Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

PHÁT TRIỂN CƠ SỞ ĐẢNG, PHÁT ĐỘNG PHONG TRÀO PHẢN ĐẾ CỨU QUỐC, TIẾN TỚI KHỞI NGHĨA GIÀNH CHÍNH QUYỀN VỀ TAY NHÂN DÂN (1940-1945)

Đăng lúc: 09/03/2021 (GMT+7)
100%

Chương II

PHÁT TRIỂN CƠ SỞ ĐẢNG, PHÁT ĐỘNG PHONG TRÀO PHẢN ĐẾ CỨU QUỐC, TIẾN TỚI KHỞI NGHĨA GIÀNH CHÍNH QUYỀN  VỀ TAY NHÂN DÂN (1940-1945)

I- CHỦ TRƯƠNG CHUYỂN HƯỚNG CHỈ ĐẠO CHIẾN LƯỢC CỦA TRUNG ƯƠNG ĐẢNG VÀ TÌNH HÌNH THANH HÓA TRONG NĂM 1940

Tháng 9 năm 1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Đế quốc Pháp lao vào vòng chiến, chúng thẳng tay đàn áp cách mạng, tiến công Đảng ta và các tổ chức quần chúng do Đảng ta lãnh đạo, tước bỏ mọi quyền tự do dân chủ mà nhân dân ta đã giành được trong phong trào 1930-1939. Trước tình hình ấy, ngày 29 tháng 9 năm 1939, Ban Thường vụ Trung ương Đảng kịp thời chỉ thị cho các cấp bộ Đảng chuyển vào hoạt động bí mật và chuyển hướng hoạt động bảo vệ lực lượng cách mạng. Hội nghị Trung ương Đảng tháng 11 năm 1939 đề ra chủ trương chuyển hướng quan trọng về đường lối và phương pháp cách mạng, chuyển từ đấu tranh dân sinh, dân chủ sang trực tiếp đánh đổ chính quyền đế quốc tay sai.

Ở Thanh Hóa, từ tháng 7 năm 1939, đế quốc Pháp đã đàn áp phong trào cách mạng trong tỉnh. Ngày 7 tháng 7 năm 1939, chúng bắt đồng chí Bùi Đạt (1) ngay sau cuộc mít tinh ủng hộ nhân dân Trung Quốc kháng Nhật tại thị xã Thanh Hóa. Phong trào quần chúng đấu tranh khủng bố được phát động. Nhân ngày 14 tháng 7 ngày quốc khánh của nước Pháp, Tỉnh ủy chỉ đạo tổ chức các cuộc mít tinh, biểu tình với các khẩu hiệu: “Hòa bình… cơm áo”, “Phản đối chiến tranh”, “Phản đối khủng bố" và đòi trả tự do cho đồng chí Bùi Đạt. Nhiều cuộc mít tinh, biểu tình có quy mô lớn, cuốn hút hàng ngàn quần chúng tham gia được tổ chức tại chợ Đu (Thiệu Hóa), ​​chợ Neo (Thọ Xuân). Các cuộc mít tinh, biểu tình liên tiếp diễn ra. Sự khủng bố, đánh phá cơ sở, truy bắt cán bộ, đảng viên của kẻ thù ngày một ác liệt. Nhiều cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng đã bị đế quốc bắt cầm tù.

Tháng 10 năm 1939, nhận được Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Tỉnh ủy khẩn trương chỉ đạo chuyển hướng hoạt động, đình chỉ mọi cuộc mít tinh, biểu tình để bảo toàn lực lượng.

Với truyền thống và kinh nghiệm đấu tranh chống khủng bố của quần chúng cách mạng trong tỉnh, nhiều cán bộ lãnh đạo, nhất là cán bộ huyện và cơ sở được quần chúng che chở bảo vệ. Số cán bộ, đảng viên này bám trụ cơ sở, củng cố tinh thần đấu tranh cách mạng của quần chúng trên từng địa bàn làng, tổng... Đồng thời từng bước tổ chức chắp nối, liên lạc để khôi phục lại sự hoạt động Đảng bộ và phong trào cách mạng trong tỉnh.

Đầu năm 1940, do tích cực lãnh đạo quần chúng phủ Thiệu Hóa đấu tranh chống khủng bố, bảo vệ cán bộ, bảo vệ cơ sở tổ chức cách mạng, đồng chí Lê Huy Toán (1) đã nối liên lạc với các huyện lân cận. Đồng chí Lê Huy Toán cùng các đồng chí ở Yên Định, Vĩnh Lộc thành lập Tỉnh ủy lâm thời, do đồng chí Lê Huy Toán làm Bí thư Tỉnh ủy (2).

Tháng 3 năm 1940, các đồng chí hoạt động ở thị xã Thanh Hóa: Lưu Văn Bân, Nguyễn Đức Nhuận... nối được liên lạc với đồng chí Đào Duy Dếch, cán bộ Xứ ủy Trung Kỳ ra Thanh Hóa hoạt động, nhận được nghị quyết hội nghị Trung ương lần thứ VI (11-1939) và nhiều tài liệu cần thiết. Được sự hướng dẫn của đồng chí Đào Duy Dếch, các đồng chí đã cử ra Tỉnh ủy lâm thời, do đồng chí Nguyễn Đức Nhuận làm Bí thư (3). Các đồng chí trong Tỉnh ủy lâm thời đã khẩn trương mở rộng việc nối liên lạc về các huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa,  Thiệu Hóa, Yên Định, Vĩnh Lộc, Thọ Xuân.

Tại Thọ Xuân, cuối năm 1939, đồng chí Trần Hoạt từ Xứ ủy Bắc Kỳ thoát ly vào Thanh Hóa hoạt động, từ một cơ sở ở Đầm, đồng chí Trần Hoạt bắt mối được với các cơ sở ở Kim Ốc (Xuân Hòa), Phúc Bồi (Thọ Lập), Nam Thượng (Tây Hồ), Quần Kênh (Xuân Giang)...

Tháng 4 năm 1940, các đồng chí đã thành lập Tỉnh ủy lâm thời gồm 3 đồng chí: Trần Hoạt, Đặng Châu Tuệ, Hồ Sĩ Nhân do đồng chí Trần Hoạt làm Bí thư.

*

*         *

Giữa năm 1940, phong trào cách mạng trong tỉnh được khôi phục, nhưng chưa thống nhất được tổ chức và lãnh đạo trong toàn tỉnh. Kẻ thù vẫn gia tăng khủng bố với thủ đoạn "Chặn đầu phá ổ". Tháng 6 năm 1940, cơ sở cách mạng ở thị xã và Hoằng Hóa, Hậu Lộc lại bị đánh phá. Các đồng chí trong Tỉnh ủy lâm thời lần lượt bị bắt (4). Tình hình đó, buộc các cơ sở cách mạng trong tỉnh phải đề cao cảnh giác phòng chống âm mưu khủng bố của kẻ thù và thận trọng hơn trong việc thống nhất tổ chức và lãnh đạo.

Tháng 10 năm 1940, đồng chí Bùi San đại diện của Xứ ủy Trung Kỳ ra Thanh Hóa công tác. Thông qua đồng chí Trịnh Huy Lãn, đồng chí Bùi San nhanh chóng nắm bắt tình hình tổ chức và phong trào Thanh  Hóa, xúc tiến việc thống nhất tổ chức, lãnh đạo trong tỉnh. Một cuộc hội nghị lịch sử được triệu tập vào cuối tháng 11 năm 1940, tại làng Thuần Hậu (Xuân Minh, Thọ Xuân). Đại biểu của các cơ sở Đảng thuộc các huyện Thiệu Hóa, Yên Định, Vĩnh Lộc và Thọ Xuân được triệu tập về dự hội nghị do đồng chí Bùi San trực tiếp chỉ đạo.  Trên cơ sở quán triệt nội dung tinh thần nghị quyết Trung ương lần VI (11-1939) hội nghị thống nhất 3 vấn đề cơ bản:

Một là: Thống nhất chủ trương, biện pháp chuyển hướng và phát triển mạnh mẽ từ Mặt trận Dân chủ sang các đoàn thể phản đế cứu quốc nhằm tập hợp và thống nhất mọi lực lượng, mọi tầng lớp, giai cấp vào Mặt trận chống đế quốc chiến tranh, đánh đổ đế quốc Pháp và phong kiến ​​thối nát, giành độc lập  dân tộc. 

Hai là: Lấy tờ báo “Tự do” làm cơ quan tuyên truyền của Mặt trận phản đế cứu quốc Thanh Hóa.

Ba là: Cử ra Ban chấp hành Đảng bộ Thanh Hóa gồm 3 đồng chí: Đồng chí Trần Hoạt, Lê Huy Toán, Đặng Châu Tuệ, đồng chí Trần Hoạt được cử làm Bí thư Tỉnh ủy.

Hội nghị Thuần Hậu (Thọ Xuân) tháng 11 năm 1940 thành công là sự thể hiện sâu sắc lập trường cách mạng kiên trung của cán bộ, đảng viên trong tỉnh;  là sự minh chứng hùng hồn ý chí đoàn kết đấu tranh kiên cường, bất khuất của quần chúng cách mạng Thanh Hóa trong việc đánh bại âm mưu khủng bố “chặn đầu, phá ổ” của bọn thống trị Pháp và phong kiến ​​tay sai. 

Thành công của hội nghị Thuần Hậu (Thọ Xuân) đã đặt nền móng phát triển cao trào phản đế cứu quốc trong toàn tỉnh.

