Cổng thông tin điện tử huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa
THỌ XUÂN PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH HUYỆN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO VÀO TRƯỚC NĂM 2024, ĐẾN NĂM 2025 TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN DẪN ĐẦU CÁC PHONG TRÀO CỦA TỈNH, ĐẾN NĂM 2030 TRỞ THÀNH THỊ XÃ THỌ XUÂN
date

Chiến lược - Định Hướng - Quy hoạch

Thọ Xuân: Vùng đất văn hóa lịch sử, giàu tiềm năng du lịch, cần được đánh thức

Đăng lúc: 21/03/2016 (GMT+7)
100%

Giữa bao la, mênh mông của núi đồi, với bạt ngàn màu xanh bát ngát của mía, ngô, sắn, lúa, lạc, khoai trên những cánh đồng tít tắp thẳng cánh cò bay, Thọ Xuân được ví như một bức tranh sơn thủy hữu tình của tạo hóa ban tặng.

Thọ Xuân:  Vùng đất văn hóa lịch sử, giàu tiềm năng du lịch, cần được đánh thức
Lễ hội kỷ niệm 520 năm ngày mất của Thái hậu Ngô thị Ngọc Dao tại huyện Thọ Xuân

Với cấu trúc địa lý một cách hài hòa giữa núi non, ruộng đồng, sông suối, lại ẩn chứa trong lòng nhiều huyền thoại đặc sắc nhất là cố đô Lam Kinh đầy tính sử thi và hùng tráng, cùng hơn 200 di tích văn hóa lịch sử của một vùng đất cổ thiêng liêng, quê hương phát tích của triều đại nhà Lê, đã ngự trị ngai vàng, giữ vững quốc thái dân an, xã tắc thanh bình đến 362 năm, qua 26 đời vua Lê.

 

Thọ Xuân là huyện có bề dày lịch sử văn hóa xuyên suốt hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc. Từ xa xưa, nhân dân cả nước biết đến Thọ Xuân không chỉ là vùng đất lịch sử phát triển lâu đời, mà còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử sôi động, hào hùng của dân tộc, là quê hương của nhiều danh nhân, hào kiệt, đặc biệt là vùng đất phát tích của hai vương triều Tiền Lê và Hậu Lê. Có thể nói Thọ Xuân là cái nôi linh thiêng của Xứ Thanh “địa linh nhân kiệt”, có tiềm năng dồi dào, phong phú về nhiều loại hình du lịch văn hóa lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái và du lịch danh lam thắng cảnh.

 

Trên địa bàn huyện có tới hơn 200 di tích lớn nhỏ các loại, trong đó 6 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, 38 di tích xếp hạng cấp tỉnh và hai danh lam thắng cảnh như núi Mục Sơn, đập Bái Thượng.

 

Ngoài ra, di sản phi vật thể cũng phong phú và đa dạng với nhiều trò diễn dân gian, lễ hội, nghề truyền thống như trò Xuân Phả, Ca Trù, bánh gai Tứ Trụ...

 

Với nhận thức về du lịch là ngành công nghiệp không khói, đặc biệt là từ khi Luật Di sản văn hóa, Luật Du lịch được ban hành, du lịch huyện Thọ Xuân đã có những bước chuyển biến tích cực. Công tác tôn tạo, tu bổ văn hóa và phát huy giá trị các di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh ở Thọ Xuân được các cấp, ngành quan tâm như: Dự án Khu di tích lịch sử Lê Hoàn, khu di tích lịch sử Lam Kinh, Di tích cách mạng Lê Văn Sỹ...

 

 

Trong những năm qua, việc khai thác tiềm năng du lịch ở huyện Thọ Xuân chủ yếu thông qua các tổ chức lễ hội truyền thống như lễ hội Lê Hoàn, lễ hội Lam Kinh, lễ hội Xuân Phả, lễ hội Cao Sơn, lễ hội Lê Thánh Tông, qua đó du lịch đã bước đầu được quan tâm và đầu tư bằng những chương trình quảng cáo trên đài phát thanh, truyền hình, báo chí, tờ rơi, pa nô, áp phích, khẩu hiệu, băng zôn và những gian hàng chợ quê truyền thống, những phòng trưng bày triển lãm. Do đó đã đón và giới thiệu hàng triệu lượt du khách về tham quan du lịch và dâng hương tại địa phương.

 

Tiềm năng du lịch của Thọ Xuân rất phong phú và đa dạng, song việc phát triển ngành du lịch ở địa phương còn nhiều khó khăn và trở ngại như: Nguồn vốn trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử từ nguồn ngân sách nhà nước còn quá ít, một số công trình, dự án do nhiều nguyên nhân nên tiến độ thi công chậm. Đội ngũ cán bộ công chức có chuyên môn, nghiệp vụ làm chức năng tham mưu, quản lý nhà nước về du lịch chưa nhiều. Cán bộ, chuyên viên làm du lịch chuyên nghiệp còn hạn chế, việc quan tâm đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực cho phát triển du lịch còn giới hạn. Chưa có chiến lược phát triển du lịch, quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển du lịch giai đoạn, thời kỳ chưa mang tính bài bản, đồng bộ, chưa xây dựng được các tuor du lịch với những thuyết minh chuyên nghiệp, có sức cuốn hút du khách...

 

Dù nhận thức về du lịch là ngành công nghiệp xanh, sạch, đẹp, văn minh và bước đầu đã được các cấp, các ngành quan tâm, song sự đầu tư cho ngành du lịch tại địa phương chưa tương xứng với tiềm năng vốn có cả về chương trình chiến lược, cũng như cơ sở hạ tầng và con người. Tuy nhiên, với một số lượng di tích và danh thắng khổng lồ (trên 200 di tích) như vậy, nếu để cho mình địa phương tự lo liệu, đầu tư, chỉnh trang và tu tạo thì không đủ sức làm nổi, bởi phần lớn những di tích này đã bị phong hóa theo cùng với thời gian và năm tháng.

 

Để du lịch Thọ Xuân được lan tỏa rộng khắp trong khu vực và cả nước, huyện đã triển khai nhiều giải pháp như đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho du lịch (hệ thống đường giao thông, khách sạn, nhà nghỉ và những dịch vụ kèm theo như ăn, ở, đi lại, đồ lưu niệm. Tích cực trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, khôi phục các di tích phi vật thể (trò diễn dân gian, lễ hội truyền thống, nghề truyền thống). Nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, nhân dân về vị thế, vai trò du lịch trong việc phát triển kinh tế, xã hội. Thành lập ban quản lý di tích cấp huyện, đào tạo, tuyển chọn đội ngũ cán bộ năng lực có hiểu biết về di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh làm công tác du lịch để đưa Thọ Xuân thành điểm du lịch hấp dẫn trong và ngoài tỉnh.

 

Những năm qua, do hạn chế về tài chính, nên những tiềm năng và giá trị lớn lao đó chưa đạt được như ước muốn. Vì vậy để du lịch Thọ Xuân vươn lên xứng đáng ngang tầm với các địa phương khác, rất cần có sự quan tâm mạnh mẽ của Trung ương, các bộ, ngành và tỉnh Thanh Hóa trong việc đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để du lịch Thọ Xuân vươn lên xứng với tầm cỡ và vị thế vốn có, trở thành điểm đến của du khách trong nước và quốc tế thời kỳ hội nhập. 

Xuân Trường