Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

Vẫn còn nhiều phụ huynh và học sinh, nhất là học sinh tiểu học không đội MBH khi tham gia giao thông bằng các phương tiện xe máy, xe gắn máy vi phạm quy định về trật tự ATGT

Đăng lúc: 19/03/2018 (GMT+7)
100%

Như chúng tôi đã đưa tin, hiện nay tình trạng người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy vi phạm quy định về trật tự ATGT, nhất là việc không đội MBH đang diễn ra khá phổ biến trên địa bàn huyện ta. Đặc biệt, điều này không chỉ diễn ra ở học sinh THPT, mà ngay cả học sinh tiểu học và một bộ phận phụ huynh học sinh khi đưa đón con em mình đi học.

           Để làm rõ vấn đề này, phóng viên  Đài Truyền thanh đã khảo sát thực tế sau giờ tan trường tại một số cổng trường học trên địa bàn huyện.

 

Một số hình ảnh phụ huynh và học sinh đưa đón con em khi tan học tại trường Tiểu học Thọ Lâm

          Tại cổng trường  tiểu học Thọ Lâm, theo quan sát của chúng tôi, trước khi tan học từ 10 đến 15 phút đã có rất đông phụ huynh học sinh đứng ở khu vực cổng trường, người đi xe đạp, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, trong số đó, nhiều người đã chấp hành nghiêm việc đội MBH, song cũng không ít người không đội MBH, hoặc có MBH nhưng chỉ treo ở xe. Khi tan trường, các em học sinh được phụ huynh đón lên xe, nhưng điều đáng nói là chỉ rất ít phụ huynh học sinh đội MBH cho con em mình, còn đại đa số những học sinh này đều không đội MBH. Trong khi Nghị định số 46 đã quy định rõ về xử phạt hành chính đối với người điều khiển, người ngồi trên xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe môtô và các loại xe tương tự như xe gắn máy không đội MBH. Luật Giao thông đường bộ Việt Nam cũng có quy định rõ về việc trẻ em từ 6 tuổi trở lên phải đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy và xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc chấp hành quy định này của phần lớn phụ huynh còn mang tính thụ động, nhiều người vẫn thờ ơ với việc đội MBH cho bản thân và cho con em mình khi tham gia giao thông.

          Khi được chúng tôi hỏi về việc đội MBH thì một số phụ huynh lấy lý do nhà gần, đi có một đoạn ngắn nên bản thân không đội. Đặc biệt, nhiều người còn tự tin khẳng định khả năng bảo vệ con nếu xảy ra tai nạn, rồi lý do sợ MBH không đảm bảo chất lượng dễ gây tổn thương cho trẻ khi gặp tai nạn hoặc trẻ cảm thấy không thoải mái khi đội mũ bảo hiểm,… Thói quen này của các bậc phụ huynh vô tình trở thành mối đe dọa lớn đối với tính mạng của trẻ, đặc biệt là khi xảy ra tai nạn giao thông thì không đội MBH chính là một trong những nguyên nhân gây ra chấn thương sọ não và chấn thương phần đầu vĩnh viễn.

          Trao đổi với cô giáo Bùi Thị Lân - Tổng phụ trách đội, Trường Tiểu học Thọ Lâm, chúng tôi được biết từ năm học 2016 - 2017, nhà trường đã xây dựng và đưa vào hoạt động mô hình cổng trường ATGT - xanh sạch đẹp. Trường đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp để tuyên truyền đến phụ huynh và học sinh về quy định trật tự ATGT, trong đó trọng tâm là việc đội MBH, song trên thực tế, hiệu quả mới dừng lại ở việc học sinh chấp hành về quy định phân luồng như xếp hàng, không chen lấn, xô đẩy khi tan học, còn sau khi ra khỏi cổng trường, được phụ huynh đón bằng phương tiện mô tô, xe gắn máy thì chỉ số ít là đội MBH, tình trạng phụ huynh và các em không đội MBH vẫn còn rất nhiều.

          Từ thực tiễn trên, cho thấy sự thờ ơ của người lớn đối với tính mạng của bản thân và của con em mình, trong đó có việc không chấp hành nghiêm hoặc cố tình vi phạm các quy định của pháp luật về trật tự ATGT. Đáng lo ngại hơn, tình trạng coi thường pháp luật của một bộ phận phụ huynh là tác nhân chính dẫn tới việc hình thành thói quen, ý thức xấu khi tham gia giao thông của con trẻ.

          Việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông là rất cần thiết, không chỉ đảm bảo an toàn mà còn góp phần hình thành ý thức chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ của trẻ. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần phải gương mẫu trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự ATGT vừa để bảo vệ bản thân và bảo vệ con em mình, vừa để trẻ làm theo.

          Bên cạnh đó, các cấp, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về văn hóa giao thông, nhất là đối với học sinh để các em tự giác thực hiện; đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ khi tham gia giao thông, góp phần vì một quê hương phồn vinh, an toàn, đảm bảo văn hóa giao thông.

Đài Truyền thanh huyện Thọ Xuân