II- TỔ CHỨC ĐẢNG Ở THỌ XUÂN LÃNH ĐẠO CAO TRÀO PHẢN ĐẾ CỨU QUỐC, TIẾN TỚI CHIẾN KHU NGỌC TRẠO

Thời gian thời kỳ 1936-1939, cơ sở Đảng và phong trào quần chúng đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ ở Thọ Xuân phát triển sâu rộng và trở thành một trong những phủ, huyện có phong trào mạnh nhất. Bọn mật thám Pháp đã xếp Thọ Xuân vào loại I để thẳng tay đàn áp (1). Những tháng cuối năm 1939, đầu năm 1940, bọn đế quốc Pháp và phong kiến ​​tay sai thực thi một chính sách cướp bóc khủng bố quy mô lớn và kéo dài ở Thọ Xuân, ở nhiều huyện trong tỉnh.

Đi đôi với những hành động khủng bố, cướp bóc tàn bạo, chúng đã thi hành chính sách mị dân, phá hoại khối đoàn kết của nhân dân. Một mặt, tăng đảm phụ chiến tranh, tăng thuế từ 8% lên 13%, mặt khác còn bắt nông dân đóng thuế ruộng đất đồng loạt “Nhất, tam, quy nhị” (1). Đây là một thủ đoạn kinh tế,  chính trị hết sức thâm độc của đế quốc Pháp và tay sai. Thủ đoạn của chúng là vừa ve vãn, vừa lôi kéo địa chủ phú nông, kẻ chiếm hầu hết ruộng đất loại I (nhất đẳng điền); vừa tăng cường cướp bóc bần cùng hóa bần cố nông, những người chỉ có ruộng đất loại III. Chúng tăng cường bộ máy đàn áp, cất nhắc những tên tay sai vào các cấp chính quyền, lập thêm các điểm canh, các đội tuần phòng hòng khống chế, kìm kẹp nhân dân ở từng làng, từng tổng và chỉ điểm cho mật thám, binh lính truy bắt cán bộ, đảng viên, đánh phá cơ sở cách mạng.

Vào nửa cuối năm 1939, đồng chí Trần Bảo, Xứ ủy Bắc Kỳ tránh sự khủng bố của quân thù đã vào Thanh Hóa liên hệ với cơ sở cách mạng ở Thọ Xuân. Sau khi điều tra tình hình ở khu vực Phúc Bồi, đồng chí đã chỉ đạo thành lập lại chi bộ Phúc Bồi gồm 5 đảng viên (Lê Đình Ân, Mai Văn Khang, Đỗ Khắc Tuất, Lê Đình Kiên, Lê Đình Tự) cử Lê Đình Ân làm Bí thư. Từ chi bộ và cơ sở cách mạng ở Phúc Bồi đồng chí Trần Bảo, Đặng Châu Tuệ, Đỗ Khắc Hàm đã mở rộng địa bàn hoạt động ở một số địa phương trong phủ Thọ Xuân và Thiệu Hóa.

Tháng 11 năm 1939, tổ chức Đảng ở Thọ Xuân đã chỉ đạo triển khai việc thi hành chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Thông qua Ủy ban vận động cách mạng huyện, tổ chức Đảng đã hướng dẫn cho các ban trị sự tương tế ái hữu các làng tiếp tục hoạt động công khai hợp pháp dưới hình thức củng cố quan hệ tình nghĩa họ hàng, làng xóm giữ vững khối đoàn kết. Đại bộ phận cán bộ, đảng viên dần dần rút vào hoạt động bí mật, còn một bộ phận nhỏ tiếp tục hoạt động công khai nếu bị tình nghi sẽ chuyển vùng, hoạt động, đình chỉ mít tinh, biểu tình để bảo toàn lực lượng cách mạng.

Thi hành Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, tổ chức Đảng và lực lượng cách mạng trong phủ đã vận dụng vào hoàn cảnh cụ thể ở địa phương tổ chức quần chúng đấu tranh phòng chống khủng bố một cách linh hoạt và hiệu quả. Trong những năm 1936 - 1939, Thọ Xuân cũng như nhiều huyện trong tỉnh, tổ chức cơ sở Đảng và các đoàn thể chính trị trong Mặt trận dân chủ đều dựa vào thế hợp pháp là Hội Tương Tế ái hữu hoạt động. Hơn nữa, hầu hết các lý hào trong huyện tự giác hay chưa tự giác đều được cuốn hút vào cao trào Tương Tế ái hữu.

Phát huy lợi thế đó, tổ chức Đảng và lực lượng cách mạng trong huyện đã chủ động, khôn khéo giữ gìn khối đoàn kết, tập hợp; động viên quần chúng trong từng làng chủ động thuyết phục số đông lý hào giữ mối quan hệ tình nghĩa họ hàng, làng xóm.

Một số tên lý hào có biểu hiện làm tay sai cho địch tức khắc bị quần chúng lên án, cảnh cáo ngăn chặn kịp thời hành vi tội lỗi của chúng như ở Yên Lược, Xá Lê... Ở Phúc Bồi (Thọ Lập) và một số làng, tri phủ phải ép dân phải thay lý trưởng, hương kiểm. Để đỡ căng thẳng và giữ thế hợp pháp, tổ chức Đảng đã lãnh đạo dân làng cử người khác, nhưng đều là những quần chúng cách mạng. Ở nhiều làng lực lượng tuần phiên trở thành lực lượng bảo vệ cách mạng. Hiệu lệnh trống mõ là hiệu lệnh tập trung phu tuần hoặc nhân dân để giải quyết việc làng đã trở thành hiệu lệnh báo động cho cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng cảnh giác với địch. Nhờ khôn khéo và chủ động bố trí phòng chống khủng bố nên lực lượng cách mạng Thọ Xuân đã ngăn chặn và làm thất bại âm mưu chống phá của quân thù.

Nhiều cuộc vây ráp, truy bắt có quy mô lớn của bọn mật thám và binh lính vào các làng có cán bộ thoát ly, có cơ quan bí mật của Đảng đã bị quần chúng cách mạng đánh bại. Tiêu biểu là cuộc chống vây ráp của địch hòng truy bắt cán bộ và cơ quan in ấn tại làng Phúc Bồi vào tháng 4 năm 1940. Mật thám và binh lính vừa đột nhập vào làng liền được báo động, cán bộ và quần chúng cách mạng trong làng khôn khéo gây huyên náo cản bước quân thù; và bố trí lực lượng chuyển phương tiện in ấn, cán bộ thoát ly đến địa điểm an toàn theo phương án đã định. Khi bọn mật thám tiếp cận, lục soát () không tìm ra được dấu vết, bằng chứng để khủng bố đàn áp. Thành công trong tổ chức phát động quần chúng phòng chống khủng bố, bảo toàn lực lượng đã tạo ra điều kiện thuận lợi phát triển mở rộng cơ sở cách mạng.

Là một địa phương có truyền thống yêu nước, có tổ chức và lực lượng cách mạng đông đảo, kiên trung, đồng chí Trần Hoạt đã dựa vào cơ sở cách mạng ở Thọ Xuân để hoạt động.

Tháng 2 năm 1940, tại làng Kim Ốc xã Xuân Hòa, các đồng chí Trần Hoạt, Đặng Chậu Tuệ, Hồ Sĩ Nhân thành lập Tỉnh ủy lâm thời do đồng chí Trần Hoạt làm Bí thư. Tỉnh ủy lâm thời đã tích cực củng cố, phát triển cơ sở tổ chức cách mạng Thọ Xuân, Thiệu Hóa và tổ chức đường dây liên lạc với cơ sở cách mạng các huyện lân cận với cấp trên. Làng Canh Hoạch và bến đò Thạc trở thành đầu mối giao lưu quan trọng trong thời kỳ phản đế cứu quốc.

Tháng 4 năm 1940, các đồng chí trong Ban cán sự huyện Thọ Xuân đã nối được liên lạc với các đồng chí có trách nhiệm ở các huyện. Đồng chí Trần Hoạt lần lượt tiếp xúc với đồng chí Lê Huy Toán (Thiệu Hóa), Trịnh Huy Lãn (Vĩnh Lộc), Lưu Văn Bân (thị xã Thanh Hóa)... các cuộc tiếp xúc tay đôi này đã mở đường cho việc thống nhất tổ chức và phong trào phản đế cứu quốc.

Tháng 5 năm 1940, Ban cán sự liên lạc được với Xứ ủy Bắc Kỳ và quyết định chuyển hướng hoạt động theo tinh thần Nghị quyết VI (11-1939) của Trung ương Đảng (1).

Tháng 6 năm 1940, đồng chí Nguyễn Đức Cúc (2) trên đường đi công tác vào phía Nam liên lạc với đồng chí Trần Hoạt. Đồng chí Nguyễn Đức Cúc đã có những đóng góp quan trọng trong việc củng cố và phát triển phong trào phản đế cứu quốc. Các đồng chí trong Ban cán sự Thọ Xuân được đồng chí Nguyễn Đức Cúc truyền đạt một cách cụ thể và sâu sắc về tình hình thế giới, phong trào cách mạng trong nước, về tư tưởng chỉ đạo chiến lược theo tinh thần Nghị quyết Trung ương VI. Đồng chí Nguyễn Đức Cúc cùng đồng chí Trần Hoạt và các đồng chí trong Ban cán sự Thọ Xuân giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc thống nhất sự lãnh đạo, thống nhất tổ chức và phong trào cách mạng trong huyện, trong tỉnh.

Tại làng Kim Ốc (xã Xuân Hòa), đồng chí Nguyễn Đức Cúc biên tập tài liệu “Những điều cần biết của người cộng sản” (3) và giúp các đồng chí trong Ban cán sự hoàn chỉnh Điều lệ Hội Phản đế cứu quốc, Điều lệ tự vệ cứu quốc và ấn hành tờ báo “Tự do”. Các tài liệu quan trọng này đã được in ấn và bí mật truyền đến các cơ sở cách mạng góp phần xúc tiến việc thống nhất lãnh đạo và phong trào cách mạng trong tỉnh.

