Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

Tiềm năng của huyện Thọ Xuân

Đăng lúc: 09/05/2017 (GMT+7)
100%

 1. Giao thông: Thọ Xuân có điều kiện vị trí và giao thông thuận lợi cho giao lưu nhiều vùng miền trong, ngoài tỉnh. Lợi thế phát triển các ngành dịch vụ vận tải, logistics, giao lưu thương mại trung chuyển hàng hóa giữa đồng bằng ven biển và miền núi Thanh Hóa, giữa cảng biển và khu cửa khẩu trên tuyến biên giới Việt- Lào thuộc Thanh Hóa.     Thuận lợi cho kết nối, giao lưu với các vùng miền, thành phố, khu kinh tế trong tỉnh, giao lưu trong nước, quốc tế bằng đường bộ, đường hàng không, kể cả giao lưu bằng đường biển cách Cảng nước sâu Nghi Sơn hơn 60 km, cách Cảng Lễ Môn theo đường thủy sông Chu- sông Mã khoảng 50 km: Từ Thọ Xuân cũng có đường đi tắt qua Triệu Sơn - Như Xuân để vào Nghệ An rồi từ Thọ Xuân có thể qua đất bạn Lào theo tuyến đường đi Thường Xuân - Bát Mọt hoặc đi Ngọc Lặc - Lang Chánh - Bá Thước - Quan Hóa để sang tỉnh Hủa Phăn. Từ Thọ Xuân cũng có thể đi Hòa Bình theo con đường Ngọc Lặc - Cẩm Thủy và đến tỉnh Ninh Bình theo con đường Yên Định - Vĩnh Lộc đi Phố Cát (Thạch Thành). Nếu theo đường sông Chu, gặp sông Mã ở Ngã Ba Giàng (Thiệu Hóa), chúng ta cũng có thể đến được hầu hết khắp các vùng trong ngoài tỉnh

Từ thành phố Thanh Hóa, theo trục đường 47 đến huyện Thọ Xuân chỉ có 36km. Từ  Thọ Xuân lên biên giới Na Mèo gần 150km và ra thủ đô Hà Nội theo con đường Hồ Chí Minh cũng chỉ hơn 130km.

2. Điều kiện tự nhiên

2.1. Địa hình, sông ngòi: Địa hình đất đai rộng, bằng phẳng gắn kết hệ thống sông ngòi là điều kiện thuận lợi cho phát triển vùng nông nghiệp, cây công nghiệp; quỹ đất còn rộng rãi nhất là khu vực phía Tây dọc Đường Hồ Chí Minh và gần Cảng hàng không Thọ Xuân, thuận lợi cho đầu tư xây dựng phát triển các khu công nghiệp, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có quy mô.

Điều kiện địa hình Thọ Xuân tương đối bằng phẳng nghiêng dần từ phía Tây Bắc xuống Đông Nam theo hướng dòng sông Chu chảy qua chia huyện thành hai vùng hữu ngạn và tả ngạn. Về cơ bản, địa hình Thọ Xuân phân thành 02 vùng khá rõ.

- Vùng đồi bát úp và núi thấp phía Tây Thọ Xuân: thuộc phạm vi 14 xã, thị trấn gồm Xuân Lam, Xuân Thiên, Thọ Minh, Thọ Lập, Xuân Châu, Quảng Phú (nằm bên tả ngạn sông Chu) và Thọ Xương, Thọ Lâm, Xuân Bái, Xuân Phú, Xuân Thắng, Xuân Sơn, TT Lam Sơn, TT Sao Vàng (nằm bên hữu ngạn sông Chu). Đây chủ yếu là vùng đồi thoải lượn sóng có một số địa hình thấp bãi bồi ven sông Chu, độ cao từ 15m- 150m, khu vực núi thấp tập trung ở phía Tây Nam thuộc 3 xã Xuân Bái, Xuân Phú, Xuân Thắng. Vùng có diện tích 164,5 km2 chiếm 56,3% diện tích toàn huyện. 

- Vùng đồng bằng sông Chu: thuộc phạm vi 27 xã, thị trấn còn lại, nằm về hai phía tả ngạn và hữu ngạn sông Chu, có độ cao trung bình 8- 15 m. Vùng có nhiều cánh đồng rộng, bằng phẳng thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, tả ngạn sông Chu rải rác đồi núi sót, hữu ngạn có một số địa hình thấp trũng lòng chảo ngập nước thường xuyên và theo mùa. Vùng có diện tích 127,8 km2 chiếm 43,7% diện tích toàn huyện.

