Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

Hỗ trợ người lao động vượt khó

Đăng lúc: 01/07/2021 (GMT+7)
100%

Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), chỉ riêng trong quý I - 2021, đại dịch Covid-19 đã khiến 540.000 người bị mất việc và hàng triệu lao động phải tạm nghỉ, nghỉ giãn việc, giảm thu nhập. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các chính sách hỗ trợ người lao động và chủ sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

 Lao đao vì đại dịch

Sáng 20-6, mới 8 giờ sáng mà trời đã nắng như đổ lửa. Nhóm lao động (LĐ) tự do, trong đó có anh Thủy (quê Tương Dương, Nghệ An) ngồi xúm lại tránh nắng dưới gầm cầu vượt đường vành đai 2. Ai cũng có một chiếc khăn mặt ướt vắt vai kèm vài chai nước lavie cũ. Chỉ đợi có ai dừng xe là họ lại lao đến. Nhưng lâu lắm rồi, ngồi cả ngày mà cũng chả có ai cần thuê người ghé qua. Với công việc là phụ hồ xây dựng và phụ làm nội thất nhưng nay có bất cứ việc gì họ cũng làm. “Tôi không về quê mà bám trụ lại thành phố, nhưng dịch thế này, kiếm công việc qua ngày cũng khó quá. Mấy anh em chúng tôi lập lán ở tạm trong công trình xây dựng dở dang. Còn bữa ăn thì lại chạy qua mấy cổng bệnh viện lớn xin suất từ thiện…”, anh Thủy nói mà giọng nghèn nghẹn. 

Khi “cơn bão” Covid-19 quét qua, nhiều người lao động (NLĐ) yếu thế rơi vào tình cảnh “bần cùng hóa”. Như trường hợp chị Hoa làm tạp vụ tại một khách sạn nhỏ trên phố Ngõ Huyện (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Gia đình chị quê ở Bắc Kạn cũng thuộc nhóm hộ nghèo, thu nhập trước đây của hai vợ chồng chủ yếu từ làm xe ôm công nghệ, làm thuê vặt vãnh… Tuy nhiên, từ khi chồng gặp tai nạn nghỉ mất sức, một mình chị Hoa cáng đáng thu nhập trong gia đình nhờ công việc tạp vụ này. 

“Trước bình quân mỗi tháng làm tạp vụ được hơn 5 triệu đồng, chi tiêu tằn tiện cả tháng cũng gửi được vài triệu về cho ba bố con. Thế nhưng từ khi khách sạn đóng cửa vì dịch, không còn thu nhập, tôi đành ở lại thành phố để xoay xở. Hằng ngày tôi đi dọn dẹp nhà cửa cho  các hộ dân và đi thu gom đồng nát, sắt vụn... còn tối ngủ tạm gầm cầu Chương Dương hay phía bên kia con đường gốm sứ ở phố Hồng Hà”, chị Hoa bùi ngùi chia sẻ.

Còn Lâm (19 tuổi) quê ở Tuyên Quang xuống Bắc Giang làm ở khu công nghiệp (KCN). Dịch Covid-19 xuất hiện khiến nhà máy của Lâm phải đóng cửa. Em bỗng mất việc và không còn thu nhập. Lâm vẫn trọ lại huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) và hằng ngày chỉ ăn đồ cứu trợ. “Em làm được đồng nào là gửi về quê cho bố chữa bệnh cho mẹ. Mẹ em bị ung thư gan đang chữa ở bệnh viện tỉnh. Dưới em còn hai em nhỏ ăn học nữa. Em không muốn về quê để thêm gánh nặng cho bố. Nay cô chủ nhà trọ đã cho em nợ tiền thuê nhà. Em sẽ ráng chờ đợi khi nào các nhà máy mở cửa trở lại để đi xin việc”. 

Đợt dịch cuối tháng 4-2021 đã tác động mạnh tới thị trường lao động và sản xuất, kinh doanh, tiến công vào các KCN, KCX - nơi tập trung một lượng lớn LĐ, có các doanh nghiệp (DN) trong chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế, thu ngân sách. Tính đến nay, Bắc Giang đã buộc phải đóng cửa bốn KCN với 322 DN, tổng số gần 150.000 LĐ phải tạm ngừng việc; Bắc Ninh có 42.000 LĐ phải ngừng việc; Hải Phòng có hơn 30.000 LĐ bị ảnh hưởng tiêu cực. Tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc... một số khu vực phong tỏa, giãn cách đã phải đóng cửa một số hoạt động kinh doanh thiết yếu, ảnh hưởng việc làm, thu nhập của hàng triệu LĐ. 

