Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

Trả lời một số vướng mắc của người nộp thuế về nội dung thuế thu nhập doanh nghiệp

Đăng lúc: 02/08/2021 (GMT+7)
100%

Thời gian qua Cục thuế Thanh Hóa nhận được nội dung phản ánh về những vướng mắc của người nộp thuế khi thực hiện chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Cục Thuế tập hợp các nội dung vướng mắc và trả lời như sau:

 Câu 1: Doanh nghiệp quý I, quý II, quý III trong năm không phát sinh thuế TNDN và quý IV có phát sinh thuế TNDN, nhưng khi quyết toán năm thì không phải nộp thuế TNDN (năm nay có lãi nhưng do kết chuyển lỗ năm trước sang), vậy DN có phải nộp thuế TNDN tạm tính quý IV không?

Trả lời: Theo quy định hiện hành, trường hợp sau khi chuyển lỗ vào thu nhập các quý của năm, DN không phát sinh số thuế TNDN phải nộp thì không phải tạm nộp thuế TNDN quý.

Câu 2: Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, trong năm 2020, DN ký hợp đồng lao động với chuyên gia nước ngoài có cam kết trong hợp đồng là chi trả chi phí cách ly tại khách sạn và chi phí điều trị (nếu có) khi vào Việt Nam làm việc nhưng chi phí thuê nhà hàng tháng người lao động tự chi trả. Xin hỏi chi phí cách ly có được tính vào chi phí được trừ của DN không?

Trả lời: Về vấn đề này, Tổng cục Thuế đã có công văn số 5032/TCT-CS ngày 26-11-2020 hướng dẫn về chính sách thuế đối với chi phí cách ly phòng chống dịch bệnh COVID-19 của chuyên gia nước ngoài. Căn cứ tại Điều 4, Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22-6-2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế thu nhập DN, thì: Đối với chi phí cách ly tại khách sạn và chi phí điều trị cho chuyên gia nước ngoài mà DN ký hợp đồng lao động với người lao động, trong đó có ghi khoản chi về tiền nhà do DN trả cho người lao động thì khoản chi phí trả cho cơ sở cách ly được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN nếu có đầy đủ hóa đơn, chứng từ và thanh toán theo quy định.

Câu 3: Hưởng ứng công văn kêu gọi từ Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương, DN chi hỗ trợ 300 triệu đồng cho công nhân trên địa bàn tỉnh Bình Dương phải ở lại ăn tết Nguyên Đán do dịch bệnh COVID-19, xin hỏi khoản chi phí nêu trên có được ghi nhận là chi phí hợp lý?

Trả lời: Về việc tính khoản hỗ trợ, tài trợ của DN cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 44/2021/NĐ-CP, ngày 31-3-2021 quy định cụ thể vấn đề nêu trên. Đề nghị DN căn cứ thực hiện.

Câu 4:

Chi phí năm 2019 nhưng các bộ phận quên đưa chứng từ, cuối năm 2020 kế toán mới nhận được các chứng từ này, vậy các chi phí trên được tính vào chi phí hợp lệ của 2020 không?

Lương hiệu quả công việc năm 2020 dự định trả vào Tết Nguyên đán năm 2021 nhưng do khó khăn kinh tế, DN chưa trả được cho nhân viên mà trả vào tháng 4 hoặc tháng 5-2021. Vậy DN có được tính ghi nhận vào chi phí hợp lệ của năm 2021 không? Nếu không, DN được ghi nhận chi phí hợp lệ của khoản chi trả này vào kỳ thuế năm nào?

Trả lời:

1. Theo quy định của pháp luật thuế TNDN hiện hành, các khoản chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN trong kỳ tính thuế phải liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và có đầy đủ hóa đơn chứng từ theo quy định. Các hóa đơn, chứng từ năm 2019 nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định để được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN của năm 2019 thì DN thực hiện kê khai điều chỉnh, bổ sung hồ sơ khai thuế TNDN năm 2019 theo đúng quy định pháp luật thuế TNDN và quản lý thuế.

