Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

Hội nghị đánh giá kết quả các mô hình ứng dụng công nghệ cao và công tác tích tụ ruộng đất trong sản xuất nông nghiệp

Đăng lúc: 29/09/2017 (GMT+7)
100%

Sáng ngày 21/9, UBND huyện tổ chức hội nghị đánh giá kết quả các mô hình ứng dụng công nghệ cao và công tác tích tụ ruộng đất trong sản xuất nông nghiệp. Dự và Chỉ đạo hội nghị có đồng chí Lê Anh Xuân, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; đồng chí Lưu Trọng Quang, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường.

 

Đ/c Lê Đình Hải, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện phát biểu khai mạc hội nghị.

          Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo phòng trồng trọt sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các đồng chí Ủy viên BTV Huyện ủy, Thường trực HĐND, UBND huyện; Trưởng các ban, phòng, ngành, MTTQ và các đoàn thể cấp huyện; thành viên BCĐ sản xuất huyện; Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND, Công chức Nông nghiệp – Môi trường, Công chức Địa chính – Xây dựng các xã, thị trấn; đại diện các công ty, HTX, trang trại, hộ gia đình tiêu biểu trong công tác ứng dụng tiến bộ KHKT và tích tụ ruộng đất trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Toàn cảnh hội nghị

          Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe báo cáo kết quả tích tụ đất đai và các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Thọ Xuân đến năm 2017. Theo đó, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020 về việc thực hiện các khâu đột phá trong phát triển nông nghiệp, giai đoạn 2016 – 2020; các mục tiêu của chương trình phát triển nông nghiệp toàn diện ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2016 – 2020. Đến nay, toàn huyện đã tích tụ được 988,6ha đất nông nghiệp; trong đó, lĩnh vực trồng trọt 638,3ha; chăn nuôi 83,6ha; thủy sản 189,3ha; lâm nghiệp 77,4ha. Hình thức tích tụ chủ yếu là thuê quyền sử dụng đất. Các đối tượng tham gia tích tụ, tập trung ruộng đất gồm có: 6 doanh nghiệp tham gia tích tụ đất đai sản xuất nông nghiệp; trong đó, 5 doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực trồng trọt, diện tích tích tụ 57,5ha, bình quân 11ha/doanh nghiệp; 1 doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực chăn nuôi, diện tích 16.3ha; 5 HTX tham gia tích tụ đất đai trong lĩnh vực trồng trọt, diện tích 69,95ha, chủ yếu sản xuất lúa giống, rau màu thông qua liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm; 330 hộ gia đình, cá nhân; trong đó, lĩnh vực trồng trọt 226 hộ, diện tích 519,85ha, bình quân 2,3ha/hộ. Chăn nuôi 38 hộ, diện tích 67,28ha, bình quân 1,7ha/hộ; thủy sản có 65 hộ, diện tích 178ha, bình quân 2,4ha/hộ. Công tác tích tụ đất đai trên địa bàn huyện đã hình thành 1 số vùng sản xuất có diện tích tập trung lớn như: Tích tụ, chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trang trại tổng hợp, nuôi trồng thủy sản tại đồng Xốn, xã Thọ Trường với diện tích 75ha với 13 hộ tham gia; khu chăn nuôi tập trung tại khu đồng Ngâu, xã Nam Giang với diện tích 20ha với 9 hộ tham gia; khu Dõng Trí, xã Xuân Hòa với diện tích 23ha, 4 hộ tham gia; khu đồng Bãi Miềng, xã Xuân Bái với diện tích 32,2ha trồng mía công nghệ cao; vùng đất bãi Hạnh Phúc với diện tích 29ha trồng cây ăn quả, măng bát độ, sắn dây, nhiều loại rau màu khác; vùng đất bãi Thọ Lập với diện tích 20ha trồng mía; vùng đất bãi Xuân Hòa với diện tích 20ha trồng khoai tây xuất khẩu; vùng cây ăn quả Xuân Thành với diện tích 25ha, Thọ Nguyên 10ha, Bắc Lương 10ha…. Các mô hình trên bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao tạo thuận lợi để các hộ, các doanh nghiệp yên tâm đầu tư ứng dụng quy trình sản xuất công nghệ cao, cơ giới hóa đồng bộ, sản xuất hàng hóa. Bên cạnh đó, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện ngày càng phát triển. Ứng dụng các tiến bộ khoa học về giống cây trồng có năng suất cao, chất lượng vào sản xuất. Chương trình cơ giới hóa đồng bộ ở một số xã như: Xuân Thành, Xuân Tín, Thọ Xương. Ứng dụng hệ thống tưới tự động cho cây ăn quả, thâm canh mía ở Thọ Xương, Thọ Lâm, Xuân Trường. Hệ thống nhà lưới để sản xuất rau, hoa, quả, tiêu biểu như: hộ anh Tám, Thọ Diên, công ty CP Great Farm, xã Xuân Khánh, sản xuất rau an toàn tại xã Thọ Xương, Thọ Hải. Ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực chăn nuôi lợn, gà thịt tại một số trang trại trong huyện.