Thọ Xuân có điều kiện địa hình lãnh thổ gồm cả đồng bằng và đồi núi thấp trung du. Vùng đồng bằng lòng chảo diện tích khá rộng và bằng phẳng, có sông Chu chảy qua ở giữa, thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, tập trung dân cư, xây dựng công trình hạ tầng, đô thị. Vùng đồi thoải trung du chiếm diện tích lớn, dân cư thưa, quỹ đất rộng rãi có Đường Hồ Chí Minh và QL47 đi qua, thuận lợi cho xây dựng phát triển các khu công nghiệp, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kinh tế trang trại (trồng trọt, chăn nuôi), xây dựng phát triển các đô thị mới. 

Trong những năm qua, nông trường Sao Vàng và nhân dân các xã xung quanh vùng đã tích cực khai phá đồi núi thấp này để trồng mía và cây công nghiệp rất hiệu quả. Với sự ra đời của khu công nghiệp mía đường Lam Sơn, toàn bộ vùng bán sơn địa Thọ Xuân đã thay da đổi thịt và sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn ở đây trên đà phát triển mạnh.

2.2. Điều kiện khí hậu: Thọ Xuân có điều kiện khí hậu chuyển tiếp giữa khí hậu khu vực Phía Bắc và Miền Trung. Phân thành hai mùa rõ rệt, mùa đông chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, lạnh và mưa ít, mùa hè kéo dài chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Nam mưa nhiều và có gió Tây khô nóng.

- Nhiệt độ trung bình năm 24- 250 C, mùa đông (tháng 11- tháng 3 năm sau) nhiệt độ trung bình 16- 18 0C, nhiệt độ trung bình tháng thấp nhất 140 C, mùa hè nhiệt độ trung bình 30- 310 C, nhiệt độ trung bình tháng cao nhất lên tới 36 - 37 0C.

- Lượng mưa trung bình hàng năm khá cao 1800- 1900 mm nhưng phân bố không đều theo mùa. Mùa hè tháng 4 đến tháng 10, mưa nhiều chiếm 80- 85% lượng mưa cả năm, các tháng 8, 9, 10 tập trung mưa nhiều. Mùa đông mưa ít chiếm 15 - 20% lượng mưa cả năm, mưa ít nhất vào tháng 12 và tháng 1, lượng mưa trung bình tháng 20 mm.

- Tổng tích ôn trung bình năm 84000C - 86000C. Độ ẩm không khí trung bình 86%. Số giờ nắng hàng năm trung bình 1800- 1900 giờ, tháng có nhiều ngày nắng nhất là tháng 7, tháng có ít ngày nắng là các tháng 2, 3. 

- Bão xuất hiện từ tháng 7 đến tháng 10, trung bình hàng năm có 3- 4 cơn bão thường kèm theo mưa to, tốc độ gió cấp 7- 9, cao nhất lên đến cấp 11- 12.

Đặc điểm khí hậu, thời tiết ở Thọ Xuân thuận lợi cho phát triển đa dạng cây trồng, vật nuôi, nền nhiệt, ẩm cao có tác động mạnh đến thúc đẩy tăng trưởng sinh khối nhiều loại cây trồng ngắn ngày và cây công nghiệp dài ngày.

2.3. Tài nguyên đất

Điều kiện đất đai thổ nhưỡng ở Thọ Xuân phần lớn là đất phù sa bồi tụ của sông Chu và đất feralit đỏ vàng tập trung ở khu vực đồi núi thấp, thích hợp cho trồng nhiều loại cây nông nghiệp, lâm nghiệp, phát triển các vùng chuyên canh có quy mô gắn với chế biến; có nhiều địa hình trũng thấp ngập nước thường xuyên và theo mùa (ao hồ, khe lạch, đồng trũng,…) thuận lợi cho phát triển nuôi thả thủy sản, canh tác kết hợp lúa - cá.  Qua điều tra khảo sát phân thành các nhóm đất (thổ nhưỡng) chính:

 

- Nhóm đất phù sa (FL) sông Chu, sông Cầu Chày: diện tích 14.531 ha, chiếm 49,56% diện tích tự nhiên, phân bố tập trung ở các xã thuộc vùng đồng bằng, một số diện tích nằm rải rác dọc sông Chu chảy qua vùng đồi thấp. Đất gồm các loại đất phù sa mới bãi bồi, đất phù sa cũ tác động từ canh tác và đất xám bạc màu trên phù sa cổ thành phần cơ giới từ cát pha, thịt nhẹ đến thịt nặng, phần lớn có độ phì từ cao đến trung bình, thích hợp trồng cây lương thực thực phẩm, cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả. Hiện chủ yếu đang được sử dụng trồng lúa 2 vụ, ngô, khoai, rau đậu, cây ăn quả.

