Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

Nghệ thuật “Léo mõ” trong trò diễn Tú Huần

Đăng lúc: 22/06/2021 (GMT+7)
100%

"Tú Huần” hay “Lục Hồn Nhung” khá phổ biến ở nhiều vùng nông thôn xứ Thanh. Theo tài liệu khảo sát của Ty văn hóa Thanh Hóa (1960) bước đầu phát hiện trong chủ trương sưu tầm vốn cổ dân tộc, đã tìm thấy 18 trò diễn dân gian “Tú Huần” hoặc “Lục Hồn Nhung”. Đó là các làng, xã: Xuân Phả, Viên Khê, Thiên Linh, Xuân Tín, Thiệu Minh, Cổ Đô, Thiệu Nguyên, Thiệu Hợp, Thiệu Thịnh, Thiệu Khánh, Dương Xá, Hoằng Hợp, Quỳ Chử, Hoằng Long, Hoằng Quang, (2 điểm) Hoằng Trạch, Hoằng Yến, Cổ Bôn (Đông Thanh). Con số thống kê 18 làng xã, 19 điểm diễn trò Tú Huần (Lục Hồn Nhung) rất không đầy đủ so với hàng chục làng xã khác đã bị mai một qua thời gian.

Ngày 5 và 6-11-1977, các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian trên miền Bắc cùng cán bộ chuyên ngành văn nghệ dân gian các tỉnh về dự hội nghị tại Thanh Hóa do Ty văn hóa đăng cai để xem biểu diễn báo cáo Ngũ Trò Xuân Phả (Thọ Xuân) nói chung và trò Tú Huần ở một số nơi tiêu biểu. Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Vũ Ngọc Phan, Cao Huy Đỉnh, Lâm Tô Lộc, Nguyễn Khắc Xương... đều đánh giá cao Ngũ Trò Xuân Phả, đặc biệt về Múa Tú Huần (Lục Hồn Nhung) (xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân). Thời gian ấy tôi làm cán bộ văn hóa huyện Quảng Xương, trình bày thêm về trò Tú Huần Thiên Linh (xã Quảng Yên) để hội nghị tham khảo, thấy rõ về sự đại đồng tiểu dị của một trò diễn đặc sắc, độc đáo và khá phổ biến ở Thanh Hóa. Dĩ nhiên, Tú Huần trong hệ thống Ngũ trò Xuân Phả (xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân) còn bảo lưu được nhiều đường nét nghệ thuật cổ hơn so với các nơi trong tỉnh.

Ngũ trò Xuân Phả gồm 5 trò: Ngô Quốc, Hoa Lang, Xiêm Thành, Ai Lao, Lục Hồn Nhung (Tú Huần) – nhà giáo Đỗ Ơm quê làng Xuân Phả, xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân, gia đình nhiều đời tham gia diễn trò tế thần. Khoảng năm 1935, Đỗ Ơm viết bài giới thiệu Ngũ trò Xuân Phả đăng trên báo Tràng An (Hà Nội). Từ đó Ngũ trò Xuân Phả được nhiều người, nhiều nơi biết và chú ý. Một số thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Sài Gòn mời đoàn Xuân Phả tới biểu diễn. Năm 1939, viên công sứ Pháp ở Tòa sứ Thanh Hóa biết tiếng trò Xuân Phả, cho tập luyện thật kỹ, chuẩn bị để đoàn sang Pháp tham dự Hội chợ Đấu xảo Paris, thủ đô Pháp quốc. Nhưng xảy ra đại chiến thế giới lần thứ hai, chuyến đi của đoàn Xuân Phả đành hoãn lại và đình chỉ vĩnh viễn. Cho đến năm 1959, Ngũ trò Xuân Phả mới được phục hồi theo chủ trương sưu tầm vốn cổ dân tộc của Chính phủ ta.

