ sinh môi trường

Điển hình như: Hội LHPN xã đứng ra đảm nhận làm vệ sinh ở tất cả các tuyến đường làng, ngõ xóm thực hiện trồng hoa thay thế cỏ dại ở các thôn trên địa bàn xã với các loại hoa như: Triều tím, hoa mười giờ và hoa cúc, đây là những loại hoa có sức sống tốt, dễ trồng, dễ chăm sóc, thích ứng với môi trường, thời tiết và hoa nở đẹp quanh năm, phù hợp với cảnh quan ven đường. Những con đường hoa hình thành đã thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề vệ sinh môi trường.

Thu gom rác thải tại xã Xuân Thành

 Xã đã thành lập các tổ thu gom rác thải tổ chức thu gom rác thải theo định kỳ để xử lý theo quy định. Việc thành lập và đi vào hoạt động của các công ty, các tổ thu gom rác thải đã góp phần giải quyết tình trạng rác thải đổ bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường, đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc phân loại, thu gom và xử lý rác thải. Riêng về vấn đề chất thải trong chăn nuôi, các địa phương đã vận động bà con chăn nuôi quy mô lớn có khả năng gây ảnh hưởng đến môi trường, phải tự đầu tư xây các hầm biogas và phải có hệ thống xử lý nước thải hợp vệ sinh trước khi thải ra môi trường.  Để xây dựng môi trường nông thôn mới sáng – xanh – sạch - đẹp, các xã trong huyện thường xuyên tổ chức tập huấn, tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ, cải thiện cảnh quan, môi trường nơi sinh sống và sản xuất. Đồng thời, phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội xây dựng và nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường trong khu dân cư; ứng dụng khoa học, công nghệ trong phân loại, thu gom, xử lý rác thải, nước thải từ hộ gia đình. Hằng năm, xây dựng kế hoạch kiểm tra đối với các hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và chuồng trại tại các hộ chăn nuôi nhằm đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm và đảm bảo vệ sinh môi trường.

Đường giao thông nội thôn ở Tây Hồ

Xác định xây dựng nông thôn mới không chỉ là xây dựng kết cấu hạ tầng, trong quá trình triển khai chương trình, các địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền để mỗi người dân hiểu và nâng cao trách nhiệm trong việc tạo dựng cảnh quan nông thôn đẹp từ khuôn viên gia đình đến từng đường làng, ngõ xóm. Các chương trình trồng cây bóng mát, trồng hoa ven đường, lắp đặt cột đèn chiếu sáng, giữ vệ sinh môi trường… được người dân đồng tình hưởng ứng, mang lại hiệu quả rõ nét.  Tùy điều kiện thực tế, mỗi địa phương đều có những cách làm linh hoạt, phù hợp mà không làm mất bản sắc riêng của từng vùng quê. Những tuyến đường hoa rực rỡ khoe sắc trong từng con đường, khu dân cư,những hàng cây xanh thẳng tắp được trồng ở  các trục đường chính, nhà văn hóa thôn, công sở xã, đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch đẹp… Đó là hình ảnh dễ thấy nhất ở các địa phương sau khi xây dựng nông thôn mới.

          Xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn chính là bảo vệ môi trường, làm đẹp cho bức tranh nông thôn ở mỗi làng quê và nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Vì thế, mỗi địa phương cần duy trì và phát huy tích cực hơn nữa phong trào này nhằm giữ gìn nét đẹp của nông thôn mới để mỗi miền quê trong huyện Thọ Xuân trở thành những miền quê đáng sống.  

                                                                             Đài Truyền thanh Thọ Xuân