Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị thẩm định Đề án đề nghị công nhận thị trấn Lam Sơn, thị trấn Sao Vàng và khu vực dự kiến mở rộng huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa đạt tiêu chí đô thị loại IV

Đăng lúc: 01/06/2018 (GMT+7)
100%

Chiều ngày 31/5/2018, tại Hà Nội, Hội đồng thẩm định Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị thẩm định Đề án đề nghị công nhận thị trấn Lam Sơn, thị trấn Sao Vàng và khu vực dự kiến mở rộng huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa đạt tiêu chí đô thị loại IV. Đồng chí Nguyễn Tường Văn, Cục Trưởng Cục phát triển đô thị, Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị còn có các đồng chí đại diện các Bộ, ngành Trung ương là thành viên Hội đồng thẩm định. Về phía tỉnh Thanh Hóa có các đồng chí: Lê Anh Tuấn, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đào Vũ Việt, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa; đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng và các phòng chuyên môn thuộc Sở Xây dựng. Về phía huyện Thọ Xuân có các đồng chí: Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Thọ Xuân, Lê Đình Hải, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, Nguyễn Hữu Dũng, Ủy viên BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND huyện, Lê Văn Duyệt, Ủy viên BCH Đảng bộ huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện; đại diện lãnh đạo một số phòng, ngành liên quan thuộc UBND huyện Thọ Xuân.

Đ/c Nguyễn Tường Văn, Cục Trưởng Cục phát triển đô thị, Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng Thanh Hóa đã trình bày báo cáo Đề án đề nghị công nhận thị trấn Lam Sơn, thị trấn Sao Vàng và khu vực dự kiến mở rộng huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa đạt tiêu chí đô thị loại IV. Theo đó, nằm ở phía Tây tỉnh Thanh Hóa, Thọ Xuân không chỉ là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công do anh hùng dân tộc Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa mà còn là một trong những cái nôi của văn hóa xứ Thanh. Đô thị Lam Sơn – Sao Vàng huyện Thọ Xuân được xác định là 1 trong 4 cụm công nghiệp trung tâm của cả tỉnh. Cùng với đô thị Ngọc Lặc, đô thị Lam Sơn – Sao Vàng có vai trò thúc đẩy nhanh quá trình tăng trưởng kinh tế vùng miền núi phía Tây của tỉnh Thanh Hoá.

Đ/c Lê Anh Tuấn, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị

Thị trấn Lam Sơn, thị trấn Sao Vàng và khu vực dự kiến mở rộng bao gồm toàn bộ ranh giới của thị trấn Lam Sơn, thị trấn Sao Vàng và các xã Xuân Bái, Xuân Lam, Thọ Xương và một phần các xã Thọ Lâm, Xuân Phú, Xuân Thắng. Khu vực này thuộc ranh giới quy hoạch chung đô thị Lam Sơn – Sao Vàng đã được chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tại Quyết định 4480/QĐ-UBND ngày 15/12/2014. Đây là Khu vực được Thủ tướng Chính phủ định hướng là đô thị trong chuỗi phát triển đô thị của cả nước dọc tuyến đường Hồ Chí Minh tại quyết định số 27/2004/QĐ-TTg ngày 02/3/2004. Bên cạnh đó, địa bàn cũng có một trong những căn cứ quân sự quan trọng nhất của Không quân nhân dân Việt Nam, với Trung đoàn không quân 923 thực hiện chức năng bảo vệ và canh giữ không phận và hải đảo khu vực phía Bắc. Hiện nay, đây cũng là căn cứ của loại máy bay hiện đại nhất không quân Việt Nam Su-30. Thị trấn Lam Sơn, thị trấn Sao Vàng và khu vực dự kiến mở rộng có: Phía Bắc giáp xã Xuân Thiên, huyện Thọ Xuân và xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc; Phía Nam giáp phần còn lại của xã Xuân Phú, Xuân Thắng huyện Thọ Xuân; phía Đông giáp xã Thọ Diên, Xuân Hưng huyện Thọ Xuân; Phía Tây giáp huyện Thường Xuân (Ranh giới là sông Chu). Tổng diện tích khu vực là 4.991,27 ha và dân số: 60.351 người.