Để chuyển hướng chỉ đạo chiến lược theo tinh thần Nghị quyết VI của Trung ương Đảng, tháng 2 năm 1940, tại làng Phúc Bồi xã Thọ Lập, đồng chí Trần Hoạt chủ trì hội nghị, gồm 50 đại biểu quán triệt Nghị quyết Trung ương VI và bàn định chủ trương, biện pháp chuyển các đoàn thể dân chủ sang các đoàn thể phản đế cứu quốc và thành lập các đội tự vệ phản đế...

Tháng 4 năm 1940, ở hai tổng Diên Hào và Kiên Trạch đã tổ chức các đoàn thể phản đế cứu quốc. Ban cán sự với sự chủ trì của đồng chí Trần Hoạt kịp thời triệu tập hội nghị đại biểu của các làng trong hai tổng, tại làng Kim Ốc (Xuân Hòa) để rút kinh nghiệm và bàn chủ trương biện pháp xây dựng 2 tổng này thành khu an toàn bảo vệ cán bộ thoát ly và cơ quan in ấn của huyện. Hội nghị thống nhất chủ trương biện pháp do Ban cán sự chỉ đạo: xúc tiến mạnh mẽ hơn nữa việc tập hợp đông đảo quần chúng ở từng làng vào các đoàn thể phản đế cứu quốc; mỗi làng đều xây dựng một đội tự vệ thật vững mạnh; coi trọng việc tuyên truyền giác ngộ về nhiệm vụ cách mạng cho quảng đại quần chúng, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng và ý thức giữ gìn bí mật, bảo vệ an toàn cho cán bộ thoát ly và cơ quan in ấn, trước hết là cho các đội tự vệ. Sau này cơ sở in ấn ở Kim Ốc phải đảm nhiệm in ấn tài liệu cho toàn tỉnh thì các đồng chí đã thành lập cơ sở in ấn mới tại làng Vân Lộ đảm bảo yêu cầu tài liệu cho các cơ sở cách mạng trong phủ.

Giữa năm 1940, phong trào phản đế cứu quốc và mọi hoạt động trong phủ đều tiến triển tích cực. Các đoàn thể phản đế cứu quốc, các đội tự phát triển ngày một sâu rộng ở từng làng, tổng. Các lớp huấn luyện đào tạo cán bộ chỉ huy tự vệ lần lượt được tiến hành cho từng làng thuộc các tổng Diên Hào, Kiên Thạch, Quảng Yên, Phú Hà. Lớp huấn luyện đầu tiên được tổ chức tại làng Tây Ngai do đồng chí Đặng Châu Tuệ trực tiếp phụ trách.

Trong cao trào phản đế cứu quốc, các đồng chí ở thôn Yên Lạc (Hạnh Phúc) có sáng kiến tập hợp thiếu niên trong thôn vào đội Thiếu niên phản đế cứu quốc. Đội gồm 11 đội viên do một đội trưởng, đội phó phụ trách (1).

Để mở rộng ảnh hưởng của phong trào phản đế cứu quốc, Ban cán sự chủ trương tổ chức ngày giỗ Lê Lợi tại khu Lam Kinh vào cuối tháng 8 âm lịch (năm 1940) một cách trọng thể. Tại đây, hàng năm vào ngày 21, 22 tháng 8 âm lịch nhân dân nhiều nơi trong tỉnh đổ về dâng lễ tưởng nhớ vị Anh hùng dân tộc Lê Lợi. Việc mở rộng ảnh hưởng của phong trào phản đế cứu quốc, cổ vũ lòng yêu nước trong dịp này thuận lợi và giữ thế hợp pháp. Các đồng chí ở Quảng Thi (2) được giao nhiệm vụ tổ chức ngày giỗ đã dựa vào các bô lão trong làng vận động nhân dân tổ chức ngày giỗ bằng nghi thức cổ truyền: rước kiệu, dâng hương và một bài văn tế được chuẩn bị công phu. Đồng chí Nguyễn Đức Nghi vận động các cụ bô lão có uy tín trong làng soạn bài văn tế nói lên công lao to lớn của người Anh hùng dân tộc Lê Lợi, khích lệ tinh thần yêu nước, tinh thần đấu tranh chống ách ngoại bang... Kết thúc bài văn tế, hội viên phản đế cứu quốc phân phát truyền đơn kêu gọi nhân dân gia nhập Hội phản đế cứu quốc, đoàn kết đấu tranh đánh đổ đế quốc Pháp và bọn phong kiến tay sai, cởi ách nô lệ, giành độc lập dân tộc...

Cuối năm 1940, vào thời điểm cao trào Phản đế cứu quốc trong huyện đang dâng lên mạnh mẽ, bọn thống trị tiến hành thu thuế vụ mùa theo chính sách “nhất tam quy nhị” và tăng đảm phụ chiến tranh lên 13%. Chính sách cướp bóc tàn khốc của kẻ thù đã gây nên sự căm phẫn cao độ trong quần chúng, các cơ sở cách mạng đã tổ chức phong trào đấu tranh chống thuế. Vận dụng kinh nghiệm đấu tranh chống thuế của quần chúng trong thời kỳ 1936-1939, các khẩu hiệu: “đòi giảm thuế, miễn thuế, khất thuế qua vụ sau, năm sau” vẫn là những khẩu hiệu chính yếu, hợp tình thế. Các cuộc đấu tranh ở từng làng liên tiếp diễn ra. Tiêu biểu là các cuộc đấu tranh chống thuế của đông đảo nông dân làng Hợp Thôn, Phúc Như và các làng trong tổng Thử Cốc. Nông dân các làng này đoàn kết phản đối việc tăng 13% đảm phụ chiến tranh vào thuế, phản đối chính sách thu thuế ruộng đất loại ba bằng thuế ruộng đất loại hai và đòi giảm thuế, miễn thuế. Lý trưởng không thu được thuế, bọn thống trị đưa binh lính về từng làng đốc thúc thu thuế, nông dân từng làng tổ chức lực lượng đông đảo theo bám thuyết phục, và khống chế áp đảo không cho binh lính xông vào từng nhà uy hiếp, hăm dọa hoặc bắt thuế.

Cuộc đấu tranh chống thuế diễn ra ngày càng quyết liệt giữa đông đảo nông dân trong huyện với bọn thống trị thực dân phong kiến. Chúng xua binh lính về các làng cướp bóc và đàn áp phong trào đấu tranh chống thuế. Nông dân trong huyện càng căm thù bọn cướp nước và quân bán nước càng đoàn kết đấu tranh giành lại tài sản bị cướp bóc và giải thoát cho những người bị bắt làm thất bại âm mưu thu, cướp thuế của kẻ thù.

Thành quả của phong trào đấu tranh chống thuế đã trở thành động lực to lớn động viên đông đảo các tầng lớp nhân dân trong huyện đứng vào đội ngũ đấu tranh của Mặt trận Phản đế cứu quốc.

*

*       *

Tháng 9 năm 1940, phát xít Nhật vào Đông Dương, từ đây nhân dân ta “một cổ hai tròng”, bị cả Pháp và Nhật áp bức bóc lột. Phong trào cứu nước dấy lên mạnh mẽ, mở đầu là cuộc khởi nghĩa của nhân dân Châu Bắc Sơn (1), tháng 9 năm 1940 và khởi nghĩa Nam Kỳ tháng 11 năm 1940.

Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Thông báo kêu gọi các cấp bộ Đảng và nhân dân trong nước vùng lên đấu tranh hưởng ứng khởi nghĩa Bắc Sơn và Nam Kỳ. Bản thông báo chỉ rõ những biện pháp đấu tranh như: mít tinh, truyền đơn, treo cờ, băng, khẩu hiệu, diễn thuyết, tuần hành, bãi công, bãi thị, bãi khóa... và nơi nào có thể phát động du kích chiến tranh thì biến đội tự vệ thành đội du kích để tùy thời cơ đánh úp các đồn trại địch.

Những tháng cuối năm 1940, phong trào trong tỉnh chuyển biến tích cực. Chuyển biến cơ bản nhất là có sự lãnh đạo của Tỉnh ủy. Tháng 11 năm 1940, dưới sự chủ trì của đồng chí Bùi San đại diện Xứ ủy Trung Kỳ, hội nghị thống nhất tổ chức và lãnh đạo của Đảng bộ toàn tỉnh được tiến hành tại làng Thuần Hậu nay thuộc xã Xuân Minh. Trên cơ sở quán triệt nội dung, tinh thần Nghị quyết Trung ương VI và nhiệm vụ khẩn cấp trước mắt, hội nghị đã thống nhất cử ra Tỉnh ủy chính thức gồm các đồng chí Trần Hoạt, Lê Huy Toán và Đặng Châu Tuệ. Đồng chí Trần Hoạt được phân công làm Bí thư Tỉnh ủy.

Tháng 12 năm 1940, Xứ ủy Trung Kỳ triệu tập hội nghị liên Tỉnh ủy Nghệ An, Thanh Hóa nhằm thống nhất chủ trương, biện pháp hưởng ứng khởi nghĩa Bắc Sơn và Nam Kỳ theo tinh thần Thông báo của Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Đồng chí Đặng Châu Tuệ được Tỉnh ủy cử vào Nghệ An dự hội nghị.

Tháng 2 năm 1941, Hội nghị đại biểu Đảng bộ toàn tỉnh diễn ra tại làng Phong Cốc (Xuân Minh) đã thống nhất nhận định: “... Tình hình rất khẩn trương, lửa cách mạng đã bùng cháy ở Bắc, ở Nam, Thanh Hóa phải làm gì để Trung, Nam, Bắc cùng nổi dậy đánh tan quân đế quốc cứu lấy giang san Tổ quốc...” (1), Hội nghị chủ trương: Lấy vùng Thọ Xuân - Thiệu Hóa làm vùng trung tâm xuất phát cho phong trào quần chúng đấu tranh hưởng ứng khởi nghĩa Bắc Sơn và Nam Kỳ.

