Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

Hoàng đế Lê Đại Hành và kiến trúc nghệ thuật độc đáo ở di tích Quốc gia đặc biệt đền thờ Lê Hoàn

Đăng lúc: 30/03/2020 (GMT+7)
100%

Nhân kỷ niệm 1015 năm ngày mất của Lê Đại Hành hoàng đế( mùng 8/3 năm Ất Tỵ 1005- 8/3 năm Canh Tý 2020), chúng tôi giới thiệu về Hoàng đế Lê Đại Hành và kiến trúc nghệ thuật độc đáo ở di tích Quốc gia đặc biệt đền thờ Lê Hoàn

            

         

Tượng Đức vua Lê Đại Hành

Hoàng đế Lê Đại Hành, húy là Lê Hoàn, sinh năm 941, tại làng Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, mất năm 1005, tại cố đô Hoa Lư, Ninh Bình. Trong cuộc đời 64 năm với 10 năm làm Thập đạo tướng quân, 24 năm làm vua, Lê Đại Hành hoàng đế đã lãnh đạo quân dân Đại Cồ Việt phá Tống, bình Chiêm, mở mang bờ cõi, xây dựng đất nước hưng thịnh. Lê Đại Hành khi cai trị đã cho xây dựng nhiều công trình, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp để chấn hưng đất nước. Ông là vị vua mở đầu cho lễ tịch điền nhằm khuyến khích sản xuất nông nghiệp dưới chế độ phong kiến Việt Nam. Hoàng đế Lê Đại Hành cũng là vị vua đầu tiên tổ chức đào sông. Công trình đào sông Nhà Lê do Lê Hoàn khởi dựng là con đường giao thông thủy nội địa đầu tiên của Việt Nam. Vua Đại Hành là người anh minh, quả quyết, nhiều mưu trí, dụng binh khéo như thần. Sau khi vua Lê Hoàn mất, nhân dân đã lập đền thờ tại thôn Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân. Năm 1990, Đền thờ Lê Hoàn được công nhận là di tích cấp Quốc gia.

         

Đền thờ Lê Hoàn, làng Trung Lập, Xuân Lập, Thọ Xuân

Di tích kiến trúc nghệ thuật đền Lê Hoàn nằm trong hệ thống di tích Quốc gia là một quần thể những công trình kiến trúc thờ tự tưởng nhớ liên quan đến Lê Hoàn và những bậc sinh thành và nuôi dưỡng ông, đó là Nền Sinh thánh (nơi sinh Lê Hoàn), lăng Quốc mẫu (nơi chôn cất mẹ Lê Hoàn), lăng Hoàng Khảo (nơi chôn cất cha Lê Hoàn), lăng mộ Lê Đột (nơi chôn cất cho nuôi Lê Hoàn). Di tích kiến trúc đền thờ Lê Hoàn có kết cấu kiến trúc mặt bằng chữ Công, rộng 13 gian, có sân rồng, các nhà tiền đường, trung đường và hậu cung; có hệ vì kèo đặc trưng: giá chiêng, chồng rường, kẻ bẩy, kèo góc theo lối dầm đỡ chống nóc đã tạo nên một sự liên kết vững chắc đối với các vì cũng như tổng thể ngôi đền. Đặc biệt hơn, tại đền thờ còn bảo tồn được hệ thống các mảng chạm khắc như chạm thủng, chạm nổi, chạm bong được trang trí trong kiến trúc của toàn bộ công trình với đề tài phong phú và đa dạng theo những mô tuýp truyền thống cùng những bức phù điêu, con giống làm bằng đất nung của thế kỷ XVIII đã tạo nên những giá trị nghệ thuật đặc sắc của di tích.

          Nơi đây còn lưu giữ nhiều tài liệu hiện vật như: văn bia, sắc phong, lệnh chỉ, địa tự, hương án, chóe, đĩa, bát cổ, 14 đạo sắc phong của các đời vua từ 1674 – 1887 và một chiếc đĩa đá tương truyền là của vua Tống tặng Lê Hoàn... Trong số những hiện vật quý giá tại di tích Quốc gia đền thờ Lê Hoàn, còn có hai tấm bia đá cổ được dựng lên dưới thời Lê Trung Hưng. Một bia nhỏ dựng năm 1601 do Phùng Khắc Khoan soạn, khắc ghi ruộng đất hương hỏa thờ cúng vua nhà Tiền Lê. Bia thứ hai là “Lê Đại Hành Hoàng đế miếu điện bia” soạn năm 1626, khắc ghi công đức, sự nghiệp của đức vua Lê Đại Hành trong thời gian trị vì. Đây là những hiện vật có giá trị lớn về mặt lịch sử, văn hóa, giúp đời sau hiểu thêm về nguồn gốc, quá trình hình thành phát triển truyền thống văn hóa của làng Trung Lập- một làng Việt cổ có lịch sử cư dân tụ cư lâu đời.

          Ngày 24-12-2018, di tích kiến trúc nghệ thuật đền thờ Lê Hoàn được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Để bảo tồn và phát huy giá trị của khu di tích, chính quyền, nhân dân địa phương cùng cơ quan chức năng đang tiếp tục gìn giữ những tư liệu quý hiện có. Đồng thời, sưu tầm các tư liệu, hiện vật liên quan bị thất lạc, lưu tán để bổ sung vào lý lịch di tích cũng như phục vụ công tác tham quan của du khách và tìm hiểu của các nhà nghiên cứu. Tương truyền, đền Lê Hoàn được dựng ngay trên nền nhà cũ của vua từ thời Lý. Lúc đầu có quy mô nhỏ bé, kiến trúc đơn giản. Đến niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 8 (1626), thời hậu Lê, đền được tu sửa có quy mô như ngày nay. Hiện trạng của ngôi đền về cơ bản còn bảo tồn tương đối nguyên vẹn đến ngày nay. Trải qua trên dưới 1.000 năm tồn tại, ngôi đền đã nhiều lần được tu bổ, tôn tạo nhưng về cơ bản vẫn bảo tồn được các yếu tố gốc của di tích: kiểu dáng, vật liệu, đặc biệt là các mảng chạm khắc và kết cấu bộ khung gỗ thế kỷ XVIII còn bảo tồn khá nguyên vẹn.

         

Lễ hội Lê Hoàn năm 2019

Ngày nay, kế thừa và tiếp tục phát huy việc bảo tồn và gìn giữ tối đa sự nguyên vẹn của di tích gốc về kiến trúc, cảnh quan cũng như hiện vật trong di tích, UBND huyện Thọ Xuân cũng chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với chính quyền xã Xuân Lập, các tổ chức xã hội trên địa bàn làm tốt công tác an ninh trật tự, công tác vệ sinh môi trường ở di tích, xây dựng cảnh quan khu di tích xanh, sạch, đẹp, đảm bảo mỹ quan, thân thiện khi du khách đến hành lễ và tham quan di tích.

                                                          Trung tâm VHTT, TT và DL Thọ Xuân 
Các tin khác