Ngũ trò Xuân Phả ngày đầu xuân biểu diễn tế thần tại đền thờ Đông Hải Đại vương để ngài hàng năm mùa mưa không dâng nước lụt tàn phá đồng ruộng, làng xóm. Nguồn gốc Ngũ trò Xuân Phả không phải từ đời vua Lê Nhân tông để cúng tế các hoàng đế nhà Lê ở Lam Kinh như một số người hiểu lầm vì Ngũ trò Xuân Phả là “tục nhạc”. Lê Thái tổ bình định đất nước, âm nhạc cung đình cũng là âm nhạc dân gian. Đời Lê Thái tông mới sai Lương Đăng tham khảo âm nhạc đời Minh, đời Tống để “chế” ra âm nhạc. Từ đó mới chia ra quốc nhạc và dân nhạc. Dân nhạc tức tục nhạc, chỉ lưu hành trong dân gian, quốc nhạc là nhạc cung đình, chuyên dùng trong tế lễ, tiệc hội nơi cung vua phủ chúa, điện đình. Sử cũ chép năm 1448, khánh thành điện Lam Kinh bên quan văn múa điệu “Chư hầu lai triều”, bên quan võ tấu khúc “Bình Ngô phá trận”, có đánh trống đồng, quân sĩ reo hò hưởng ứng. Trên đường rước vua nhỏ về Lam Sơn khánh thành điện miếu Lam Kinh, trai gái đón mừng khoanh chân tréo tay quanh cổ múa hát điệu “lý liên” (rí ren), Thái úy Trịnh Khả tâu xin Thái hậu ra lệnh cấm hẳn, đề phòng gợi ý dâm tà cho Nhân tông. Điều này chứng tỏ tục nhạc với quốc nhạc đời Nhân tông đã có sự phân biệt triệt để, do đó Ngũ trò Xuân Phả chỉ phản ánh quan hệ giao bang của quốc gia Đại Việt đối với các nước lân cận. Họ cử sứ giả đến Đại Việt cống nạp tỏ ý thần phục hoặc đặt quan hệ buôn bán. Và Ngũ trò Xuân Phả hoàn toàn chỉ là sáng tác dân gian của người Việt lưu truyền qua thời gian được dân gian bồi đắp lâu đời.

Sau biểu diễn Ngũ trò Xuân Phả (tại hội nghị văn nghệ dân gian miền Bắc ngày 5 và 6-11-1977), nhà giáo Đỗ Ơm khẳng định tên cổ của trò Tú Huần là Lục Hồn Nhung, văn bản chép tay để thờ tại đền thờ Đông Hải Đại vương của làng, nhưng không ai hiểu Lục Hồn Nhung là tên nước nào? Ngoài các tên Ngô quốc là nước Ngô, Ai Lao là nước Lào, Xiêm Thành là Chiêm Thành, Hoa Lang là Hà Lan (hay Đại Chiêm thuộc Chiêm Thành). Mở đầu trò diễn đều có câu hát tự giới thiệu trò mình xuất xứ ở nước nào? Ví dụ:

Trò tôi bên nước Huê Lang

Tôi nghe đức chính tôi sang chèo chầu.

Riêng trò Lục Hồn Nhung hay Tú Huần giới thiệu nguồn gốc có khác. Đây là trò Tú Huần ở xã Thiên Linh, tục gọi trò Riềng (nay thuộc xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương):

Mẹ chàng ở núi non cao

Ở am cảnh vắng, ở Lào giáp Ngô

Mẹ chàng ở núi non đô

Ăn no tắm mát chẳng lo lắng gì.

