Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về chính sách khuyến khích phát triển khoa học và công nghệ trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025

Đăng lúc: 02/08/2021 (GMT+7)
100%

Theo đó, sẽ thực hiện chính sách hỗ trợ trong việc ứng dụng kỹ thuật cao trong khám bệnh, chữa bệnh; hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm thẻ chân trắng; hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa, gạo chất lượng cao theo chuỗi giá trị hàng hóa quy mô lớn; hỗ trợ đầu tư mới hoặc đổi mới công nghệ cao trong bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản; hỗ trợ đầu tư mới hoặc đổi mới công nghệ - thiết bị sản xuất cát nhân tạo (cát nghiền).

 Ngày 17-7-2021, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 20/2021/NQ-HĐND về việc ban hành chính sách khuyến khích phát triển khoa học và công nghệ trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021- 2025.

Cụ thể: Chính sách hỗ trợ trong việc ứng dụng kỹ thuật cao trong khám bệnh, chữa bệnh được áp dụng với các đối tượng là: Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập có giấy phép hoạt động trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; các bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh (chỉ hỗ trợ cho các dự án đầu tư trang thiết bị không sử dụng ngân sách nhà nước). Các đối tượng được hỗ trợ phải đảm bảo đồng thời các điều kiện sau: bắt đầu thực hiện và hoàn thành việc nhận chuyển giao kỹ thuật trong khoảng thời gian từ ngày nghị quyết có hiệu lực đến ngày 31/12/2025, phải được cơ quan có thẩm quyền quyết định cho phép triển khai. Một số kỹ thuật được hỗ trợ là: Ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh; Ứng dụng kỹ thuật phẫu thuật bằng robot; Ứng dụng kỹ thuật ghép tạng, cấy ghép các bộ phận trên cơ thể; Ứng dụng kỹ thuật Oxy hóa qua màng ngoài cơ thể (ECMO); Ứng dụng sinh học phân tử trong chẩn đoán và điều trị; Ứng dụng kỹ thuật chụp mạch số hóa xóa nền (DSA)… Mức hỗ trợ: 30% tổng giá trị đầu tư. Mức hỗ trợ tối đa không quá 5 tỷ đồng/kỹ thuật.

Chính sách hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm thẻ chân trắng áp dụng với các đối tượng là: Các tổ chức (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác), hộ gia đình, cá nhân đang hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Các đối tượng được hỗ trợ phải đảm bảo đồng thời các điều kiện sau: Bắt đầu thực hiện và hoàn thành việc ứng dụng công nghệ cao nuôi tôm thẻ chân trắng trong khoảng thời gian từ ngày Nghị quyết có hiệu lực đến ngày 31/12/2025; Diện tích nuôi từ 0,5 ha trở lên trong nhà bạt, nhà màng hoặc nhà kính; Được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện nuôi trồng thủy sản; Công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng thuộc Danh mục công nghệ cao ban hành kèm theo Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quyết định số 38/2000/QĐ- TTg ngày 30/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ, hoặc các văn bản thay thế của cơ quan có thẩm quyền tại thời điểm hỗ trợ; Áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP hoặc GlobalGAP; Đã sản xuất được ít nhất 1 vụ... Mức hỗ trợ là 30% tổng mức chi phí đầu tư. Mức hỗ trợ tối đa không quá 3 tỷ đồng/tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.

Chính sách hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa gạo chất lượng cao theo chuỗi giá trị hàng hóa quy mô lớn áp dụng với đối tượng là: Các tổ chức (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác), hộ gia đình, cá nhân đang hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Các đối tượng được hỗ trợ phải đảm bảo đồng thời các điều kiện sau: Bắt đầu thực hiện và hoàn thành việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa, gạo trong khoảng thời gian từ ngày Nghị quyết có hiệu lực đến ngày 31/12/2025; Diện tích liên kết sản xuất lúa chất lượng cao từ 100 ha trở lên; Giống lúa đưa vào sản xuất là giống chất lượng cao thuộc cơ cấu bộ giống chủ lực của tỉnh Thanh Hóa, được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành trong phương án sản xuất hàng vụ; Công nghệ sản xuất lúa, gạo thuộc Danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quyết định số 38/2000/QĐ- TTg ngày 30/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ, hoặc các văn bản thay thế của cơ quan có thẩm quyền tại thời điểm hỗ trợ; Máy móc, thiết bị mua mới phục vụ trực tiếp ứng dụng công nghệ sản xuất lúa, gạo phải mới 100%; Áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (Hữu cơ hoặc VietGAP hoặc GlobalGAP) được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận; Đã sản xuất được ít nhất 1 vụ; Sản phẩm gạo được công bố tiêu chuẩn áp dụng, có nhãn hàng hóa, có tem truy xuất nguồn gốc. Mức hỗ trợ là 30% tổng mức chi phí đầu tư. Mức hỗ trợ tối đa không quá 3 tỷ đồng/tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.