2. Theo quy định của pháp luật thuế TNDN hiện hành, chi tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp phải trả cho người lao động nhưng hết thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế năm thực tế chưa chi thì không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

Hằng năm, DN được trích lập quỹ dự phòng tiền lương không quá 17% quỹ tiền lương thực hiện. Trường hợp, năm trước DN có trích lập quỹ dự phòng tiền lương mà sau 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính, DN chưa sử dụng hoặc sử dụng không hết quỹ dự phòng tiền lương thì DN phải tính giảm chi phí của năm sau.

Do vậy, các khoản chi trả tiền lương sau thời điểm quyết toán thuế thì DN có thể chi từ quỹ dự phòng tiền lương theo quy định nêu trên.

Câu 5: Công ty đầu tư mới một hệ thống điện mặt trời kết hợp với năng lượng có giá trị 14,9 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty đầu tư mới một hệ thống điện mặt trời kết hợp với năng lượng, giá trị trên 14,9 tỷ đồng và cả hai dự án ở huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa. Xin hỏi dự án của Công ty có được hưởng ưu đãi về thuế TNDN là miễm 4 năm đầu, giảm 50% cho năm tiếp theo áp dụng mức thuế suất 10% hay không?

Trả lời: Theo quy định của pháp luật thuế TNDN hiện hành thì DN được hưởng ưu đãi thuế TNDN đối với dự án đầu tư mới (dự án đầu tư độc lập) hoặc dự án đầu tư mở rộng theo điều kiện địa bàn ưu đãi đầu tư hoặc lĩnh vực ưu đãi đầu tư.Việc xác định dự án đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Trường hợp DN hỏi về đầu tư hệ thống điện mặt trời kết hợp với năng lượng và thực hiện tại địa bàn huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa (thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn), DN căn cứ quy định tại Luật thuế TNDN số14/2008/QH12Luật số 32/2013/QH13Luật số 71/2014/QH13Nghị định số 218/2013/NĐ-CPNghị định số 12/2015/NĐ-CP và văn bản hướng dẫn thi hành, tình hình thực tế thực hiện dự án đầu tư để xác định mức ưu đãi thuế TNDN đối với dự án đầu tư của DN theo quy định.

Câu 6:

Công ty có vay của bên liên kết khi so sánh với giao dịch độc lập thì có lãi suất cao hơn và có tỷ lệ chi phí lãi vay nhỏ hơn 30%. Vậy phần tiền lãi cao hơn so với giao dịch độc lập đó có được tính vào chi phí hợp lý không?

Chi phí cách ly, phí xét nghiệm dịch COVID - 19 của người lao động nước ngoài do DN chi trả có được tính vào chi phí hợp lý không

Nếu người nộp thuế có công ty mẹ tối cao ở nước ngoài mà theo quy định phải nộp báo cáo lợi nhuận liên quốc gia cho cơ quan thuế thì có kê khai phụ lục IV theo Nghị định 132 không?

Trả lời:

1. Trường hợp DN có quan hệ liên kết và phát sinh giao dịch liên kết thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Nghị định số 132/2020/NĐ-CP thì chi phí phí lãi vay được trừ xác định theo quy định của Luật thuế TNDN và các văn bản hướng dẫn thi hành, đồng thời được xác định theo quy định tại Khoản 3 Điều 16 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP.

Đồng thời, DN phải chứng minh, xác định giá của giao dịch đi vay từ bên liên kết theo nguyên tắc giao dịch độc lập và nguyên tắc bản chất giao dịch, hoạt động sản xuất, kinh doanh quyết định nghĩa vụ thuế.