Thi hành Nghị quyết Hội nghị Phong Cốc, các đồng chí Hồ Sĩ Nhân, Hoàng Sĩ Oánh, Nguyễn Mậu Sung... khẩn trương về từng làng trong huyện truyền đạt chủ trương và phát động cao trào Đội du kích được tiến hành một cách tích cực nhất. Sau hai tháng hoạt động, tháng 3 năm 1941, các đoàn thể Phản đế cứu quốc và các đội tự vệ đã phát triển sâu rộng ở các làng thuộc phía Bắc sông Chu: Thuần Hậu, Xá Lê, Phong Cốc, Long Linh... Các làng ở phía Nam sông Chu: Phúc Thượng, Kim Ốc, Kim Phúc, Thượng Vôi, Khải Đông, Vực Thượng, An Lạc, Phong Bái, Quần Kênh... Tại Long Linh Ngoại, Xá Lê, Kim Ốc, Kim Phúc mỗi làng đã xây dựng một đội tự vệ gồm 40 chiến sĩ. Riêng ở làng Long Linh Ngoại, đồng chí Hoàng Sĩ Oánh và Nguyễn Mậu Kiện đã chỉ đạo xây dựng thành công một đội tự vệ mạnh gần 80 đội viên và biên chế thành 2 tiểu đội Nam và 2 tiểu đội Nữ.

Phong trào quần chúng lên cao, cơ sở cách mạng mở rộng, yêu cầu tài liệu để hướng dẫn động viên phong trào càng lớn. Các cơ sở in ấn tài liệu và báo “Tự do” được phát triển. Đầu năm 1941, một cơ sở in ấn ra đời tại làng An Lạc (Hạnh Phúc), tiếp tới là cơ sở in ấn ở Phong Cốc (Xuân Minh) vào tháng 5 năm 1941.

Các cơ sở in ấn trong huyện đã góp phần tích cực vào việc tuyên truyền tổ chức động viên phong trào cách mạng của quần chúng, nhất là phong trào xây dựng lực lượng vũ trang.

Cùng với việc xây dựng các đội tự vệ, quần chúng cách mạng nhiều làng trong phủ còn coi trọng các hoạt động quyên góp, tăng gia sản xuất gây qũy cho lực lượng vũ trang cách mạng. Các làng trong tổng Diên Hào đã có quỹ mua sắm vũ khí trang bị cho các đội tự vệ, du kích.

Lực lượng tự vệ, du kích đã hỗ trợ phong trào đấu tranh chống thuế của quần chúng dưới các hình thức đòi giảm, đòi miễn và xin khất sưu thuế. Phong trào đã cuốn hút một số lý trưởng, cai tổng tham gia. Lực lượng tuần phiên của giai cấp thống trị chỉ còn là hình thức. Các đội tự vệ và du kích dưới danh nghĩa là lực lượng tuần phiên làm nhiệm vụ canh gác báo động bảo vệ cơ sở, cơ quan in ấn, đồng thời đảm nhiệm việc giữ gìn trật tự trị an làng xóm, đồng điền. Hoạt động của lực lượng tự vệ, du kích ở nhiều làng, tổng đã giành được lòng tin của đông đảo quần chúng nông dân trong huyện.

Đầu năm 1941, phong trào đấu tranh chống thuế ở Thọ Xuân đã trở thành “Trung tâm phát triển động viên toàn tỉnh hưởng ứng Bắc Sơn và Nam Kỳ Khởi nghĩa”. Đúng như yêu cầu chỉ đạo của Tỉnh ủy.

Cuối tháng 6 năm 1941, tại Xá Lê, 60 đại biểu đã về dự Đại hội Phản đế cứu quốc toàn tỉnh đã thống nhất chương trình hành động và bầu ra Ban Chấp hành Mặt trận Phản đế cứu quốc tỉnh. Đồng chí Trịnh Ngọc Phớc được phân công làm Bí thư Tỉnh ủy Phản đế cứu quốc. Hội nghị đã được tự vệ và quần chúng Xá Lê bảo vệ an toàn và giúp đỡ mọi mặt. Điều đó cắt nghĩa: Đảng bộ và nhân dân Thọ Xuân, một lần nữa làm tròn nhiệm vụ là trung tâm phát động cao trào Phản đế cứu quốc toàn tỉnh. Thành công của hội nghị lịch sử này đã khích lệ mạnh mẽ phong trào Phản đế cứu quốc ở các phủ, huyện trong tỉnh phát triển.

Lực lượng chính trị phát triển mạnh mẽ và rộng khắp đã tạo ra nền tảng vững chắc thúc đẩy lực lượng vũ trang phát triển trưởng thành. Ở nhiều làng trong phủ Thọ Xuân quần chúng đã tổ chức canh gác, cảnh giới các ngả đường vào làng một cách cẩn thận để tự vệ, du kích có điều kiện tập luyện cả ban ngày. Đội tự vệ làng Long Linh Ngoại là tấm gương sáng về tổ chức kỷ luật, về luyện tập chuyên cần và hỗ trợ quần chúng đấu tranh. Cuộc tuần hành biểu dương lực lượng của 300 tự vệ tổng Diên Hào vào đầu năm 1941 tại cánh đồng Ba Chạ (Thọ Hải) đã phát huy thanh thế của lực lượng vũ trang cách mạng, hưởng ứng khởi nghĩa Bắc Sơn và Nam Kỳ. Các đoàn thể Phản đế cứu quốc ở nhiều làng quyên góp tiền, gạo, lương khô, quần áo, thuốc men, dao kiếm ủng hộ các đội tự vệ, du kích. Hội Phụ nữ Phản đế cứu quốc còn có sáng kiến tổ chức trồng trọt, chăn nuôi hoặc tranh thủ những ngày nông nhàn đi hái củi bán lấy tiền gây qũy cho các đội tự vệ. Các cuộc quyên góp, mua Tín phiếu cứu quốc (1) được nhân dân trong huyện hưởng ứng nhiệt liệt. Quần chúng tổng Diên Hào đã ủng hộ tự vệ hàng trăm đồng bạc Đông Dương, tương đương hàng trăm tạ thóc.

Giữa lúc cao trào Phản đế cứu quốc trong huyện đang phát triển, chính quyền thực dân phong kiến ra lệnh thu thuế vụ hạ tháng 5 năm 1941. Một vụ thuế mới hà khắc nặng nề lại đè lên đầu lên cổ nông dân. Chỉ riêng đảm phụ chiến tranh, chúng đã bắt nông dân phải nạp tăng 13%, ruộng đất hạng ba phải nạp thuế bằng ruộng đất hạng hai. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, phát huy kinh nghiệm đấu tranh chống thuế vụ mùa năm 1940, các cơ sở cách mạng từng làng kịp thời phát động nông dân đoàn kết đấu tranh chống thuế. Cán bộ, đảng viên và quần chúng nông dân Thọ Xuân vận dụng nhiều hình thức đấu tranh khôn khéo và hiệu quả. Ở nhiều tổng nông dân lôi kéo cả phú nông, địa chủ tham gia đấu tranh, thuyết phục được lý trưởng, cai tổng ký tên đóng dấu vào đơn xin miễn giảm hoặc khất thuế. Có làng nông dân còn vận động lý trưởng trả lại đồng triện cho tri phủ để từ chối việc thu thuế. Không thu được thuế, bọn quan lại đưa lính tuần sai về từng làng, tổng thúc thu thuế. Cuộc đấu tranh chống thuế càng trở nên quyết liệt. Cán bộ, đảng viên và quần chúng nông dân ở từng làng đoàn kết thu phục binh lính và không cho chúng xông vào từng nhà thu thuế. Một vài nơi binh lính đã giật tài sản, trâu bò của nông dân. Cuộc đấu tranh giành lại tài sản, trâu bò ở Long Linh, Phong Cốc, Xá Lê thắng lợi đã cổ vũ nông dân trong toàn phủ vùng lên.

Phong trào đấu tranh chống thuế tập dượt cho quần chúng cách mạng và lực lượng tự vệ, du kích trong huyện đánh thẳng vào chính sách cướp bóc dã man của kẻ thù, nông dân trong huyện tin tưởng vào sức mạnh đoàn kết đấu tranh và cùng gắn bó với Đảng và Mặt trận Phản đế cứu quốc.

*

*         *

Giữa năm 1941, từ vùng trung tâm căn cứ Thiệu - Thọ phong trào cách mạng trong tỉnh đã mở rộng vào phía Nam: Nông Cống, Như Xuân và ra phía Bắc: Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Hà Trung.

Đầu tháng 6 năm 1941, Tỉnh ủy hội nghị tại làng Phúc Tĩnh (Yên Định) bàn biện pháp thúc đẩy phong trào Phản đế cứu quốc lên cao trào. Hội nghị đã dành thời gian bàn biện pháp xúc tiến việc xây dựng căn cứ địa cách mạng. Ban Chấp hành Đảng bộ được chia thành 3 bộ phận đi xây dựng căn cứ địa cách mạng ở 3 vùng.

Đồng chí Trần Hoạt, Hoàng Sĩ Oánh, Nguyễn Mậu Sung phụ trách vùng Thọ Xuân - Nông Cống - Như Xuân, xây dựng căn cứ địa cách mạng đồn điền Yên Mỹ và nối liên lạc với Xứ ủy Trung Kỳ.