Đ/c Nguyễn Minh Huân, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa báo cáo tại hội nghị

Thị trấn Lam Sơn, thị trấn Sao Vàng và khu vực dự kiến mở rộng là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử với điểm nhấn là khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh; là địa bàn kinh tế trọng điểm của tỉnh Thanh Hóa với thế mạnh phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao xuất phát điểm là các nông trường Lam Sơn, nông trường Sao Vàng và hiện nay là nhà máy mía đường Lam Sơn; đây cũng là địa phương có nhiều thuận lợi để phát triển ngành dịch vụ du lịch, vận tải với đầu mối là cảng hàng không Thọ Xuân. Với những lợi thế đó, Cơ cấu kinh tế trên địa bàn đã chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trong ngành công nghiệp, giảm tỷ trọng ngành nông – lâm – ngư nghiệp.

Thu nhập bình quân đầu người năm 2016 của khu vực đạt 39,85 triệu đồng, cao hơn so với thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh là 1,16 lần. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn khu vực đạt 72,05%; tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm dần theo các năm từ 6,24% năm 2014; 5,73% năm 2015 và 5,08% năm 2016.

Kinh tế của khu vực vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao và ổn định. Năm 2016, năm 2017, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ước đạt 15,9%, tổng giá trị sản xuất đạt gần 4.000 tỷ đồng, trong đó: Ngành Công nghiệp – Xây dựng chiếm 43,5%; Ngành Thương mại dịch vụ chiếm 38,2%; Ngành Nông – Lâm – Thủy sản chiếm 18,3%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt hơn 74 tỷ đồng. Hoạt động sản xuất công nghiệp - nông nghiệp công nghệ cao - xây dựng tại thị trấn Lam Sơn, thị trấn Sao Vàng và khu vực dự kiến mở rộng đã đóng góp tích cực cho sự phát triển của nền kinh tế - xã hội huyện Thọ Xuân, kéo theo sự thay đổi, biến chuyển lớn cho tất cả các xã trung du, bán sơn địa vùng Tây và phía Bắc huyện, hình thành trung tâm công nghiệp mía đường và một vùng chuyên canh mía rộng lớn của Thọ Xuân và các huyện miền núi cận kề.

Ngoài các nhà máy đã đi vào hoạt động, đô thị Lam Sơn – Sao Vàng cũng đã thu hút được nhiều dự án đã và đang triển khai. Tính đến cuối năm 2016, Thị trấn Lam Sơn, thị trấn Sao Vàng và khu vực dự kiến mở rộng đã thu hút được 64 dự án đầu tư, trong đó: Tổng số vốn đầu tư đăng ký hơn 16.862 tỷ đồng; tổng vốn thực hiện đến nay đạt 6.554,3 tỷ đồng; tổng diện tích đất sử dụng để thực hiện dự án là 2.597,08 ha.

Hàng năm, vào ngày 22 – 8, âm lịch được cả nước biết đến là lễ hội Lam Kinh với các nghi thức truyền thống, tái hiện nhiều sự kiện trọng đại thời Lê như: trống hội, cờ hội, rước kiệu, tế lễ … Đan xen với hoạt động văn hoá lễ hội là các hoạt động Văn hoá - Thể thao - Du lịch của chính quyền địa phương tổ chức gồm: Festival trò diễn dân gian; Hội trại các làng văn hoá tiêu biểu của huyện; dạ hội văn hoá dân tộc; trưng bày triển lãm hiện vật, tranh ảnh, sách báo giới thiệu lịch sử văn hoá về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn; tổ chức biểu diễn nghệ thuật. Tổ chức thi đấu các môn thể thao dân tộc đã thu hút được số lượng lớn khách du lịch đến thăm quan, du lịch. Tính đến năm 2016 tổng lượng khách đến du lịch tại Thị trấn Lam Sơn, thị trấn Sao Vàng và khu vực dự kiến mở rộng đạt hơn 400.000 lượt với khoảng 2.000 lượt khách Quốc tế.

Bên cạnh công nghiệp và thương mại, sản xuất nông nghiệp của khu vực cũng có những thay đổi đáng kể, một phần diện tích đất nông nghiệp được chuyển dần sang chăn nuôi và trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Tổng sản lượng lương thực có hạt khoảng 20.000 tấn, Giá trị sản xuất trên 1ha canh tác đạt trên 96,5 triệu đồng, chăn nuôi phát triển hình thành các trang trại tập trung quy mô lớn nhỏ có giá trị kinh tế cao, đồng thời phát triển đàn gia cầm theo hướng nuôi công nghiệp. Ngoài ra Thị trấn Lam Sơn, thị trấn Sao Vàng và khu vực dự kiến mở rộng còn rất quan tâm bảo vệ rừng, đảm bảo phủ xanh đất trống, đồi núi trọc.

