Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

Đưa thông tin thất thiệt về dịch bệnh do virus Corona: Có thể đối diện khung hình phạt 3 năm tù

Đăng lúc: 03/02/2020 (GMT+7)
100%

Theo chuyên gia pháp lý Trịnh Văn, Điều 8, Luật An ninh mạng nghiêm cấm hành vi đưa thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân. Người có hành vi này gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Khoản 1, Điều 288 Bộ luật Hình sự về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet với mức phạt tù lên đến 3 năm. Trong khi Chính phủ, các địa phương, ngành, đoàn thể, cả hệ thống chính trị đang hết sức quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh do virus Corona gây nên, thì vẫn có những cá nhân lợi dụng dịch bệnh, đưa tin thất thiệt trên mạng xã hội.

          

          Những ngày này, cùng với những động thái quyết liệt, xử lý hành vi găm, bán khẩu trang y tế, nước rửa tay với giá “trên trời”, lực lượng chức năng ở nhiều tỉnh, thành phố cũng tập trung, đấu tranh mạnh với những cá nhân đăng tải thông tin thất thiệt về dịch bệnh do virus Corona gây nên. Ghi nhận cho thấy, chỉ trong một vài ngày, đa phần các cá nhân này đều sớm bị lộ diện, xử lý. Thậm chí, cả một số văn nghệ sỹ do “vô tình” lan tỏa tin thất thiệt cũng bị cơ quan quản lý Nhà nước kịp thời nhắc nhở, xem xét xử lý trách nhiệm. Có thể thấy rõ sự quyết liệt của các lực lượng chức năng trong vấn đề này. Cụ thể, ngày 1/2, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Công an tỉnh Phú Thọ xử phạt một đối tượng có hành vi đưa thông tin không đúng sự thật về dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona gây nên. Đối tượng là một công dân có hộ khẩu thường trú tại phường Vân Phú, TP. Việt Trì, đã đưa thông tin sai sự thật lên mạng xã hội về việc có trường hợp nhiễm virus Corona đang điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ. Thông tin này đã bị phát tán nhanh chóng trên internet gây hoang mang dư luận. Căn cứ Khoản 3, Điều 64, Nghị định 174/2013, cơ quan chức năng đã xử phạt đối tượng số tiền 10 triệu đồng và buộc phải gỡ bỏ toàn bộ các thông tin sai sự thật trên mạng xã hội. Trước đó, chiều 31/1, Công an TP. Thanh Hóa đã triệu tập Hà Thị Việt Trang (SN 1995, trú tại phường Nam Ngạn, TP.Thanh Hóa) đến để làm rõ việc cô gái này đưa thông tin sai sự thật về dịch bệnh Corona trên facebook cá nhân... Hành vi của Trang bị phát hiện trong buổi sáng cùng ngày, khi cô ta đăng tải ở facebook cá nhân nội dung: “Đêm nay nhà nước mình phun thuốc ngừa dịch cúm Corona trên bầu trời toàn quốc nên mọi người hãy chia sẻ cho nhau. Không nên ra đường trong cung giờ từ 4 - 7h30 sáng mai 1/2/2020 nếu có việc phải ra đường thì nên đeo khẩu trang”. Quá trình làm việc, Trang đã thừa nhận hành vi đăng tải thông tin sai sự thật của mình, gỡ bỏ bài viết trên facebook và cam kết không tái phạm. Không quá để nói rằng, tình hình phức tạp do virus Corona đang gây nên, phần nào đó, do những thông tin thiếu căn cứ, thất thiệt đã và đang lan tỏa khá mạnh trên mạng xã hội.

          Từ những sự việc, cá nhân bị phát hiện, xử lý, có thể tạm phân loại mấy dạng, động cơ đăng tải những thông tin thất thiệt này. Thứ nhất, là những trường hợp cứ nghe tin gì là đăng, mà chẳng cần xác minh hay kiểm chứng nguồn tin. Thứ hai, đối tượng đăng tải muốn thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng đối với trang facebook cá nhân, nôm na, muốn được “nổi tiếng”. Thứ ba, đăng tin thất thiệt để... bán được hàng. Và nguy hiểm nhất là dạng đăng tin nhằm cố tạo sự bất an trong dư luận xã hội. Theo Đại tá Lê Xuân Minh – Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an): “Rất đáng trách là các đối tượng nắm thông tin từ nguồn tin thiếu chính xác, nhưng đã đưa lên trang cá nhân, mạng xã hội, mục đích nhằm thu hút nhiều người xem, nhiều người theo dõi, nhằm mục đích cá nhân của mình. Những trường hợp này, khi cơ quan chức năng xác định, xác minh và làm rõ động cơ, ý đồ, sẽ kiên quyết xử lý theo quy định pháp luật”. Ở góc độ pháp lý, chuyên gia pháp lý Trịnh Văn nhìn nhận, một số người lợi dụng mạng xã hội để tung tin đồn thất thiệt có thể xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gây bất an trong dư luận. Quá trình điều tra xác minh, nếu cơ quan chức năng có căn cứ xác định người tung tin thất thiệt nhằm gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân, thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự người đó về hành vi Vu khống, quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự với mức phạt tù cao nhất 7 năm. Trường hợp phao tin đồn sai sự thật nhằm xuyên tạc, câu like hoặc phục vụ cho mục đích kinh doanh qua mạng... thì người đăng tin sẽ bị xử phạt hành chính theo Khoản 3, Điều 64 Nghị định 174/2013, mức phạt tiền 20-30 triệu đồng đối với tổ chức, 10-15 triệu đối với cá nhân. Chỉ rõ: “Những thông tin sai sự thật, xuyên tạc tạo ra hoài nghi, hoang mang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội”, chuyên gia pháp lý Trịnh Văn cho rằng, cơ quan chức năng tùy vào tính chất, mức độ, mục đích và hậu quả gây ra để xử lý người tung tin đồn về hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, Điều 8, Luật An ninh mạng nghiêm cấm hành vi đưa thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại đến hoạt động kinh tế xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Người có hành vi này gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Khoản 1, Điều 288 Bộ luật Hình sự về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet với mức phạt tù lên đến 3 năm.

Đài Truyền thanh Thọ Xuân