Chính sách hỗ trợ đầu tư mới hoặc đổi mới công nghệ cao trong bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản áp dụng cho các đối tượng là: Các tổ chức (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác), hộ gia đình, cá nhân đang hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Các đối tượng được hỗ trợ phải đảm bảo đồng thời các điều kiện sau: Bắt đầu thực hiện và hoàn thành việc đầu tư mới hoặc đổi mới toàn bộ công nghệ trong bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản trong khoảng thời gian từ ngày Nghị quyết có hiệu lực đến ngày 31-12-2025; Công nghệ được đầu tư mới hoặc đổi mới phải thuộc Danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14-3-2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quyết định số 38/2000/QĐ- TTg ngày 30/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ, hoặc các văn bản thay thế của cơ quan có thẩm quyền tại thời điểm hỗ trợ; Máy móc, thiết bị được đầu tư mới hoặc đổi mới toàn bộ phục vụ trực tiếp cho ứng dụng công nghệ cao trong bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản phải mới 100%, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; Sản phẩm nông, lâm, thủy sản được bảo quản, chế biến phải công bố tiêu chuẩn áp dụng, có nhãn hàng hóa và tem truy xuất nguồn gốc. Mức hỗ trợ là 30% tổng mức chi phí đầu tư. Mức hỗ trợ tối đa không quá 3 tỷ đồng/tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.

Chính sách hỗ trợ đầu tư mới hoặc đổi mới công nghệ - thiết bị sản xuất cát nhân tạo (cát nghiền) áp dụng cho đối tượng là: Các tổ chức (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác), hộ gia đình, cá nhân đang hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Các đối tượng được hỗ trợ phải đảm bảo đồng thời các điều kiện sau: Bắt đầu thực hiện và hoàn thành việc đầu tư mới hoặc đổi mới toàn bộ công nghệ - thiết bị sản xuất cát nhân tạo (cát nghiền) trong khoảng thời gian từ ngày Nghị quyết có hiệu lực đến ngày 31-12-2025; Máy móc, thiết bị được đầu tư mới hoặc đổi mới toàn bộ phục vụ sản xuất cát nhân tạo (cát nghiền) phải mới 100%, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có công suất thiết kế> 50 tấn/giờ; Sản phẩm cát nhân tạo (cát nghiền) phải được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy theo quy định hiện hành; Đã sản xuất và tiêu thụ được ít nhất 75.000 tấn cát (tương đương khoảng 50.000m3) tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ. Mức hỗ trợ là 30% tổng giá trị đầu tư. Mức hỗ trợ tối đa không quá 5 tỷ đồng/tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.

Nghị quyết cũng quy định rõ trình tự, thủ tục hỗ trợ. Căn cứ quy định về điều kiện hỗ trợ của từng nội dung hỗ trợ được quy định tại Nghị quyết này, Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm chủ trì và phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh thông báo về nội dung hỗ trợ, điều kiện hỗ trợ đối với từng chính sách quy định tại Nghị quyết trên Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh và trang thông tin điện tử của Sở. Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng thụ hưởng lập 3 bộ hồ sơ đề nghị hỗ trợ; nộp trực tiếp hoặc qua Bưu điện về Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Thanh Hóa.

Thời gian thực hiện: Từ ngày Nghị quyết có hiệu lực đến ngày 31-12-2025. HĐND tỉnh giao UBND tỉnh căn cứ Nghị quyết này và các quy định của pháp luật tổ chức triển khai thực hiện.

Theo baothanhhoa.vn