Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

Nhớ về chiến sỹ cách mạng Nguyễn Doãn Chấp

Đăng lúc: 27/07/2021 (GMT+7)
100%

Ngày 29/7/1930, một sư kiện trọng đại đã diễn ra trên đất Thanh Hoá, nhưng lại rất âm thầm, lặng lẽ, kín đáo trong nhà ông Lê Văn Sỹ (làng Yên Trường, xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân), chỉ với 11 chiến sĩ Cộng sản hay biết. Đó là sự kiện thành lập Đảng bộ tỉnh, từ đây, tổ chức cách mạng này đóng vai trò lãnh đạo và quyết định vận mệnh của quê hương. Chỉ với 15 năm sau, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo nhân dân giải phóng quê hương.

91 năm đã trôi qua, một con người đã không quản gian truân và cả mạng sống của mình, nhận nhiệm vụ đứng ra tổ chức và thành lập Đảng bộ tỉnh, ông là Nguyễn Doãn Chấp, quê ở xã Hoằng Giang, huyện Hoằng Hóa. Ông đã ra đi về cõi vĩnh hằng cách đây 44 năm ở tuổi 72.

http://baotang.thanhhoa.gov.vn/portal/Photos/2015-07-28/2dbeddcc2fc36f2dscan0001.jpg

Chân dung đồng chí Nguyễn Doãn Chấp

Trở lại những ngày tháng 7 năm 1930, chiến sỹ cách mạng Nguyễn Doãn Chấp từ Hà Nam về Thanh Hóa, với nhiệm vụ xây dựng tổ chức Đảng ở Thanh Hóa. Với thời gian rất ngắn, không đầy một tháng (từ ngày 25/6 đến 27/7/1930) ông vừa vận động, phát triển Đảng viên, vừa thành lập được ba Chi bộ Đảng ở Hàm Hạ (Đông Sơn), Thiệu Hóa và Thọ Xuân, để 7 ngày sau, ngày 29/7, tổ chức Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng bộ tỉnh. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa 1930 – 1954 ghi nhận với những dòng trang trọng: “… mùa hè năm 1930, đồng chí Lê Công Thanh đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho đồng chí Nguyễn Doãn Chấp (quê Hoằng Hoá, Thanh Hóa) dạy học ở Hà Nam tham gia hoạt động cách mạng được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam trở về Thanh Hóa liên lạc với các chiến sỹ cách mạng trong tổ chức thanh niên tiến hành xây dựng Đảng bộ Thanh Hóa.

…Sau một thời gian chuẩn bị tư tưởng và tổ chức, ngày 29/7/1930, đồng chí Nguyễn Doãn Chấp đã triệu tập 11 đại biểu của các Chi bộ: Hàm Hạ (Đông Sơn), Thiệu Hóa, Thọ Xuân, tiến hành Hội nghị tại nhà đồng chí Lê Văn Sỹ, làng Yên Trường (Thọ Lập, Thọ Xuân) quyết định thành lập Đảng bộ Thanh Hóa”.

Chỉ với một thời rất ngắn, trong điều kiện địa bàn rộng lớn, chưa quen đường đi lối lại, lại bị chính quyền thực dân phong kiến kiểm soát, lùng sục gắt gao, ông Nguyễn Doãn Chấp đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Điều đó chỉ có thể giải tích bằng chí quả cảm, thông minh, tài năng tổ chức lãnh đạo và lòng yêu nước kiên định, sự trung thành tuyệt đối với Đảng, với lý tưởng cách mạng của cá nhân ông. Đồng thời là nỗi niềm khát khao cháy bỏng của các chiến sỹ cách mạng yêu nước, thương nòi tỉnh Thanh Hóa đang mong đợi được tập hợp trong một tổ chức mở lỗi dẫn đường.

Hoàn thành nhiệm vụ, ông lưu lại Thanh Hóa ít lâu, hướng dẫn, giúp đỡ hoạt động của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, phát triển Đảng viên, chỉ đạo ra tờ báo “Tiến lên” làm phương tiện tuyền truyền của Đảng bộ Thanh Hóa.