Đại biểu tham luận tại hội nghị

 Từ những kết quả trên đây, toàn huyện phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản phẩm trên 1ha canh tác đạt 100 triệu đồng trở lên/năm. Tỷ lệ giá trị sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn đạt 30% trở lên; phấn đấu có 10% số xã trở lên có diện tích đất nông nghiệp hình thành cánh đồng mẫu lớn. Xây dựng vùng cây ăn quả tập trung tại các xã: Xuân Thành, Bắc Lương, Thọ Nguyên, Hạnh Phúc, Thọ Diên, Thọ Lâm, Xuân Hưng, Xuân  Phú, Xuân Lam, Thọ Xương, Xuân Bái,… Xây dựng vùng sản xuất rau an toàn, sản xuất rau trong nhà lưới tại các xã Thọ Hải, Xuân Lai, Xuân Tân, Xuân Khánh. Xây dựng và phát triển các khu trang trại chăn nuôi lợn ngoại tập trung quy mô lớn, khép kín tại các xã Xuân Thành, Thọ Nguyên, Nam Giang, Xuân Sơn, Thọ Lập, Xuân Hưng, Xuân Hòa,… Xây dựng và phát triển tập trung nuôi thâm canh, phát triển đàn gà lông màu, đẩy nhanh ứng dụng công nghệ sinh học vào chăn nuôi tại các xã Xuân Châu, Quảng Phú, Xuân Phú, Xuân Lam, Xuân Thắng, Thọ Lập,… Xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản kết hợp với trang trại tổng hợp tại các xã Xuân Vinh, Thọ Trường, Xuân Hòa, Xuân Lập, Xuân Phong, Nam Giang, Xuân Sơn, Xuân Khánh,...

          Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, nêu rõ những khó khăn, vướng mắc và đưa ra các giải pháp cụ thể, nhằm góp phần đạt hiệu quả cao hơn trong việc ứng dụng công nghệ cao và công tác tích tụ ruộng đất trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện trong thời gian tới.

Đ/c Lê Anh Xuân, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện phát biểu tại hội nghị

          Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Lê Anh Xuân, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện ghi nhận và biểu dương những kết quả đã đạt được về công tác triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tích tụ ruộng đất trên địa bàn toàn huyện đến năm 2017. Để tiếp tục triển khai có hiệu quả các mô hình ứng dụng công nghệ cao và tích tụ ruộng đất trong sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới, đồng chí Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện đề nghị UBND huyện khẩn trương phê duyệt quy hoạch phát triển nông nghiệp của huyện đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; chỉ đạo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các xã, thị trấn công bố quy hoạch và tổ chức phát triển nông nghiệp theo quy hoạch. Trước ngày 15/11/2017, UBND huyện phải tổ chức đối thoại giữa UBND huyện với các ngành và các ngân hàng nông nghiệp, các hợp tác xã, các chủ trang trại, các hộ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đề nghị UBND huyện chỉ đạo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị báo cáo sơ kết đánh giá hoạt động của các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện và phối hợp với phòng Tài chính – Kế hoạch tham mưu cho BTV Huyện ủy, HĐND huyện về cơ chế hỗ trợ các HTX sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. UBND huyện chỉ đạo các phòng: Nông nghiệp, TN và MT phối hợp với Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn tham mưu chương trình ký kết về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giữa UBND huyện với Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn. Trên cơ sở chương trình phát triển nông nghiệp của huyện, giai đoạn 2015 – 2020 và quy hoạch phát triển nông nghiệp của huyện, giai đoạn 2017 – 2020, định hướng đến năm 2025, UBND huyện chỉ đạo các phòng, ngành chức năng tham mưu cho BCH Đảng bộ huyện ban hành Nghị quyết chuyên đề về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giai đoạn 2018 – 2025. UBND huyện mỗi quý một lần bố trí ½ ngày tiếp và nghe các HTX, các chủ trang trại, các hộ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thời gian được công bố công khai trên hệ thống truyền thanh từ huyện đến cơ sở trước 15 ngày và báo cáo với Thường trực Huyện ủy những vấn đề phát sinh sau buổi tiếp để kịp thời chỉ đạo giải quyết. UBND huyện trích kinh phí cho đoàn thăm quan của cán bộ huyện, cán bộ phòng nông nghiệp, cán bộ một số xã và mời một số hộ sản xuất, chủ doanh nghiệp tham gia học tập kinh nghiệm mô hình sản sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Lâm Đồng. Về công tác tích tụ ruộng đất, UBND huyện khẩn trương xây dựng Đề án tích tụ ruộng đất của huyện báo cáo BTV Huyện ủy trước ngày 30/11/2017; chỉ đạo phòng TN và MT, phòng Nông nghiệp tích cực hỗ trợ pháp lý cho các xã trong quá trình triển khai tích tụ ruộng đất. Thành lập BCĐ của huyện về tổ chức thực hiện Đề án tích tụ ruộng đất, do đồng chí Chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban. Trong quá trình xây dựng Đề án của huyện đề nghị Đảng ủy các xã, thị trấn chỉ đạo UBND các xã, thị trấn xây dựng các phương án tích tụ ruộng đất của xã. Cũng tại hội nghị, đồng chí Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện cũng đề nghị sở TN và MT, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm, giúp đỡ và tạo điều kiện cho huyện trong quá trình triển khai tích tụ ruộng đất.

          Nhân dịp này, Chủ tịch UBND huyện đã khen thưởng 7 tập thể và 11cá nhân đạt thành tích xuât sắc trong việc ứng dụng công nghệ cao và công tác tích tụ ruộng đất trong sản xuất nông nghiệp.

Các tập thể cá nhân được khen thưởng

Đài Truyền thanh huyện Thọ Xuân