- Nhóm đất Feralit trên đồi núi (FE): diện tích 6.892 ha, chiếm 23,51% diện tích tự nhiên, phân bố chủ yếu ở các xã thuộc vùng đồi núi, tập trung ở các xã Xuân Phú, Xuân Bái, Thọ Lâm, Xuân Thắng, Xuân Sơn, Xuân Lam. Đất gồm các loại đất feralit đỏ vàng đến nâu vàng, rải rác có một số diện tích đất xám feralit bị rửa trôi bạc màu trên địa hình dốc thiếu tán cây xanh, phần lớn thành phần cơ giới đất từ thịt nhẹ đến trung bình. Hiện chủ yếu đang được sử dụng trồng lúa 1 vụ, hoa màu, sắn, mía, cây ăn quả, cao su, ở những địa hình tương đối dốc như đồi cao và núi đang trồng rừng sản xuất cây nguyên liệu giấy (keo, bạch đàn), rừng phòng hộ.

 - Nhóm đất glây (GL): diện tích khoảng 1.578 ha chiếm 5,38% diện tích tự nhiên, đất phân bố ở các địa hình trũng bị ngập nước mùa mưa, đất xám xanh đến xám đen, thành phần cơ giới thịt nặng đến sét, phân bố rải rác ở nhiều nơi trong huyện nhất là các xã đồng bằng. Đất đang được sử dụng trồng lúa 1 vụ, có nơi nuôi thả cá.

-  Tài nguyên nước: Thọ Xuân có nhiều sông, hồ lớn nhỏ thuận lợi về nguồn cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt. Sông Chu, sông Cầu Chày và sông Nông Giang là nguồn nước chủ yếu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và ngư nghiệp. Sông Chu chảy qua và đổ vào sông Mã còn là tuyến đường thủy kết nối huyện với vùng đồng bằng ven biển của tỉnh.

2.4. Tài nguyên nước: nằm trong vùng đồng bằng sông Chu ở về phía hữu ngạn sông Mã là khu vực có nguồn nước dưới đất dồi dào, chủ yếu là nước ngầm lỗ hổng trong các tầng trầm tích. Đây là khu vực có những mỏ nước để khai thác cấp nước lâu dài cho sản xuất và sinh hoạt. Ngoài ra địa bàn có nhiều sông, hồ phân bố khá đều trên các vùng trong huyện kết hợp hệ thống kênh mương, hồ đập thủy lợi tạo thành mạng lưới cung cấp nguồn nước mặt phân bố rộng khắp địa bàn phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Toàn huyện có 3 sông chảy qua gồm sông Chu, sông Hoằng, sông Cầu Chày và một số sông suối nhỏ. 

- Sông Chu: dài 352 km bắt nguồn từ đất Lào, đoạn chảy vào Việt Nam dài 160 km, hội lưu với sông Mã tại Ngã ba Giàng cách cửa sông Mã khoảng 26 km. Sông Chu chảy qua Thọ Xuân từ Tây sang Đông dài 30 km bắt đầu từ đập Bái Thượng phía dưới hồ đập Cửa Đạt (hồ chứa đa mục tiêu 1,45 tỷ m3 cấp nước tưới cho 87.000 ha đất canh tác và cho phát điện công suất 97MW). Vào mùa mưa, lưu lượng nước lũ lớn nhất trên sông Chu tại Bái Thượng lên tới 6000 m3/s, mùa kiệt lưu lượng trung bình 200- 250 m3/s. Sông Chu là nguồn cấp nước chính cho sản xuất nông nghiệp của huyện đồng thời cũng là điều kiện thuận lợi để phát triển giao thông thủy.

- Sông Cầu Chày: dài 87 km bắt nguồn từ dãy núi Đèn (Bá Thước) qua Ngọc Lặc rồi chảy qua Thọ Xuân từ Đông Bắc xuống Nam dài 24 km, lưu lượng nước lũ lớn nhất 136 m3/s, mùa kiệt lưu lượng trung bình 70 m3/s. Sông Cầu Chày là một trong nguồn cấp nước chính cho khu vực các xã phía Đông và Đông Bắc Thọ Xuân.