Khẩn trương hoàn thiện dự thảo

Theo Bộ LĐ-TB&XH, kết quả triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đối với NLĐ mất việc làm và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ, tính đến ngày 27-5-2021, đã hỗ trợ bằng tiền mặt cho hơn 14,4 triệu đối tượng (11,9 triệu người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; hơn 1,3 triệu LĐ có giao kết hợp đồng LĐ; hơn 1 triệu LĐ không có giao kết hợp đồng lao động và hơn 37.300 hộ kinh doanh) với tổng kinh phí hơn 32.694 tỷ đồng. Theo dự kiến, nguồn lực ban đầu khi đề xuất gói hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là khoảng 61.580 tỷ đồng nhưng kết quả thực hiện hỗ trợ chỉ đạt hơn 53% so kế hoạch.  

Xuất phát từ tình hình lao động, việc làm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, đồng thời bám sát chủ trương về thực hiện “mục tiêu kép” vừa khôi phục sản xuất vừa phòng, chống dịch, Bộ LĐ-TB&XH đang xin ý kiến các bộ, ngành để trình Chính phủ dự thảo về việc hỗ trợ đối với NLĐ bị mất việc làm và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ trả lương ngừng việc, đóng BHXH cho NLĐ phải ngừng việc do DN, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên ở các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT bị tạm dừng hoạt động hoặc giảm hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19.

Ngân sách nhà nước hỗ trợ cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay ưu đãi đối với DN nhỏ và vừa, HTX, tổ hợp tác, hộ kinh doanh trong các lĩnh vực, ngành nghề bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch Covid-19.

Hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho NLĐ bị mất việc làm có hoàn cảnh khó khăn: NLĐ đang thuê nhà, NLĐ có nuôi con dưới sáu tuổi bị chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc, nghỉ việc không hưởng lương tại các DN, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên ở các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT bị tạm ngừng hoạt động do yêu cầu của chính quyền để phòng dịch Covid-19.

Thực hiện chính sách cho vay không có tài sản bảo đảm với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động; hỗ trợ dòng tiền cho các DN, vừa để bảo đảm việc làm cho NLĐ.

Bộ LĐ-TB&XH đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết quy định: “Người sử dụng LĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 dẫn đến phải giảm từ 20% số LĐ tham gia BHXH trở lên so thời điểm tháng 4-2021 (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương) thì NLĐ và người sử dụng LĐ được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất không quá sáu tháng kể từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị xét hưởng”.

Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ một phần kinh phí và vận động nguồn đóng góp của các cơ quan, doanh nghiệp, địa phương để triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho NLĐ tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp nhằm bảo đảm an toàn cho nguồn nhân lực sản xuất.

Xem xét giải quyết chế độ BHXH với lao động p

Hỗ trợ người lao động vượt khó -0
Nhiều lao động bị mất việc làm vì đại dịch. Ảnh: SONG ANH 

hải cách ly y tế

Cùng với đó, nhằm chia sẻ khó khăn, bảo đảm cuộc sống của NLĐ và gia đình do phải cách ly y tế theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng trình Chính phủ xem xét, giải quyết chế độ BHXH đối với NLĐ phải cách ly y tế để phòng, chống dịch Covid-19.

Bộ LĐ-TB&XH đưa ra hai điều kiện đối với địa phương và NLĐ để được hưởng chế độ BHXH khi cách ly.

Đối với NLĐ đang thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc và có đóng BHXH bắt buộc tháng liền kề trước khi nghỉ việc vì cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19; có giấy tờ hợp pháp liên quan tới việc NLĐ phải cách ly y tế như “quyết định cách ly y tế”...

Đối với địa phương (cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) thì Bộ LĐ-TB&XH đưa ra hai phương án: Phương án 1 là tại thời điểm áp dụng chính sách, địa phương có số ca dương tính với SARS-CoV-2 bằng 0,1% dân số trở lên; phương án 2 là tại thời điểm áp dụng chính sách, địa phương có tỷ lệ người lao động đang tham gia BHXH bắt buộc có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 bằng 0,1% trở lên.

Mức hưởng chế độ sẽ tính theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật BHXH về mức hưởng chế độ ốm đau, tức là bằng 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Theo Bộ LĐ-TB&XH tính toán, với tiền lương bình quân tháng đóng BHXH năm 2020 là 5,6 triệu đồng/tháng thì mức hưởng chế độ ốm đau trong trường hợp này là 175.000 đồng/ngày. Trong trường hợp hỗ trợ 300.000 NLĐ trong 21 ngày cách ly (tương ứng với 18 ngày làm việc) thì số tiền hỗ trợ ước tính là khoảng 945 tỷ đồng, bằng 7,4% kết dư quỹ ốm đau và thai sản hiện nay.
Theo nhandan.vn