Đồng chí Đặng Châu Tuệ, Đặng Văn Hỷ, Trần Tiến Quân chịu trách nhiệm xây dựng lực lượng và căn cứ địa cách mạng ở khu vực Vĩnh Lộc - Thạch Thành - Hà Trung và liên lạc với Xứ ủy Bắc Kỳ.

Đồng chí Lê Huy Toán, Trịnh Ngọc Phớc chịu trách nhiệm xây dựng lực lượng cách mạng ở hậu phương.

Riêng đồng chí Đỗ Thịnh (tức Tuy) được phân công liên lạc với Trung ương xin chỉ thị và huấn luyện viên quân sự.

Đoàn cán bộ do đồng chí Trần Bảo phụ trách không may sa vào tay giặc, việc xây dựng căn cứ địa ở khu vực Tây Nam không thành. Riêng đoàn cán bộ của đồng chí Đặng Châu Tuệ phụ trách đã xây dựng được cơ sở cách mạng ở Vĩnh Lộc - Thạch Thành - Hà Trung tiến tới xây dựng chiến khu du kích.

Tháng 7 năm 1941, Tỉnh ủy quyết định thành lập Chiến khu tại làng Ngọc Trạo huyện Thạch Thành và cử ra Ban lãnh đạo chiến khu (1). Từ đây, Thọ Xuân cùng các huyện trong tỉnh có nhiệm vụ tuyển lực các chiến sĩ tự vệ ưu tú đưa lên chiến khu và chi viện lương thực thực phẩm, quần áo, thuốc men, vũ khí đảm bảo yêu cầu hậu cần của chiến khu.

Tháng 9 năm 1941, bốn chiến sĩ tự vệ ưu tú của Thọ Xuân đã có mặt trong số 21 chiến sĩ du kích đầu tiên của chiến khu được thành lập vào ngày 19 tháng 9 năm 1941 tại Hang Treo. Bốn chiến sĩ ưu tú đầu tiên đó là: Trịnh Huy Môn, Trịnh Huy Chiếm, Trịnh Mậu Quyển, Trịnh Ngọc Xừ. Từ đây, lương thực, thực phẩm quyên góp, ủng hộ của nhân dân vùng hậu cứ Thọ Xuân không ngừng được vận chuyển đến trạm trung chuyển làng Cẩm Bào (Vĩnh Lộc) tiếp tế cho chiến khu Ngọc Trạo.

Vào thời điểm lịch sử này, Đảng bộ Thọ Xuân phải tổ chức lãnh đạo quần chúng thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ: Xây dựng, bảo vệ vùng hậu cứ và động viên mọi mặt cho chiến khu. Cuộc đấu tranh chống thuế được tiến hành đồng thời với cuộc đấu tranh chống khủng bố của kẻ thù.

Sự ra đời của chiến khu Ngọc Trạo đã động viên cao trào đấu tranh cách mạng trong các phủ, huyện. Các cuộc đấu tranh chống thuế, chống khủng bố các làng Long Linh Ngoại, Phong Cốc, Xá Lê, Thượng Cốc, Nam Thượng giành thắng lợi đã khích lệ quần chúng đem số tiền thuế góp vào quỹ tự vệ và chi viện cho chiến khu Ngọc Trạo.

Từ tháng 7 năm 1941, các cuộc đấu tranh vũ trang của tự vệ và quần chúng chống khủng bố, bảo vệ cơ sở cách mạng và giải thoát cho cán bộ bị bắt liên tiếp diễn ra. Trong 10 ngày đầu tháng 7, lực lượng tự vệ và quần chúng các làng Phong Cốc, Thuần Hậu, Xá Lê kiên cường, đấu tranh chống địch đánh phá cơ sở; giải thoát cho cán bộ thoát ly. Trên đoạn đường Phong Cốc - Phong Lai, lực lượng tự vệ dùng sức mạnh giành lại người, tài liệu và dụng cụ in ấn từ tay quân thù giải thoát cho 3 cán bộ bị bắt (1). Nữ tự vệ Đỗ Thị Thao đóng vai người đi cắt cỏ chớp thời cơ binh lính địch đang vật lộn với tự vệ, đã dùng liềm cắt giây trói giải thoát cho cán bộ bị bắt.

Phong trào đấu tranh chống thuế, chống khủng bố diễn ra ở nhiều nơi trong tỉnh buộc bọn đế quốc Pháp và phong kiến tay sai phải dàn mỏng lực lượng đối phó. Các cơ sở Đảng ở Thọ Xuân đã tranh thủ điều kiện này, củng cố tổ chức bố trí lại lực lượng theo chủ trương chỉ đạo của Tỉnh ủy. Các cơ sở Phản đế cứu quốc tuân theo các nguyên tắc tổ chức hoạt động bí mật. Đảng viên, cán bộ bị lộ hoặc đã có lệnh truy nã của địch được chuyển vùng hoạt động và bố trí cán bộ kịp thời thay thế.

Cùng với đấu tranh chống thuế, chống khủng bố, cơ sở Đảng ở Thọ Xuân đã lựa chọn hàng chục tự vệ ưu tú gửi về Đa Ngọc (Yên Định) cùng với tự vệ các huyện Thiệu Hóa - Yên Định tập luyện để bổ sung lực lượng cho Chiến khu Ngọc Trạo.

Đối phó với cao trào Phản đế cứu quốc, ngày 7 tháng 10 năm 1941, bọn thống trị Pháp và phong kiến tay sai ra lệnh thiết quân luật toàn bộ vùng Tây Bắc Thanh Hóa hòng chia cắt ngăn chặn sự liên kết của lực lượng cách mạng giữa các huyện. Ngày 8 tháng 10 năm 1941, binh lính địch tập trung tiến công vào Đa Ngọc (Yên Định) căn cứ tập kết lực lượng tự vệ ba huyện Thiệu Hóa - Thọ Xuân - Yên Định để tăng cường cho Chiến khu Ngọc Trạo. Cuộc chiến đấu ác liệt diễn ra, gần 100 tự vệ Phản đế cứu quốc đã đánh lại quân địch và phân tán thành từng tổ tìm đường về Chiến khu Ngọc Trạo. Đồng chí Nguyễn Đức Tẻo trung đội trưởng tự vệ đã dũng cảm chiến đấu và hy sinh cho sự nghiệp cách mạng (1).

 Ngày 19 tháng 10 năm 1941, Chiến khu Ngọc Trạo bị bao vây. Các chiến sĩ Ngọc Trạo đã dũng cảm chiến đấu. Ban lãnh đạo chiến khu buộc phải bố trí lực lượng chống khủng bố và chuyển về vùng Cẩm Bào - Xuân Áng (Vĩnh Lộc), rồi phân tán về các địa phương tiếp tục dựa vào quần chúng đấu tranh bảo toàn lực lượng.

Chiến khu Ngọc Trạo bị vỡ, đế quốc Pháp và phong kiến tay sai tập trung lực lượng khủng bố vùng Thọ Xuân - Thiệu Hóa. Trọng điểm là các làng Phong Cốc, Thuần Hậu, Xá Lê và một số làng quanh vùng này.

Cùng với mật thám và binh lính, chính quyền địch đã huy động lực lượng tuần phu bao vây, đàn áp. Chúng phát quang từng bờ rào, chặt cây cối, cướp lúa gạo, lợn gà, của cải của nhân dân, dỡ nhà cướp hết tài sản của các gia đình có người bị bắt hoặc đang thoát ly, chúng lập ra nhiều bốt gác trong vùng và xây đồn ở làng Phong Cốc. Chúng ban bố lệnh giới nghiêm bắt mọi người phải đóng cửa ở trong nhà để dễ bề điểm danh, kiểm soát...

Đảng bộ và lực lượng cách mạng Thọ Xuân đã tiến hành cuộc đấu tranh chống khủng bố ác liệt chưa từng có. Cán bộ, đảng viên từng làng nhất loạt tổ chức quần chúng đấu tranh một cách kiên quyết và khôn khéo: vừa thuyết phục binh lính người Việt, vừa sử dụng lực lượng áp đảo quân thù giành lại tài sản, người thân bị bắt; đồng thời phá lệnh giới nghiêm của bọn thống trị. Nhân dân các làng Phong Cốc, Long Linh Ngoại, Xá Lê, Phong Hậu là tấm gương sáng.

Ngày 20 tháng 11 năm 1941, mật thám, binh lính địch bao vây, đột nhập vào đồn điền Mã Hùm (nay là Nông trường Sao Vàng), lùng bắt 56 công nhân và lao động tập trung để tra xét. Đông đảo công nhân và lực lượng lao động trong đồn điền kịp thời kéo đến bao vây đấu lý với binh lính và buộc chúng phải trả tự do cho những người bị bắt.

Phong trào đấu tranh chống khủng bố diễn ra bền bỉ, kiên quyết và khôn khéo... Nhưng với những tên mật thám, chỉ huy khủng bố cáo già và khét tiếng gian ác như Flentô chánh cẩm Hà Nội, Peroche chánh mật thám Trung Kỳ, Humbert chánh mật thám 3 tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh cùng nhiều tên mật thám và trên 500 lính từ các tỉnh miền trong được tăng cường để đàn áp phong trào Phản đế cứu quốc Thanh Hóa. Phong trào trong tỉnh và phong trào Thọ Xuân bị tổn thất nặng nề.

Trước sự khủng bố tàn khốc của quân thù, hàng trăm cán bộ lãnh đạo và quần chúng cách mạng bị bắt tra tấn cực hình và bị cầm tù; hàng chục làng xã bị tàn phá. Phong trào cách mạng Thọ Xuân cũng như cả tỉnh tạm thời lắng xuống.

Trung tuần tháng 12 năm 1941, bọn mật thám Thanh Hóa đã hý hửng báo cáo lên cấp trên rằng: "... đã mang lại trong tỉnh một sự yên tĩnh hoàn toàn” (1).