Cuối năm 1930, ông được bổ sung vào Tỉnh uỷ Nam Định, phụ trách Nông vận, sau đó lại được Xứ uỷ Bắc kỳ phân công phụ trách Nông bộ ba tỉnh Hà – Nam – Ninh. Cuối năm 1931, Nguyễn Doãn Chấp bị giặc bắt trong chuyến đi công tác tại làng An Hoà, huyện Ý Yên. Bị tra tấn dã man, song ông vẫn kiến trinh giữ tròn khí tiết và bị kết án 10 năm tù giam, 13 năm khổ sai và 20 năm quản thúc. Sau biệt giam ở nhà tù Hoả Lò (Hà Nội), ông lại bị đày ra Côn Đảo. Năm 1936, ông được trả tự do, nhờ phong trào đấu tranh đòi quyền tự do dân chủ và bị quản thúc nghiêm ngặt ở đại phương. Sau đó, chúng cho ông đi dạy học, nhưng ông tiếp tục giác ngộ lòng yêu nước, cách mạng cho học sinh và phụ huynh, tìm cách bắt liên lạc với tổ chức Đảng.

Năm 1944, đồng chí Nguyễn Doãn Chấp tiếp tục hoạt động cách mạng, xây dựng mặt trận Việt Minh các thôn, cùng các đồng chí khác lãnh đạo nhân dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cách mạng tháng Tám năm 1945 và được giữ chức Chủ tịch Uỷ ban nhân dân lâm thời tổng, kiêm Phó chủ tịch Việt Minh tổng. Đầu năm 1945, ông gĩư chức Chủ nhiệm Việt Minh huyện Hoằng Hóa rồi Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến huyện. Năm 1949, được Tỉnh uỷ điều động làm Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính huyện Thọ Xuân, sau sang làm Bí thư huyện uỷ.

Năm 1951, đồng chí Nguyễn Doãn Chấp được điều về phụ trách công tác tổ chức và kiểm tra Tỉnh uỷ. Đến năm 1953, đồng chí được cử đi học trường Nguyễn Ái Quốc khoá I, đến năm 1955, được bổ sung vào Đảng đoàn của Đài tiếng nói Việt Nam cho đến khi về hưu ở tuổi 60.

Nhìn lại cuộc đời ông, với những mốc thời gian đáng nể: 19 tuổi tốt nghiệp tiểu học (primaire) ra làm thầy giáo, 23 tuổi tham gia hoạt động cách mạng trong tổ chức thanh niên (Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội), 25 tuổi trở thành Đảng viên, lãnh đạo và thành lập nhiều tổ chức cơ sở Đảng, 5 năm tù đày biệt giam ngoài Côn Đảo… Cách mạng tháng Tám thành công, ông tròn 40 tuổi. Một nửa tuổi đời ấy, ông cống hiến một cách xuất sắc, vẻ vang cho nhân dân, cho sự nghiệp độc lập nước nhà mà chẳng tính toán thiệt hơn, mạng sống. Những năm còn lại, ông tiếp tục công hiến ở nhiều cương vị khác nhau một cách chí công, vô tư, thuỷ chung son sắt, với một đời sống cần kiệm, thanh liêm, đạm bạc, cả khi còn làm việc cũng như khi đã về hưu ở quê hương trong ngôi nhà đơn sơ, thanh tịnh.

Cuộc đời ông thật đáng nể trọng, một tấm gương ngời sáng soi chung, dám từ bỏ con đường danh vọng, phú quý thông thường của tần lớp trí thức đương thời, dấn thân vào sự nghiệp độc lập dân tộc, tư do cho nhân dân. Đảng bộ và nhân dân Thanh Hoá mãi mãi ghi nhớ người cộng sản kiên trung, bất khuất, thuộc lứa đầu tiên đã có công thành lập Đảng bộ cộng sản đầu tiên ở Thanh Hoá.

Nguồn: Theo Báo văn hoá đời sống