2. Chi phí cách ly, phí xét nghiệm dịch COVID - 19 của người lao động nước ngoài do công ty trả:

Về vấn đề này, Tổng cục Thuế đã có công văn số 5032/TCT-CS ngày 26-11-2020 hướng dẫn về chính sách thuế đối với chi phí cách ly phòng, chống dịch Covid – 19 của Chuyên gia nước ngoài. Căn cứ tại Điều 4, Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22-6-2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế thu nhập DN thì: Đối với chi phí cách ly tại khách sạn và chi phí điều trị cho chuyên gia nước ngoài mà DN ký hợp đồng lao động với người lao động, trong đó có ghi khoản chi về tiền nhà do DN trả cho người lao động thì khoản chi phí trả cho cơ sở cách ly tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN nếu có đầy đủ hóa đơn, chứng từ và thanh toán theo quy định.

3. Nếu người nộp thuế có công ty mẹ tối cao ở nước ngoài mà theo quy định phải nộp báo cáo lợi nhuận liên quốc gia cho cơ quan thuế nước sở tại (nước của Công ty mẹ cư trú) thì không phải kê khai phụ lục IV theo nghị định 132/2020/NĐ-CP. Trong trường hợp này, nghĩa vụ liên quan đến báo cáo lợi nhuận liên quốc gia của Công ty con tại Việt Nam được thực hiện theo điểm c, d, đ khoản 5 Điều 18 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP.

Câu 7: Xin hỏi những trường hợp nào được giảm 30% thuế TNDN năm 2020?

Trả lời: Đối tượng được giảm 30% thuế TNDN năm 2020 thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 116/2020/QH14 và Nghị định số 114/2020/NĐ-CP. Theo đó, giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của kỳ tính thuế TNDN năm 2020 đối với trường hợp tổ chức có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng.

Tổ chức bao gồm:

DN được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã.

Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập.

Câu 8: Năm 2020 vì dịch bệnh nên DN nghỉ và không sản xuất thêm hàng hóa, chỉ tiêu thụ hàng tồn của năm 2019. Xin hỏi chi phí khấu hao máy móc sản xuất trong năm 2020 và chi phí nhân công sản xuất 1 tháng đầu năm (chỉ dọn dẹp khu sản xuất) thì DN có được tính là chi phí được trừ trong năm 2020 không? Nếu được trừ thì DN hạch toán vào chi phí quản lý hay chi phí sản xuất? Vì nếu tính vào chi phí máy móc sản xuất thì lại không có sản phẩm sản xuất ra.

Trả lời: Để tháo gỡ khó khăn cho DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID -19, Bộ Tài chính đã có hướng dẫn các DN gặp khó khăn phải tạm dừng hoạt động một số tài sản cố định dưới 9 tháng trong kỳ tính thuế TNDN năm 2020, sau đó tài sản cố định tiếp tục đưa vào phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh thì khoản chi phí khấu hao tài sản cố định này được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

Về chi phí tiền lương thực hiện theo quy định hiện hành.

Câu 9: Thông tư 78/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định DN được chuyển lỗ tính liên tục không quá 5 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ. Năm 2015, DN lỗ, bắt đầu 2016 lãi và năm 2016, 2017 DN đã làm chuyển lỗ nhưng vẫn chưa hết. Năm 2018, 2019 DN quên không chuyển lỗ, DN không muốn nộp lại báo cáo tài chính năm 2018, 2019, thì năm 2020 vẫn trong vòng 5 năm DN có thể chuyển số lỗ còn lại vào năm 2020 không?

Trả lời: Theo quy định khoản 2 Điều 9 Thông tư 78/2014/TT-BTC: DN sau khi quyết toán thuế mà bị lỗ thì chuyển toàn bộ và liên tục số lỗ vào thu nhập (thu nhập chịu thuế đã trừ thu nhập miễn thuế) của những năm tiếp theo. Thời gian chuyển lỗ tính liên tục không quá 5 năm, kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ.” Trường hợp DN của bạn không thực hiện chuyển lỗ liên tục số lỗ phát sinh của năm 2015 (quên chuyển lỗ vào năm 2018, 2019) là chưa đúng quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư 78/2014/TT-BTC nêu trên. Vì vậy, nếu DN chưa được thanh tra, kiểm tra thuế tại DN đối với kỳ tính thuế TNDN năm 2018 và 2019 thì thực hiện kê khai bổ sung hồ sơ khai thuế TNDN năm 2018 và 2019 theo quy định của pháp luật về quản lý thuế để thực hiện chuyển lỗ phát sinh của năm 2015 vào 2 năm đó.