Kẻ thù tạm ngừng khủng bố, rút lực lượng mật thám và binh lính đã tạo cơ hội cho cán bộ, đảng viên trong huyện, trong tỉnh tiếp tục chắp nối liên lạc củng cố tổ chức, khôi phục phong trào cách mạng.

Cuối tháng 11 năm 1941, một số cán bộ lãnh đạo vùng Thọ Xuân như Hồ Sĩ Nhân, Nghiêm Quý Ngãi, Hoàng Văn Ngữ, Hoàng Văn Nghi chắp nối liên lạc với các đồng chí Đỗ Đan Quế (Đỡi), Trần Kim Tế thành lập Tỉnh ủy lâm thời do đồng chí Nghiêm Quý Ngãi làm Bí thư. Các đồng chỉ Tỉnh ủy đã thống nhất chủ trương khôi phục lại tổ chức và phong trào Phản đế cứu quốc, chủ trương treo cờ, rải truyền đơn ở vùng Nông Cống để củng cố lòng tin của quần chúng, đồng thời làm lạc hướng theo bám của kẻ thù, tạo điều kiện khôi phục lại phong trào cách mạng. Ngày 29 tháng 12 năm 1941, đồng chí Hoàng Văn Ngữ cùng một số chiến sĩ tự vệ đã thành công trong việc treo cờ đỏ sao vàng và rải truyền đơn kêu gọi tham gia Mặt trận Phản đế cứu quốc tại làng Vân Đồn huyện Nông Cống.

Một lần nữa các đồng chí lãnh đạo ở Thọ Xuân lại góp phần cổ vũ động viên cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng trong tỉnh dũng cảm, ngoan cường vượt lên mọi khó khăn, thử thách vững bước tiến lên dưới ngọn cờ giải phóng dân tộc của Đảng.

III- CỦNG CỐ CƠ SỞ ĐẢNG PHÁT TRIỂN LỰC LƯỢNG CÁCH MẠNG TIẾN TỚI KHỞI NGHĨA GIÀNH CHÍNH QUYỀN VỀ TAY NHÂN DÂN (1942 - 1945)

Năm 1942, sau khi điên cuồng khủng bố phong trào Phản đế cứu quốc và Chiến khu du kích Ngọc Trạo, bọn thống trị Pháp và phong kiến tay sai ra sức vơ vét nhân tài vật lực của nhân dân trong tỉnh để cung phụng cho cuộc chiến tranh xâm lược của phát xít Nhật. Vừa tăng cường cướp bóc sưu cao thuế nặng, vừa mua bán mang tính tước đoạt (1), thực dân Pháp còn ra lệnh tháo dỡ hàng trăm nóc nhà cướp đất làm sân bay Lai Thành, bắt hàng ngàn dân phu đào kênh Than, nạo vét sông Hói Đào mở đường vận chuyển quân sự, tổ chức thu mua “thóc tạ”, “bông cân”, nhổ cây trồng đay, trồng lạc phục vụ quân đội Nhật ở Đông Dương. Chính sách cướp bóc của Pháp - Nhật làm cho đời sống các tầng lớp nhân dân, nhất là nông dân lao động vô cùng khốn quẫn.

Bị khủng bố và áp bức bóc lột nặng nề nhân dân trong huyện càng căm thù giặc và hướng về cách mạng. Các tầng lớp nhân dân lao động, trước hết là giai cấp công nhân, nông dân tích cực nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ và tham gia đấu tranh khôi phục cơ sở Đảng và phong trào cách mạng trong huyện.

Cuối năm 1941, đầu năm 1942, một bộ phận cán bộ, đảng viên thoát khỏi sự truy bắt của kẻ thù, tiếp tục bám trụ cơ sở, củng cố tổ chức Đảng và phong trào cách mạng.

Tháng 3 năm 1942, đồng chí Lê Xuân Việt cùng một số đồng chí đã nhóm họp tại Vân Lộ (Thọ Nguyên) bàn biện pháp củng cố tổ chức Đảng và phong trào cứu quốc trong huyện. Tháng 7 năm 1942, nối được liên lạc với đồng chí Trịnh Ngọc Điệt, một đồng chí trong Tỉnh ủy lâm thời (2). Các đồng chí đã tổ chức hội nghị đại biểu các cơ sở phản đế tại thôn Phúc Vinh (Hạnh Phúc). Hội nghị được đồng chí Trịnh Ngọc Điệt hướng dẫn Điều lệ Thanh Hóa Ái quốc Hội và cử ra Ban Chấp hành, đồng chí Lê Xuân Việt được cử làm Bí thư. Đồng chí Trịnh Ngọc Điệt đã cùng các đồng chí trong Ban Chấp hành Thọ Xuân Ái quốc Hội chỉ đạo thành lập cơ sở Hội ở các làng, tổng.

Cuối năm 1942, Tỉnh ủy Thanh Hóa liên lạc được với Trung ương Đảng, kịp thời chuyển Hội Ái quốc sang Mặt trận Việt Minh. Việc tuyên truyền cương lĩnh cứu nước của Mặt trận Việt Minh được triển khai khẩn trương và sâu rộng.

Đầu năm 1943, đồng chí Trịnh Ngọc Điệt lại về Thọ Xuân triệu tập hội nghị đại biểu Hội Ái quốc các tổng trong huyện tại chùa Yên Thọ (Xuân Minh), truyền đạt tinh thần Nghị quyết hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII (5-1941) (3) và chủ trương của Tỉnh ủy chuyển Hội Ái quốc sang Mặt trận Việt Minh và các đội tự vệ cứu quốc. Hội Ái quốc ở từng làng, tổng lần lượt chuyển thành Mặt trận Việt Minh, các tổ chức cứu quốc trực thuộc Việt Minh lần lượt ra đời.

Phong trào đấu tranh theo cương lĩnh Mặt trận Việt Minh được phát động. Mở đầu là phong trào đấu tranh chống thuế vụ hạ vào tháng 5 năm 1943. Theo lệnh phát xít Nhật, thuế vụ hạ bọn thống trị Pháp và tay sai không được thu bằng tiền mà phải thu bằng thóc để cung phụng lương thực cho nhu cầu chiến tranh. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, Việt Minh các làng, tổng tổ chức các cuộc mít tinh quần chúng phản đối việc thu thuế bằng thóc và kêu gọi hương lý không thi hành lệnh thu thuế.

Các làng Long Linh (Thọ Trường), Phong Cốc (Xuân Minh), Phú Liễm (Thọ Thế) đã dẫn đầu phong trào đấu tranh chống thuế. Trong các cuộc mít tinh, Việt Minh đã lên án chính sách sưu, thuế tàn bạo của Nhật - Pháp, tuyên truyền cương lĩnh cứu nước của Mặt trận Việt Minh, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia các đoàn thể cứu quốc và tự vệ cứu quốc.

Cương quyết chống thuế và chống chính sách thu mua thóc tạ, bông cân của Pháp - Nhật, Tỉnh ủy kịp thời ra các chỉ thị: “Khẩn cấp tuyên truyền" (1) "Chống thu lúa” (2), “Nỗ lực đấu tranh” (3) chỉ đạo nhân dân trong tỉnh đấu tranh chống Pháp - Nhật. Thực hiện chỉ thị của Tỉnh ủy, cơ sở Đảng và Ban cán sự Việt Minh Thọ Xuân tuyên truyền chỉ đạo quần chúng đoàn kết đấu tranh chống bọn thống trị và tay sai thu cướp thóc, bông, bắt phu, bắt lính... với quyết tâm: “Kiên quyết không để một đồng xu, một hạt thóc, một người phu, một người lính lọt vào tay quân cướp nước Nhật - Pháp...” (4).

Các đồng chí lãnh đạo huyện và Ban cán sự Việt Minh các làng, tổng đã sử dụng báo “Đuổi giặc nước” tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Mặt trận Việt Minh, dựa vào sự hướng dẫn trên báo để kêu gọi, tổ chức các tầng lớp nhân dân trong huyện, đoàn kết vùng lên đấu tranh

*

*         *

Ách thống trị của Nhật - Pháp ngày càng tàn bạo, đời sống các tầng lớp nhân dân ngày càng cơ cực, quần chúng ngày càng giác ngộ, hăng hái gia nhập các đoàn thể Việt Minh và liên tục đấu tranh chống lại bè lũ cướp nước và tay sai.

Tháng 2 năm 1944, Tỉnh ủy quyết định mở lớp huấn luyện quân sự, tăng cường công tác tuyên truyền vũ trang nhân dân, phát động mạnh mẽ, rộng khắp phong trào đấu tranh chống thuế, chống thu thóc, thu bông, bắt lính, bắt phu...

Tỉnh ủy phân công đồng chí Trịnh Ngọc Điệt và Hoàng Tiến Trình trực tiếp tổ chức lớp huấn luyện tự vệ cho hai huyện Thiệu Hóa - Thọ Xuân tại làng Cựu Thôn (Thiệu Toán, Thiệu Hóa). 32 cán bộ chỉ huy tự vệ được huấn luyện quân sự trong 20 ngày do đồng chí Hoàng Tiến Trình phụ trách huấn luyện quân sự, đồng chí Trịnh Ngọc Điệt phụ trách huấn luyện chính trị. Nhân dân Cựu Thôn và các làng trong vùng đã nuôi dưỡng, bảo vệ và góp phần quan trọng vào thành công của lớp huấn luyện. Năm 1944, các đội tự vệ cứu quốc lần lượt được khôi phục, nhân dân từng làng mà nòng cốt là các đoàn thể Việt Minh ủng hộ về mọi mặt cho các chiến sĩ luyện tập, sẵn sàng chiến đấu.