 - Sông Hoằng (Sông Nhà Lê): dài 81 km là chi lưu của sông Chu, chảy từ phía Tây xuống Đông Nam huyện và vào Thiệu Hóa, mùa mưa lưu lượng nước nơi lớn nhất 68 m3/s, mùa kiệt lưu lượng nước nơi nhỏ nhất 10 m3/s.

Một số sông nhỏ: sông Dừa nhánh của sông Hoằng, dài khoảng 10 km chảy qua các xã Thọ Nguyên, Xuân Khánh, Xuân Phong, chủ yếu có vai trò tiêu nước. Khe Trê bắt nguồn từ xã Nguyệt Ấn (Ngọc Lặc) chảy qua các xã Xuân Thiên, Thọ Minh rồi đổ ra sông Chu.

Hệ thống các hồ lớn, nhỏ phân bố rải rác trong huyện, các hồ lớn có:

+ Hồ Mọ (Quảng Phú) diện tích 39,8 ha

+ Hồ Cửa Trát (Xuân Phú) diện tích 17,5 ha

+ Hồ Sao Vàng (TT Sao Vàng) diện tích 12 ha

+ Hồ Đoàn Kết (TT Lam Sơn) diện tích 8,7 ha

+ Hồ Cây Quýt (Xuân Thắng) diện tích 3 ha  

2.5. Tài nguyên khoáng sản: Các loại khoáng sản ở Thọ Xuân chủ yếu có đá vôi, đá xây dựng tập trung ở các xã Thọ Lâm (52 ha), Xuân Phú (22,5 ha), Xuân Thắng (40 ha), Xuân Châu (5,5 ha). Ngoài ra có sỏi, cát xây dựng ở một số điểm ven sông Chu, sét có ở các xã đồng bằng.

2.6. Du lịch: nằm trong vùng văn hóa lịch sử, nổi bật là Khu di tích lịch sử Lam Kinh, Đền thờ Lê Hoàn, nhiều di tích văn hóa, làng nghề,... Khu vực phía Tây Thọ Xuân gần Đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 47 có điều kiện cảnh quan sinh thái phát triển một số khu du lịch sinh thái, thể thao, giải trí gắn với đồi núi, hồ nước. Thọ Xuân có nguồn tài nguyên tự nhiên và nhân văn thuận lợi cho phát triển du lịch, tham gia vào các tour du lịch chủ yếu trong tỉnh và khu vực Nam Bắc Bộ - Bắc Trung Bộ.

Toàn huyện có 47 di tích được xếp hạng, trong đó có 13 di tích quốc gia và 34 di tích cấp tỉnh, một số di tích có sức hấp dẫn khách du lịch như Đền thờ Lê Hoàn, Lăng mộ Vua Lê Dụ Tông,…hơn 20 lễ hội được duy trì hàng năm (Lễ hội Lê Hoàn, Lễ hội Lam Kinh,...).

2.7. Nguồn nhân lực: Nguồn lực phần lớn ở độ tuổi trẻ có trình độ văn hóa, năng động sáng tạo là tài nguyên quí giá để huy động vào phát triển kinh tế, văn hóa xã hội.

Nguồn nhân lực trong độ tuổi lao động giai đoạn 2011- 2015 tăng bình quân 0,7%/năm, năm 2015 có 138.612 người chiếm 63,4% dân số toàn huyện. Lao động đang hoạt động trong các ngành kinh tế năm 2015 118.849 người chiếm 61,8% lực lượng lao động. Tỷ lệ lao động trong các ngành kinh tế đã qua đào tạo chiếm 34,2%, còn một bộ phận khá lớn chủ yếu là lao động nông nghiệp nông thôn chưa qua đào tạo nghề.

Với tỷ lệ tăng dân số tự nhiên hàng năm duy trì ở mức 0,52%, dự kiến tốc độ tăng quy mô dân số (tự nhiên và cơ học) ở mức bình quân khoảng 0,55%/năm giai đoạn 2016- 2020 và 1%/năm giai đoạn 2021- 2025. Quy mô dân số Thọ Xuân có 224,5 nghìn người vào năm 2020 và khoảng 236,3 nghìn người vào năm 2025.