Câu 10: Trong năm 2020, DN chúng tôi có vay vốn của ngân hàng thương mại để phục vụ hoạt động, kinh doanh với tỉ lệ trên 25% vốn chủ sở hữu. Vậy trường hợp này có phải là giao dịch liên kết không? Tỉ lệ 25% theo Nghị định số 132/2020/NĐ-CP là tính trên số dư nợ vay hay trên từng món vay?

Trả lời: Về việc xác định giao dịch liên kết: Tại điểm d khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định: Một DN bảo lãnh hoặc cho một DN khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự), với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp chủ sở hữu của DN đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung, dài hạn của DN đi vay.”

Trường hợp DN vay của ngân hàng thương mại với tỷ lệ trên 25% vốn chủ sở hữu và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn được xác định là các bên có quan hệ liên kết. Khi đó giao dịch phát sinh giữa 2 bên là giao dịch liên kết.

Về việc xác định tỷ lệ 25% trên vốn chủ sở hữu được tính trên tổng số dư nợ vay.

Câu 11: Công ty A là công ty con của Công ty B (B là DN 100% vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam). Công ty A có vay tiền của công ty mẹ tại nước ngoài của Công ty B. Xin hỏi đây có phải là giao dịch liên kết hay không?

Theo công thức tính EBITDA để tính chi phí lãi vay được trừ thì phần chi phí lãi vay là chi phí đã thực trả trong năm hay tính toàn bộ chi phí bao gồm chi phí trích trước?

Chi phí lãi vay bị loại toàn bộ nếu Công ty B lỗ và EBITDA âm có đúng không?

Nếu EBITDA âm mà Công ty A có lãi tiền gửi thì chi phí lãi vay bị loại bằng tổng chi phí lãi vay trừ lãi tiền gửi đúng không?

Trả lời:

Tại điểm a khoản 3 Điều 16 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định:

a) Tổng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ của người nộp thuế;

b) Phần chi phí lãi vay không được trừ theo quy định tại điểm a khoản này được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo khi xác định tổng chi phí lãi vay được trừ trong trường hợp tổng chi phí lãi vay phát sinh được trừ của kỳ tính thuế tiếp theo thấp hơn mức quy định tại điểm a khoản này. Thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 5 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ…

Chi phí lãi vay được trừ được xác định là chi phí lãi vay hạch toán tương ứng với doanh thu hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN trong năm bao gồm chi phí lãi vay trích trước tương ứng với doanh thu họat động sản xuất, kinh doanh.

Trường hợp tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ âm (EBITDA âm) thì phần chi phí lãi vay không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN và phần chi phí lãi vay không được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo theo điểm b khoản 3 Điều 16 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP.

Nếu EBITDA âm mà DN A có lãi tiền gửi thì chi phí lãi vay không được trừ bằng (=) tổng chi phí lãi vay - lãi tiền gửi, lãi cho vay.

Câu 12:

Thuê nhà của Giám đốc làm văn phòng có là giao dịch liên kết không?

Hiện tại hóa đơn đầu vào, đầu ra, sổ kế toán có thể lưu theo hình thức điện tử, không cần in ra, vậy có phải in phiếu nhập - xuất hàng không hay chỉ cần lưu file theo hình thức điện tử?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP, giao dịch thuê nhà của Giám đốc làm văn phòng không phải là giao dịch liên kết.

Sổ sách kế toán Công ty thực hiện theo quy định hiện hành về chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ.

Theo baothanhhoa.vn