Ngày 28 tháng 5 năm 1944, triển khai chủ trương của Tỉnh ủy về việc tổ chức tuyên truyền chính sách cứu nước của Mặt trận Việt Minh trong toàn tỉnh, Ban cán sự Việt Minh các tổng Thọ Xuân đã tổ chức các cuộc mít tinh và rải truyền đơn. Đêm 28 tháng 5, Ban cán sự Việt Minh tổng Thử Cốc tổ chức mít tinh tại cánh đồng Cù Quỳnh, đồng chí Trịnh Hữu Thường trực tiếp diễn thuyết. Đồng chí đã giải thích rõ chủ trương cứu nước của Mặt trận Việt Minh và kêu gọi đồng bào đoàn kết chiến đấu tiêu diệt kẻ thù, giành được độc lập tự do cho Tổ quốc. Truyền đơn do Tỉnh bộ Việt Minh ấn hành đã được phân phát cho hàng ngàn đồng bào dự mít tinh.

Vào những tháng cuối năm 1944, phát xít Nhật thúc ép thực dân Pháp và bọn tay sai thu cướp lương thực, thực phẩm, bắt phu, bắt lính. Lãnh binh Nhật ở Thanh Hóa bắt buộc công sứ Pháp phải thu nạp cho Nhật 900.000 tạ gạo (1). Thi hành mệnh lệnh của phát xít Nhật, thực dân Pháp và tay sai đã tăng thuế điền thổ mỗi sào lên 2,1 kg thóc vùng có nông giang và 1,4 kg thóc vùng không có nông giang. Đồng thời ra lệnh cho tổng lý các tổng phải thu mua bình quân đầu mẫu ruộng là 120 kg thóc với giá rẻ mạt (2). Thủ đoạn cướp bóc của Nhật - Pháp càng đè nặng lên đầu, lên cổ nông thôn. Thực hiện lời kêu gọi của Tỉnh bộ Việt Minh: “Nạp lúa cho giặc là cấy lương thực cho quân giặc khỏe tay bắn giết dân ta... thà bán rẻ cho nhân dân còn hơn bán đắt cho giặc... giữ lấy lúa mà ăn” (3). Nông dân các làng, tổng nhất loạt không nạp thuế, không bán thóc cho Pháp - Nhật. Đa số lý trưởng các làng đã ngả về phía nhân dân và cùng tham gia đấu tranh. Một số tên hám lợi về các làng, tổng thu mua lúa, gạo bị tự vệ và quần chúng xua đuổi.

Vụ lũ lụt mùa thu năm 1944, nhiều đoạn đê sông Chu bị vỡ. Dân phu nhiều làng, tổng trên các công trường đắp đê đã đoàn kết đấu tranh chống đánh đập, cúp phạt bớt xén phần lương thực hàng ngày. Khởi đầu là đấu tranh của dân phu Yên Lược đắp đê nông giang Hậu Hiền (Thiệu Hóa). Tiếp sau là các dân phu các tổng Nam Dương, Bất Nao đã đoàn kết đấu tranh buộc bọn cai đội trên công trường đắp đê sông Chu phải hoàn trả lại số gạo bớt xén, ăn quỵt.

Đầu năm 1945, phong trào đấu tranh của quần chúng chống thu thuế, thu thóc, thu bông, bắt phu, bắt lính... lên cao và giành thắng lợi, quần chúng phấn khởi càng thêm tin tưởng. Các đoàn thể cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh và các đội tự vệ phát triển sâu rộng. Để thống nhất sự chỉ đạo phong trào dưới sự hướng dẫn của đồng chí Trịnh Ngọc Điệt, Ban cán sự Việt Minh huyện đã chỉ đạo thành lập Mặt trận Việt Minh các tổng. Mở đầu là thành lập Mặt trận Việt Minh tổng Phú Hà, tiếp theo là các tổng Thử Cốc, Quảng Yên... Việc thành lập Ban cán sự Việt Minh các tổng đã tập hợp sức mạnh quần chúng chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.

Bước vào năm 1945, phát xít Nhật ra sức thi hành chính sách kinh tế thời chiến đẩy nhân dân ta đến nạn đói khủng khiếp.

Thực hiện chủ trưởng của Tỉnh ủy, cơ sở Đảng Thọ Xuân đã tích cực tổ chức lực lượng đấu tranh chống âm mưu cướp bóc, vơ vét thóc gạo của kẻ thù, tích cực chống đói, cứu đói.

Ngày 5 tháng 3 năm 1945, Tỉnh bộ Việt Minh Thanh Hóa ra chỉ thị “Đòi ăn” (1), Việt Minh Thọ Xuân phát động phong trào quần chúng tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau với tinh thần “Miếng khi đói bằng gói khi no"; vận động các nhà có thóc hãy giữ lấy mà ăn và dành một phần giúp những người nghèo, kiên quyết không nạp, không bán thóc gạo cho Nhật - Pháp, tổ chức cho nông dân làm đơn gặp tri phủ đòi cứu tế, đến các nhà giàu vay thóc gạo. Thông qua phong trào cứu đói, Mặt trận Việt Minh đã tập hợp được lực lượng cách mạng đông đảo sẵn sàng vùng dậy đánh đuổi Nhật - Pháp.

Các cuộc tuyên truyền xung phong, mít tinh tuần hành thị uy lên án tội ác của Nhật - Pháp, kêu gọi các tầng lớp nhân dân đoàn kết đấu tranh chống đói, cứu đói diễn ra sôi sục. Nhiều nhà giàu đã phải cho nông dân nghèo vay lúa gạo cứu đói. Một tên địa chủ ở làng Phúc Bồi tỏ thái độ chần chừ, Việt Minh đã dùng biện pháp cưỡng chế lấy thóc chia cho nông dân nghèo đói.

Thành quả của phong trào chống đói, cứu đói, chống thuế, chống thu thóc, thu bông, chống bắt phu, bắt lính... đã huy động đông đảo quần chúng vào trận tuyến đấu tranh. Các cuộc đấu tranh chính trị đã kết hợp với đấu tranh vũ trang chống khủng bố, đàn áp, cướp bóc của quân thù đã tiến đến khởi nghĩa từng phần và tổng khởi nghĩa.

*

*      *

Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, mũi nhọn đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta chĩa thẳng vào phát xít Nhật.

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, tổ chức Đảng và Ban cán sự Việt Minh Thọ Xuân kịp thời tổ chức phong trào kháng Nhật cứu nước. Các cuộc công khai tuyên truyền chống Nhật và vạch trần chiêu bài độc lập giả hiệu của bọn Đại Việt đã thúc đẩy lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang nhân dân (tự vệ và du kích) tích cực sắm sửa vũ khí, sẵn sàng vũ trang chống Nhật.

Từ đây, hoạt động Việt Minh chuyển dần sang hoạt động nửa công khai và công khai. Cương lĩnh cứu nước của Mặt trận Việt Minh cũng được tuyên truyền phổ biến sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Chiêu bài chống Pháp giành độc lập giả hiệu của bọn tay sai Đại Việt bị các tầng lớp nhân dân trong huyện lên án.

Tháng 5 năm 1945, Chiến khu Quang Trung thuộc ven vùng rừng núi của ba tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa ra đời. Vùng căn cứ Ngọc Trạo - Hà Trung nằm trong vùng trung tâm của chiến khu. Lực lượng cách mạng Thọ Xuân trở thành hậu cứ của chiến khu.

Ban cán sự Việt Minh tổ chức, động viên nông dân tận thu vụ chiêm, dành lúa, ngô lập quỹ quân lương sẵn sàng tiếp tế cho chiến khu. Các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên nam nữ hăng hái tham gia các đội tự vệ cứu quốc.

Phong trào luyện tập quân sự được thực hiện một cách chuyên cần. Nhiều nơi quần chúng tự nguyện canh gác, cảnh giới cho các đội tự vệ luyện tập cả ban ngày tại đình làng. Lực lượng tự vệ tổng Thử Cốc phát triển nhanh và mạnh. Riêng làng Long Linh Ngoại có gần 300 đội viên tự vệ giữ gìn trật tự trị an, sẵn sàng chiến đấu. Tự vệ ở các làng Phong Cốc, Thuần Hậu, Xá Lê, Ngọc Trung là những đội tự vệ mạnh.

Hầu hết các lò rèn trong huyện tập trung rèn kiếm, dao, mác... trang bị cho lực lượng tự vệ. Quần Kênh đã tập trung các lò rèn tại đình làng, rèn vũ khí. Nhân dân trong huyện thu nhặt, quyên góp sắt thép cung cấp cho các lò rèn và lập quỹ cứu quốc mua sắm vũ khí, súng đạn.

Từ tháng 5 năm 1945, các hoạt động tuyên truyền cổ động trong huyện tiến lên hình thức vũ trang tuyên truyền. Các cuộc mít tinh, biểu tình tuần hành thị uy, biểu dương lực lượng diễn ra liên tiếp. Cuộc mít tinh biểu tình tuần hành thị uy đầu tháng 6 năm 1945 của hàng ngàn quần chúng và tự vệ tổng Nam Dương, có ý nghĩa mở đầu cao trào kháng Nhật cứu quốc trong phủ.

Tiếp sau cuộc mít tinh, biểu tình tuần hành thị uy của quần chúng 3 tổng Quảng Yên, Phú Hà, Thử Cốc ở chợ Thạc là cuộc mít tinh ở cánh đồng Khát (Thọ Nguyên). Cuộc mít tinh này, được tổ chức về ban đêm gồm hàng ngàn quần chúng và tự vệ tham dự, đồng chí Trịnh Khắc Sản trực tiếp diễn thuyết. Đồng chí đã lên án tội ác của phát xít Nhật, vạch mặt chính phủ tay sai Trần Trọng Kim và chiêu bài độc lập giả hiệu của bọn Đại Việt, kêu gọi nhân dân siết chặt đội ngũ trong Mặt trận Việt Minh, tham gia các đội tự vệ mua sắm vũ khí sẵn sàng khởi nghĩa giành chính quyền. Sau đó là quần chúng và tự vệ đã tuần hành biểu dương lực lượng đi qua các làng Nam Thượng, Mỹ Lý (chợ Neo) về làng Cách (Bắc Lương).