Nói vắn tắt: Tên trò Lục Hồn Nhung ở Xuân Phả, ở vùng Kẻ Rủn hay Tú Huần là vấn đề phức tạp, muốn bàn kỹ phải có dịp khác. Một đặc điểm chung là con trò hay cất tiếng “hú” vang đồng loạt tương tự tiếng hú gọi của phường săn. Đây là điểm quan trọng. Một điểm nữa là con số “10” tổng số của đoàn diễn: Mười con và một mẹ, chỉ có con, không có bố. Mẹ là mẹ đẻ, không có cha, cũng không phân biệt trai gái, dù tên gọi Tú Huần hay Lục Hồn Nhung và vẫn là trò diễn tiến cống của các nước Ngô Quốc, Huê Lang, Xiêm Thành, Ai Lao. Đó là những nước thần phục quốc gia Đại Việt kể từ khi Lê Thái tổ quét sạch quân Minh, khôi phục và xây dựng nước Nam Việt hùng mạnh.

Tại hội nghị tháng 11-1977, tôi cũng là đại biểu của phòng văn hóa Quảng Xương. Riêng trò diễn Tú Huần tôi phát biểu nhiều ý kiến. Theo nghiên cứu của tôi:

Tú Huần hay Lục Hồn Nhung là một tiểu vương quốc của vương quốc Ai Lao, xưa là Lạn Xạn (Vạn Tượng). Lục Hồn Nhung tức Lục Hồn ở vùng Nam Lào, (Ai Lao thuộc Bắc Lào). Lục Hồn thực tế là một bộ lạc xưng là tiểu vương quốc ở vùng rừng núi miền Tây nước ta. Lục Hồn còn gọi là Lạc Hoàn. Theo cách gọi của vua chúa phong kiến Đại Việt: Bắc Địch, Đông Di, Tây Nhung, Nam Man, nên Lục Hồn gọi là Lục Hồn Nhung. Tên này sử sách Đại Việt như Đại Nam thực lục còn thấy chép họ hàng năm vẫn triều cống nhà Nguyễn. Tiểu vương quốc này trong sử sách thời Lê Trịnh và trước đó gọi chung là “người Di-Mandi, người Lão hay Lạo tùy theo cách phiên âm Hán Việt khác nhau (tức Lão Qua – Ai Lao).

Múa Lục Hồn Nhung hay Tú Huần là múa tiết tấu, chưa có giai điệu, chủ yếu dựa theo âm thanh lời ca, bổ sung thêm tiếng đệm “i a”, tạo thành nhạc điệu ngân nga, điểm nhịp sênh, mõ giòn giã, tiết tấu âm nhạc đảo ngữ, lặp đi lặp lại đơn điệu, không phát triển, biến hóa, chỉ cần hình thức ca dao dân gian thể lục bát trên sáu dưới tám là hát và diễn được. Ca từ bình dân nôm na, tản mạn, chắp vá mà có ý nghĩa để giải thích, minh họa cho múa, cho nhạc, mặc dù múa và nhạc cũng có ngôn ngữ riêng đặc trưng của chúng. Bởi vậy, ở đây, Tú Huần hay Lục Hồn Nhung kết hợp chặt chẽ bàn tay và tiếng mõ, tiếng sênh (có nơi kèm theo trống tiểu cổ và tiêu cảnh do “cái” điều khiển trò diễn).

Bên trên tôi đã nói ý nghĩa lời ca. Rất đặc biệt là chữ “léo mõ”. Tất cả văn bản trò diễn đều có chữ léo mõ và chữ “rung sênh”. Ở đây tôi chỉ nói về chữ “léo mõ”.

- Mẹ chàng sinh được mười con

Con thời “léo mõ” con thời rung sênh.

- Ới o cao cổ rỗ hoa

Có về “léo mõ” với ta thì viền

Trước thời “léo mõ” lấy tiền

Sau thời “léo mõ” kẻo duyên ta già.

- Chẳng giấu gì Tú Huần là tôi.

Nghề “léo mõ” đố ai địch được...