Thời gian gần đây tốc độ phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn khá nhanh nên đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, nhu cầu xây dựng nhà ở cũng như các công trình công cộng, phúc lợi xã hội phát triển mạnh. Đến năm 2016 tổng diện tích sàn nhà ở trong khu vực là hơn 1.293.452 m2. Diện tích nhà ở bình quân theo khu vực đạt 28,65 m2/người. Chất lượng nhà ở tương đối được cải thiện với tỷ lệ nhà ở kiên cố, nhà ở bán kiên cố đạt 88,5%.

Hệ thống y tế trong khu vực đã và đang được đầu tư để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Tại thị trấn Thọ Xuân là trung tâm hành chính huyện lỵ đã có 1 bệnh viện đa khoa với quy mô 280 giường. Song thị trấn Lam Sơn, thị trấn Sao Vàng và khu vực dự kiến mở rộng hiện nay nhu cầu chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh tại chỗ rất cao. Hiện nay khu vực đã từng bước hoàn thiện việc xây dựng và củng cố các công trình y tế - trên địa. Hiện tại có các phòng khám tư nhân (32 giường lưu trú) và 06 trạm y tế xã (61 giường lưu trú).

Nhìn chung, hệ thống công trình văn hóa – thể thao các cấp đã được đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ, đáp ứng nhu cầu sử dụng. Các công trình văn hóa, thể dục thể thao quy mô cấp đô thị đã được đầu tư xây dựng như: Trung tâm văn hóa thuộc công ty cổ phần mía đường Lam Sơn và các Trung tâm văn hóa thuộc thị trấn Lam Sơn, thị trấn Sao Vàng. Tại các xã, công trình văn hóa, thể thao cũng đang từng bước được xây dựng kiên cố, khang trang. Bên cạnh đó, do phong trào thể dục thể thao tăng cao nên  trên địa bàn còn có các công trình thể dục thể thao tư nhân đã đáp ứng được nhu cầu tập luyện thể thao của nhân dân trong khu vực.

Hệ thống cơ sở giáo dục đào tạo trên địa bàn ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng. Về giáo dục phổ thông  -  toàn bộ khu vực đều có mạng lưới trường phổ thông, trong đó có 7 trường Mầm non, 7 trường Tiểu học, 7 trường THCS, 2 trường PTTH. Hệ thống trường tương đối hoàn chỉnh cho nhu cầu sử dụng. Đến nay, 100% số xã có trung tâm giáo dục cộng đồng, góp phần thúc đẩy phong trào học tập của toàn xã hội.

Hệ thống các công trình dịch vụ thương mại cơ bản phủ khắp địa bàn, đáp ứng được nhu cầu giao thương hàng tiêu dùng của nhân dân, hiện tại trong khu vực có 1 siêu thị, 4 chợ khu vực và các cửa hàng tiện ích phục vụ người dân với nhiều mặt hàng phong phú. Đặc biệt đầu năm 2016, trên địa bàn đã tổ chức thành công Hội chợ Xuân Lam Sơn  – “Vì chất lượng cuộc sống”. Hội chợ đã thu hút được 150 gian hàng của hơn 100 tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, các HTX, làng nghề tham gia trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Tính đến năm 2016 trên địa bàn đã có 17 khách sạn, nhà nghỉ với những khách sạn có quy mô hàng trăm giường tiếp đón hàng nghìn lượt khách mỗi năm.

Công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao hiện tại đang là thế mạnh của thị trấn Lam Sơn, thị trấn Sao Vàng và khu vực dự kiến mở rộng với 6 nhà máy hoạt động hiệu quả gồm: nhà máy đường Lam Sơn, nhà máy giấy Mục Sơn, nhà máy rượu cồn, nhà máy phân vi sinh, nhà máy phân bón Sao Vàng, nhà máy cơ giới vận tải giao thông thủy lợi và trung tâm nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn. Ngoài ra còn có một số cơ sở tiểu thủ công nghiệp nhỏ như sửa chữa điện tử, may mặc hàng thủ công, dịch vụ sửa chữa cơ khí, sản xuất hàng kim loại, các làng tiểu thủ công nghiệp phát triển tại thị trấn Lam Sơn, Sao Vàng, Thọ Xương, Xuân Bái với các ngành nghề như cót nan, cót ép, đan lát, sản xuất vật liệu-khai thác cát sỏi... Các ngành nghề truyền thống tiếp tục phát triển gắn với thị trường tiêu thụ, thu hút lao động và tăng thu nhập cho bình quân cho người lao động.

Thị trấn Lam Sơn, thị trấn Sao Vàng và khu vựa dự kiến mở rộng có vị trí là trung tâm giao nhau của nhiều tuyến đường giao thông quan trọng như: Đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 47, đường Sao Vàng – Nghi Sơn, tỉnh lộ 514, tỉnh lộ 506 tạo thuận lợi trong lưu thông và giao thương giữa huyện Thọ Xuân và các địa phương trong khu vực và trong cả nước.