Tháng 6 năm 1945, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Trịnh Ngọc Điệt, Đảng bộ Thọ Xuân tiến hành xây dựng căn cứ khởi nghĩa trong tổng Thử Cốc làm điểm tựa cho toàn phủ. Vì ở đây quần chúng gia nhập các đoàn thể cứu quốc, lực lượng tự vệ lớn mạnh, thay thế hoàn toàn lực lượng tuần phiên, bộ máy tổng lý đại diện cho chính quyền thực dân phong kiến hoàn toàn tê liệt. Ở làng Long Linh Ngoại số người tham gia Mặt trận Việt Minh đã lên đến hơn 800 người, Long Linh Nội hơn 300 người, Căng Hạ hơn 100 người... Lực lượng tự vệ Long Linh Ngoại có 350 chiến sĩ, Long Linh Nội 55 chiến sĩ và Căng Hạ 36 chiến sĩ. Tự vệ ba làng này đã được trang bị đầy đủ dao, kiếm, dáo, mác. Riêng tự vệ Căng Hạ đã mua 2 khẩu súng của lính Nhật.

Cuối tháng 7 năm 1945, vùng căn cứ khởi nghĩa của huyện đã mở rộng đến các tổng Nam Dương, Bất Nạo, Kiên Thạch... Lực lượng tự vệ trong các tổng thường xuyên tổ chức các cuộc vũ trang tuyên truyền, tuần hành thị uy trấn át bọn tổng lý, hương hào có biểu hiện chống đối. Mở đầu là cuộc mít tinh của 500 tự vệ 3 tổng tại thôn Phong Bái (Thọ Nguyên) được chuyển thành cuộc tuần hành biểu dương lực lượng đi qua các làng trong tổng Kiên Thạch, Bất Nạo đi qua phủ đường Thọ Xuân (1) và trở về Phong Bái rút kinh nghiệm. Huyện trưởng Phan Quốc Lương cùng bộ máy cai tổng hương lý không dám ngăn cản. Như vậy là lực lượng tự vệ và quần chúng cách mạng đã làm chủ trong 4 tổng: Thử Cốc, Nam Dương, Bất Nạo, Kiên Thạch.

Ngày 13 đến ngày 16 tháng 8 năm 1945, Tỉnh ủy hội nghị tại làng Mao Xá (Thiệu Hóa) bàn biện pháp xúc tiến chuẩn bị khởi nghĩa. Ngày 15 tháng 8, nhận được tin Nhật đầu hàng đồng minh vô điều kiện, Tỉnh ủy kịp thời quyết định khởi nghĩa giành chính quyền trên địa bàn toàn tỉnh và hướng dẫn việc thành lập Ủy ban khởi nghĩa, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời các huyện.

Đồng chí Hoàng Sĩ Oánh được Tỉnh ủy chỉ định làm Trưởng ban khởi nghĩa và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện Thọ Xuân. Ngày 17 tháng 8 năm 1945, Ủy ban khởi nghĩa đồng thời là Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện thành lập gồm các đồng chí: Hoàng Sĩ Oánh, Hoàng Văn Cài, Hoàng Văn Ngữ, Hồ Sĩ Nhân, Nguyễn Mậu Sung, Nguyễn Mậu Kiện, Lê Xuân Tại. Ủy ban khởi nghĩa huyện chỉ định trưởng ban khởi nghĩa các tổng. Đồng chí Nguyễn Mậu Sung và Hồ Sĩ Nhân được phân công làm trưởng ban khởi nghĩa hai tổng xung yếu quanh huyện lỵ.

Phân tích tương quan lực lượng giữa ta và địch, Ủy ban khởi nghĩa huyện khẳng định: ưu thế thuộc về Việt Minh và quân khởi nghĩa, quyết định khởi nghĩa trên địa bàn toàn huyện, kết hợp việc giành chính quyền ở các tổng với giành chính quyền huyện. Việc giành chính quyền huyện được huy động 3 đại đội tự vệ giải quyết 3 trọng điểm: Huyện lỵ, sở bang tá và đồn bảo an Bái Thượng. Chủ trương của Ủy ban khởi nghĩa huyện là giành chính quyền huyện, sau đó là kéo lực lượng lên Bái Thượng giải quyết sở bang tá và đồn bảo an.

Cuộc khởi nghĩa toàn huyện đã diễn ra. Lực lượng khởi nghĩa áp đảo hoàn toàn lực lượng chính quyền địch. Tảng sáng ngày 19 tháng 8 năm 1945, lực lượng tự vệ dưới sự chỉ huy của đồng chí Hoàng Sĩ Oánh, Hoàng Văn Cài, Nguyễn Mậu Kiện nhanh chóng bao vây tiến công phủ đường. Sau khi khống chế tước vũ khí tên lính gác và tiểu đội bảo an, các đồng chí tiến thẳng phòng riêng của huyện trưởng Phan Quốc Lương buộc y ngoan ngoãn bàn giao ấn tín và đầu hàng cách mạng vô điều kiện.

Sau khi giành chính quyền ở phủ dưới sự chỉ huy của các đồng chí Hoàng Sĩ Oánh, Hoàng Văn Cài, lực lượng cách mạng đã hành quân lên Bái Thượng kết hợp với lực lượng tự vệ do đồng chí Hoàng Văn Ngữ chỉ huy tiếp tục đánh chiếm sở bang tá và đồn bảo an. Để tránh đổ máu, các đồng chí đã bắt Phan Quốc Lương kêu gọi bang tá cùng binh lính đầu hàng cách mạng vô điều kiện.

Cùng với chính quyền cấp huyện, Uỷ ban khởi nghĩa các tổng đã chỉ đạo tự vệ và quần chúng các làng, tổng xóa bỏ chính quyền thực dân phong kiến xây dựng chính quyền cách mạng trong từng làng, từng tổng. Tính đến chiều 19 tháng 8 năm 1945, cuộc khởi nghĩa trên địa bàn toàn huyện giành thắng lợi trọn vẹn không đổ máu, hy sinh. Chính quyền cách mạng được thiết lập từ huyện đến cơ sở.

Sáng ngày 20 tháng 8 năm 1945, theo chương trình kế hoạch đã định, nhân dân và lực lượng tự vệ các tổng tiến về phủ lỵ chào mừng thắng lợi. Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện đã ra mắt quốc dân đồng bào trong toàn huyện.

Đồng chí Hoàng Sĩ Oánh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện đã đọc diễn văn chào mừng thành công của khởi nghĩa, công bố danh sách Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện, đồng thời kêu gọi nhân dân trong huyện đoàn kết bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ chính quyền nhân dân, ra sức tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm xây dựng chế độ mới.

Cuộc mít tinh kết thúc trong tiếng hoan hô vang dội của quần chúng:

- Ủng hộ chính quyền nhân dân!

- Việt Nam hoàn toàn độc lập!

- Việt Minh muôn năm!

*

*      *

Cách mạng Tháng Tám thắng lợi là kết quả tất yếu trong 15 năm vừa xây dựng lực lượng, vừa tổ chức các cao trào cách mạng. Đó là quá trình đấu tranh kiên cường, bền bỉ, oanh liệt, thông minh sáng tạo của nông dân, công nhân, học sinh, trí thức mà người trực tiếp lãnh đạo là các chi bộ Đảng Cộng sản Thọ Xuân.

Tổ chức Đảng Cộng sản Thọ Xuân từ khi ra đời cho đến năm 1945 đã bị quân thù liên tục khủng bố phải thành lập đi thành lập lại nhiều lần nhưng nhờ được quần chúng cách mạng hết lòng nuôi dưỡng cưu mang bảo vệ và tuyệt đối tin tưởng nên từ 1 chi bộ 7 đảng viên đã phát triển thành nhiều chi bộ với hàng chục đảng viên (là huyện có số lượng đảng viên đồng nhất).

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám chính là thắng lợi của các cao trào cách mạng kế tiếp nhau mà các chiến sĩ cộng sản Thọ Xuân đã dày công tổ chức lãnh đạo, quần chúng cách mạng Thọ Xuân đã không sợ gông cùm, xiềng xích tù đầy quyết vùng lên giành lại độc lập tự do ấm no hạnh phúc.

Trải qua những thăng trầm, biến động, thách thức hiểm nghèo, các chiến sĩ cộng sản Thọ Xuân đã bền bỉ tuyên truyền, giáo dục, tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân trong các tổ chức chính trị (Công Hội đỏ, Nông Hội đỏ, Hội Tương tế, Hội Ái quốc, Mặt trận Việt Minh) tạo thành lực lượng chính trị rộng lớn mà nền tảng là liên minh công - nông - trí thức. Trên cơ sở phát triển của lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang cách mạng ra đời. Đó là các đơn vị tự vệ và các tiểu tổ du kích trong các làng, tổng. Sự kết hợp giữa đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang chống thuế, chống đói, chống nhổ lúa trồng đay, bắt phu, bắt lính đã nâng trình độ của lực lượng cách mạng lên những tầm cao mới. Cách mạng Tháng Tám chính là cuộc cách mạng bạo lực - bạo lực chính trị của quần chúng kết hợp với bạo lực vũ trang nhân dân đánh đổ chế độ thực dân phong kiến giành chính quyền về tay nhân dân.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội trên quê hương đất nước.