Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

Lê Đại Hành và quê hương làng Trung Lập

Đăng lúc: 11/04/2019 (GMT+7)
100%

Ngày 24/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt với Di tích kiến trúc nghệ thuật đền thờ Lê Hoàn, xã Xuân Lập. Trải qua hơn 1.000 năm được khởi dựng, duy tu và gìn giữ, đền thờ Lê Hoàn vẫn là một công trình kiến trúc cổ xưa với những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể còn lưu giữ đến ngày nay.

           

        

Làng Trung Lập xã Xuân Lập hiện vẫn còn những dấu tích về người anh hùng dân tộc Lê Hoàn thời thơ ấu cùng với những truyền thuyết dân gian. Ngôi miếu nhỏ chỉ rộng chừng 30 mét vuông đã được người dân xã Xuân Lập tôn thờ nhiều đời nay, gọi là “Nền sinh Thánh”. Tương truyền, đây là nơi bà Đặng Thị sinh ra Lê Hoàn.

        Theo sử sách: Lê Hoàn sinh ngày 15 tháng 7 năm Tân Sửu (tức mồng 10 tháng 8 năm 941) trong một gia đình nông dân nghèo, cha là Lê Mịch, mẹ là Đặng Thị Sen. Trong cuộc đời 64 năm với 10 năm làm Thập đạo tướng quân, 24 năm làm vua trị vì đất nước, Lê Đại Hành đã lãnh đạo quân dân Đại Cồ Việt phá Tống, bình Chiêm, mở mang bờ cõi, xây dựng đất nước hưng thịnh. Ông là vị vua mở đầu cho lễ tịch điền nhằm khuyến khích sản xuất nông nghiệp dưới chế độ phong kiến Việt Nam. Tương truyền, sau khi vua Lê Đại Hành mất, để ghi nhớ công ơn, dân làng Trung Lập đã xây dựng một ngôi miếu nhỏ bằng tre trên mảnh đất xưa kia gia đình nhà vua ở để phụng thờ. Phía trước miếu, nhân dân đào một ao lớn để làm minh đường. Đến đời Hồng Đức, vua Lê Thánh Tông đã cho xây dựng đền thờ quy mô như ngày nay. Đền thờ vua Lê Đại Hành gồm 3 tòa liên kết với nhau thành chữ công. Đây là một trong những công trình kiến trúc văn hóa nghệ thuật cổ độc đáo bậc nhất còn lại trên đất Thọ Xuân. Trong đền thờ Lê Hoàn có hai tấm bia quý. Một tấm bia khắc vào năm Hoàng Định thứ 2 (1602) và một tấm bia khắc vào năm Vĩnh Tộ 8 (1626).

 Là một làng sinh ra vua, gọi là đất “quý hương” nên tín ngưỡng, tập quán của làng Trung Lập cũng khác với nhiều vùng quê trong khu vực. Ngày nay làng vẫn còn giữ được nhiều mỹ tục trong đời sống văn hóa vật chất và tinh thần như: tục làm bánh răng bừa gắn với tích Vua Lê Hoàn cày ruộng tịch điền, tục nung bánh chưng, tục ăn tết lại…. Với những phong tục, tập quán tốt đẹp, những di sản văn hóa quý giá đã được người dân lưu giữ ngàn đời nay, làng Trung Lập đã góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa Việt.

Đài Truyền thanh Thọ Xuân

                                                                                                          
Các tin khác