Gần đây UBND tỉnh Thanh Hóa cho đầu tư đưa vào sử dụng tuyến đường giao thông dài 69km kết nối trực tiếp với Khu kinh tế Nghi Sơn, tạo thành hành lang nông nghiệp công nghệ cao từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn.

Đặc biệt, Cảng hàng không Thọ Xuân – Cầu nối giao thông hiện đại chính thức đi vào hoạt động từ năm 2013, đang khai thác hiệu quả các đường bay trong nước và có tốc độ tăng trưởng đột phá.  Năm 2016, lượng khách qua cảng đạt hơn 900 nghìn lượt trong đó ngoài các đường bay nội địa có đường bay quốc tế Thanh Hóa – Bangkok (Thái Lan), tăng trên 500% so với năm 2014 và vượt xa so với quy hoạch đến năm 2020.

Theo định hướng đến năm 2020, Cảng hàng không Thọ Xuân sẽ mở thêm các đường bay:  Thanh Hóa - Đà Nẵng, Thanh Hóa - Cần Thơ, Thanh Hóa – Pleiku, Thanh Hóa – Phú Quốc, Thanh Hóa – Chu Lai, Thanh Hóa – Đà Lạt và mở các đường bay quốc tế: Thanh Hóa – Singapore, Thanh Hóa – Viêng chăn (Lào)  để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, mạnh và bền vững của tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh lân cận.

Hệ thống cấp thoát nước, cấp điện, viễn thông, vệ sinh môi trường trong khu vực cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển. Hiện nay khu vực có 1 nhà máy cấp nước công suất thực tế 6500m3/ng.đ,  bao gồm các hạng mục công trình trạm bơm nước thô, trạm xử lý, trạm bơm tăng áp và gần 27 km tuyến ống. Ngoài ra, một số cơ sở sản xuất kinh doanh có các trạm cấp nước nội bộ như nhà máy đường Lam Sơn có 2 trạm bơm nước ngầm với tổng công suất 1.000m3/ngày đêm.

Tỷ lệ dân trong khu vực được cấp nước sạch, hợp vệ sinh đạt hơn 92%; tiêu chuẩn cấp nước sinh hoạt dân số khu vực hiện nay đạt bình quân khoảng 107,7 lít/người/ngày đêm.

Internet phát triển nhanh và đang dần mở rộng quy mô sử dụng. Đến nay, các cơ quan, công sở... đã hòa mạng Internet. Hiện nay tỉ lệ sử dụng internet đạt tỉ lệ 23,43 máy/100 dân, trong đó chủ yếu dùng internet băng thông rộng di động chiếm 73%.

Thị trấn Lam Sơn, thị trấn Sao Vàng và khu vực dự kiến mở rộng được xác định là 1 trong 4 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, nên vấn đề môi trường đặc biệt quan tâm. Hiện nay bên cạnh những chất thải sinh hoạt đơn thuần những phế thải có nguồn gốc công nghiệp có xu hướng tăng lên nhanh chóng. Vấn đề rác thải đã bắt đầu xuất hiện ở thị trấn Lam Sơn – Sao Vàng. Định hướng Chất thải rắn sẽ được phân loại tại nguồn sau đó chuyển đến các trạm trung chuyển, phân loại sơ bộ sau đó vận chuyển về khu xử lý Chất thải rắn tập trung. Khu xử lý Chất thải rắn tập trung được quy hoạch tại xã Xuân Phú với diện tích 20 ha, hiện nay đã đầu tư với diện tích 2 ha với số vốn hơn 20 tỷ đồng.

Trong quá trình phát triển đô thị, địa phương đã có những chính sách để nâng cao công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực quản lý đô thị như: Quản lý đất đai; xây dựng đô thị; sử dụng, khai thác các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, trật tự an toàn đô thị, môi trường, cây xanh, điện chiếu sáng công cộng và các hoạt động văn hóa xã hội theo tình hình phát triển thực tế của đô thị. Tốc độ đô thị hóa tăng cũng là cơ sở để khu vực đô thị Lam Sơn – Sao Vàng hình thành nên các khu đô thị mới trên địa bàn nhằm đáp ứng các nhu cầu về nhà ở của người dân đô thị. Hiện nay các nhà đầu tư đã, đang quan tâm đầu tư trên địa bàn như: Khu đô thị mới Sao Mai – Lam Sơn Sao vàng (70,69 ha), Khu resort Sao Mai Thanh Hóa,..

