Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

Xã Thọ Thắng xây dựng thành công vùng rau an toàn theo tiêu chuẩn Vietgap

Đăng lúc: 27/11/2019 (GMT+7)
100%

Về xã Thọ Thắng, chúng tôi ghé thăm cánh đồng rau màu tập trung được sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap tại thôn Thọ Long khi trời đã gần trưa, thế nhưng điều đầu tiên chúng tôi ghi nhận được là những luống rau cải xanh mướt, những ruộng đậu, ruộng dưa, ruộng ớt chi chít quả ....Nhiều bà con nông dân địa phương đang chăm sóc và thu hoạch các loại rau màu cười nói rôm rả, thể hiện rõ niềm vui mừng, phấn khởi, bởi vùng quy hoạch rau tập trung của địa phương với quy mô 6 ha vừa được Trung tâm kiểm nghiệm chất lượng Nông - Lâm - Thủy sản Thanh Hóa cấp giấy chứng nhận vùng rau đạt tiêu chuẩn Vietgap.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND, trưởng Ban chỉ đạo sản xuất xã Thọ Thắng cho biết: Thọ Thắng là địa phương có truyền thống sản xuất rau màu từ nhiều năm nay. Riêng thôn Thọ Long của xã có diện tích trồng rau vụ đông luôn chiếm 80% đất canh tác.

Trước yêu cầu ngày càng cao về chất lượng an toàn thực phẩm của người tiêu dùng, trồng rau an toàn đang là một trong những hướng phát triển bền vững của ngành Nông nghiệp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một số nông dân chưa thực hiện đúng quy trình sản xuất rau an toàn nên chất lượng rau chưa đảm bảo, đặc biệt về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người tiêu dùng. Mặt khác, bà con nông dân canh tác theo truyền thống, manh mún, nhỏ lẻ nên thu nhập còn hạn chế, chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Để phát huy lợi thế và nguồn lực của địa phương, đồng thời thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ xã Thọ Thắng về xây dựng vùng sản xuất an toàn, tập trung theo hướng canh tác bền vững, nâng cao thu nhập cho người nông dân, cung ứng sản phẩm rau sạch cho người tiêu dùng. UBND xã làm chủ đầu tư và đã xây dựng dự án sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn Vietgap được UBND huyện phê duyệt với quy mô 6 ha tại xứ đồng Bông, Dọc Muồng, Bãi Ná, Con Ngựa thuộc thôn Thọ Long. Thời gian thực hiện từ tháng 6/2019.

Để dự án thực sự đạt hiệu quả, địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, những lợi ích thiết thực của việc sản xuất rau an toàn,... từ đó tạo sự đồng thuận. Tổ chức tập huấn, tham quan mô hình, v.v....Do đó, đã có 48 hộ gia đình tham gia, trồng dưa chuột, mướp đắng, ớt, quả này, đậu xanh và một số loại rau màu khác.

Trồng rau an toàn quy mô tập trung theo tiêu chuẩn Vietgap tại thôn Thọ Long, xã Thọ Thắng giúp người dân cải thiện thêm thu nhập, giá thành sản phẩm cao hơn nhiều so với phương thức canh tác cũ. Hiện nay, bà con đang tập trung thu hoạch các loại rau đậu. 1 kg dưa chuột thương lái nhập tại ruộng hiện có giá 10.000; mướp đắng 10.000 đến 12.000đ/ kg; ớt Chỉ thiên giá từ 18.000 - 20.000đ/ kg. Trung bình 1 ha cho thu nhập gần 200 triệu đồng/ vụ.

Chị Lê Thị Xuân, thôn Thọ Long, xã Thọ Thắng, là một trong những hộ dân tham gia mô hình cho biết: "Để có được sản phẩm rau, dưa bảo đảm an toàn thực phẩm, chúng tôi bắt buộc phải tuân thủ đúng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn, từ việc lựa chọn cây giống, các loại phân bón, nguồn nước tưới, thời gian gieo trồng... Điều này đặt ra những yêu cầu, điều kiện khắt khe hơn với những hộ trồng rau, dưa như tôi trong quá trình sản xuất. Nhưng bù lại sản phẩm rau, dưa của chúng tôi trồng ra luôn đảm bảo về chất lượng và đã được công nhận đạt tiêu chuẩn Vietgap. Là những người nông dân, chúng tôi sẽ tiếp tục sản xuất rau đảm bảo ATTP để cung cấp cho thị trường".  

Có thể nói, dự án vùng sản xuất rau an toàn tập trung theo tiêu chuẩn Vietgap tại thôn Thọ Long - xã Thọ Thắng bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực, từng bước tạo nên thương hiệu rau an toàn của địa phương. Đây là một hướng đi được xác định nhằm hướng đến một nguồn thực phẩm sạch, an toàn, đảm bảo an toàn thực phẩm cung cấp cho người tiêu dùng./.

Đài Truyền thanh Thọ Xuân