Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

Kẹo lạc - món quà quê dân dã

Đăng lúc: 25/03/2021 (GMT+7)
100%

(Baothanhhoa.vn) - Thọ Xuân (Thanh Hóa) nổi danh không chỉ bởi đây là vùng đất lịch sử, giàu truyền thống văn hóa và cách mạng, mà còn nổi tiếng với những sản vật địa phương, trong đó kẹo lạc là một trong những “sản vật” tiêu biểu.

EmailPrintTwitter  Facebook

 

Kẹo lạc được làm ở nhiều nơi trên địa bàn huyện nhưng tập trung chủ yếu ở xã Phú Xuân. Đây là nghề truyền thống có hàng trăm năm tuổi đang được người dân gìn giữ và phát triển.

Nguyên liệu làm kẹo lạc rất đơn giản gồm: lạc, vừng, đường kính trắng và mạch nha.

Quy trình làm kẹo lạc phải trải qua nhiều công đoạn. Mỗi công đoạn cần có sự tỉ mỉ, cẩn thận mới cho ra được sản phẩm chất lượng và hình thức.

 

Để có hương vị đặc trưng, lạc rang phải đảm bảo độ ngon, béo. Lạc sau khi rang vừa đủ độ chín sẽ được đưa ra sàng sảy và chọn bỏ những hạt hỏng. Đây là khâu rất quan trọng quyết định đến chất lượng mỗi chiếc kẹo. Bởi nếu không cẩn thận, chỉ một vài hạt lạc hư lẫn vào sẽ tạo cảm giác khó chịu cho người ăn

Ngoài lạc, vừng trắng cũng phải qua khâu tuyển chọn thật kỹ, lọc bỏ những hạt lép, giữ lại hạt trắng mẩy tròn, tăng thêm độ béo cho chiếc kẹo lạc.

Để làm được một mẻ kẹo lạc ngon, giòn, tơi, sáng, đòi hỏi người làm phải nắm được kỹ thuật, trộn hỗn hợp đúng tỷ lệ, đúng thời gian. Nếu nấu lâu quá thì kẹo sẽ cứng, sẫm màu, còn chưa đủ thời lượng thì kẹo sẽ non mềm, dễ chảy nước.

 

Đường kính và mạch nha sau khi nấu đến độ sánh vừa phải sẽ được trộn đều với lạc rang tạo thành hỗn hợp sền sệt đặc trưng riêng. Sau đó, sẽ được đổ ra khuôn.

Tùy vào mức độ điều chỉnh máy định hình, kẹo được cắt thành từng miếng nhỏ.

Nếu trước đây việc rang lạc bằng phương pháp thủ công vừa tốn nhiều công sức và thời gian, thì hiện nay máy rang lạc đã giúp người sản xuất tạo nên được những mẻ lạc chín đều, chuẩn về màu sắc.

Vị ngọt của đường, giòn thơm của lạc, béo bùi của vừng quyện hòa cùng nhau trong mỗi chiếc kẹo nhỏ xinh, đặc biệt khi nhâm nhi cùng chén trà sẽ mang lại dư vị khó quên cho những ai từng thưởng thức. Bà Trịnh Thị Tiệp, thôn Phú Cường - người có 25 năm gắn bó với nghề làm kẹo lạc cho biết: Mỗi ngày gia đình bà làm từ 2 đến 3 tạ kẹo để xuất bán ra thị trường. Cuối năm khối lượng kẹo sẽ còn tăng nhiều hơn nữa. Hiện nay, keo lạc cơ sở Chính Tiệp của gia đình không chỉ tiêu thụ trong địa bàn tỉnh mà còn được nhiều tỉnh, thành khác ưa chuộng.

Không chỉ là món ăn yêu thích của nhiều người, kẹo lạc còn được dùng làm quà biếu vào mỗi dịp lễ, tết.