Với sự đầu tư đồng bộ, quản lý chặt chẽ của nhà nước và sự nỗ lực phấn đấu xây dựng của nhân dân theo quy hoạch chung đã được phê duyệt, bộ mặt đô thị khu vực thị trấn Lam Sơn, thị trấn Sao Vàng và khu vực dự kiến mở rộng đã hình thành tương đối hoàn chỉnh, tạo sự lan tỏa và có những bước phát triển đáng kể, khẳng định là vị trí trung tâm kinh tế, văn hóa xã hội của khu vực phía Tây tỉnh Thanh Hóa.

Căn cứ Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị thì Khu vực thị trấn Lam Sơn, thị trấn Sao Vàng và khu vực dự kiến mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại IV với số điểm tự đánh giá là 88,92 điểm/100 điểm (các tiêu chí đầu đạt điểm trên mức tốt thiểu và theo khung điểm quy định từ 75 – 100 điểm). Như vậy, đối với khu vực thị trấn Lam Sơn, thị trấn Sao Vàng và khu vực dự kiến mở rộng so với tiêu chí đô thị loại IV, không có khu vực ngoại thành ngoại thị thì gồm 5 tiêu chí lớn và 52 tiêu chuẩn nhỏ;  trong đó, có 26 tiêu chuẩn đạt tối đa, 21 tiêu chuẩn đạt trung bình và 05 tiêu chuẩn chưa đạt điểm, gồm: (1) Cơ sở y tế cấp đô thị (tính theo giường nằm/1000 dân); (2) Mật độ đường giao thông tính đến chiều rộng đường đạt 7,5m trở lên; (3) Tỷ lệ đường phố chính được chiếu sáng; (4) Tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý đạt chuẩn kỹ thuật; (5) Số nhà tang lễ.

Tại hội nghị, các thành viên Hội đồng thẩm định Bộ Xây dựng cũng đã phát biểu thống nhất cao với Đề án do Sở Xây dựng Thanh Hóa trình bày tại hội nghị, đồng thời nhấn mạnh và đề nghị tỉnh Thanh Hóa cần quan tâm đầu tư mở rộng các hoạt động dịch vụ du lịch gắn với phát triển khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh; quan tâm đầu tư và mở rộng mạng lưới trung chuyển hàng hóa thông qua Cảng hàng không Thọ Xuân, nhằm đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ - thương mại gắn với phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Tây tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh lân cận; đặc biệt cần quan tâm đến việc đầu tư, nâng cấp đối với 05 tiêu chuẩn theo đánh giá của Đề án là chưa đạt tiêu chuẩn,…

Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Tường Văn, Cục Trưởng Cục phát triển đô thị, Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định đánh giá cao công tác chuẩn bị các nội dung trình tại hội nghị; đồng thời nhấn mạnh những kết quả đạt được, những mặt còn hạn chế, đồng thời phân tích nêu lên những tiềm năng, thế mạnh của khu vực thị trấn Lam Sơn, thị trấn Sao Vàng và khu vực dự kiến mở rộng huyện Thọ Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa đạt tiêu chí đô thị  loại IV và Công bố kết quả chấm điểm của các thành viên Hội đồng thẩm Bộ Xây dựng đối với Đề án đề nghị công nhận khu vực thị trấn Lam Sơn, thị trấn Sao Vàng và khu vực dự kiến mở rộng huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa đạt tiêu chí đô thị  loại IV. Kết quả đạt 86,12/100 điểm. Với kết quả trên khu vực thị trấn Lam Sơn, thị trấn Sao Vàng và khu vực dự kiến mở rộng huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa đạt tiêu chí đô thị loại IV và với kết quả trên là căn cứ để Hội đồng thẩm định trình Bộ trưởng Bộ Xây dựng quyết định công nhận khu vực thị trấn Lam Sơn, thị trấn Sao Vàng và khu vực dự kiến mở rộng huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa đạt tiêu chí đô thị loại IV.

Cũng tại hội nghị, đồng chí Lê Anh Tuấn, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã phát biểu cảm ơn Hội đồng thẩm định Bộ Xây dựng, đồng thời tiếp thu toàn bộ các ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng thẩm định và giao cho Sở Xây dựng phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Thọ Xuân hoàn chỉnh Đề án trình Bộ Trưởng Bộ Xây dựng quyết định khu vực thị trấn Lam Sơn, thị trấn Sao Vàng và khu vực dự kiến mở rộng huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa đạt tiêu chí đô thị loại IV.

 Đài Truyền thanh Thọ Xuân