“Léo mõ” là một “nghề”. Nghề gì? Nghề ở đây là một nghệ thuật của âm nhạc kết hợp với múa của trò diễn dân gian. Muốn hiểu rõ hơn từ “léo”, chúng ta phải tìm hiểu bài Vè léo rất phổ biến ở Thanh Hóa, nhất là vùng thị xã Nghi Sơn, Quảng Xương:

Vè Léo

Bống bống bang bang

Bống ở bên Biện, bống sang bên Hòa

Tống Trân mà “léo” Cúc Hoa

Ông Tơ bà Nguyệt “léo” nhòa trên Kinh

Người giòn “léo” với người xinh

Ta “léo” với mình, mình “léo” với ai?

Ới o gánh nước quang mây

Cho anh một gáo tưới cây ngô đồng

Cây ngô đồng chưa trồng đã héo

O chưa chồng, o “léo” với ai?

...

“Vè léo” còn dài, đều xoay quanh chuyện quan hệ nam nữ, chuyện giao tình trai gái. Nói thanh là “léo”, nói thô là “lẹo”. Trong một số ca dao dân gian khôi hài cho ta thấy điều này. Ví dụ:

Miếng thịt “lẹo” với hòn xội

Ông sư bà vãi “lẹo” đôi trên chùa.

“Léo mõ” mô tả một cách đánh mõ độc đáo. Không theo cách đánh mõ thông thường, cầm dùi đánh một tiếng “cốc”, thanh âm vang lên một tiếng dứt khoát cộc lốc là xong, mà đánh xong vẫn để dùi áp sát dí mạnh, để bụng mõ rung lên theo dùi. Âm hưởng tiếng mõ thông thường không có “trường độ” hóa thành có “trường độ”. Cách đánh mõ đặc biệt này rất công phu có nguồn gốc từ nghi lễ phồn thực tín ngưỡng từ thời nguyên thủy. Cách sắp hàng, quây vòng, đánh “tứ cửa”, đánh ngồi tựa “phục kích”, đánh dồn dập, nhanh, chậm... xen lẫn tiếng “hú” nghe dư vang rùng rợn, gợi cảnh núi rừng âm u sâu thẳm... Tất cả nhằm mô tả một cuộc săn. Có cả cách đánh mõ, vừa đánh vừa co một chân “lặc cò cò” thể hiện con thú bị thương, cách đánh trên vai như là để khiêng con thú săn được trở về...

Kết thúc cuộc săn, cái dẫn đội quân đông đảo tượng trưng bằng con số mười (mười ngón tay, mười phương...) vừa chạy vừa rung mõ (léo mõ) vui mừng thắng trận. Đầu tóc họ bờm xờm rung lên theo nhịp bước chân. Tóc rễ tre như là những đầu con thú, những chiến công sau cuộc săn tập thể. Họ nhảy múa chung quanh người mẹ (người cầm đầu, cầm cái) biểu hiện nhảy quanh đống lửa được đốt lên, ngọn lửa bập bùng cháy rực sáng thâu đêm liên hoan để tế thần lửa, thần săn, bàn tay “léo mõ” không ngừng rung lên để cầu mong thắng lợi cuộc săn tiếp diễn...

Sách Đông Quan Hán chí chép người Cửu Chân (xứ Thanh) giỏi nghề săn bắn. Trên vách đá hang Đồng Nội (Hòa Bình, Thanh Hóa) khắc vẽ người đầu đội đầu hươu, có lẽ đó là hình ảnh đơn giản hóa đêm liên hoan, người nguyên thủy hóa trang nhảy múa chung quanh thần linh được cách điệu...

Ba nghìn năm trước, trên mặt trống đồng Đông Sơn phản ánh sinh động cuộc sống Nhân dân thời đó có tiếng sênh, tiếng mõ múa hát vui chơi thể hiện tín ngưỡng phồn thực phong phú. Trò múa Lục Hồn Nhung không phải là của nước Tú Huần nào đó mà của xứ Thanh hiến tế thần linh Thanh Hóa, xứ sở thiện nghệ săn bắn, dấu vết còn lại ở nhiều hang đá có người sinh sống cách đây hàng chục vạn năm qua.

Theo Báo Thanh Hóa